Cuộc chiến Ukraine: Khi ông Macron quay đầu

TƯỜNG ANH 08/04/2024 09:37 GMT+7

TTCT - Những ngày qua, truyền thông phương Tây và Nga xuất hiện nhiều thông tin về khả năng Pháp can thiệp quân sự vào Ukraine.

Tại sao Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cần có quân NATO, hoặc chí ít là quân Pháp, ở Ukraine?

Ảnh: euroactiv.com

Ảnh: euroactiv.com

Đưa tin về quyết định mới của ông Macron, tờ Le Monde giới thiệu: sau hai năm xung đột kéo dài và tình hình Ukraine xấu đi, tổng thống Pháp đã chuyển từ quan điểm "không làm bẽ mặt Nga" sang đề nghị gửi quân hỗ trợ Kiev. 

Tờ này cho biết vào ngày 21-2, tại một sự kiện quy mô nhỏ, ông Macron đã tuyên bố: "Trong mọi trường hợp, năm tới tôi sẽ cử người tới Odessa". Năm ngày sau, 26-2, trả lời từ Điện Elysée khi được hỏi về chuyện này, ông Macron lại nói "không thể loại trừ được điều gì".

Trong cuộc gặp nói trên, có sự tham gia qua video của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Macron khẳng định: "Chúng tôi sẽ làm mọi thứ cần thiết để đảm bảo rằng Nga không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến". 

Kết quả cuộc gặp, nhà lãnh đạo Pháp tuyên bố thành lập liên minh hỗ trợ khẩn cấp cho Ukraine và hứa với Kiev sẽ cung cấp tên lửa và bom tầm trung và tầm xa, đồng thời đề cập khả năng quân đội phương Tây có thể được điều tới Ukraine như đã nêu.

Dễ hiểu vì sao đề nghị của ông Macron không được các đồng minh hưởng ứng. Thủ tướng Đức Olaf Scholz không những từ chối thảo luận việc đưa quân NATO tới Ukraine, mà còn chưa sẵn sàng chuyển tên lửa tầm xa Taurus cho Kiev. 

Ngoài ba nước Baltic ủng hộ ý tưởng của Macron, hầu hết đồng minh của Pháp đều phản ứng bất lợi. Ngay cả Ba Lan cũng nói rõ "sẽ không gửi quân tới Ukraine. Chúng tôi đã nói về vấn đề này một cách rõ ràng - tôi, ngài tổng thống và thủ tướng. Không có kế hoạch nào như vậy", Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz dứt khoát.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Adrienne Watson thì giải thích: "Tổng thống Joe Biden đã nói rõ Mỹ sẽ không gửi quân tham gia... chiến đấu ở Ukraine". Bộ trưởng Quốc phòng Ý Guido Crosetto nói ý tưởng gửi quân đến Ukraine, do Paris thúc đẩy, dẫn đến "sự leo thang sẽ xóa bỏ con đường ngoại giao".

Sau phản ứng tiêu cực từ các đồng minh, ông Macron vội vàng phủ nhận những tuyên bố trước đó. Nhưng không lâu sau, ông lại nói tới việc "can thiệp giảm nhẹ" dưới hình thức hỗ trợ ở hậu phương. Các nước Baltic gọi sáng kiến Macron là "cách tiếp cận phi tiêu chuẩn".

Ảnh: NPR

Ảnh: NPR

Vì đâu, từ "bồ câu thành diều hâu"?

Trên thực tế, Pháp hỗ trợ Ukraine không nhiều so với các đồng minh. Theo Viện Kiel, từ tháng 1-2022 đến tháng 1-2024. Paris mới chi 1,8 tỉ euro cho Kiev, không nằm trong top 10 nhà tài trợ hàng đầu, xếp sau cả Phần Lan, Bỉ và Thụy Sĩ. Bản thân ông Macron cũng chỉ đến Ukraine một lần.

Chính vì thế mà lập trường của ông mới đây khiến dư luận xôn xao. Bloomberg 27-2 mô tả những gì ông nói là "một dạng xung đột chiến lược" để chứng minh cho Nga thấy phương Tây không có ý định từ bỏ Ukraine. 

Le Monde đề xuất phương án "tiến thoái lưỡng nan chiến lược", trong đó khi quân NATO có mặt ở Ukraine, Matxcơva sẽ ngại tấn công các địa điểm quân sự của phương Tây vì sợ leo thang và hạn chế ném bom Ukraine. 

"Sự hiện diện của binh lính Pháp hoặc các quốc gia khác có khả năng khiến một số khu vực Ukraine trở nên an toàn và sẽ hạn chế đáng kể hoạt động của Matxcơva. Khả năng này cũng cho thấy tầm quan trọng của việc máy bay F-16 của Mỹ được công bố sẽ đến Ukraine vào năm 2024", Le Monde viết.

Giờ đây, ông Macron đang cố gắng chứng minh ông muốn giúp Ukraine không kém nước khác, đồng thời đưa Pháp trở lại vị thế lãnh đạo ở châu Âu. Việc Đức có tới 96 ghế trong Nghị viện châu Âu so với Pháp chỉ có 81 ghế, cũng khiến ông Macron "ngủ không yên", theo kênh TV 360.

Một lý giải khác: Ông Macron đang dẫn đầu chiến dịch tranh cử cho cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 7 tới. Theo các cuộc thăm dò, Đảng Vận động quốc gia cực hữu của bà Marine Le Pen đang dẫn đầu, trong khi đảng của ông Macron chỉ được chưa đến 20% sự ủng hộ. Tăng nhiệt các hoạt động chống Nga là nỗ lực nhằm gán cho bà Le Pen nhãn dán "người của Putin".

Một manh mối khác là linh cảm toàn châu Âu về những thay đổi sắp xảy ra tại Washington. Các cường quốc châu Âu ngày càng e ngại họ sẽ phải đối phó với tổng thống Mỹ Donald Trump trong nhiệm kỳ mới. 

Ông Trump từng xem châu Âu là ăn bám về an ninh và thậm chí đã đòi giải tán NATO. Ngay cả khi ông Biden ở lại Nhà Trắng, việc có những thành phần quan trọng trong Quốc hội Mỹ không muốn đổ tiền vào Ukraine cho thấy "bá chủ đã mệt mỏi với việc bá quyền", theo TV 360.

Tổng thống Nga Vladimir Putin thì tin rằng đằng tuyên bố của ông Macron là tâm trạng phẫn nộ trước việc Nga đang ép Pháp ra khỏi Tây Phi. 

Nhà khoa học chính trị Nga Danila Gureev phân tích rằng chiến thắng của Nga ở Ukraine sẽ giúp Nga nắm được một phân khúc lớn nữa của thị trường nông sản, với kết quả là sự chuyển hướng kinh tế của châu Phi sang Nga, kéo theo chuyển hướng chính trị. Đó là lý do ông Macron kiên quyết "không để Nga thắng".

Ảnh: Mint

Ảnh: Mint

Mộng và thực

Nhiều chuyên gia quân sự đã dẫn các số liệu về thực lực các phía để đánh giá tính thực tiễn trong tuyên bố của ông Macron. CNN đưa tin Nga sản xuất đạn pháo nhiều gấp 3 lần so với Mỹ và châu Âu. 

Nga bắn khoảng 250.000 viên đạn pháo mỗi tháng, tương đương 3 triệu viên mỗi năm. Trong khi cả Mỹ và châu Âu chỉ có khả năng sản xuất khoảng 1,2 triệu viên mỗi năm để vận chuyển tới Kiev. Tướng Pháp Francois Chauvency nói trên kênh Svezhect ngày 11-3 là Pháp đã cung cấp cho Ukraine 40% số pháo của họ.

Nhà báo Pháp chuyên viết về Nga Pierre Lorrain nói toàn bộ châu Âu, trừ các nước Baltic, Ba Lan và Czech, đều phản đối ý tưởng gửi quân đến Ukraine. 

Ông giải thích: "Đừng quên rằng gần đây chúng ta đã có một thỏa thuận quốc phòng Pháp - Đức để chế tạo máy bay mà chúng ta đã từ bỏ, và chương trình xe tăng Pháp - Đức kéo dài hơn 10 năm mà không đạt được tiến triển nào". 

"Để phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, chúng ta cần năng lượng rẻ mà hiện tại chúng ta không có, cũng như không có cả ngành công nghiệp quốc phòng, bởi ngay cả Đức cũng đang phi công nghiệp hóa. Chúng ta cũng cần tiền mà chúng ta không có. Vì vậy, tất cả (những gì ông Macron nói) chỉ là ba hoa".

Ảnh: Newsweek

Ảnh: Newsweek

Từ 5 kịch bản đến... 2.000 quân?

Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu chính trị Sergey Markov trên kênh Telegram ngày 26-3 giới thiệu: Báo chí Pháp đưa ra 5 kịch bản về việc quân Pháp tiến vào Ukraine, dẫn nguồn tin trong giới quân sự Pháp:

(1) Xây dựng các nhà máy quân sự trên lãnh thổ Ukraine để sản xuất vũ khí của Pháp. 

(2) Triển khai quân nhân để huấn luyện lính Ukraine trên lãnh thổ Ukraine, và để rà phá bom mìn. 

(3) Triển khai lực lượng phòng không ở Odessa. 

(4) Triển khai quân ở một số vùng lãnh thổ nhất định để giải phóng quân đội Ukraine khỏi đó, cụ thể là khu vực biên giới với Belarus và dọc theo sông Dnieper để ngăn quân Nga vượt sông. 

(5) Tham gia chiến tranh "chiến hào", tức tham chiến trực tiếp.

Người đứng đầu Cơ quan Tình báo nước ngoài của Nga Sergei Naryshkin cho biết Pháp đã chuẩn bị gửi quân tới Ukraine và ở giai đoạn đầu có thể là 2.000 người. Nga từ lâu khẳng định rằng các lực lượng đặc biệt phương Tây có mặt ở Ukraine. 

Ví dụ, Báo Nga cuối tháng 2 nói đặc nhiệm Trung đoàn Tác chiến đường không đặc biệt Anh (SAS) đã bảo vệ ông Zelensky ở Kiev vào năm 2022, Biệt kích hải quân Anh (SBS) yểm trợ để quân Ukraine vượt Dnieper mùa hè năm 2023, trong khi lực lượng đặc biệt của Anh, Mỹ, Ba Lan và Baltic đã hoạt động ở cả Ukraine lẫn các lãnh thổ do Nga kiểm soát. 

Các tờ The Washington Post (Mỹ), Financial Times (Anh), và Bild (Đức) cũng từng viết về sự hiện diện của binh lính phương Tây ở Ukraine.

Ông Markov nói trong số hàng nghìn tay súng nước ngoài hiện ở Ukraine, ngoài lính đánh thuê thuần túy, còn có lực lượng đặc biệt của các nước NATO. Họ ăn mặc như lính đánh thuê, nhưng thực sự là sĩ quan, chuyên huấn luyện cho Ukraine. 

Còn có các sĩ quan, tướng lĩnh cấp cao của Mỹ, Anh và các nước NATO khác chuyên lên kế hoạch hành quân và tác chiến. Từ Ba Lan có cả quân chính quy (10.000 đến 15.000 nghìn) ăn mặc như quân các công ty quân sự tư nhân, theo ông Markov.■

Nhà báo, sử gia quân sự người Pháp Laurent Briard viết trong bài bình luận cho kênh Vashi Novosti 29-2: "Quân đội của chúng tôi có tổng cộng 200.000 binh sĩ. Chúng tôi nên cử ai tới Ukraine? Chúng tôi có đội quân tinh nhuệ, có thể là 50.000, tức tiềm lực rất yếu. Quân đội của chúng tôi chưa sẵn sàng, và Pháp cũng chưa sẵn sàng để chiến đấu chống lại Nga... Và tôi biết chắc chắn một điều: đa số người Pháp phản đối việc đưa quân tới Ukraine".

Cổng thông tin Rubaltic đưa ra thêm các con số: Quân đội Latvia chỉ có 6.000 lính chính quy và 8.000 dân quân, Lithuania - 23.000, Estonia - 7.000.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận