Học gì cho hay giữa ngày phong tỏa?

PHẠM PHONG 20/07/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Học kỹ năng mới là tốt, nhưng học cái gì và học như thế nào?

 
 

CON NGƯỜI LÀ GIỐNG HAM HỌC

Sam Browne có một công ty chuyên cung cấp ban nhạc và DJ cho các sự kiện, đám cưới, tiệc tùng… Đơn đặt hàng tới tấp làm không hết. Thế rồi COVID-19 tới, công ty sựng lại không có đơn hàng, rồi suốt mấy tuần liền chỉ có mỗi việc là hoàn tiền cọc, cuối cùng thì dừng hẳn.

Ở nhà, thay vì buồn bã, Browne “chộp” lấy cơ hội học thiết kế web và phát triển web. Anh bảo trước giờ việc này vẫn phải thuê người, nhưng nay thu nhập không có mà thời gian lại nhiều nên anh quyết định tự học lấy những kỹ năng này.

Một bài viết trên Forbes cho biết vào giữa tháng 4-2021, khi gần như cả thế giới bị coronavirus cầm chân trong phong tỏa, kết quả tìm kiếm trên Google cho các cụm từ như “khóa học online”, “khóa học online miễn phí” đạt đến số lượng “lịch sử”. Vào tuần đầu tháng 4 người ta xem 1,7 triệu tiếng nội dung LinkedIn Learning, so với hồi tuần đầu tháng 1 là 560.000 tiếng, tức tăng gấp ba.

Một khảo sát với khoảng 2.000 người Anh cho thấy trong thời gian phong tỏa, 24% trong số họ đã học thêm gì đó để tăng cơ hội tìm việc sau này và để bảo vệ giá trị của những kỹ năng sẵn có.

Con người, nghĩ lại, dù có xấu xa, tham lam thế nào thì vẫn là giống ham học nhất trong các loài. Sự tò mò, tham vọng, khả năng tưởng tượng và lòng tự tôn giúp người ta không ngừng học. Bản năng học và cải thiện kỹ năng luôn có trong mỗi người, ngay cả ở người lười nhất chỉ thích chơi game. Nhưng người có ý chí gặp lúc càng khó lại càng học nhiều, thậm chí học cả những thứ mà người khác cho là “chẳng để làm gì cả”.

VÌ SAO NÊN “HỌC, HỌC NỮA, HỌC MÃI”?

Trong một bài viết, Diego Courchay kể về vũ công chuyên nghiệp Alejandra Salas từng có 26 năm trong nghề, nay vì COVID mà không có việc làm. Lúc này, Salas tranh thủ tập trung vào những kỹ năng múa. Cô coi cơ thể và những cơ bắp của mình là công cụ phục vụ cho nghề nghiệp. “Thứ mà tôi có thể làm ngay bây giờ là mài gọt những công cụ ấy” - cô nói.

Hằng ngày, trong phòng khách, Salas theo các lớp học múa online. Học có biển học, múa cũng có biển múa, đủ thể loại múa và các lớp học khác nhau, đầy những khóa học miễn phí từ các viện và các vũ công hàng đầu ở New York và Berlin. Salas thấy thật may mắn khi ngồi nhà mà cũng được theo các lớp học của Vũ đoàn Martha Graham lâu đời nhất của Hoa Kỳ, được khám phá các thể loại múa mới từ hiphop tới lắc hông kiểu Bollywood. 

Salas háo hức: “Điều tôi đang làm chính là chuẩn bị bản thân bằng mọi cơ hội sẵn bày ngoài kia giữa thời dịch giã. Đó là thứ mà chúng ta ai cũng làm được, để một khi hết dịch, ta bước ra như những chú chó săn bước vào cuộc đua, nai nịt sẵn sàng, chỉ còn phóng mình tới những mục tiêu mới”.

Không chỉ “phục sẵn” để một ngày trở lại với nghề, khi gõ cụm từ “học kỹ năng mới”, bạn sẽ thấy rất nhiều bài viết về lợi ích của việc học này. Có người học với động cơ thuần “quy ra thóc”, như một bài viết trên Vault chỉ toàn nêu những lợi ích thực dụng, thí dụ: học một ngôn ngữ mới để vào làm được ở nhiều công ty khác, thêm kỹ năng mới là thêm một kênh thu nhập, biết nhiều kỹ năng thì được nhiều người ái mộ vì thấy mình là yếu tố “đa năng không thể thiếu”, luôn học hỏi thì sẽ luôn dẫn đầu cuộc đua... Toàn những mục tiêu tuy chính đáng nhưng rất thực dụng và tham vọng. Ở đây học chỉ là một phương tiện, đích lớn là con cá nghề nghiệp hoặc lương thưởng.

Câu hỏi đặt ra là: thế nếu bạn lớn tuổi rồi hoặc bạn thuộc thành phần không cần thăng tiến, không cần đi làm, không cần đua tranh… thì chẳng lẽ bạn không cần học kỹ năng mới à? Câu trả lời là: vẫn học, bởi vì lợi ích quan trọng nhất của việc học chính là để bảo vệ một bộ óc khỏe mạnh.

Một số công ty đã thấy được lợi ích này. Một công ty chuyên về dịch vụ trả lời điện thoại khách hàng ở Mỹ đã đề nghị nhân viên dành mỗi tuần ít nhất 150 phút để học, công ty sẽ trả tiền cho các khóa học liên quan đến chuyên môn cùng sách vở.

Giám đốc nội dung của công ty này cho biết anh và nhiều đồng nghiệp trong thời gian bị phong tỏa vì dịch đã dành nhiều hơn số thời gian ấy để học; họ chia sẻ tài liệu với nhau, gửi cho nhau các bài mới, tranh luận về sự khác biệt giữa các tài liệu học. Họ hiểu rằng việc học này không phải chỉ để phát triển kỹ năng mà còn để tinh thần nhân viên được sắc bén, con người được lành mạnh, không héo hon đi vì lười, vì dịch.

 
 

 HỌC GÌ?

Theo bài viết trên Forbes, một điều thú vị là thời gian phong tỏa năm qua dường như đã khiến nhiều công ty thấy rằng việc học không nhất thiết chỉ là học nghề. Những lớp học đi vào sở thích cá nhân và sáng tạo như học nhạc, đàn online, viết văn, làm đồ thủ công… cũng giúp nhân viên giảm căng thẳng, các phần não khác của họ được kích hoạt theo khiến công việc tốt hơn.

Nhưng nếu chỉ có một mình, chẳng có công ty nào khuyến khích, thì ta học cái gì đây? Chọn được một môn để học hóa ra là điều rất khó. Thường thì mọi người sẽ chọn ngoại ngữ là thứ dễ nghĩ ra nhất. Theo các chuyên gia, tốt nhất hãy tự vấn: mình tò mò vì điều gì nhất? Từ bé đến lớn mình thích làm việc gì nhất? Nếu không phải kiếm tiền thì mình thích môn gì nhất?

Trả lời được là cũng đã nhìn ra phần nào con đường học mình nên theo đuổi. Trong một bài viết trên Linkedin, Alexander Cotnoir khoe hồi đầu năm đã lấy được chứng chỉ về lái thuyền và luật hàng hải, giờ thì anh đã có đủ kỹ năng để giong thuyền đi quanh nước Mỹ. 

Cotnoir nhớ lại khi còn bé, mỗi lần ngắm hoàng hôn và những con thuyền lặng lẽ lướt trên làn nước sẫm màu, anh đều nghĩ sao mà mình muốn học cách lái thuyền đến thế. Gặp ai có thuyền neo ở cảng anh cũng hỏi han, dần dà thuộc hết các loại tàu thuyền, các bộ phận của con thuyền, cách thắt các nút dây…

Nhưng Cotnoir chỉ mới tốt nghiệp đại học, thu nhập thấp, hồi sinh viên phải làm thêm hai, ba công việc để kiếm tiền, học lái thuyền là một thứ rất xa vời, không cần thiết, không thực tế về mặt tài chính. Gặp lúc dịch, Cotnoir càng không dám nghĩ tới tương lai sắm thuyền, nhưng anh vẫn đăng ký học, vì càng học càng say mê, được hiểu về luật hàng hải Mỹ, về sửa chữa máy tàu, về những dòng hải lưu và những kiến thức thực tế khác như kỹ năng lên kế hoạch cho các hải trình, kỹ năng xử lý bình tĩnh trong tình huống khó như lật thuyền hay đâm vào đập nước…

Cotnoir thấy thế giới như mở rộng hơn, anh chân thành khuyên những người vẫn đang lưỡng lự hãy bỏ thời gian mà học lấy những kỹ năng mới. “Khi ta thấy mình ngày càng xa cộng đồng và bạn bè, khi ta thấy khó mà tìm được việc… thì khi học một kỹ năng mới, ta lại có một sự khuây khỏa, một liều kiêu hãnh, một niềm vui rất cần thiết. Cho dù đó là gì, là ngoại ngữ mới, là lái tàu, là vẽ…, tôi tin chắc rằng việc học những cách tương tác mới với thế giới quanh ta là chìa khóa để ta không những thấy mình thực sự đang sống… mà còn giúp ta phá vỡ những nếp quen đã thành “thoải mái” trong mùa dịch, như ở lì trong phòng, xem Netflix, vào Zoom xem bài ở lớp… Học kỹ năng mới cho một lối thoát cần thiết, giúp ta hiểu về bản thân hơn, về những khả năng của mình hơn” - Cotnoir nói.

 
 

 HỌC NHƯ THẾ NÀO?

Trong một bài viết về việc tự học, tác giả Marelisa Fabrega dẫn lại lời khuyên của một chuyên gia rằng với mỗi kỹ năng mới, ta nên kiên nhẫn với nó ít nhất 8 tuần trước khi có quyết định gì cho nó.

Fabrega còn đưa ra một số mẹo để học tốt. Đó là:

1. Xác định mục tiêu: vì sao lại học kỹ năng này. Mục tiêu ấy không được mơ hồ, như khi bạn với tay lên hái quả thì trước hết phải nhìn thấy quả ấy dù cao.

2. Đặt ra thời hạn. Luật Parkinson nói rằng nếu ta tự đặt ra một thời hạn cho một việc phải làm thì kiểu gì đến phút cuối cũng mới xong việc, vì thế hãy đặt một thời hạn ngắn để hoàn tất cho nhanh.

3. Tin rằng mình học được. Quan trọng là kiên nhẫn. Nghiên cứu cho thấy trong lúc học, phần não làm việc với kỹ năng đó sẽ phát triển thêm, bất kể người học đang ở tuổi nào.

4. Nhắm tới mức “đủ dùng”. Bước đầu không nên quá kỳ vọng mình thành bậc thầy hay thật giỏi.

5. Chọn khóa học tốt, tài liệu tốt, xác định các việc, các bước cần làm trước khi bắt tay vào học.

6. Chia nhỏ một kỹ năng lớn thành những gói kỹ năng phụ để học lên dần.

7. Áp dụng nguyên tắc Pareto: xác định trong kỹ năng ấy, khâu nào chiếm 20% sức nhưng mang lại 80% kết quả thì tập trung vào. Ví dụ, khi học một ngôn ngữ mới, hãy tập trung học các từ thường dùng trước.

8. Đặt ra mỗi ngày hẳn một tiếng để học kỹ năng mới này và không thay đổi.

9. Thực hành mọi lúc mọi nơi có thể.

Học chính ra là đặc ân lớn nhất của việc làm người, chỉ tiếc là do bận rộn với cuộc sống mà chúng ta không thể học suốt được. Học là một quá trình rèn chìa khóa để mở được cánh cửa bước vào những thế giới khác hoặc một kho vàng, tùy bạn chọn. Học sẽ cho bạn thấy trí óc mình có độ tự do đến vô biên và bạn muốn sống nhiều hơn, lâu hơn để biết về thế giới. Còn không thì ít ra, nói như chàng thanh niên Cotnoir học lái thuyền ở đầu bài, học là một lối thoát cho những ai đang bị cầm chân giữa những ngày phong tỏa. ■

Theo các chuyên gia, trước khi bước vào học một kỹ năng mới, bạn cần biết về bốn giai đoạn sau:

1: Kém mà không biết”. Ở giai đoạn này, bạn chưa thể định ra mình đang làm gì sai, sai ở đâu. Giai đoạn này được tóm tắt bằng câu: “Tôi không biết rằng mình không biết cách làm việc này”.

2: “Kém mà biết kém”. Là giai đoạn khó khăn nhất nhưng cũng là giai đoạn mà việc học thực sự bắt đầu. Giai đoạn này được tóm tắt bằng câu: “Tôi biết rằng mình vẫn chưa biết cách làm việc này”.

3: “Giỏi biết mình giỏi”. Đến lúc này bạn biết mình đang làm gì và bạn thực sự đang làm tốt, tuy nhiên vẫn chưa tập trung đủ để mà không sinh lỗi.

4 Giỏi mà không :biết mình giỏi”. Kỹ năng của bạn đã quá giỏi tới mức làm mà không phải nghĩ về thao tác. Ở giai đoạn này, bạn say mê thực hiện kỹ năng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận