Khó mà chôn tên, giấu vết trên cõi mạng

TRÚC ANH 27/11/2020 22:10 GMT+7

TTCT - Trường hợp của Hầu Như Vô Hại quả là kỳ lạ, nhất là khi ta đang sống trong thời đại với nghịch lý buồn cười: nếu anh không có chút thông tin nào trên mạng thì anh không tồn tại. Nếu tôi Google mà không có kết quả nào về anh, anh là một kẻ vô cùng khả nghi.

Ảnh: wp.com

Những lối nghĩ này xuất phát từ thực tế thời nay dễ mấy ai mà không tự nguyện dâng hiến thông tin cá nhân cho các nền tảng số. Xin kể một câu chuyện cá nhân của người viết, khi một ngày bỗng thắc mắc người bạn cấp II của mình không biết giờ ra sao. Gõ tên vào Facebook, có ngay kết quả. Đọc thử trên tường bạn 5 phút là biết luôn bạn đang làm gì, vợ bạn tên gì làm chi, cha bạn đang rao bán mấy miếng đất, con bạn đứa lớn học trường nào, đứa nhỏ đang uống sữa gì. Tất cả đều được chia sẻ công khai, không cần phải “kết bạn”.

Dấu chân khắp lối

Những thông tin chia sẻ như vậy chính là dấu chân số (digital footprint) mà người dùng để lại, trên Facebook nói riêng và cả cõi mạng nói chung. Mỗi người chúng ta đã để lại bao nhiêu dấu chân như thế? Người ưa chia sẻ, không chú ý đến bảo mật quyền riêng tư trên không gian ảo có thể bỏ lại chi chít dấu chân trên mỗi chặng đường qua, người kỹ lưỡng thận trọng hơn thì cũng không tránh khỏi lưu lại vài vết dấu.

Báo cáo “Ai biết gì về tôi” (Who know what about me) do Ủy ban Trẻ em Anh công bố năm 2018 chỉ rõ hàng loạt cách mà dấu chân số của một người hình thành, ngay từ cả khi trước họ sinh ra. Theo đó, cha mẹ của trẻ từ sơ sinh đến 13 tuổi mỗi năm đăng trung bình 71 tấm hình và 29 video của đứa trẻ lên mạng xã hội, chưa tính chia sẻ riêng tư trong các nền tảng chat như WhatsApp. Đến khi đứa trẻ bước vào tuổi 13, trên mạng đã sẵn có 1.300 tấm ảnh và video của chúng.

Và dĩ nhiên, khi đủ lớn để dùng mạng xã hội, đến lượt trẻ em tự làm đầy thêm di sản số của bản thân. Theo YouGov - công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường trực tuyến của Anh, hơn 50% số trẻ em từ 11-12 tuổi có thể truy cập mạng ở Anh có trang cá nhân trên các mạng xã hội. Trung bình mỗi đứa trẻ đăng lên mạng xã hội 26 lần/ngày; đến khi 18 tuổi, chúng sẽ đăng tổng cộng gần 70.000 nội dung.

Đó là mới tính mạng xã hội. Thế giới Internet còn đầy rẫy những nơi khiến ta lưu lại dấu chân số. Lịch sử duyệt web, xem và mua hàng qua mạng, tất cả đều để lại dữ liệu có thể phơi bày tuốt tuột về ta, từ tuổi tác, giới tính, đến sở thích, tình trạng sức khỏe. Đó là câu chuyện ở Anh, nhưng chắc chắn ở phần còn lại của thế giới cũng không khác.

Có thể nói khi đã sử dụng Internet thì chắc chắn có để lại dấu vết, và không một ai có thể vô hình trên cõi mạng. Để minh họa điều này, nhà báo Emma Hatton của Radio New Zealand đã tìm gặp Mike Gillam, thám tử tư của công ty điều tra The Investigators, nhờ ông thử “đào bới” thông tin của cô trên mạng xem có được những gì. Gillam chỉ mất vài phút để chỉ ra tên đầy đủ, tuổi tác, địa chỉ, quê nhà, cũng như mọi thông tin cá nhân của cha mẹ, chồng và con của nữ nhà báo. Nếu phải điều tra thực sự - nghĩa là khách hàng chi tiền và cho Gillam nhiều thời gian hơn, khối lượng dữ liệu “đào” được còn nhiều hơn thế.

Vấn đề là ai cũng có thể tra cứu thông tin của một người trên mạng mà không cần phải có phần mềm chuyên dụng hay quyền truy cập vào các cơ sở dữ liệu cao cấp nào; chỉ cần thử trên Google và các mạng xã hội, nơi chứa hàng tấn thông tin mà người dùng tự nguyện cung cấp.

Nhưng cũng chính vì thế mà việc ai đó không hề có chút dấu vết kỹ thuật số nào lại là điều khó tin và... đáng ngờ. “Bạn có chịu hẹn hò với một người không có dấu chân kỹ thuật số?”. Đây là câu hỏi của một khảo sát nghiêm túc do YouGov thực hiện hồi năm 2018.

Khảo sát trên 2.027 người trưởng thành cho thấy người trẻ tuổi ngày càng thích tìm hiểu thông tin về người họ đang hẹn hò trên mạng, và sẽ hoài nghi nếu không thấy dấu vết gì cả. Cụ thể, trong số những người lục lọi thông tin về “đối phương”, 33% cho biết sẽ “bực mình” nếu người kia không có tài khoản mạng xã hội, trong khi 27% cảm thấy “nghi ngờ”. Các cảm xúc khác là “ngạc nhiên thích thú” (27%) và “ấn tượng” (14%) khi biết một người không hề xuất hiện trên mạng xã hội nào.

Vô hình được không?

Ngay cả một người chủ động tránh xa mọi thứ có thể để lại dấu chân số thì việc để bản thân hoàn toàn vô hình trong mọi cơ sở dữ liệu vẫn là điều bất khả thi.

Felix, một người làm vườn 33 tuổi ở ngoại ô London, được BBC mô tả là một người “hầu như không để lại dấu vết dữ liệu trực tuyến”, do lẽ ông không dùng Facebook, Twitter hay Instagram, không có smartphone, máy tính bảng lẫn tài khoản ngân hàng online.

Felix cũng là tên giả ông yêu cầu dùng khi phỏng vấn. “Tôi đã tránh xa việc hình thành một bản dạng số; đồng ý để có thứ gì về tôi lưu lại [bằng cách trả lời cuộc phỏng vấn này] đã là quá lắm với tôi rồi” - ông nói với BBC.

Felix chỉ có một tài khoản email, dùng để vào thư viện địa phương, và một chiếc Nokia 3210. Felix biết rõ các công nghệ đang phổ biến, biết Alexa và Netflix là gì, chỉ là ông không cảm thấy hứng thú với chúng. Nhưng điều đó không có nghĩa Felix hoàn toàn vô hình trước các cỗ máy thu thập và tổng hợp dữ liệu cá nhân. Felix có tên trong danh bạ cử tri, và số nhà riêng có trong danh bạ điện thoại. Ông có thẻ đi tàu điện ở London, nghĩa là nếu muốn, chính quyền vẫn có thể truy xuất lịch sử đi lại của ông.

“Tôi không thích việc ai đó có thể tìm ra tôi đã đi đâu mỗi khi đến London” - Felix nói. Người đàn ông hầu như không có dấu chân kỹ thuật số này thẳng thắn cho biết có thể bị truy vết là một “triệu chứng” khó chịu của đời sống hiện tại, và “nếu có thể tránh được việc cuộc sống bị công khai, tôi chắc chắn sẽ làm”.

Có lẽ Hầu Như Vô Hại, bằng cách nào đó, đã làm được điều mà Felix không thể làm.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận