“Cha mẹ trực thăng”: Cần ba mẹ bên mình, nhưng đừng soi mói

LÂM MINH TRANG (Gò Vấp) 08/12/2014 01:12 GMT+7

TTCT - LTS: Loạt “Cha mẹ trực thăng” số này sẽ dành cho các thầy cô, với ghi nhận của một số giáo viên trung học về thái độ của học sinh mình trước những ”cha mẹ trực thăng”.

Minh họa: Bích Khoa
Minh họa: Bích Khoa

Ghi chép từ chuyện trò với các học sinh cấp III Phú Yên, từ miền núi (Trường cấp II, III Võ Văn Kiệt) xuống đồng bằng (Trường THPT Trần Quốc Tuấn) đến thành phố (Trường chuyên Lương Văn Chánh).

* Ba mẹ có luôn lo lắng cho chúng ta mọi thứ, từ việc nhỏ nhất như vệ sinh cá nhân, mắc màn cho mình ngủ, đến chuyện lớn như tương lai sự nghiệp?

Đến 70% học sinh trả lời có. Tuy nhiên chỉ 15-20% trong số này rơi vào trường hợp “úm con” và các em chỉ muốn ba mẹ luôn bên mình để thấy an tâm, chứ không muốn ba mẹ mãi coi mình còn bé như mẫu giáo.

- Trong hai người thì mẹ hay lo lắng vụn vặt hơn, chắc là mẹ sợ “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” ấy mà (cười).

* Em nghĩ thế nào về việc ba mẹ luôn ở bên và sẵn sàng giúp đỡ khi em cần?

- Giúp em an tâm, không sợ gặp khó khăn, tự tin hơn. 

* Nếu ba mẹ không ở bên mình một thời gian dài, liệu em có sống tự lập được không? Có sinh hư không?

- Xáo trộn ngay.

- Một tuần thì được chứ lâu hơn thì không ổn.

- Em biết nhiều bạn có ba mẹ đi làm xa, bạn chẳng học hành gì cả.

* Em có thấy cuộc đời nhiều cạm bẫy không?

- Có chứ ạ. Rất sợ.

- Chỉ nghe qua đài, báo, Internet.

* Ba mẹ cứ nhắc mãi chuyện phải đậu đại học, chuyện không được yêu sớm... em có thấy là “biết rồi khổ lắm nói mãi”?

- Thấy khó chịu, thấy ớn, nhưng ba mẹ lo nên mới nhắc thế.

- Em thấy cũng bình thường, ráng chịu được.

* Nếu vì sinh kế ba mẹ bỏ bê, dửng dưng với con cái, các em có buồn không?

- Buồn lắm, tủi thân.

- Nếu là em... chắc em sẽ viết nhật ký.

- Chẳng vì chuyện làm ăn đâu mà vì cãi nhau nên ba mẹ chẳng ngó ngàng gì đến em.

* Quan sát trong lớp các em có thấy bạn nào được ba mẹ “tưng tiu” quá nên trông có vẻ “gà công nghiệp” không?

- Không, không thấy ai.

- Thấy nhiều bạn nữ hơi đừ, chắc thức khuya học bài.

- Nếu có xảy ra hiện tượng gà công nghiệp thì điều đó phụ thuộc vào khí chất từng cá nhân hơn là vì sự quan tâm quá trớn của ba mẹ (trả lời rất người lớn).

- Trong sự kiểm soát chặt của ba mẹ thì các bạn nữ như tụi em chịu nhiều khắt khe hơn các bạn nam.

* Em có thấy sự quan tâm quá mức của ba mẹ là cần thiết cho mình?

Đa số học sinh cho rằng sự quan tâm là cần thiết nhưng hãy để các em được quyết định một số việc.

- Cảm thấy tù túng, buồn bực vì không được ba mẹ tin yêu, ba mẹ dường như mất lòng tin ở tụi em.

- Hằng ngày em thấy người lớn mất lòng tin, nghi kỵ lẫn nhau. Chắc ba mẹ cũng nghĩ tụi em như thế.

- Ba mẹ cứ hay can thiệp vào chuyện bạn bè. Em biết ai là bạn xấu và ai là bạn tốt. Nhưng cũng không thể tốt hết hoặc xấu hết. Bạn xấu chuyện này nhưng tốt chuyện kia. Bạn có thể tham lam một tí nhưng khi cần bạn lại bảo vệ mình (cười).

* Khi ba mẹ quan tâm thái quá, điều gì làm các em không thích?

- Bắt con cái sống theo khuôn mẫu đặt ra. Chúng em cũng có ước mơ, sở thích riêng.

 - Tra gạn từng chút vì ba mẹ không có “tin kế” nào để đo lòng thành thực của bọn em nhưng lại không tin lời chúng em giãi bày.

 - Quan tâm đến độ soi mói.

- Tuy khó chịu nhưng em lại thấy thương ba mẹ, em chịu đựng được.

 - Bắt con trèo cao, bắt con phải thực hiện cho kỳ được những áp đặt.

* Thế các em muốn được quan tâm như thế nào?

- Cho tụi em tự do một chút. Chúng em cũng lớn rồi mà.

- Em muốn ba mẹ ở bên sẵn sàng giúp đỡ em khi cần. Có lẽ ba mẹ đứng phía sau thì tốt hơn để chúng em có dịp thể hiện mình.

- Ba mẹ nên hướng dẫn, cố vấn thôi.

- Em cũng không muốn ba mẹ lo lắng, hi sinh quá nhiều vì mình.

- Ba mẹ chỉ nên “xuất hiện đúng lúc” khi con yêu cầu.

* Những việc gì em không muốn ba mẹ làm với mình?

- Thường xét nét bạn bè em, làm như đang theo dõi. Ba mẹ nên tâm lý một chút.

- Kiểm soát mọi thứ từ hành vi đến nếp nghĩ, cả những chuyện riêng tư.

- Đặc biệt không tin tưởng vào con mình.

V.HÙNG - B.NHÀN - H.CƯỜNG

_________________

Hãy là bầu trời, mặt đất, vầng trăng...

1. Là một giáo viên có hơn 20 năm trực tiếp làm công tác giảng dạy và sau đó hơn 10 năm làm công tác quản lý, tôi có nhiều cơ hội quan sát các thế hệ học trò của mình lớn lên và mối quan hệ của lứa tuổi thiếu niên khá phức tạp với cha mẹ mình.

Đa số các bậc phụ huynh hôm nay lại là những người có trình độ, hiểu biết nhất định về học tập, sinh hoạt của con mình.

Chính trình độ và sự hiểu biết đó làm các bậc phụ huynh cứ nghĩ mình đủ điều kiện để đồng hành với con trong mọi lĩnh vực, mà quên mất rằng dẫu có đồng hành tới đâu đi nữa thì giữa họ và con cái vẫn có một khoảng cách tuổi tác. 

Các bậc phụ huynh cứ nghĩ rằng họ có thể đem đến những vùng an toàn cho con khi dốc lòng truyền thụ kinh nghiệm, chăm sóc và trở thành người bạn đường không thể thiếu của con. Giao thông trên đường đầy rẫy nguy hiểm chực chờ: đã có đôi tay cầm lái vững vàng của bố.

Những buổi họp mặt bạn bè, sinh nhật, cắm trại của con: sẽ có mẹ đi theo để hỗ trợ cho yên tâm (!). Con muốn ăn món gì: đã có bà. Con cần trao đổi, tìm tòi điều gì về ngày xưa: sẽ có ông. Tình yêu quá lớn đó, sự vây bọc êm ái và an toàn đó, xin thưa sẽ là quá thừa. Bởi con đường mà ông bà, cha mẹ đã đi đến nay không còn là con đường mà con trẻ phải đối diện.

Những kinh nghiệm mà ông bà, cha mẹ có được hôm nay chỉ còn giá trị tham khảo. Sự an toàn, êm ái mà người lớn mang đến không cho trẻ em cái cảm giác được sáng tạo, được khám phá, được thử thách và quan trọng nhất được chứng minh giá trị của bản thân mình, là điều mà người trẻ nào cũng muốn có, muốn được tự tay mình tạo ra. 

2. Khi không được cha mẹ cho đi “lộ trình” khác, học trò tôi thường có những khuynh hướng sau: một là các em cam chịu và chấp nhận cho yên cửa, yên nhà và yên thân.

Cách “chịu yêu” này đã tạo ra một loạt học sinh có thể đạt những chỉ tiêu tối ưu về thể chất, tri thức, nhưng khi phải thật sự đối diện với cuộc sống, nhất là khi bước sang môi trường mới, tự các em sẽ chới với như người không biết bơi lần đầu tiên bị ném xuống biển, thất bại là chuyện nhãn tiền.

Điều cần báo động cho loại hình “trẻ em lâu năm” này là các em phải cứ mãi mãi thanh xuân với cuộc đời về mặt tri thức, suy nghĩ, nên khi phải già đi về mặt sinh học, phải gánh vác những trách nhiệm của người trưởng thành, các em thường mang mặc cảm của những người lớn thất bại.

Hai là các em vùng lên đòi quyền tự do sống, học tập, chọn ngành nghề, kể cả người yêu, chống lại áp đặt từ cha mẹ mình. Các em đẩy mình vào thế đối đầu với cha mẹ, trở thành những đứa trẻ ương bướng, bất trị, gây cảm giác bất an cho người lớn và làm không khí gia đình trở nên rất nặng nề.

Ở các học sinh này có một sự nhầm lẫn tai hại giữa việc khẳng định “cái tôi bản thể” (vốn được các em tự cho nó lớn lên nhiều lần bằng vào sự yêu chiều, chăm bẵm của gia đình) với “khái niệm độc lập”.

Từ nhỏ, các em đã không được cha mẹ trang bị sự độc lập đúng cách và chính vì vậy đã đưa các em đến việc đấu tranh sai đường để đòi cho được cái nội tại vốn có chứ không phải thể hiện bản lĩnh trưởng thành. 

Khi đối diện với những vấn đề này, cha mẹ bao giờ cũng bắt đầu bằng câu than thở muôn thuở với thầy cô: “Chúng tôi làm mọi thứ cho cháu, vì cháu. Nó còn đòi hỏi gì nữa?”. Tình yêu đó gần giống như sự ép buộc, mà trong tình yêu, sự miễn cưỡng không bao giờ đem lại hạnh phúc!

Vì thế “yêu con” và “yêu con đúng cách” tuy chỉ chênh nhau ở hai từ nhưng đó chính là nguyên nhân khiến nhiều trẻ em hiện nay loay hoay tìm cách bứt phá khỏi gia đình một cách đáng tiếc. Mà người lớn lúc ấy chỉ còn được mời tham gia để giải quyết ở khâu hậu quả.

3. Trao đổi với học sinh, chúng tôi nghiệm ra trẻ em luôn cần tình yêu thương, sự quan tâm của cha mẹ, người lớn, nhưng đó không phải là thứ tình yêu vây bọc như chúng ta từng tạo ra, thứ “tình trực thăng” bạ lúc nào “đáp” xuống lúc ấy và “đáp” bất kể “địa hình”, bất kể có hay không có yêu cầu.

Hãy cho trẻ được bay nhưng bằng đôi cánh của chính các em. Đôi cánh của tri thức được tiếp nhận từ học hành, từ giáo dục; đôi cánh của nhân cách mà các em được nêu gương, được tự nhận biết đúng - sai một cách công bằng.

Hãy cho các em khả năng biết tự bảo vệ mình bằng cách đấu tranh với chính năng lực của các em, chứ không phải bằng đôi cánh của gà mẹ hay sự dũng cảm của gấu ba khi con đối diện khó khăn. 

Cha mẹ ngày hôm nay xin hãy trở thành bầu trời, mặt đất, vầng trăng của con em mình.

Trở thành bầu trời, mặt đất, vầng trăng là cho con cái một không gian rộng dù vẫn có giới hạn (các em chấp nhận đường chân trời dễ hơn sân bay chật hẹp, chấp nhận mặt đất lồi lõm, khấp khểnh dễ hơn chấp nhận những sân chơi cố định chật chội), điều này sẽ khiến các em tự tin hơn, trưởng thành hơn...

Trở thành bầu trời, mặt đất, vầng trăng, các bậc phụ huynh sẽ nhận ra mình thanh thản hơn, tình cảm gia đình gắn bó hơn mà không ồn ào bởi tiếng cánh quạt “trực thăng” lúc nào cũng phành phạch không ngơi nghỉ trên đầu gia đình mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận