Chuyện cái sân chơi trẻ em ở tổ dân phố

ĐỨC TRIẾT 09/12/2014 02:12 GMT+7

TTCT - Chỉ là một góc đầu hồi của dãy nhà D2B bỏ không trong con ngõ số 30 Lương Định Của, Hà Nội, bà Trần Thị Vần (tổ trưởng tổ dân phố số 30 P.Phương Mai, Q.Đống Đa) vẫn quyết tâm cải tạo thành sân chơi cho trẻ.

Sân chơi chỉ rộng khoảng 112m2 nhưng thuộc dạng hiếm ở Hà Nội “tấc đất tấc vàng” - Ảnh: Lê Bích
Sân chơi chỉ rộng khoảng 112m2 nhưng thuộc dạng hiếm ở Hà Nội “tấc đất tấc vàng” - Ảnh: Lê Bích

Thật giản dị, bà bảo: “Chúng tôi làm việc ấy là vì thương trẻ con bây giờ không có chỗ chơi...”.

Cái sân chơi cho trẻ mà bà Vần cùng tổ dân phố số 30 mới “khánh thành” cách đây nửa tháng có diện tích vô cùng khiêm tốn: khoảng 112m2.

Nó rất sơ sài khi chỉ có cái sân được tráng bêtông, mấy cái ghế đá và cây ngọc lan mới trồng. Đã thế, đồ chơi ở đây giản đơn đến mức chỉ trừ cái cầu trượt là được mua mới, còn những cầu bập bênh, cầu nhún, quay, đu, ôtô đều được chế tạo từ những vật liệu bỏ đi như thanh gỗ, khúc cây, dây thừng...

Vậy nhưng đám trẻ con không chỉ sống trong ngõ 30 mà cả bên tập thể điện lực, ngõ 36 hay các nhà tập thể gần đó cứ lũ lượt kéo nhau ra đây chơi. 

Ảnh: Lê Bích
Ảnh: Lê Bích

Từ một suy nghĩ đơn giản

Nhà bà Vần ở xéo góc trái của sân chơi. Năm nay bà Vần 70 tuổi, hai cô con gái đã lập gia đình và chồng bà qua đời đã 10 năm nên bà sống một mình trong dãy nhà D2A khu tập thể Kim Liên. Những năm trước, bà Vần đã nghĩ rất nhiều về sân chơi này.

Bà nhẩm tính cái khoảnh đất có hai nhà bơm, một bể bơm ở đầu hồi dãy nhà D2B bỏ hoang đã 15 năm khi khu tập thể được cấp nước sạch trực tiếp. Là đất công cộng nên người dân xả rác bên dưới, phơi quần áo phía trên, nền đất mấp mô, mốc thếch. Chút nước mưa đọng lại trong bể để lâu ngày thành “nhà” cho muỗi đẻ trứng.

Trong khi đó, bà thấy đám trẻ con ở đây mỗi ngày một đông. Bọn chúng lớn lên trong những ngôi nhà khép kín mà chẳng bao giờ có sân chơi để vui đùa, chạy nhảy. Thế nhưng, bà Vần không thể có ý kiến vì lúc đó bà là tổ trưởng tổ dân phố số 57, không phụ trách khu dân cư các tổ 59, 60 có khoảng đất trống ấy. 

Tháng 10-2014, khi ba tổ này được sáp nhập thành tổ dân phố số 30, bà Vần tiếp tục được tín nhiệm làm tổ trưởng. Thế là ngay từ cuộc họp đầu tiên của tổ dân phố, bà đã đưa ra tiêu chí: phải giải phóng hai nhà bơm và bể bơm ở góc đất công cộng đầu hồi nhà để làm sân chơi cho trẻ.

“Trước cuộc họp quan trọng này, tôi mất ngủ cả đêm. Nghĩ là thế nhưng để 122 hộ đồng tình ủng hộ không phải là chuyện dễ” - bà Vần nhớ lại.

Bà Vần (giữa) vui đùa với trẻ tại sân chơi - Ảnh: Đức Triết
Bà Vần (giữa) vui đùa với trẻ tại sân chơi - Ảnh: Đức Triết

Cái đêm mất ngủ ấy của bà Vần đã không uổng phí khi bà “thuyết khách” thành công dự định của mình.

Tất nhiên trong cảnh “mười người trăm ý” với nhiều trình độ dân trí khác nhau (công chức, tiểu thương, lao động tự do...) thì không tránh khỏi những ý kiến lo lắng như: nếu đập bể bơm, nhà bơm đi thì lúc bị cúp nước lấy đâu ra nước, lúc hỏa hoạn không có bể nước dự trữ và chỗ ấy xây nhà cộng đồng là đẹp nhất...

“Tôi đã nhiệt tình chia sẻ để nhiệt tình giải thích. Cuối cùng cả tổ nhất trí 100%” - bà Vần hào hứng nói.

Chuyện được người dân đồng tình đã là khó, nhưng để có kinh phí thực hiện còn khó gấp bội phần. Nhưng chẳng nản, bà Vần bắt tay lập dự án, mời đơn vị xây dựng về khảo sát để dự trù kinh phí.

“Lấy tiền ở đâu đây?” - bà Vần đã tự hỏi mình như thế rồi bắt đầu lên kế hoạch cùng ông tổ phó ra ủy ban phường, đến các hộ gia đình khá giả trong tổ dân phố nhờ hỗ trợ. 

Lúc đập cái bể bơm, nhà bơm công xá mất cả chục triệu đồng mà lúc ấy bà mới xin phường hỗ trợ 5 triệu đồng.

“Nhưng phải chớp thời cơ ngay nên tôi vẫn cho thợ về làm và nghĩ đến chuyện nếu cần bỏ tiền túi của mình ra vẫn làm” - bà Vần kể.

Ngay cả câu chuyện bỏ tiền túi ra để làm của bà Vần cũng hơi... hoang đường vì nhẩm tính ra mỗi tháng bà lĩnh 4 triệu đồng lương hưu, chi tiêu tằn tiện, thuốc thang tuổi già là vừa đủ. Thế nhưng bà Vần quả quyết: “Bốn triệu là ít, nhưng tôi vẫn tiết kiệm được một chút vì các con tôi còn hỗ trợ nữa...”.

Ngày cuối tuần, đám trẻ vui đùa với những món đồ chơi tự chế ở sân chơi mini - Ảnh: Lê Bích
Ngày cuối tuần, đám trẻ vui đùa với những món đồ chơi tự chế ở sân chơi mini - Ảnh: Lê Bích

Nhờ sức dân và sự đồng lòng

May là cái kiểu tính dốc túi cho việc xã hội của bà Vần đã không xảy ra khi kinh phí xây dựng nhận được sự hỗ trợ của hơn 40 hộ trong tổ dân phố. Để rồi hơn 21 triệu đồng cho những phần việc: phá dỡ, đổ bêtông, mua cây cảnh với sự đồng lòng trong dân đã đưa cái sân chơi ấy ra đời. Những đồ chơi trên sân được chị Bích ở dãy nhà D2B tài trợ. 

Giờ đây, ngồi trong căn nhà xéo góc trái sân chơi, nhớ đến những ngày chật vật tìm vốn, lăn xả phục vụ chè nước thợ thuyền, có lúc quên cả ăn trưa hay những hôm cho thợ bơm hết bể nước trong nhà để trộn bêtông đổ sân rồi lại sang hàng xóm xin nước về dùng, bà Vần vui lắm khi nghe tiếng nói tiếng cười của trẻ thơ vào mỗi sớm mỗi chiều.

Nhất là ngày nghỉ, bọn trẻ tập trung đến 40 cháu và làm ồn cả khu tập thể, vậy mà chẳng ai thấy phiền lòng.

Bà Vần khiêm tốn nói: “Cái sân chơi ấy có được là từ sức dân, lòng dân đồng thuận cùng ủng hộ, cùng làm. Tôi chỉ là người dựng dỗ, trông nom. Bây giờ có điều kiện thì sắm thêm cái ô ở đó để che nắng che mưa. Mấy đồ chơi cũng cần phải chỉnh sửa lại cho chắc chắn để các cháu chơi được an toàn. Ngày ngày nhìn bọn chúng được chơi, tôi thấy vui khỏe ra rất nhiều!”.

Không chỉ đám trẻ ở ngõ 30 Lương Định Của mà cả những người bà, người mẹ xung quanh khu Kim Liên cũng đưa con cháu mình đến sân chơi này - Ảnh: Đức Triết
Không chỉ đám trẻ ở ngõ 30 Lương Định Của mà cả những người bà, người mẹ xung quanh khu Kim Liên cũng đưa con cháu mình đến sân chơi này - Ảnh: Đức Triết

Ngày thứ bảy đầy nắng ấm của đầu đông, chúng tôi đến thăm cái sân chơi tí hon ấy của tổ dân phố. Đám trẻ con ngày ngày quay tròn trên lớp học hôm nay được đến đây “thả cửa” trượt cầu, bập bênh, nhún nhảy, đu quay, đánh đu...

Bé Lê Diệu Thúy, lớp 1 Trường tiểu học Khương Mai, hồn nhiên kể: “Nhà con bên dãy D1 cách đây mấy dãy nhà liền. Bên nhà con không có chỗ chơi nên con sang đây chơi với các bạn. Con thích nhất trò chơi đánh đu”.

Còn bà Thụ, bán phở trong ngõ 30 phố Lương Định Của, có đến năm đứa cháu, bảo: “Bà tổ trưởng đã làm đúng đấy. Nhờ bà ấy cũng như sự đồng lòng của bà con lối phố mà trẻ con ở đây có được cái sân chơi. Sân nhỏ thật nhưng giữa Hà Nội thời tấc đất tấc vàng thì lại thật hiếm”. 

Đối với những đứa trẻ, chơi chính là một trạng thái tồn tại để học tập và khám phá thế giới, từ đó tự tìm ra cách bảo vệ theo bản năng của chúng. Tuy nhiên, đến một độ tuổi mà chúng ta gọi là trưởng thành, chơi là biểu hiện chưa khôn lớn. Đến một ngày, chính những công việc nhàm chán khiến chúng ta kiệt quệ.

Có một cách để hồi sinh chính là hãy quan sát những đứa trẻ chơi để nhớ về những gì bạn đã từng là. Có lẽ chính bởi vậy, những sân chơi sẽ trở thành một vị trí quan trọng trong không gian công cộng của những thành phố bận rộn.

Tại Hà Nội, không gian công cộng ngày càng bị thu hẹp để dành cho mục đích xây dựng cao ốc, đường sá, không gian thương mại, và sân chơi lại càng hiếm hoi hơn nữa. Kết quả là bạn sẽ phải mất tiền để con mình chơi trong những căn phòng khép kín gắn máy lạnh, trong khi thế giới ngoài kia có rất nhiều điều để trẻ học hỏi.

Mặt đất, bầu trời là không gian miễn phí. Một sân chơi là thuộc về cả mặt đất và bầu trời. Hãy tận dụng sự miễn phí còn lại của thiên nhiên để tạo ra một cuộc sống lành mạnh cho con em mình chứ không phải là những khung hình quảng cáo trên tivi hay là iPad!

Hãy nhớ lại bạn từng muốn chơi thế nào và bắt đầu hành trình phục dựng tuổi thơ cho con cái mình. Và chúng ta sẽ biến những thành phố bêtông trở thành nơi đáng sống hơn cho tương lai của mình.

(Theo sanchoi.org)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận