Jan Gehl và đô thị vị nhân sinh

LOAN PHƯƠNG 11/04/2019 03:04 GMT+7

TTCT - Những ý tưởng của Jan Gehl - kiến trúc sư nổi tiếng thế giới - về việc đặt trọng tâm vào kiến trúc và quy hoạch “ở quy mô con người”.

Jan Gehl, 82 tuổi, là kiến trúc sư và cựu giáo sư tại Học viện Mỹ thuật hoàng gia Đan Mạch. Ông là đối tác sáng lập của Gehl Architects và tác giả nhiều cuốn sách về kiến trúc - quy hoạch đô thị nhiều ảnh hưởng. Ông đã có kinh nghiệm làm tư vấn cho nhiều thành phố lớn trên thế giới. 

Ở Việt Nam, Gehl được biết tới qua cuốn Đô thị vị nhân sinh (Cities for the People) vừa xuất bản tháng 3-2019 (NXB Xây Dựng).

 

 

Ảnh: M.N.

Cuốn sách Đô thị vị nhân sinh của Jan Gehl (ảnh: M.N)

Những ý tưởng của ông đặt trọng tâm vào kiến trúc và quy hoạch “ở quy mô con người” (thay vì những công trình đồ sộ, gây ngợp và xa lạ) cũng như hướng tới việc cải thiện chất lượng sống ở đô thị bằng cách thiết kế lại thành phố ưu tiên cho khách bộ hành, người đi xe đạp cũng như phương tiện công cộng. 

Time square trước và sau khi biến đổi dưới ý tưởng của Jan Gehl.

Những ý tưởng của Gehl vừa mang tính gợi mở và truyền cảm hứng, vừa có tính thực tiễn và tính kinh tế cao độ, điều khiến ông trở thành một trong những kiến trúc sư nhiều ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20, đồng thời là một trong những người tiên phong quan trọng nhất của viễn tượng về một đô thị mới mà con người có thể sống thoải mái hơn, đồng thời ít phụ thuộc hơn vào các phương tiện cá nhân.

Trong một chuyến thăm New York và phát biểu ở Viện Van Alen, Gehl đã nêu ra 5 cách tiếp cận cơ bản trong quan điểm kiến trúc của ông, điều chắc chắn có giá trị với các quốc gia đô thị hóa đi sau như Việt Nam, để tránh những vết xe đổ từ các thành phố ngột ngạt của quá khứ.

1. Ngừng xây dựng các kiến trúc để “phục vụ giá xăng rẻ”. Theo Gehl, biến đổi khí hậu và sức khỏe con người là hai yếu tố quan trọng nhất hiện giờ với những nhà thiết kế, nhất là bởi “trong 50 năm qua, chúng ta đã tạo ra các thành phố theo cách khiến mọi người buộc phải ngồi cả ngày trong xe hơi, trong văn phòng hay trong nhà. Điều này đã gây ra những vấn đề sức khỏe trầm trọng”.

Ý tưởng này được khoa học ủng hộ: Một nghiên cứu đăng trên The Lancet năm 2016 thấy rằng những người sống ở trung tâm thành phố có tuổi thọ kỳ vọng cao hơn sống ở ngoại ô vì họ đi bộ nhiều hơn (lưu ý: nghiên cứu được thực hiện với một mẫu gần 7.000 người ở 14 thành phố đều ở các nước đang phát triển).

2. Biến các không gian chung thành động lực chính của thiết kế đô thị. Năm 2009, thành phố Copenhagen, đô thị mà Gehl có lẽ gắn bó nhiều nhất, ra mắt dự án “Đô thị vì con người”, lấy cảm hứng từ lý thuyết của Gehl và Gehl Architects. Từ đó tới nay, thủ đô Đan Mạch liên tục ở các vị trí dẫn đầu trong danh sách những thành phố đáng sống nhất thế giới, trở thành một đô thị bền vững thông qua các không gian chung, nơi tất cả mọi người đều được chào đón.

Kế hoạch của thành phố cấu trúc trong 3 thành tố chính: đi lại nhiều hơn, dành nhiều thời gian hơn ở các không gian công cộng và bước ra khỏi những “tổ kén” của riêng mình. Gehl giải thích để làm được điều đó, nhà chức trách phải khiến thành phố vui tươi hơn, thú vị hơn và an toàn hơn.

Quảng trường Herald (New York) dưới ý tưởng của Jan Gehl.

3. Thiết kế cho trải nghiệm của nhiều giác quan. Giải thích điểm này, Gehl lấy ví dụ là Venice (Ý) và Brasilia (Brazil). Theo đó, nếu các giác quan của ta nhận được những trải nghiệm tích cực ở một nơi, ta sẽ thích thú quay lại đó hơn, như Venice. Thủ đô của Brazil lại tượng trưng cho điều ngược lại.

Bằng các ví dụ này, Gehl nhấn mạnh nhiều cư dân đô thị đã không còn cơ hội được tận hưởng môi trường xung quanh họ bằng các giác quan thuần túy nữa. “Chúng ta đã phá vỡ mọi quy tắc để làm vừa lòng những chiếc xe hơi” - Gehl nói. Với ông, thành phố lẽ ra phải được xây dựng xung quanh cơ thể và giác quan của con người.

4. Khiến giao thông công cộng công bằng hơn. Khiến các thành phố bình đẳng hơn đã trở thành một sứ mệnh trên toàn thế giới. Chúng ta có thể đạt được sự bình đẳng đó nếu phương tiện công cộng dễ tiếp cận, hiệu quả và là sự thay thế hợp lý cho phương tiện cá nhân. Bằng cách đó, những người sống ở ngoại ô vì giá nhà đất rẻ hơn và hợp với thu nhập của họ hơn, không cần chi tiêu quá nhiều cho việc đi lại, điều mà những ai sống ở trung tâm thành phố, vốn thường giàu có hơn, lại không phải lo nghĩ nhiều.

5. Cấm phương tiện cá nhân. Với Gehl, xe hơi không phải là một cách đi lại thông minh, nhất là ở các đô thị có hơn 10 triệu dân, đặc biệt tại Nam Mỹ, châu Phi và châu Á. Ở châu Á, Gehl lấy ví dụ Singapore, một đô thị chật hẹp, quá nhiều xe, không còn chỗ trống trên đường và ngay cả khi kẹt xe vẫn có thể đi lại nhanh hơn bằng cách đi bộ hoặc xe đạp.

Rất nhiều trong những ý tưởng đó được Gehl triển khai cụ thể, với những lời khuyên cực kỳ giá trị cho giới hoạch định chính sách trong cuốn sách nền tảng của ông: Đô thị vị nhân sinh.■

Ảnh: M.N.
Ảnh: M.N.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận