Đừng lãng phí nguồn lực gia đình

NGỌC Ý GHI  20/06/2014 08:06 GMT+7

TTCT - 1. Vợ chồng tôi thật sự không biết làm cách nào để con cái có thể hiểu được những gì chúng tôi khuyên nhủ, định hướng các con, cũng là những gì đúc kết được từ cả một chặng đường gian nan, khó khăn.

Chúng tôi đều ao ước giá như có ai từng hướng dẫn, định hướng, tạo điều kiện cho mình như thế khi còn trẻ, thế mà bọn trẻ bây giờ lại từ chối điều đó.

Chúng tôi đều là bác sĩ giỏi, thành đạt, đều là trưởng khoa ở các bệnh viện lớn. Để có được tay nghề, chuyên môn cao, đứng được ở vị trí này, chúng tôi phải trải qua nhiều gian khổ, nỗ lực và cả những cơ duyên may mắn không dễ có. Chúng tôi có những lợi thế lớn về chuyên môn, tay nghề, về mạng lưới quan hệ cá nhân cũng như tiếp cận những nguồn lực quốc tế để phát triển nghề nghiệp, dù cho ở bất cứ chuyên ngành nào trong y khoa.

Vì thế khi con trai chúng tôi đến thời điểm chọn ngành thi đại học, chúng tôi nghĩ rằng đương nhiên thằng bé sẽ tự hào được nối nghiệp cha mẹ và bước vào thế giới ngành y. Thế nhưng nó đã tuyên bố sẽ không học gì, làm gì dính dáng đến y khoa cả.

2. Chúng tôi tìm rất nhiều cách thuyết phục con. Chúng tôi hiểu rõ học ở trường đại học dù có giỏi cũng không có nghĩa là bảo đảm thành đạt trong nghề nghiệp, mà chính là kinh nghiệm và kỹ năng thực tế. Và chúng tôi có điều đó. Ngoài chuyên môn y khoa, chúng tôi cũng từng đạt được học bổng du học, từ đó chúng tôi có thể tiếp cận y học thế giới và mở rộng mạng lưới quan hệ cũng như chuyên môn.

Cũng là bác sĩ, không phải ai cũng có được những kinh nghiệm và lợi thế đó để hướng dẫn cho con. Chúng tôi còn có bạn bè thân thiết cũng là những bác sĩ rất giỏi của các chuyên ngành khác, sẽ cho cháu cơ hội học hỏi và thực hành tốt nhất, để cháu có được những hiểu biết và tay nghề cao trong khoảng thời gian ngắn nhất, những gì mà để có được chúng tôi phải miệt mài bao năm tháng lăn lộn.

Thế nhưng con chúng tôi chỉ muốn học quản trị kinh doanh. Có thể chúng tôi sẽ không ép con nếu nó thể hiện năng khiếu thật sự trong lĩnh vực mình chọn. Tuy nhiên, dù không có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực này, chúng tôi cũng biết rõ con mình không có tố chất mạnh mẽ của một nhà quản lý trong kinh doanh.

Chúng tôi không có cách nào để giải thích cho con hiểu một khi có quá ít kinh nghiệm cũng như hiểu biết, nguồn lực về ngành kinh doanh, khả năng thành công của con trong nghề nghiệp đó sẽ rất thấp. Chúng tôi không muốn đến khi con tốt nghiệp, rồi thất nghiệp, hay phải bắt đầu sự nghiệp bằng cách lăn lóc phát tờ rơi tại các ngã tư hay bán hàng như bao nhiêu cử nhân ngành quản trị kinh doanh khác.

Con đường từ đó đến khi thành đạt quá gian nan mà không phải ai cũng đến được và khi thiếu tố chất, điều kiện, càng khó thấy được thành công hơn. Trong khi đó, con chúng tôi chỉ vì lòng kiêu hãnh, cố chấp và ngông cuồng của tuổi mới lớn mà bỏ qua những cơ hội và nguồn lực tốt nhất mà cha mẹ đã dành sẵn cho mình. Chúng tôi không muốn con mình mất hết những năm tháng tuổi trẻ chỉ để học được bài học đó.

3. Báo chí, phim ảnh và các chương trình truyền thông vẫn thường “ca ngợi” sự tự lực của giới trẻ, sự khẳng định bản thân của chúng, chống lại sự “áp đặt” của cha mẹ. Nhưng nhìn ở một góc độ khác, những gì cha mẹ truyền cho con cái từ kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn đến cả những lợi thế thật ra là những nguồn lực rất quý báu mà một người trẻ thông minh cần biết cách tận dụng.

Chẳng phải nhiều làng nghề nước ta đã giữ và phát triển được những tinh túy đặc sắc của nghề theo cách “cha truyền con nối”?

Chúng tôi lờ mờ hiểu rằng thật ra con mình chỉ muốn chọn một ngành nào đó hoàn toàn khác biệt với cha mẹ, như cách để thoát khỏi cái bóng “cha mẹ thành đạt”, như một cách để khẳng định mình. Sự bướng bỉnh đó khiến con không nhìn thấy những điều hợp lý trong lời khuyên hay sự định hướng của cha mẹ, một hiện tượng khá phổ biến trong giới trẻ hiện nay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận