Nhìn lại 30 năm hợp tác giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ

HIỀN LÊ 29/04/2025 06:56 GMT+7

TTCT - Năm 2025 đánh dấu hai sự kiện quan trọng của mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ: 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và 50 năm kết thúc chiến tranh.

giáo dục VIỆT NAM - HOA KỲ - Ảnh 1.

Đoàn giáo sư Harvard gặp Tổng bí thư Đỗ Mười năm 1988

Suốt ba thập kỷ qua, giáo dục là một trong những lãnh vực hợp tác đầu tiên và quan trọng nhất kết nối chính phủ và người dân hai nước, với những nỗ lực đóng góp không ngừng của cả hai chính phủ và nhiều cá nhân, góp phần giúp hai bên vượt qua những đau thương của quá khứ, giải quyết di sản chiến tranh, tiến tới bình thường hóa, rồi xây dựng và phát triển quan hệ tới mức đối tác chiến lược toàn diện.

Đối thoại và nghiên cứu chính sách

Đối thoại và nghiên cứu chính sách giữa hai nước diễn ra ngay cả trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Những tiếp xúc và trao đổi ban đầu để tìm hiểu và nghiên cứu về mô hình kinh tế thị trường cho Việt Nam đã trở thành chương trình đối thoại chính sách cấp cao hằng năm với Chính phủ Việt Nam. Nỗ lực này đã đóng góp vào dòng chảy thảo luận các chính sách thời kỳ đổi mới, cũng như quá trình hội nhập và phát triển kinh tế của Việt Nam.

Hợp tác nghiên cứu chính sách giữa hai nước đã bắt đầu từ năm 1988 khi các giáo sư từ Viện Phát triển quốc tế Harvard (HIID) đến Việt Nam tìm hiểu công cuộc Đổi mới. Hợp tác của HIID với Chính phủ Việt Nam thời gian này tập trung vào các vấn đề của nền kinh tế chỉ huy khi chuyển sang mô hình kinh tế thị trường. 

Thời điểm đó, những học giả và sinh viên Việt Nam đầu tiên sau chiến tranh được nhận học bổng sang học tập và nghiên cứu tại viện này. Nhiều người sau chương trình đã trở thành các lãnh đạo nhà nước và doanh nghiệp, đóng góp lớn vào tiến trình hội nhập của Việt Nam thời kỳ đầu.

Dù sự hiểu biết về Việt Nam trong giai đoạn đầu còn hạn chế với nhiều rào cản do khác biệt về môi trường cũng như sự thiếu vắng niềm tin, nhiều báo cáo nghiên cứu giữa các giáo sư Harvard và các chuyên gia Việt Nam vẫn trở thành tài liệu tham khảo quan trọng trong quá trình thảo luận và xây dựng các chính sách cải cách kinh tế Việt Nam phục vụ đổi mới.

Trong số những ấn phẩm nghiên cứu ban đầu có bài viết của giáo sư Peter Timmer cùng giáo sư Võ Tòng Xuân về chính sách lương thực, bài viết của giáo sư David Dapice và ông Lê Đức Thúy về triển vọng kinh tế của Việt Nam so với các nước láng giềng, và bài viết của giáo sư David Dapice về những giải pháp có thể mang đến thành công cho cải cách kinh tế tại Việt Nam.

Giáo sư kinh tế Dwight Perkins, người đã dẫn dắt các hoạt động nghiên cứu của Harvard trong giai đoạn này, chia sẻ: "Giai đoạn từ 1989-2000, HIID tiếp xúc nhiều với các lãnh đạo Việt Nam... Ông Nguyễn Cơ Thạch là khách mời của chúng tôi tại HIID vào tháng 1-1989, trong chương trình nghiên cứu các khái niệm cơ bản về kinh tế thị trường của Samuelson. Sau chuyến thăm này, Chính phủ Việt Nam đồng ý đề xuất của chúng tôi giúp Việt Nam nghiên cứu cách chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang cơ chế kinh tế thị trường. Trong những năm đầu tiên, tôi, Thomas Vallely và giáo sư David Dapice đã đi thăm và tìm hiểu nhiều nhà máy và vùng nông thôn Việt Nam, sau đó báo cáo các kết quả nghiên cứu tại các cuộc họp hay buổi thảo luận với phía Việt Nam. Bản thân tôi gặp Tổng bí thư Đỗ Mười hai lần cùng với David Dapice và Tommy. Nhiều lần khác, chúng tôi đã gặp Ủy viên Bộ Chính trị Đào Duy Tùng và các thành viên Hội đồng Bộ trưởng".

Các cuộc thảo luận giữa các giáo sư Harvard và lãnh đạo Việt Nam giai đoạn này được thiết kế như những khóa tìm hiểu về kinh tế thị trường hơn là những nghiên cứu nhằm đưa ra các khuyến nghị chính sách. 

Theo tinh thần đó, các giáo sư Dwight Perkins, David Dapice và Thomas Vallely đã tổ chức hội thảo tại Bali tìm hiểu về công cuộc đổi mới của Indonesia sau khi Tổng thống Sukarno rời khỏi chức vụ, tổ chức các chuyến đi tìm hiểu thực tế về đổi mới kinh tế của Hàn Quốc, Thái Lan và Đài Loan cho cựu Thủ tướng Phan Văn Khải và nhiều bộ trưởng Việt Nam.

Nói về trải nghiệm làm việc cùng các đồng nghiệp Việt Nam như ông Lê Đức Thúy, giáo sư Võ Tòng Xuân và ông Cao Đức Phát, giáo sư David Dapice nhận xét đó là những người làm việc không ngừng để chỉ ra các vấn đề của nền kinh tế khi chuyển sang kinh tế thị trường: "Họ hiểu rằng Việt Nam cần thay đổi, họ nghiên cứu các cơ chế và chỉ ra các rào cản mà hệ thống đối mặt khi thực hiện đổi mới. Các cuộc thảo luận của chúng tôi thời điểm đó thật sôi nổi, đưa ra rất nhiều giải pháp lựa chọn".

Những nỗ lực trao đổi ban đầu này đã trở thành Chương trình đối thoại chính sách cấp cao Việt Nam (VELP) diễn ra hằng năm với sự hợp tác với Bộ Ngoại giao Việt Nam và Trường Chính sách công Đại học Fulbright. 

VELP bắt đầu năm 2008 tại Trung tâm Ash, Trường Chính sách công và nhà nước Kennedy. Trong hơn 17 năm qua, chương trình đã thực hiện đối thoại chính sách với Chính phủ Việt Nam hằng năm dựa trên các nghiên cứu sâu về các chính sách của Việt Nam qua các chủ đề khác nhau như cải cách cấu trúc kinh tế phục vụ tăng trưởng, giải quyết các nút thắt thể chế để khôi phục tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế đổi mới sáng tạo, chiến lược phát triển thế kỷ 21 cho Việt Nam, tương lai số của Việt Nam trong một thế giới bất ổn, và ngã rẽ quan trọng của Việt Nam để duy trì tăng trưởng nhanh và chất lượng cao. 

Từ năm 2025, chương trình và đội ngũ nghiên cứu của đối thoại chính sách đã chuyển sang Trung tâm Đông Á Weatherhead.

Thomas Vallely, người đã tham gia hầu hết vào sáng kiến giáo dục với Việt Nam, trong đó có các nghiên cứu và đối thoại chính sách kinh tế Việt Nam trong nhiều thập kỷ, nhận xét: "Cuộc đối thoại chính sách đạt được những thành tựu to lớn. Ý tưởng của chúng tôi là Trường Chính sách công Fulbright và các đối tác Mỹ, tổ chức một cuộc trò chuyện mang tính xây dựng, với những nghiên cứu sâu rộng về những vấn đề chính trị và chính sách cấp bách của thời đại. 

Chúng tôi đã chọn dịch những công trình quan trọng về chính trị và kinh tế, trong đó có các tác phẩm như Tại sao nước thịnh nước suy (Why nations fail) hay Hành lang hẹp (The narrow corridor). Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp thêm một kênh thông tin để so sánh với các nghiên cứu khác trong nước. Giá trị của các tác phẩm này là khơi gợi đối thoại và tranh luận. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục các đối thoại và nghiên cứu này cùng các đối tác Việt Nam".

Thomas Vallely hy vọng sẽ hợp tác với Ủy ban Chính sách và Chiến lược trung ương (mới được thành lập) và các đối tác khác tại Bộ Ngoại giao Việt Nam để thảo luận những vấn đề mang tính quyết định với sự phát triển của Việt Nam sắp tới.

giáo dục VIỆT NAM - HOA KỲ - Ảnh 2.

Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch gặp gỡ đoàn giáo sư Harvard năm 1989

Các chương trình trao đổi giáo dục

Chính phủ Hoa Kỳ đã có nhiều chương trình hợp tác giáo dục với Việt Nam trong suốt hơn ba thập niên thông qua các dự án giáo dục, các chương trình học bổng và trao đổi học giả, nghiên cứu sinh và sinh viên, và dự án Fulbright University Việt Nam. 

Các kết nối giáo dục này thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai chính phủ và người dân hai nước, xây dựng niềm tin chiến lược để Việt Nam trở thành đối tác quan trọng của Hoa Kỳ trong khu vực.

Thực tế, các chương trình hợp tác giáo dục của Chính phủ Hoa Kỳ với Việt Nam đã khởi đầu trước năm 1995, thông qua kết nối với HIID khi hai chính phủ đang trong tiến trình đàm phán giải quyết các vấn đề thời kỳ hậu chiến như tìm kiếm thông tin quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh và rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân chiến tranh. Hai chương trình đầu tiên được thành lập, gồm Fulbright Students Program (1992) và chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP).

Fulbright Students Program cấp học bổng cho sinh viên theo chương trình thạc sĩ các ngành khoa học xã hội và nhân văn tại các đại học hàng đầu của Hoa Kỳ. Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP, 1994) liên kết đào tạo về chính sách công giữa trường Harvard Kennedy và Đại học Kinh tế TP.HCM, giúp đào tạo chính sách công cho các lãnh đạo các cấp của Việt Nam. Hai dự án ban đầu này đã góp phần tạo ra một thế hệ lãnh đạo Việt Nam am hiểu kinh tế thị trường để thực hiện các mục tiêu ban đầu của thời kỳ đổi mới.

Năm 1995, Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ. Sự kiện này mở ra các cơ hội tiếp cận thị trường của nhau giữa doanh nghiệp hai nước, đưa đến nhu cầu phải có nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các công ty nước ngoài đầu tư tại Việt Nam cũng như nhu cầu phát triển và hội nhập kinh tế. 

Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2000, Tổng thống Bill Clinton đã công bố Đạo luật quỹ giáo dục Việt Nam (VEF) với ngân sách 150 triệu đô la Mỹ, giúp đào tạo một thế hệ các nhà khoa học và kỹ sư Việt Nam, tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lãnh vực khoa học và công nghệ.

Chương trình hoạt động từ năm 2003-2018, đào tạo hơn 600 tiến sĩ, thạc sĩ ngành kỹ thuật và công nghệ tại các trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ. Các du học sinh của chương trình này đang đóng vai trò quan trọng trong các công ty công nghệ hàng đầu của Việt Nam. 

Sau đó là các chương trình hỗ trợ học giả và chuyên gia giảng dạy tiếng Anh của Hoa Kỳ sang nghiên cứu, giảng dạy tại Việt Nam, hỗ trợ học giả Việt Nam sang nghiên cứu tại các trường đại học của Hoa Kỳ.

Sáng kiến giáo hợp tác giáo dục sống động nhất của Mỹ với Việt Nam sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ là Đại học Fulbright Việt Nam (FUV), được cả hai bên coi là một bước ngoặt trong hợp tác giáo dục giữa Mỹ và Việt Nam. 

Với khoản đầu tư ban đầu trên 20 triệu USD từ Chính phủ Mỹ, FUV là trường đại học độc lập, phi lợi nhuận. FUV được thành lập năm 2016 với các chương trình đào tạo đại học và sau đại học. 

Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP) trở thành một trường thành viên của FUV, đào tạo các chương trình về chính sách công, đồng thời tiếp tục hợp tác thực hiện các nghiên cứu và đối thoại chính sách trong hơn ba thập kỷ qua. Đến nay, sinh viên khóa thứ hai chương trình đại học đã bắt đầu tốt nghiệp.

Thomas Vallely, người sáng lập Đại học Fulbright, kỳ vọng trong vòng 15-20 năm nữa, Việt Nam sẽ có một trường đại học nghiên cứu nằm trong top 20 của thế giới.

giáo dục VIỆT NAM - HOA KỲ - Ảnh 3.

Tổng Bí thư Tô Lâm và giáo sư Nguyễn Liên Hằng tại Diễn đàn lãnh đạo thế giới, Đại học Columbia năm 2024.

Nhìn về tương lai

Những thành quả hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong 30 năm qua đóng vai trò quan trọng trong hợp tác giữa hai nước. Xu hướng hợp tác sắp tới trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên sẽ ra sao là câu hỏi được đặt ra khi bối cảnh địa chính trị thế giới và chính sách đối ngoại của Chính phủ Hoa Kỳ có quá nhiều thay đổi.

Thế giới đang trải qua thời kỳ nhiều biến động, các mối quan hệ và liên kết giữa các quốc gia trở nên thực dụng và bảo hộ hơn. Cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai cường quốc về công nghệ và phát minh, đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. 

Rõ ràng là, trong bối cảnh đó, cả Việt Nam và Mỹ sẽ thực thi các chính sách đảm bảo phát huy tối đa nguồn lực trong nước và phục vụ lợi ích của chính mình. Hợp tác giáo dục sẽ chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các quyết sách của chính quyền Tổng thống Trump, cũng như những tính toán về lợi ích và an ninh quốc gia của hai bên. 

Dù vậy, giáo dục vẫn sẽ là lãnh vực mang lại lợi ích to lớn cho cả hai quốc gia trong thời kỳ tới. Các nghiên cứu và đối thoại chính sách vẫn sẽ góp phần quan trọng trong việc tăng cường hiểu biết và thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai bên. 

Các hợp tác nghiên cứu về công nghệ, khoa học giữa các trường đại học hàng đầu chính là lĩnh vực đảm bảo lợi ích an ninh và kinh tế cho cả hai nước trong những năm tới, và nên được ưu tiên. Một chính sách visa thân thiện cho du học sinh Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn này.

Hy vọng cả hai chính phủ Việt Nam và Mỹ sẽ tiếp tục coi hợp tác giáo dục là trọng tâm của quan hệ song phương và là ưu tiên hàng đầu của các lãnh vực hợp tác trong 30 năm tiếp theo. 

Liên kết đào tạo và du học Hoa Kỳ

Sau khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, và đặc biệt là sau ký hiệp định thương mại vào năm 2000, Hoa Kỳ và Việt Nam bước vào thời kỳ mới của mối quan hệ với các hoạt động thương mại và đầu tư hai chiều phát triển mạnh.

Nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao tăng nhanh, kéo theo làn sóng du học Hoa Kỳ của du học sinh Việt Nam và liên kết đào tạo giữa đại học hai nước nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng trong nước. Các kết nối ngoài chính phủ này thực sự thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc giữa người dân hai nước, mang lại lợi ích kinh tế cho cả Hoa Kỳ và VIệt Nam.

Khi Tập đoàn Intel công bố kế hoạch 300 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất chip bán dẫn tại TP.HCM năm 2006, họ đã gặp những khó khăn khi tìm kiếm nguồn kỹ sư chất lượng cao phục vụ hoạt động của nhà máy. Nhưng chính từ sự thiếu hụt này, một động lực thúc đẩy đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Việt Nam đã được lan tỏa trong xã hội.

Intel đã khởi xướng một sáng kiến cung cấp 7 triệu USD học bổng cho sinh viên ngành kỹ thuật để theo học các chương trình đại học của Hoa Kỳ ngay tại các trường đại học ở Việt Nam, cung cấp cho họ một nền giáo dục kỹ thuật vững chắc và khắt khe hơn. Intel cũng đưa ra sáng kiến nhằm tăng số phụ nữ trong các chương trình kỹ thuật và nghề nghiệp ở Việt Nam.

Vào năm 2012, nhờ vào nguồn hỗ trợ ngân sách của Cơ quan viện trợ và phát triển quốc tế Hoa Kỳ, Intel đã liên kết với Đại học bang Arizona và Bộ Giáo dục Việt Nam thành lập chương trình Liên minh giáo dục kỹ thuật cao (HEEAP) đào tạo nguồn kỹ sư cho Việt Nam phục vụ nhu cầu của chính công ty và trong nước.

Chương trình này cung cấp mô hình thúc đẩy giáo dục kỹ thuật, nhằm chuẩn bị cho các kỹ sư tham gia ngành công nghiệp công nghệ cao đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

Ngoài ra, từ giữa năm 2005 đến 2008, gần 20 trường đại học Mỹ khác đã thiết lập quan hệ đối tác với các cơ sở giáo dục tại Việt Nam để liên kết đào tạo tại Việt Nam. Nhu cầu du học Hoa Kỳ của du học sinh Việt Nam cũng tăng mạnh theo thời gian.

Theo báo cáo của Viện Trao đổi giáo dục Hoa Kỳ (Institute of International Education) và Báo cáo Open Doors của Viện Giáo dục quốc tế Hoa Kỳ (IIE), Việt Nam luôn nằm trong số các nước dẫn đầu về số học sinh sang Mỹ du học trong thập kỷ qua, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế Mỹ.

Hiện tại, có hơn 22.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học Mỹ, đứng thứ sáu trong danh sách các nước dẫn đầu về số lượng sinh viên theo học tại Hoa Kỳ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận