Khi ngã năm Chuồng Chó của tôi hội nhập toàn cầu

LƯU VĨ LÂN 01/09/2015 19:09 GMT+7

TTCT- Chớp mắt một cái là mùa thu của năm 2015 đã lại về. Theo bản năng nghề nghiệp, tôi bắt đầu sắp xếp, tra cứu lại sổ tay để “tổng kết” một năm và chuẩn bị “định nghĩa” cái hiện thực sắp biến mất này. Và tôi kịp nhận ra rằng: thời gian thì trôi qua nhưng các vấn đề dường như vẫn còn nguyên vẹn.

Minh họa: La Khuê
Minh họa: La Khuê

Thực tiễn khó khăn hơn tưởng tượng rất nhiều. Đó là điều tôi thầm nghĩ sau một sự kiện ầm ĩ mà mình tình cờ được tham dự: mùa tuyển sinh đại học vừa rồi.

Một món quà... khó tiêu hóa

Không hề quan tâm gì đến thi cử đã lâu rồi nhưng vì là phụ huynh có con rơi vào đợt thi cải cách lần đầu này nên tôi tình cờ tham dự toàn bộ chuyển biến này. Tôi đã ngỡ ngàng vì tính công khai trong suốt 20 ngày xét tuyển đại học đợt một vừa rồi: danh sách của toàn bộ thí sinh nộp đơn xét tuyển với số báo danh, điểm thi các môn, điểm ưu tiên, tổng điểm, tổng số thí sinh dự tuyển vào ngành học... đều có thể nhìn thấy trên website của trường vài ngày một lần.

Tuy lúc đầu danh sách còn đăng chưa thứ tự lắm, nhưng khi chịu khó ngồi in danh sách bằng excel, cộng, sắp xếp và phân tích số liệu, tôi gần như biết chắc là con mình đứng hơn bao nhiêu cháu, kém bao nhiêu cháu...

Vào những ngày cuối, tôi đã nói đùa với con rằng: “Ba đã biết tên của hầu hết các bạn đồng môn sắp tới của con! Tôi cũng đã tự hỏi không biết từ trước đến giờ, mình đã thấy một sự kiện xã hội nào đạt mức công khai đến như vậy chưa?

Nhưng chính tính công khai này đã góp phần tạo nên rất nhiều buồn khổ cho các thí sinh khác. Nhìn trên truyền hình chiếu lại quang cảnh những giây phút cuối cùng của ngày 20-8 tại hội trường Đại học Hà Nội, tôi thật sự xót xa. Hàng ngàn phụ huynh và học sinh căng mắt nhìn lên màn hình theo dõi danh sách chốt điểm giờ chót, kẻ lọt vào, người rớt ra.

Xót thật chứ nếu con mình đang 27,5 điểm, gần như đã đủ để vào trường y thì giờ chót lại có một em tuyển thẳng chuyển vào đẩy cháu lọt ra. Nhưng ở một hoàn cảnh khác, cũng nhờ sự công khai này, con của bạn tôi yêu nghề y biết mình chỉ có 26,5 điểm đã nhanh chóng ra nộp đơn vào Đại học Y Huế...

Không dám lạm bàn về tính đúng sai của phương cách mới trong thi cử vừa rồi, cá nhân tôi chỉ tự ngẫm nghĩ: chuyện xét tuyển này trước đây vẫn diễn ra như thế nhưng trong phòng họp đóng kín của các trường, nghĩa là không công khai, sau đó công bố đậu - rớt là xong, không ai thấy đau cả; còn nay khi công khai theo dõi việc xét tuyển từng giờ như thế thì lại quá nhiều tiếc nuối và vượt khỏi sức chịu đựng. Tôi chợt ngộ ra rằng công khai, từ ý tưởng chuyển vào thực tiễn quả không phải là một thứ dễ dàng.

Một nỗi sợ...

Trong một chương trình thời sự bình thường của Đài truyền hình Việt Nam gần đây, phóng viên văn hóa xuất hiện giữa khuôn hình tường thuật về vùng Hoa Lư, góc quay “zoom out” từ từ rồi rời xa dần và vụt bay vút lên cao cho thấy toàn cảnh của dòng sông hiền hòa uốn lượn giữa những ruộng lúa rất điển hình của vùng đất văn vật này.

Đó là cú quay “bird-eye” tuyệt đẹp mà hơn 30 năm làm thông tin, chúng tôi chỉ có mơ chứ không dám nghĩ đến, vì muốn làm được cần phải có... máy bay. Ngày nay những cú quay để có góc nhìn “mắt chim” như thế quá dễ nhờ các thiết bị flycam và nó đang chiếm lĩnh khắp các chương trình thời sự của truyền hình thế giới.

Tôi kịp nhận ra rằng lại một lần nữa mình đang chứng kiến một làn sóng mới của công nghệ đang định hình lại nhân gian này.

Suốt cuộc đời mình, tôi đã chứng kiến biết bao lần những làn sóng công nghệ mới tràn vào cuộc sống mình như thế. Thời chiến tranh Việt Nam, người miền Nam không chỉ bị bất ngờ về công nghệ súng ống, vũ khí mà còn là... nghệ thuật đóng hộp thực phẩm! Lúc ấy, cả miền Nam tràn ngập thực phẩm đóng hộp của quân đội Mỹ và ai cũng biết các khẩu phần ăn đóng hộp ký hiệu B1, B2, B3..., với đủ loại thịt hộp, bánh ngọt, chocolate...

Tôi đã thấy cả những chiếc bánh bûche Noel nhỏ - bánh khúc cây giáng sinh - đóng lon gửi xuống cho lính Mỹ nhân dịp Noel, rồi các loại trái cây đóng hộp, bánh mì đóng lon, thuốc lá... Chính lúc này các thực phẩm Á Đông đóng gói ăn theo của các nước châu Á xuất hiện như mì “Đại Hàn” (tên gọi của mì ăn liền lúc đó), gạo sấy (đổ nước lạnh vào là ăn được), mực xé đóng bao để lai rai...

Lịch sử ẩm thực đương đại Việt Nam chắc chắn phải ghi nhận cuộc khai tâm của công nghệ đóng hộp thực phẩm này lên nhận thức của mình về ăn uống.

Rồi một cuộc tràn ngập các thiết bị điện tử gia dụng, chiếc tủ lạnh, tivi, dàn nhạc... thay đổi lối sống của chúng ta. Chiếc xe máy, xe hơi... thay đổi cách di chuyển và tầm hoạt động của con người. Rồi từ chiếc máy bay động cơ chong chóng, thân hẹp loại DC-4, DC-6 của “Air Vietnam” (tên hãng hàng không Sài Gòn cũ) chuyển qua máy bay thân rộng Boeing 777, Airbus...

Kế đó là công nghệ thông tin, viễn thông, Internet, mạng xã hội các máy 3D, kỹ thuật y tế, khám chữa bệnh...

Nhưng chưa hết, vì những gì đang và sắp xảy ra mới là kinh khủng hơn: từ các flycam sơ khởi đến những thiết bị bay không người lái (drone) chuẩn bị cho sự ra đời của Trí tuệ nhân tạo (AI) và các robot chiến binh: những con robot bay đang hằng ngày lén quan sát khắp bầu trời Iraq, Syria, Afganistan... chờ ném bom hủy diệt bất ngờ.

Tôi đã xem các đoạn phim cho thấy nhiều robot chiến binh này đã bắt đầu tham gia tập trận, hiện Liên Hiệp Quốc cùng nhiều tổ chức quốc tế đang lên tiếng yêu cầu thế giới phải kiểm soát và luật hóa về loại vũ khí mới này.

Tôi cũng đã được xem cảnh các sinh viên và nhà nghiên cứu của Phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo và khoa học máy tính (CSAIL) của Đại học MIT giới thiệu các loại IKEA-BOT loại người máy có trí tuệ và kỹ năng tự lắp ráp một chiếc bàn kiểu nội thất Ikea. Phòng thí nghiệm Self-Assembly Lab tạo ra những vật thể biết tự gắn vào nhau, tự lắp ráp..., hay các máy in 3D in những tế bào hình thành các mô và tổ hợp thành nhiều bộ phận của sinh vật...

Một dòng thác các cuộc cách mạng công nghệ mới đã lảng vảng quanh chúng ta và sẽ nhanh chóng ập xuống làm thay đổi cuộc sống của chúng ta nay mai. Nhưng điều đáng nói ở đây là trong suốt những làn sóng công nghệ giúp đổi thay, nâng cấp chất lượng sống và làm việc của mình ấy, sự chủ động và đóng góp của người Việt chưa hiện lên rõ nét.

Việc này buộc tôi liên tưởng đến phóng sự của BBC ghi lại một toán quân người Kurk di chuyển quân trên hoang mạc Bắc Syria theo hàng một, chợt người chỉ huy nhận cú điện thoại thông báo vừa có vụ ném bom của drone ở trong vùng, lập tức anh ta ra lệnh: tất cả tản ra, di chuyển lộn xộn như một đám dân làng hoảng sợ để tránh các “chiến binh bay” ấy nhầm lẫn tấn công.

Như vậy, tất cả người dân ở vùng này đều biết mình bị rình rập từ trên cao, giết nhầm từ trên cao. Thật đáng sợ, khi sức mạnh công nghệ đang bao vây chúng ta từ thành thị đến hoang mạc Trung Đông mà chúng ta chẳng có một quyền hay sự hiểu biết nào về nó cả.

Một ẩn dụ...

20 năm trước tôi rất dị ứng với fastfood, một phần tôi thích ăn nhâm nhi kiểu à la carte của thức ăn Tây hơn, một phần tôi phát hoảng khi biết tin ông tổng thống Bill Clinton bị nghẹt mạch máu ở tim phải mổ bắc cầu ba nhánh do ăn nhiều fastfood quá! Nhưng vài tháng gần đây tôi lại thành khách hàng thân quen của fastfood vì một cửa hàng McDonald đẹp đẽ vừa khánh thành ngay ngã năm Chuồng Chó, quận Gò Vấp, gần nhà tôi.

Đối với tôi, cái hamburger Big Mac thì quá to, nhưng cái McRoyal với một miếng bò, phômai và rau thì lại khá vừa miệng. Hay nhất trong một tháng vừa rồi là phần ăn sáng của nó, một cái bánh Muffin kẹp trứng, xúc xích, phômai... sạch sẽ, cân đối cho mỗi buổi sáng cần nạp đủ năng lượng, không sợ đau bụng khi ăn hàng quán hè phố để yên tâm ngồi xuống làm việc.

Sự xuất hiện của thương hiệu đầy chất Mỹ này tại đây đối với tôi có một sức lôi cuốn mang tính ẩn dụ. Người ở Sài Gòn lâu đời biết rằng vị trí ngã năm Chuồng Chó này trở lên phía bắc Sài Gòn là một khu vực quân sự, một vành đai lính và căn cứ để phòng thủ mặt bắc của “đô thành Sài Gòn”.

Cuộc tấn công Mậu Thân ở đây diễn ra rất ác liệt khi quân giải phóng xâm nhập nội thành, rồi các cuộc chuyển quân càn quét vào Trung ương Cục ở Tây Ninh, các đợt đánh trả ở Phước Long, Bình Long đều có nối kết từ đây lên căn cứ Lai Khê hay Đồng Dù - Củ Chi.

Giờ đây, tôi ngồi đây giữa buổi sáng mùa thu thanh bình trong không gian nội thất đậm văn hóa Mỹ, bên cạnh là một đường dẫn cho xe vào để Dri-Thru (chạy xe vào mua bánh mang đi) đúng kiểu văn hóa fastfood Mỹ và ăn bánh mì kẹp thịt kiểu Mỹ. Tôi hiểu rằng quá khứ đã qua rất lâu rồi và bây giờ là chuyện của hiện tại.

Dĩ nhiên, dưới con mắt quan sát của người viết, sự xuất hiện này còn cho thấy các chuỗi thương hiệu lớn của thế giới (chủ yếu là của Mỹ) đã thập thò tìm cách thoát ra cái vành đai giàu có nhưng chật hẹp ở trung tâm thành phố, thử vươn ra để giành lấy con tim và khối óc (“win mind and heart”) của tầng lớp người Việt bình thường.

Nhãn hiệu Burger King vươn ra gần sân bay Tân Sơn Nhất và đã rút đi, nhãn hiệu gà nướng Popeyes và bánh Dunkin Donuts tiến đến Phú Nhuận sau hơn một năm cũng đã thấy rút. Ở Gò Vấp, tiệm bánh Breadtalk của Singapore mở cửa được hai năm nay cũng đã không còn, đến lượt nhãn hiệu KFC, Pizza Hut, kem Robins Baskin và nay là McDonald đồng loạt xuất hiện ở đây và đang có vẻ rất hăm hở.

Tôi thật lòng mong họ thành công và trụ lại lâu dài, không phải chỉ vì tiện lợi và cảm xúc ẩn dụ cho riêng mình mà còn là một dấu chỉ cho thấy một tầng lớp trung lưu Việt đã ra đời, đánh giá được cái lợi của fastfood Mỹ và đủ tiền thanh toán cho một cái Big Mac giá 65.000 đồng.

Chỉ số “Big Mac” (Big Mac Index) mà tờ The Economist đưa ra hồi năm 1986 và nay được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới để so sánh sức mua của các đồng tiền khác nhau. Chỉ số này dựa vào sự phát triển toàn cầu của McDonald với chất lượng giống nhau, lấy giá của cái Big Mac từng nơi để so sánh với nhau. Chẳng hạn vào tháng 7-2015, giá một Big Mac ở Mỹ là 4,79 đôla, Trung Quốc chỉ là 2,74 đôla và ở Việt Nam khoảng 3 đôla...

Chỉ số ấy hiện nay đang được thu thập trên toàn cầu, và tôi cùng cái góc nhỏ “ngã năm Chuồng Chó” của mình cũng đã được hội nhập vào đó. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận