Khoảng lặng trong chiến tranh

DIÊN VỸ 30/04/2025 03:18 GMT+7

TTCT - Đã có rất nhiều khoảng lặng trên khắp các chiến trường miền Nam, được ghi lại bằng ký họa.

Bức ký họa của Nguyễn Tấn Lực (1931-2012) thể hiện một đơn vị bộ đội đang chuẩn bị đón Tết năm 1972 trên đường Trường Sơn đã ghi lại một khoảnh khắc đáng nhớ, bởi sau đó không lâu là "mùa hè đỏ lửa", khi cuộc kháng chiến chống Mỹ vào hồi ác liệt nhất. 

Một khoảng lặng thật êm đềm trong chiến tranh. Đã có rất nhiều khoảng lặng như thế trên khắp các chiến trường miền Nam, được ghi lại bằng ký họa.

ký họa của Nguyễn Tấn Lực  - Ảnh 1.

Bảy Hương, đội nữ pháo binh Trảng Bàng - tranh Võ Xưởng

ký họa của Nguyễn Tấn Lực  - Ảnh 2.

Em Tiến, đoàn văn công Phân khu II (8-1969) - tranh Lê Lam

Ký họa kháng chiến (hay ký họa chiến tranh) không chỉ có những hình ảnh chiến tranh khốc liệt hay bi hùng, cho thấy lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu, sự hy sinh anh dũng của người lính cách mạng, mà còn đem đến cho người xem những cảm xúc thật bình yên, thư thái.

Với tiến sĩ Mã Thanh Cao, nguyên giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, một nét đặc trưng của ký họa kháng chiến ở miền Nam, đặc biệt là qua bộ sưu tập hơn 3.300 ký họa chiến tranh hiện được lưu giữ tại bảo tàng - là tính nhân văn được thể hiện trong rất nhiều tác phẩm, "chứa đựng những nội dung vừa bình dị, vừa lớn lao, không mang nặng tính tàn khốc và đối kháng trong chiến tranh"(*).

ký họa của Nguyễn Tấn Lực  - Ảnh 3.

Chị nuôi - tranh Nguyễn Thành Thi

ký họa của Nguyễn Tấn Lực  - Ảnh 4.

Đệm tranh - tranh Lê Dân

ký họa của Nguyễn Tấn Lực  - Ảnh 5.

Thanh niên xung phong nghỉ ngơi - tranh Lê Lam

Đó là khi bom đạn tạm ngưng, trong chiến khu, trong căn cứ giữa rừng, cuộc sống nhanh chóng trở lại bình thường với các sinh hoạt cá nhân và cộng đồng. Người ta may vá, hớt tóc, giặt giũ, nấu ăn, thu hoạch mùa màng… Rồi tập văn nghệ, xem biểu diễn của văn công, tham gia các lớp học vẽ, làm bích báo, bích chương… 

Đó là những phút nghỉ ngơi, thư giãn của người lính: đọc thư nhà, tắm suối… Ký họa kháng chiến cũng không thiếu những khoảnh khắc bộ đội dừng chân trên đường hành quân, qua một cánh rừng bát ngát màu lá và màu hoa dại.

Chiếm số lượng nhiều nhất có lẽ là ký họa chân dung - "mảng đề tài mà hầu như họa sĩ kháng chiến nào cũng vẽ. Chính ở thể loại này nhiều họa sĩ đã thể hiện thế mạnh của mình với sự quan sát rất tinh tế những nét cá tính của con người miền Nam"(*). 

Đó là "hình ảnh người phụ nữ: những người mẹ, người chị, người em xuất hiện trên mọi chiến tuyến, mọi nẻo đường, thật nữ tính nhưng cũng thật phi thường… Đây là thể loại có số lượng nhiều nhất, được khắc ghi đậm nét nhất trong ký họa miền Nam"(*) với các tác giả Trần Việt Sơn (1935-2009), Lê Lam (1931-2022), Nguyễn Phú Hậu…

Đó là hình ảnh chất phác, giản dị của những người lính, các chiến sĩ du kích, cán bộ địa phương, các em giao liên gan dạ, mưu trí mà thật hồn nhiên, trong trẻo… như trong ký họa của Bảy Trà (1932-2012), Lê Lam, Võ Xưởng, Nguyễn Tấn Lực, Nguyễn Thành Thi…

Và "thiên nhiên miền Nam là đề tài được các họa sĩ chiến trường yêu thích; trong ký họa của họ thiên nhiên miền Nam thật đẹp, thật lạ, ngay cả khi chịu sự tàn phá của chiến tranh cũng mang lại nhiều cảm xúc"(*). Có thể thấy rất nhiều ký họa người lính giữa cảnh sắc thiên nhiên của Thái Hà (1922-2005), Huỳnh Phương Đông (1925-2015), Cổ Tấn Long Châu…■

(*) Các đoạn trích trong sách Ký họa kháng chiến - sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, NXB Mỹ Thuật - 2012.

ký họa của Nguyễn Tấn Lực  - Ảnh 6.

Lớp vẽ trong rừng - tranh Huỳnh Phương Đông

ký họa của Nguyễn Tấn Lực  - Ảnh 7.

Cầu khỉ qua kênh - tranh Chu Thảo

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận