100 ngày của Donald Trump

THANH TUẤN 04/05/2025 10:53 GMT+7

TTCT - Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh dấu 100 ngày nhiệm kỳ thứ hai trong tình cảnh khá hỗn loạn trên nhiều mặt về chính sách của chính quyền, từ kinh tế, văn hóa và giáo dục, cho tới đối ngoại.

Tr - Ảnh 1.

Ảnh: Foreign Policy

Năm 1941, Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt tập hợp được sự ủng hộ rộng khắp cho cuộc chiến chống phát xít. Lực lượng chống ông nhiều nhất khi đó chính là những người chủ nghĩa biệt lập ở Mỹ.

"Điều tôi muốn truyền tải", Roosevelt nói trước Quốc hội, "là nước Mỹ ở mọi thời kỳ luôn kiên quyết chống lại những nỗ lực muốn trói buộc chúng ta lại sau bức tường cũ kỹ trong khi tiến trình nhân loại vượt lên". 

Roosevelt chiến thắng, và chiến tích đó mở rộng quan hệ của nước Mỹ với thế giới và tạo ra những thay đổi kỳ diệu.

Đứt gãy có hệ thống quan hệ với thế giới

84 năm sau, theo Ben Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia thời Obama, Tổng thống Donald Trump, chỉ trong 100 ngày đầu của nhiệm kỳ 2, đã phá vỡ một cách có hệ thống mối gắn kết giữa Mỹ với thế giới. 

"Đây không phải sự thay đổi chính sách đối ngoại đơn thuần. Đây là cuộc ly hôn toàn diện, vượt rất nhiều quy mô Brexit của nước Anh", ông Rhodes viết trên The New York Times.

Sự "tăng động" trong 100 ngày đầu tiên của ông Trump được coi là có ảnh hưởng lớn nhất trong các đời tổng thống thế kỷ 21. Báo The Economist đánh giá những ảnh hưởng này vượt tất cả các tổng thống kể từ sau Roosevelt.

Trước khi ông Trump nhậm chức, người Mỹ luôn tò mò chính phủ của họ sẽ thế nào. Giờ thì mọi việc đã rõ. Ông Trump muốn làm đảo lộn hoàn toàn nền kinh tế, nền hành chính, văn hóa, giáo dục và chính sách đối ngoại Mỹ - thậm chí là cả khái niệm nước Mỹ là thế nào. 

Các đồng minh truyền thống giờ bị coi như kẻ thù. Nước Mỹ đã rút ra khỏi các thỏa thuận quốc tế từ các vấn đề nền tảng như y tế và biến đổi khí hậu. "Đất nước của người nhập cư" giờ trục xuất họ bất chấp mọi thủ tục, cấm người tị nạn và tìm cách kết thúc quy định về quốc tịch khi sinh trên đất Mỹ. 

Chính sách thuế của ông làm đảo lộn hệ thống thương mại toàn cầu, tạo ra những rào cản mới với mọi quốc gia trên thế giới. Các chương trình viện trợ quốc tế bị cắt bỏ. Mỹ cũng không còn theo đuổi ủng hộ dân chủ trên trường quốc tế. 

Các chương trình hợp tác nghiên cứu toàn cầu bị cắt. Bộ Ngoại giao Mỹ đang tinh giản quy mô. Các chương trình trao đổi sinh viên cũng có nguy cơ bị đóng cửa. Ở phía nam, nước Mỹ đang tiếp tục xây bức tường biên giới với Mexico.

Tr - Ảnh 2.

Ảnh: China-US Focus

Tổn hại tới nước Mỹ

Nhưng mọi thứ diễn ra không hoàn toàn như ý ông Trump. Thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza đổ vỡ, cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp diễn bất chấp cam kết xử lý trong "24 giờ" của ông. 

Châu Âu đang xác định rõ phải độc lập với Washington, người Canada thì tẩy chay hàng hóa Mỹ, Trung Quốc thì quyết "chịu đau" để "chiến đấu tới cùng" với Mỹ. Trong tháng 3, lượng người nước ngoài tới Mỹ đã giảm tới 12% vì du khách bắt đầu tránh nước này.

Những học giả cổ xúy chính sách của Trump nêu những lý do như sự vươn ra thái quá của chính sách đối ngoại Mỹ, chủ nghĩa toàn cầu và nhập cư. Đây là những vấn đề có thể cải thiện. Nhưng thực tế, các chính sách của ông Trump về vấn đề này hiện đang gây tổn hại nhiều cho chính cử tri Mỹ.

Một số phân tích chỉ ra nếu xu thế giảm du lịch tới Mỹ tiếp tục thì chỉ riêng năm nay kinh tế Mỹ mất khoảng 90 tỉ đô la cùng hàng chục nghìn việc làm. Chính sách thuế của ông dự kiến sẽ đẩy giá hàng hóa tăng và giảm năng suất lao động. 

Nhiều nghề lao động chân tay sẽ không có ai làm nếu làn sóng trục xuất người nhập cư tiếp tục. Sinh viên quốc tế mỗi năm đóng góp khoảng 44 tỉ đô la cho nền kinh tế Mỹ và nếu chính sách thù địch với họ còn tiếp tục, điều này sẽ đe dọa một ngành hiện có thặng dư thương mại còn lớn hơn ngành xuất khẩu máy bay dân dụng.

Ông Trump vẫn được sự ủng hộ mạnh của cử tri Cộng hòa với tỉ lệ khoảng 83%. Ông gần như không gặp bất cứ sự chống cự nào khi tấn công trên mọi mặt trận: nhắm vào hệ thống hành chính liên bang, các hãng luật, trường đại học, truyền thông và bất cứ tổ chức nào ông coi là có gắn với phe tinh hoa thân Dân chủ.

Phong trào Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại (MAGA) của ông có phương pháp và chủ thuyết hẳn hòi. Phương pháp là uốn cong hoặc phá luật bằng các sắc lệnh ồ ạt, khi tòa án kịp ra tay ngăn cản thì chính quyền tìm cách phớt lờ và thách thức tòa. 

Còn chủ thuyết là nhánh hành pháp không bị chi phối quyền lực và quan điểm của ông Trump - giống Richard Nixon - là rằng nếu tổng thống làm gì thì điều đó được coi hợp pháp. 

Điều này đã làm thay đổi một loạt góc nhìn từng khiến nước Mỹ được coi vĩ đại: như người Mỹ từng coi lợi ích quốc gia gắn với việc trả tiền thuốc HIV/AIDS cho người bệnh ở châu Phi; quan điểm rằng các định chế độc lập có giá trị quan trọng với đất nước; niềm tin đối thủ chính trị của mình cũng là những người yêu nước; hay niềm tin vào đồng USD.

100 ngày của Donald Trump - Ảnh 3.

Ảnh: Inc Mag

Tỉ lệ ủng hộ thấp nhất 80 năm qua

Các thăm dò cho thấy ở ngưỡng 100 ngày, Tổng thống Trump đang có tỉ lệ ủng hộ thấp nhất trong gần 80 năm qua. Gần 2/3 cử tri Mỹ phản đối chính sách thuế của ông, khi phần lớn e ngại việc này sẽ đẩy lạm phát lên cao và đưa nền kinh tế vào suy thoái, theo thăm dò của ABC News/Washington Post/Ipsos.

Hiện có 39% cử tri theo thăm dò này nói họ ủng hộ cách ông Trump điều hành, giảm 6% so với tháng 2, trong khi 55% nói họ phản đối. Đáng chú ý, chỉ có 21% cử tri nói họ ủng hộ "mạnh mẽ" những gì ông làm, mức thấp nhất của ông Trump từ trước tới nay. 

Có tới 44% nói họ phản đối "mạnh mẽ" ông. Đây được coi là con số đáng lo ngại khi ông Trump đang ở trong 100 ngày đầu, thường được coi là thời kỳ "trăng mật" với chính quyền, đặc biệt khi phe Cộng hòa đang nắm đa số ở lưỡng viện. Mức thấp nhất trong lịch sử 80 năm qua cũng chính là ông Trump nhiệm kỳ đầu, ở mức 42% hồi năm 2017.

Đáng quan ngại nhất với Trump là các cử tri đánh giá ông tiêu cực trong các vấn đề kinh tế: 72% đánh giá chính sách kinh tế rất có thể gây suy thoái trong ngắn hạn, 73% nói nền kinh tế đang trong tình trạng xấu, 53% nói kinh tế tệ đi kể từ khi ông nắm quyền, 41% nói tài chính của họ xấu đi - ngang bằng với tỉ lệ về chính quyền Biden hồi hè năm ngoái, tức đã ở gần cuối nhiệm kỳ.

Hơn nữa, 62% cử tri nói giá cả đang tăng lên dù đây là vấn đề ông Trump hứa sẽ kiểm soát. 71% nói chính sách thuế đối ứng của ông là yếu tố tiêu cực thúc đẩy lạm phát. Chỉ 31% nói họ tin lập luận của ông Trump rằng nền kinh tế sẽ có nền tảng tốt hơn sau chính sách áp thuế quan.

Nếu cuộc cách mạng của Trump không được kiểm soát, điều này có thể dẫn tới chủ nghĩa toàn trị. Một số trí thức MAGA ngưỡng mộ Hungary, nơi ông Viktor Orban có quyền lực chi phối với tòa án, trường đại học và truyền thông. 

Và các thể chế ở Mỹ dường như đang nhún mình rất nhiều: Quốc hội đã bỏ qua rất nhiều điều kiện để ông Trump được tuyên bố tình trạng khẩn cấp và ông nhanh chóng lợi dụng điều này - như việc đưa người nhập cư tới nhà tù ở El Salvador.

Dù MAGA không kiểm soát được báo chí, phong trào này có thể đe dọa những tập đoàn chủ các tờ báo - việc các kênh truyền thông phân rã đã làm giảm khả năng báo chí có thể kiểm soát quyền lực của tổng thống. 

Quốc hội thì hầu như nằm im vì phe Cộng hòa biết rằng họ kiểm soát được lưỡng viện là nhờ ông Trump. Một lo lắng nữa là ông Trump sẽ tìm cách áp đảo hệ thống tòa án nước Mỹ và Washington có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng hiến pháp.

Những nguy cơ phản kháng

Nhưng khả năng cao hơn là những hành động cực đoan của 100 ngày đầu tiên sẽ kích động những lực lượng chống đối mạnh mẽ. Một lực lượng như vậy là những nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu và chứng khoán. 

Dù từng rất hào hứng về chiến thắng của ông Trump, giờ họ đang là những người chống ông hiệu quả nhất - không phải vì họ không tin vào khuynh hướng chính trị của ông, mà thuần túy bởi những lo ngại thực tế. 

Họ lo lắng nền kinh tế suy giảm mạnh bởi chính sách thuế mới, ngân sách thâm hụt thiếu kiểm soát và các chính sách có vấn đề sẽ dẫn tới sự sụp đổ của đồng USD.

Trước phản ứng của thị trường, trong tháng 4, ông Trump đã hai lần phải xuống thang: lần đầu là việc áp thuế "đối ứng" rồi hoãn; lần sau là đe dọa sa thải Chủ tịch Fed, Jerome Powell, để rồi sau đó lại tuyên bố khác. 

Cố vấn thân cận của ông Elon Musk thì tuyên bố sẽ dành thời gian để chăm sóc Tesla nhiều hơn thay vì tập trung vào đóng cửa các cơ quan liên bang. Ông Trump hiện cũng đang ám chỉ có thể tìm ra giải pháp trong cuộc thương chiến với Trung Quốc.

Một nhóm phản kháng nữa có thể là các cử tri, kể cả những người Cộng hòa, nếu nền kinh tế biến động xấu. Dù ông Trump thành công trong việc trấn áp làn sóng người nhập cư trái phép, tỉ lệ ủng hộ ông đã rớt nhanh hơn bất cứ cựu tổng thống nào trong 100 ngày đầu tiên. 

Tính toán của Economist nói tỉ lệ ủng hộ ông Trump giờ ở mức dưới 50% ở tất cả các bang chiến trường ông từng thắng hồi tháng 11.

Hầu hết người Mỹ không muốn những xáo trộn lớn kiểu này. Nhiều người có thể muốn mang sản xuất trở lại nước Mỹ, nhưng chỉ 1/4 những người được hỏi nói sẵn sàng làm việc trong nhà máy. 

Họ thích ý tưởng thương mại công bằng nhưng không muốn hỗn loạn. Không ai muốn lạm phát. Ông Trump có chiến thắng lớn, nhưng không có nghĩa là ông có thể điều hành chỉ đơn thuần bằng sắc lệnh, đóng cửa các cơ quan liên bang hay bãi bỏ quyền được xét xử của mọi người hay tìm cách chiếm Greenland.

Thực tế trong 100 ngày đầu của Roosevelt, ông tạo ra thay đổi bằng một loạt đạo luật trong chương trình "New Deal" (Chính sách kinh tế mới) thông qua Quốc hội, còn 100 ngày của Trump hầu như Quốc hội Mỹ không thông được qua được đạo luật gì, mà hoàn toàn lép vế trước những sắc lệnh của ông Trump.

Một lực lượng phản kháng nữa có thể là ở tòa án. Luật lệ có thể diễn tiến chậm nhưng Tòa tối cao đã ra phán quyết với tỉ lệ phiếu 9-0 trong vụ người đàn ông bị ép dẫn độ sai sang nhà tù ở El Salvador. 

Giống như nhiều cơ quan khác, tòa án sẽ ít sợ sự phản kháng từ một vị tổng thống có sự ủng hộ thấp. Chính quyền Trump hiện vẫn chưa thua các vụ kiện liên quan tới thuế quan, sa thải viên chức và đóng cửa các cơ quan liên bang mà không thông qua quốc hội, hay việc ông Trump dùng luật tình trạng khẩn cấp một cách bừa bãi như "Đạo luật kẻ thù ngoại bang" từ thế kỷ 18.

Kể cả với những người lạc quan trong phong trào MAGA, ông Trump đã gây ra những tổn hại dài lâu với các định chế của Mỹ, tổn hại tới các liên minh và vị thế của nước này. Và nếu ông bị phản kháng từ các nhà đầu tư, cử tri hay từ tòa án, ông có thể tiếp tục tấn công các tổ chức này với sự tàn khốc lớn hơn rất nhiều.

Vấn đề giờ là 1.361 ngày còn lại của ông sẽ ra sao? ■

Các đánh giá xấu không chỉ dừng ở vấn đề kinh tế. 65% nói chính quyền Trump không tuân thủ các phán quyết của tòa, 64% nói ông đang đẩy quá xa việc mở rộng quyền của tổng thống, 62% nói họ không tin chính quyền Trump tôn trọng hệ thống pháp quyền.

Phần lớn bày tỏ lo ngại việc chính quyền đã cắt giảm quy mô và vai trò của chính quyền (58%). Dù vậy ông Trump hiện vẫn giữ được phần lớn sự ủng hộ của những người từng bỏ phiếu cho ông.

Trong số người bỏ phiếu cho ông hồi tháng 11, hiện chỉ 6% nói họ hối hận với việc này trong khi 94% vẫn nói đó là quyết định đúng đắn. 83% cử tri Cộng hòa vẫn nói họ ủng hộ ông Trump trong khi 93% cử tri Dân chủ và 60% cử tri độc lập nói họ phản đối.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận