Mấy chiêm nghiệm về nghệ thuật trong cuộc chiến

THOMAS J. VALLELY 29/04/2025 06:19 GMT+7

TTCT - Ông Thomas Vallely là nhà sáng lập Đại học Fulbright Việt Nam, hiện là cố vấn cấp cao về Việt Nam ở Viện Weatherhead East Asian, Đại học Columbia.

Ông Thomas Vallely là nhà sáng lập Đại học Fulbright Việt Nam, hiện là cố vấn cấp cao về Việt Nam ở Viện Weatherhead East Asian, Đại học Columbia. 

Ông cũng là cựu binh Mỹ ở Việt Nam. Sau cuộc chiến, mối quan tâm của ông chuyển sang văn hóa, giáo dục và nhất là nghệ thuật ở Việt Nam. Bài viết riêng cho Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

chiến tranh Việt Nam  - Ảnh 1.

Bức Hồ Chủ tịch qua suối (sơn mài) của họa sĩ Dương Bích Liên.

Vài tháng qua, tôi cùng dạy một lớp ở Đại học Columbia về chiến tranh Việt Nam với giáo sư Nguyễn Liên Hằng. Lớp học trùng với kỷ niệm 50 năm chiến tranh kết thúc, với khoảng 100 sinh viên cử nhân Columbia theo học. Một chủ đề tôi khám phá trong bài giảng là các tác phẩm nghệ thuật do những người tham gia hay chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến sáng tác.

Vì nghệ thuật về chiến tranh Việt Nam trải khắp mọi lĩnh vực sáng tạo và không ngừng phát triển, chúng tôi chỉ có thể giới thiệu hết sức vắn tắt. 

Các sinh viên cũng xem nhiều bộ phim, bao gồm phim tài liệu năm 2017 về lịch sử cuộc chiến phát trên đài PBS ở Mỹ của Ken Burns và Lynn Novick, phim chuyển thể năm 2002 của đạo diễn Phillip Noyce dựa trên cuốn tiểu thuyết kinh điển của Graham Greene Người Mỹ trầm lặng. 

chiến tranh Việt Nam  - Ảnh 7.

Bức Trẻ em và chiến tranh, 1965, họa sĩ Trần Kim Hùng, hiện ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

Tác phẩm nặng ký của Neil Sheehan thuộc thể loại chuyện kể lịch sử, A Bright Shining Lie (1988) cũng liên tục xuất hiện trong bài giảng của tôi. Khó mà nói cho đầy đủ được di sản mênh mông của cuộc chiến với nghệ thuật.

Trong bài giảng, tôi sử dụng một số tác phẩm hội họa quan trọng từ Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội. Từ lâu tôi đã tò mò về những họa sĩ tham gia kháng chiến chống thực dân do những người cộng sản lãnh đạo. 

Nhờ họa sĩ Lê Thiết Cương, tôi đã được xem bức Hào của họa sĩ Dương Bích Liên (hiện nằm trong một bộ sưu tập tư nhân tại Hà Nội). Vẻ bí ẩn thấp thoáng trong tác phẩm của Nguyễn Sáng cũng đã luôn khiến tôi thấy tò mò.

Phạm Lực

Cá nhân tôi học được nhiều điều về các họa sĩ thời chiến tranh Việt Nam nhờ một người bạn cũ, anh Nguyễn Sĩ Dũng. Gần 25 năm trước, tôi được anh giới thiệu với họa sĩ Phạm Lực (sinh năm 1943), người đã khám phá cuộc chiến và di sản của nó qua một số tác phẩm hội họa xuất sắc nhất. Anh Sĩ Dũng gần đây cũng xuất bản một cuốn sách rất hay về họa sĩ Phạm Lực.

Họa sĩ Phạm Lực rất được giới sưu tập chú ý, và những người chơi tranh anh cực kỳ đa dạng, bao gồm cả người làm nhà nước ở vị trí khá cao như anh Nguyễn Sĩ Dũng (với một bộ sưu tập rất ấn tượng), chủ doanh nghiệp, thỉnh thoảng một vị khách quốc tế như tôi. 

Suốt nhiều năm, tôi đã ghé xưởng vẽ khiêm tốn của Phạm Lực trên đường Nghi Tàm mỗi khi có dịp đến Hà Nội, và rồi, tôi cũng có một bộ sưu tập nho nhỏ tranh anh. Anh đã vô cùng hào phóng với tôi, nhiều bức trong bộ sưu tập đấy là quà tặng của anh. (Sau này tôi phải ra điều kiện với anh là tôi sẽ không lấy không tranh nếu còn ghé thăm anh).

chiến tranh Việt Nam  - Ảnh 3.

Bức Nữ dân quân chở con của họa sĩ Phạm Lực, sơn dầu trên vải bao bố. Hiện trong bộ sưu tập của ông Nguyễn Sĩ Dũng.

Cuốn sách của anh Sĩ Dũng về Phạm Lực, với tựa đề như mang màu sắc tôn giáo, Cây cọ được Chúa cầm tay (NXB Mỹ Thuật, 2025) là dẫn lại lời của cựu thượng nghị sĩ và bộ trưởng ngoại giao Mỹ John Kerry. Anh Sĩ Dũng từng diễn giải tác phẩm của Phạm Lực cho ông Kerry và giúp ông chọn vài bức cho bộ sưu tập của chính ông. Bình luận của John Kerry xác nhận điều mà anh Sĩ Dũng và người hợp tác với anh, họa sĩ Lê Thiết Cương, vốn đã biết.

Chuyện tôi nhiều lần được xem Phạm Lực vẽ không hẳn là do tôi tới thăm anh thường xuyên, mà là do anh vẽ gần như không ngừng. Anh chắc chắn đã vẽ hơn 10.000 bức trong cả sự nghiệp, không có gì lạ khi không phải bức nào cũng là kiệt tác. 

Tôi thường nói rằng 70% tranh của Phạm Lực là tranh trang trí đẹp và 25% là hội họa, trong khi 5% là những tác phẩm quan trọng nhất của mỹ thuật Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. 

Bức Nữ dân của Phạm Lực, tranh sơn dầu trên vải bao gạo vẽ năm 1966 trong bộ sưu tập của anh Sĩ Dũng, chắc chắn thuộc số 5% này. Như anh Sĩ Dũng gần đây nhận xét với tôi "bức tranh này chứa đựng biết bao nỗi đau, sức mạnh và nhân phẩm lặng lẽ của thời đại đó, và tinh thần của Phạm Lực".

Tôi đã tự mình cảm nhận khi chứng kiến phản ứng của Phạm Lực với thảm họa môi trường năm 2016 do công ty thép Formosa xả thải bất hợp pháp ra biển ở vùng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Huế. Gần như sau một đêm, Phạm Lực, vốn sinh ở Huế và lớn lên ở Hà Tĩnh, đã vẽ ra một bức nằm trong 5% số kiệt tác như đã nói. Bức tranh hiện được treo ở nhà của ông John Kerry trên đảo Martha's Vineyard.

Đóng góp của Phạm Lực giúp chúng tôi hiểu nước Việt Nam hiện đại không chỉ ở thành tựu hội họa. Ông cũng có vai trò nhỏ, nhưng rất quan trọng trong bộ phim tài liệu đã nói ở trên của Burns và Novick. 

Ông góp mặt trong phim này một phần là do tôi tiến cử, vì hai đạo diễn Burns và Novick muốn tìm những cựu binh Việt Nam để đưa vào phim. Trong khoảng 100 người chúng tôi đã gặp và phỏng vấn, Phạm Lực là người cởi mở và nhiệt tình. Tâm trí ông, giống như tác phẩm của ông, thấm đẫm tri thức về cuộc sống bình thường của người Việt. 

Ông thừa nhận mình hết sức tự hào khi được kết nạp Đảng lúc còn là một họa sĩ trẻ của quân đội. Phạm Lực hiểu sức hấp dẫn lãng mạn rất thật của cuộc cách mạng, trong khi cũng thừa nhận những thiếu sót còn có thể xảy ra, bao gồm khó khăn kinh tế hậu chiến cuối cùng đã dẫn tới Đổi mới và khởi đầu cho cuộc chuyển mình về kinh tế của Việt Nam.

chiến tranh Việt Nam  - Ảnh 4.

Bức Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của họa sĩ Nguyễn Sáng, hiện ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Dương Bích Liên và Nguyễn Sáng

Những nhận xét của Phạm Lực khiến tôi nhớ lại hai tác phẩm khác của hai trong số những họa sĩ quan trọng nhất của Việt Nam thế kỷ 20, Dương Bích Liên (1924-1988) và Nguyễn Sáng (1923-1988).

chiến tranh Việt Nam  - Ảnh 5.

Bức Hào của họa sĩ Dương Bích Liên.

Trong khi tôi trân trọng Phạm Lực trên cơ sở tình bằng hữu cá nhân với nhà họa sĩ và anh Sĩ Dũng, hiểu biết ít ỏi của tôi về Dương Bích Liên là từ loạt tiểu luận năm 2003 trong cuốn catalog do Nhà xuất bản Mỹ Thuật ấn hành nhân kỷ niệm 35 năm ngày mất của họa sĩ. 

Cuốn sách tuyệt vời này nắm bắt được chất lãng mạn của cuộc cách mạng qua trải nghiệm của Dương Bích Liên ở Việt Bắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Lối vẽ tối giản và thiếu hẳn những đặc điểm hội họa mô tả quen thuộc thời bấy giờ khiến bức tranh lúc ấy được khó chấp nhận trong mắt giới chức văn hóa. Trong tranh của Dương Bích Liên, những gì câm lặng mới lên tiếng.

Bức sơn dầu năm 1979 của ông, Bác đi công tác ở Việt Bắc, là một cách phá vỡ sự im lặng đó. Dương Bích Liên đã không vẽ Hồ Chủ tịch khi đi cùng ông ở Việt Bắc, mà vẽ nhiều chục năm sau đó. Hào, với tôi, có lẽ là một trong những tác phẩm quan trọng và tinh tế nhất của hội họa Việt Nam hiện đại. 

Âm hưởng sức mạnh không cần tô điểm ở đó gợi tới một ví dụ xuất sắc khác về nghệ thuật lấy cảm hứng từ cuộc chiến: bức tường hình chữ V bằng đá granite đen của Maya Lin ở khu National Mall, Washington D.C. Hai bức tranh bổ sung cho nhau một cách lạ lùng: những người lính không xuất hiện trong bức Hào là vô danh, trong khi công trình của Lin được khắc đầy đủ hơn 58.000 cái tên.

Kiệt tác của Nguyễn Sáng năm 1963, Kết nạp đảng ở Điện Biên Phủ, hiện nằm chung trong phòng trưng bày với bức Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc của Dương Bích Liên tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (tại Hà Nội). 

Tìm hiểu phong vị bí ẩn mà hấp dẫn trong hội họa Nguyễn Sáng là hành trình đầy thách thức và cũng vô cùng thỏa mãn. Tôi một lần nữa chịu ơn các thông tin từ những bài viết và cuốn catalog do nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn xuất bản nhìn lại về Nguyễn Sáng, in năm 1996.

chiến tranh Việt Nam  - Ảnh 6.

Tranh của họa sĩ Tạ Tỵ, sơn dầu trên toan, hiện ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

Giống như Phạm Lực và Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng là nhà họa sĩ cách mạng. Không như Phạm Lực, Nguyễn Sáng là người-họa-sĩ cẩn trọng và nhẫn nại. Nhưng giống như Phạm Lực, ông dám thể nghiệm. Nguyễn Sáng có vẻ đã hứng thú với chủ nghĩa biểu hiện của hội họa Đức. 

Khi nghĩ về Kết nạp đảng ở Điện Biên Phủ, tôi nhìn thấy Ernest Ludwig Kirchner, đại biểu của ý tưởng nghệ thuật là để nhấn mạnh cảm xúc nội tại, hay một ý tưởng, chứ không phải là sao chép thực tại. Tôi rất thích bức tranh vì nó tránh được những sáo mòn của nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nó không trực diện. Nó chứa ngụ ý. 

Thật lạ lùng, ngắm bức tranh, tôi cảm thấy như mình đang nghe Bob Dylan, thứ âm nhạc và thi ca đã truyền cảm hứng cho những người đấu tranh chống Mỹ can thiệp vào cuộc chiến Việt Nam dù không trực tiếp nhắc tới chiến tranh hay biểu tình… 

Trong lớp học, dù cùng sinh viên nghe nhạc về thời kỳ này, tôi vẫn còn thấy tiếc vì chúng tôi đã chưa đủ thời gian khám phá những tác phẩm của Trịnh Công Sơn, tôi dự kiến sẽ đưa vào các khóa học sau này.

--------

Tháng 3 vừa rồi, nỗ lực chia sẻ chút tri thức ít ỏi và góc nhìn của tôi với sinh viên về cuộc chiến đã kết thúc được 50 năm đã dạy tôi rằng, chúng ta vẫn có thể tiếp tục học hỏi được nhiều ra sao về di sản nghệ thuật giàu có và đa dạng mà cuộc chiến để lại. 

Chúng ta đều nên hy vọng những nhà trí thức của đại chúng như anh Nguyễn Sĩ Dũng sẽ tiếp tục chia sẻ tri kiến của họ về các tác phẩm như của Phạm Lực và những người đương thời với ông.

Về phần mình, tôi rất mong ngóng được chìm đắm ở các bảo tàng Hà Nội và TP.HCM nhiều hơn nữa, để tìm kiếm những bài học mà các nhà danh họa đấy đã để lại cho chúng ta. 

chiến tranh Việt Nam  - Ảnh 2.

Ông Thomas Vallely và Tổng Bí thư Tô Lâm trong cuộc gặp tháng 3-2025 tại Hà Nội.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận