Được nhiều hơn nhờ “không bỏ phí thứ gì”

NHƯ BÌNH 19/02/2020 09:02 GMT+7

TTCT - Những doanh nghiệp đang đầu tư vào kinh tế xanh, sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn đã cho thấy: họ được nhiều hơn, không còn băn khoăn làm sao phát triển bền vững trong sự cạnh tranh khốc liệt và thay đổi liên tục như hiện nay.

 

 Minh họa về nền kinh tế tuần hoàn: Low Tech Magazine

Phát triển bền vững ở cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đi sau mà còn bị cho là quá muộn màng. Nhưng những cơ hội đang nhen nhóm, chờ thổi bùng lên...

Không để rác nào lọt ra ngoài

Heo được nuôi sống trong môi trường sạch sẽ, rộng rãi, gần gũi với thiên nhiên, hạn chế tác động của hóa chất, hòa hợp với tự nhiên. Chất thải rắn của heo được xử lý qua men vi sinh và biến thành thức ăn cho giun quế.

Từ đây, đạm giun lại trở thành đạm cho vật nuôi, phân giun trở thành phân bón hữu cơ cho các cây trồng trong trang trại. Phần nước thải sau biogas không xả thẳng ra môi trường mà có hệ thống bể lọc ngập nước kiến tạo, bao gồm các vật liệu lọc và cây thủy sinh để tiếp tục phân giải các chất dư thừa là nitơ và phốt pho. Nước thải sau bãi lọc được tận dụng để tưới cây và đưa ra đầm sen nhằm tạo năng suất cũng như để đạt hiệu quả kinh tế...

Đây là mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn trong trang trại chăn nuôi lợn (COAM) mà Công ty Nguyên Khôi Xanh áp dụng đã đoạt giải thưởng Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” 2019.

Một yếu tố khác quan trọng không kém là thức ăn được làm chín bằng men vi sinh thay vì nấu chín bằng nhiệt phải sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than, điện lưới. Các phế thải của quá trình trồng trọt ngoài mô hình như rơm rạ, cỏ dại, bèo... được xử lý để làm thức ăn cho giun quế và phân bón hữu cơ.

Đưa ra ví dụ này, ông Phạm Phú Ngọc Trai - chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh Hội Nhập Toàn Cầu (GIBC) - cho rằng trong nền kinh tế truyền thống, các nhà sản xuất khai thác tài nguyên thiên nhiên ở dạng nguyên liệu thô để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ, sau đó phế thải từ sản xuất và tiêu dùng được chôn lấp hoặc thải ra môi trường.

Tuy nhiên, trong điều kiện sản xuất mới, thế giới đang hướng đến một mô hình tăng trưởng bền vững khác, mà ở đó, các nhà sản xuất chú trọng giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường bằng cách sử dụng các phương thức sáng tạo nhằm tối đa hóa vòng đời của tất cả tài nguyên đã sử dụng.

Bà Trương Thị Lệ Khanh - tổng giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn - cho biết ngành nuôi trồng và chế biến xuất khẩu cá có thể nói là ngành có nhiều doanh nghiệp hội nhập và ra khơi nhiều nhất. Ngay từ đầu, doanh nghiệp nào cũng muốn đưa sản phẩm nông nghiệp với chất lượng cao, giá cao ra ngoài, nhưng để làm được điều này, việc đầu tiên họ phải làm là xây dựng các quy chuẩn, tiêu chí kiểm soát chất lượng sản phẩm, đảm bảo cạnh tranh được.

Theo bà Khanh, vấn đề của doanh nghiệp Việt Nam là ngành sản xuất đã dựa vào thiên nhiên nhiều quá! Cái gì cũng đổ ra sông, chọn gần sông, gần biển xây dựng nhà máy! Nhưng đã đến lúc phải nghĩ đến một chương trình bền vững hơn để có giá bán sản phẩm cao hơn.

“Ở ngành cá, đó không phải chương trình đưa con cá thoát khỏi vùng an toàn mà phải thoát vùng rủi ro để đến vùng an toàn, đó là thách thức về môi trường. Chúng tôi đang triển khai chương trình mô hình “sông trong ao” để có thể thu các chất thải về phục vụ trồng trọt” - bà Khanh cho biết.

Quy trình này cho phép một phần bùn thải, chất hữu cơ trong hồ nuôi cá được xử lý để làm phân bón. Thay vì mỗi tháng tốn gần 1 tỉ đồng để thuê công ty xử lý rác thải bùn thì bây giờ số bùn này được tách ra tái chế thành phân bón, trong đó nước có thể dùng để tái tưới cây sau khi đã xử lý theo phương thức thủy canh.

Đó không chỉ là câu chuyện tiết kiệm 1 tỉ đồng mà thực tế ngay cả khi thuê công ty khác xử lý cũng không dễ vì bùn này phải qua đánh giá không gây hại thì mới đi xử lý được.

Theo bà Khanh, để phát triển quy trình sản xuất xanh, không gây hại môi trường, nếu doanh nghiệp chỉ tính về lợi ích tài chính thì không bao giờ làm được bởi chi phí xử lý chất thải môi trường rất cao. Ở Vĩnh Hoàn, chi phí xử lý nguồn nước tiêu tốn hơn 40 tỉ đồng mỗi năm để có thể đạt nguồn nước loại A, đạt tiêu chuẩn quan trắc môi trường.

Chỉ cần tính toán tài chính thì doanh nghiệp sản xuất theo quy trình xanh sẽ không bao giờ cạnh tranh được về giá sản phẩm. Trong khi, cái cuối cùng ra thị trường mà khách hàng quan tâm nhất vẫn là giá. 

“Chúng tôi vẫn lý luận với khách hàng không phải doanh nghiệp bán giá cao mà chỉ đang bán một mức giá hợp lý cùng những giá trị mà doanh nghiệp, xã hội cùng thụ hưởng” - bà Khanh giải thích.

 

 Xử lý nước thải công nghiệp là mối bận tâm ngày càng lớn của những doanh nghiệp có ý thức môi trường (Ảnh: Water pollution Orrganization)

Kiến tạo những giá trị chung

Các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối diện một loạt tiêu chuẩn rất cao về môi trường, xử lý của nước thải mà Việt Nam đang quy định, cho rằng họ không thể nào vận hành một nhà máy sản xuất cho ra được chất lượng nước thải nuôi trồng, chế biến thủy hải sản phải sạch hơn nước đầu vào. 

Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp hướng đến quy trình sản xuất an toàn, bảo vệ môi trường là doanh nghiệp xuất khẩu, vốn đã và đang là những thị trường luôn yêu cầu cao về các vấn đề môi trường, xã hội, cộng đồng bao gồm trong quy trình sản xuất sản phẩm.

Đến nay, Vĩnh Hoàn là doanh nghiệp sở hữu nhà máy duy nhất trên thế giới đạt chuẩn ASC (Aquaculture Stewardship Council) - tiêu chuẩn nuôi bền vững cho trại nuôi cá tra. Sắp tới doanh nghiệp này còn tính làm luôn tinh luyện mỡ cá, “đối xử” với các phụ phẩm như một sản phẩm chính để không còn cảnh đổ xuống sàn, mất công xử lý.

Với doanh nghiệp không ở ngành “nóng” như Vĩnh Hoàn, ông Cổ Gia Thọ - chủ tịch hội đồng quản trị Thiên Long - thừa nhận nhiều người vẫn cho rằng ngành sản xuất đồ dùng văn phòng là ngành hẹp, hiếm tạo được sự phát triển “thần tốc”. Nhưng cũng chính vì xác định không thể phát triển quá nhanh nên phát triển bền vững chính là yếu tố để cạnh tranh lâu dài. Vậy làm gì để bền vững? Làm sao mình có thể bền vững?

Từ năm 2005, Thiên Long bắt đầu nhìn nhận lại quá trình sản xuất của mình và tìm ra cách thức để sản xuất hiệu quả, tiết kiệm... Một phần trong đó, công ty đầu tư vào năng lượng mặt trời cho nhà máy, một nguồn điện lớn được cung cấp từ hệ thống năng lượng mặt trời, không chỉ tiết kiệm bạc tỉ mỗi năm mà bảo vệ môi trường tối đa.

Thành công của quá trình này thôi thúc doanh nghiệp đầu tư một dàn pin năng lượng mặt trời thời gian tới đây cho nhà máy ở Long Thành.

Để bảo vệ môi trường, Thiên Long cho ra đời nhiều sản phẩm mới thay thế mực hóa học, chuyển sang mực nước an toàn cho sức khỏe người sử dụng lẫn sản xuất. Nó như một chuỗi hiệu ứng nối tiếp vì sử dụng loại mực mới, nguồn rác thải từ thùng giấy, giấy hay giẻ lau để vệ sinh mực cũng giảm hẳn trong khi trước đây, công ty tốn rất nhiều chi phí cho xử lý rác thải. Một phần trong đó bây giờ cũng có thể tái sử dụng. 

Ngay cả bút lông bảng, doanh nghiệp cũng nghĩ ra loại bút có thể refill (châm mực) chứ không chỉ bút sử dụng một lần rồi bỏ đi.

“Cuối cùng con người là yếu tố quan trọng nhất để phát triển bền vững bởi chính nhân viên, người lao động mới là nhân tố quyết định sự thành công. Chúng tôi đang hưởng lợi từ các thay đổi này cho dù lúc đầu tư, cũng có nhiều suy nghĩ đi sớm quá, không cần thiết. Nhưng các lợi ích đạt được đã rất rõ rệt” - ông Cổ Gia Thọ nói.

Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, trong bối cảnh mới, doanh nghiệp tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh vẫn chưa đủ mà còn phải tạo ra giá trị cho xã hội thông qua các khoản đầu tư hướng về mục tiêu xã hội và môi trường, tạo ra giá trị chung trong năng lực cạnh tranh lâu dài... “Kiến tạo những giá trị chung luôn là sự lựa chọn tốt nhất để kinh doanh bền vững” - ông Trai chia sẻ. ■

Theo các doanh nghiệp, quy trình sản xuất bền vững không chỉ yêu cầu giảm lượng rác thải ra môi trường mà còn phải đảm bảo quá trình sản xuất qua mỗi bước cũng không được tổn hại đến các sản phẩm khác, đó là một trong nhiều ý nghĩa là sản xuất tuần hoàn làm được.

Hiện nay, các doanh nghiệp thường dựa theo tiêu chuẩn sản xuất của các nước trên thế giới để giải quyết được một phần quy trình kinh tế tuần hoàn. Đó là đưa các phụ phẩm của sản phẩm chính để sản xuất và hướng đến giá trị gia tăng từ các phụ phẩm này còn cao hơn chính phẩm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận