Chữa điếc nặng cho trẻ không chỉ nhờ máy

TTCT - Phẫu thuật cấy điện cực điện tử vào ốc tai là phương pháp giúp phục hồi chức năng ốc tai. Tuy nhiên, sau phẫu thuật thành công còn phải tập cho bé nghe mới hiểu được ý nghĩa của âm thanh.

Phóng to
Bé Minh Anh (3 tuổi) đã được cấy điện tử ốc tai, tiếp tục học nghe tại khoa vật lý trị liệu Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM - Ảnh: L.N.M.

Điếc nặng còn gọi là điếc thần kinh do các cấu trúc của hệ thống tai trong hư hỏng không còn làm được chức năng chuyển đổi các tín hiệu âm thanh lên não. Trẻ điếc nặng hầu như không còn nghe được bất kỳ âm thanh nào, công suất máy trợ thính không nâng được khả năng nghe nói cho trẻ là bao. Tật điếc nặng chiếm tỉ lệ cao trong tổng số trẻ điếc đến khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM.

Cấy điện cực ốc tai là gì?

Khi điện cực ốc tai điện tử ra đời, tật điếc nặng xem như chữa được với phương pháp phẫu thuật cấy điện cực điện tử vào ốc tai, giúp phục hồi chức năng của bộ phận này.

Điện cực ốc tai điện tử là một hệ thống điện tử tinh vi gồm bộ xử lý âm thanh nằm ở bên ngoài đeo sau tai và bộ cấy. Bộ cấy qua phẫu thuật đặt vào trong tai, là điện cực điện tử sẽ thay thế cấu trúc ốc tai bị mất chức năng. Nếu không tìm hiểu thông tin một cách đầy đủ, nhiều người thường nghĩ rằng hệ thống thiết bị điện tử này sẽ tự động làm trẻ nghe nói lại ngay sau khi phẫu thuật thành công.

Điều mấu chốt giúp một trẻ điếc nặng có thể phát triển nghe nói như trẻ bình thường là trẻ phải được phát hiện sớm và can thiệp trước 3 tuổi. Đây là khoảng thời gian cho phép vùng thính giác của não phát triển. Thời gian này nếu không được kích thích bởi hoạt động lắng nghe thì vùng não thính giác sẽ bị các vùng khác lấn át. Sau 7 tuổi, sự can thiệp về thính giác rất kém hiệu quả vì não đã làm xong việc tổ chức sắp xếp các vùng chuyên biệt.

Tiến sĩ thính học Carol Flexer giải thích: “Tai của chúng ta chỉ là con đường cho âm thanh vào não. Chúng ta lắng nghe bằng não”. Do đó sau khi cấy, để những âm thanh mà trẻ nghe trở thành âm thanh có ý nghĩa, phân biệt được đây là tiếng chim hót, kia là tiếng mẹ gọi... thì trẻ phải học nghe, được dạy lắng nghe và hiểu.

Cách học nghe qua máy trợ thính có giá từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu hoặc qua hệ thống thiết bị điện cực ốc tai điện tử hàng trăm triệu đồng, đều theo một trình tự giống như trẻ bình thường học nghe, học nói. Theo đó, người ta tính tuổi nghe của trẻ từ khi bắt đầu đeo máy chứ không theo tuổi đời, nếu một trẻ 3 tuổi mới đeo máy được một tháng thì tuổi nghe là 1 tháng tuổi. Như thế, ta sẽ dạy trẻ này học nghe như trẻ bình thường mới 1 tháng tuổi.

Thời gian này, trẻ tập trung vào học lắng nghe chứ không phải học nói. Trẻ học nghe những âm thanh có nhạc điệu, âm thanh gây bất ngờ lý thú giống như âm thanh các em bé vài tháng tuổi thích nghe như “ố... ô!”, “măm măm!”. Khi trẻ đã có nhiều kinh nghiệm, phân biệt được các âm thanh khác nhau thì đó là lúc trẻ mới có thể học từ và nói một số từ đầu tiên như trẻ bình thường 1 tuổi.

Phải dạy nghe bằng thính giác

Ngoài việc phải học nghe phù hợp tuổi nghe, theo tiến sĩ Flexer, trẻ khiếm thính cần phải học nghe khó hơn gấp ba lần trẻ bình thường, vì sự tiếp cận nghe bị giảm cho dù có kỹ thuật tiên tiến. Phải có phương pháp dạy trẻ nghe. Đó là phương pháp nghe nói qua đường thính giác mà không sử dụng ngôn ngữ ký hiệu hoặc đọc môi. Luôn luôn nhắc trẻ “Nghe nè!” và chỉ vào tai, cho trẻ nghe âm thanh trước khi cho trẻ thấy nguồn phát ra âm thanh.

Thông thường trẻ điếc học dễ và nhanh hơn với ngôn ngữ dấu hiệu và đọc môi. Nhưng khoa học đã xác định thính giác chính là con đường phát triển ngôn ngữ, nói khác đi là để hiểu và sử dụng ngôn ngữ nói, trẻ phải nghe được tất cả âm thanh của lời nói. Với phương pháp nhìn môi, trẻ dễ dàng bắt chước nói theo một số từ ngữ đơn giản, nhưng học nói bằng mắt trẻ sẽ bỏ mất rất nhiều thông tin, cách này dẫn đến khó khăn học trong tương lai.

Ở VN, nhiều gia đình đã tiếp cận với công nghệ điện cực ốc tai điện tử, nhiều trẻ điếc nặng đã vào học hòa nhập, có trẻ học rất tốt. Nhưng vẫn có một số trẻ phải học trường chuyên biệt mặc dù có mang máy trợ thính hoặc đã cấy điện cực ốc tai điện tử.

Nếu có sự nỗ lực phối hợp giữa gia đình và các nhà chuyên môn như bác sĩ thính học, nhà trị liệu ngôn ngữ, giáo viên thì trẻ điếc nặng sẽ không bị tước đoạt cơ hội hòa nhập cuộc sống bình thường.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận