Của đau con xót!

THANH NNIÊN 11/01/2010 08:01 GMT+7

TTCT - Cầu thủ giỏi hiếm hoi nên giá chuyển nhượng cao ngất trời. Vì vậy, các đội bóng không thể không xót của khi có cầu thủ được triệu tập vào đội tuyển, nơi được ví như “cối xay thịt”...

Phóng to
Trọng Hoàng (8) tại SEA Games 25. Tiền vệ này chưa hoàn toàn bình phục chấn thương, nay lại phải tiếp tục có mặt ở đội tuyển VN - Ảnh: N.Khôi

Ngay trước giờ đội tuyển VN lên đường đi Libăng, một sự cố hi hữu đã xảy ra: thủ môn Dương Hồng Sơn khai báo bị mất hộ chiếu.

“Nghi án” né tuyển!

Theo kế hoạch, sáng 3-1-2010, ông Calisto dẫn 20 tuyển thủ lên đường đi Libăng để thi đấu trong khuôn khổ vòng loại Cúp châu Á, một giải đấu mà tuyển VN gần như hết hi vọng kiếm một suất vào vòng chung kết. Ngay ngày đầu năm 2010, thủ môn Dương Hồng Sơn đã báo với ban huấn luyện anh bị mất hộ chiếu khi đi chơi cùng gia đình tối 31-12-2009.

● “Nhiều người đã đặt dấu hỏi về những lần vắng mặt ở các trận đấu khó và không có “màu”. Và lần này thì ai cũng biết chuyến đi Libăng không có tiền”. (Pháp Luật TP.HCM)

● “Không biết thực hư thế nào, nhưng chuyện của Hồng Sơn làm người hâm mộ liên tưởng anh muốn né những trận đấu mà đội tuyển VN không còn cơ hội, để giữ giò khi ngày khai mạc V-League 2010 đã gần kề”. (Tiền Phong)

● “... Cơ hội của VN tại vòng loại Asian Cup không còn nhiều nên không loại trừ việc Hồng Sơn muốn né tránh thi đấu xa để dồn sức cho T&T Hà Nội trước mùa giải mới sắp khởi tranh”.

Trước tình hình này, ông Calisto không có cách nào hơn là phải triệu tập gấp thủ môn Quang Huy thế chỗ, cùng với Trần Đức Cường hợp thành bộ đôi thủ môn của tuyển VN lên đường đi Libăng.

Khi mọi chuyện đã xong xuôi, ngày 2-1 Hồng Sơn báo lại đã tìm thấy hộ chiếu. Lúc này vé đã đặt xong, Quang Huy đã có mặt nên Hồng Sơn phải (hay được) ở nhà.

Dân làng bóng lao xao bàn tán vụ mất hộ chiếu này, và nhiều lời bình cho rằng câu chuyện mất hộ chiếu chỉ là cái cớ để được ở nhà. Nhân đó, mọi người cũng nhắc lại đây là lần thứ ba Hồng Sơn “kiếm chuyện” để né đội tuyển, đều trong những chuyến đến sân khách thi đấu khuôn khổ vòng loại Cúp châu Á 2011.

Mọi người cũng nhắc lại vụ tiền đạo Công Vinh nhận thẻ phạt hết sức vô duyên trong trận thắng Libăng trên sân Mỹ Đình (lượt đi), để ngay sau đó khỏi phải tháp tùng cùng đội tuyển đi Trung Quốc. Và người ta cũng nhắc đến chuyện hồi cuối tháng 4-2009, khi CLB T&T Hà Nội xin cho Công Vinh được miễn lên tuyển nhằm ở lại phục vụ đội bóng trong giai đoạn khó khăn tại V-League.

Dĩ nhiên, từ cầu thủ đến lãnh đạo đội T&T Hà Nội đều một mực kêu oan, cho rằng không có chuyện tránh né đội tuyển để giữ giò giữ cẳng cho CLB. Nhưng tất cả đều không đủ sức dập tắt những nghi ngờ từ dư luận.

Kết cuộc tất yếu

Tại sao lại phải né tuyển khi đấy là một vinh dự cho bản thân lẫn ít nhiều cũng đánh bóng tên tuổi cho CLB?

Các chuyên gia trả lời: sự háo hức đến với tuyển chỉ có ở những cầu thủ trẻ chưa thành danh. Một khi danh đã có, trong tay cầm được bản hợp đồng trị giá vài tỉ đồng cùng với những khoản thưởng cao ngất ngưởng ở CLB, điều mà một tuyển thủ cần là giữ giò giữ cẳng.

Với tố chất không phải là hoàn hảo của đại đa số cầu thủ VN, việc một năm thi đấu cho CLB không dưới 30 trận, cùng cả chục trận cho tuyển quốc gia, tuyển U-23 nếu được triệu tập thì thật sự quá tải.

Khi xin không tập trung cùng đội tuyển chuẩn bị cho trận giao hữu với Olympiakos (Hi Lạp) hồi cuối tháng 4-2009, Công Vinh tâm sự: “Vừa vắt kiệt sức cho mùa giải 2008 là chúng tôi lao ngay vào đợt chuẩn bị cho AFF Cup. Vừa kết thúc AFF Cup là tiếp tục tập trung cho vòng loại Cúp châu Á. CLB T&T Hà Nội đã tốn quá nhiều tiền để lo cho chúng tôi, nhưng đổi lại là một kết quả đáng buồn ở V-League 2009”.

Đã có nhiều tấm gương nhãn tiền cho thấy hết lòng cống hiến thì lại thiệt thân, như Tài Em chẳng hạn. Anh chàng “Hai Lúa” này thật đáng kính trọng khi khoác áo bất cứ ở đâu, dù là CLB hay tuyển quốc gia, anh cũng đều “mở máy” chạy hết tốc lực. Và hiện Tài Em đang ôm những chấn thương dai dẳng, chưa biết được ngày trở lại với sân bóng!

Tài Em thật đáng kính trọng khi khoác áo bất cứ ở đâu, dù là CLB hay tuyển quốc gia, anh cũng đều “mở máy” chạy hết tốc lực. hiện Tài Em đang ôm những chấn thương dai dẳng, chưa biết được ngày trở lại với sân bóng!

Nói đâu xa, ngay trong chuyến đi Libăng đợt này cũng có một “cơn bão” chấn thương hoành hành tuyển VN (chuyện thường ngày trong tất cả các đợt tập trung). Những cầu thủ vừa trải qua SEA Games 25 như Trọng Hoàng, Tiến Thành, Đình Đồng, Long Giang, Thanh Hưng, Thành Lương thật sự sợ quả bóng!

Với những cầu thủ này, nỗi sợ không chỉ là tâm lý khi phải xa nhà liên tục, mà thật sự là quá tải khi thi đấu liên miên, hết V-League là vào ngay đợt cao điểm SEA Games, rồi vừa hết SEA Games thì vướng ngay đợt tập trung cho vòng loại Cúp châu Á. Và hết chuyến đi này thì chỉ có vài ngày nghỉ tết, xong lại bắt tay vào V-League mùa mới!

Nói đi thì phải nói lại. Khi mới nghe chuyện các cầu thủ tránh né tuyển, tránh né U-23, người ta rất dễ có ngay cảm giác tức giận khi nhớ đến cảnh hàng chục triệu người VN lên cơn say mỗi lần đội tuyển hay U-23 xuất trận.

Nhưng nghĩ lại cũng thông cảm cho các CLB, ai mà chẳng “của đau con xót”. Để sở hữu một cầu thủ giỏi hiện nay, CLB phải tốn 5-7 tỉ đồng chuyển nhượng là điều bình thường. Vì vậy, xót của khi bị người khác làm sứt mẻ là tâm lý bình thường của mọi người.

Phía cầu thủ, tương lai của họ nằm ở đôi chân. Nếu chấn thương buộc phải treo giày thì tương lai đi về đâu? Chúng tôi nghĩ như Tài Em chẳng hạn, đang ở độ tuổi đỉnh cao phong độ, mỗi tháng có thể kiếm được năm bảy chục triệu đồng từ nghề đá bóng để lo cho vợ con, nay chỉ nhận cỡ chục triệu đồng lương cứng thì quả là quá tội!

Vì vậy, suy cho cùng, cái tội lớn nhất trong chuyện này là sự nghèo nàn tài năng của nền bóng đá VN. Vì nghèo nên anh nào ngon lành là bị vắt đến kiệt sức.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận