Loại quả kỳ lạ nhất thế gian

HIẾU THẢO 21/10/2020 06:10 GMT+7

TTCT - Tác giả Dan Nosowitz của trang Atlas Obscura gọi bưởi hồng là một trong những quả kỳ lạ nhất hành tinh; sự lạ lùng đến từ nguồn gốc mơ hồ, tên gọi kỳ quặc trong tiếng Anh cho đến những tương tác bất ngờ khi dùng với một số loại thuốc của thứ trái cây nhiệt đới này.

Ảnh: medicalnewstoday.com

Nguồn gốc bí ẩn

Chi cam chanh thuộc họ Cửu lý hương có nguồn gốc từ các vùng ấm và ẩm ướt của châu Á. Các nhà khoa học hiện đại cho rằng tổ tiên của chi cam chanh đã phân nhánh ra thành nhiều chủng loài riêng lẻ từ 5-6 triệu năm trước do khí hậu thay đổi. Trong đó ba nhóm phổ biến nhất trên thế giới thường được biết đến là: cam chanh, bưởi và quýt.

Cũng tương tự một bảng màu vẽ được pha trộn từ ba màu gốc, các giống cam chanh hiện đại đều là kết quả của việc lai tạo tự nhiên hoặc nhân tạo ba nhóm chính nói trên. Giống bưởi hồng (grapefruit, phân biệt với pomelo là bưởi xanh) hiện đại mà ta thấy ngày nay là sự kết hợp giữa bưởi thuần chủng và một loại cam ngọt, mà bản thân loại cam này đã là giống lai giữa bưởi và quýt.

Phần lớn các loại quả có múi lai đến từ châu Á, song bưởi hồng là một ngoại lệ. Trên thực tế, quả bưởi hồng lần đầu tiên được tìm thấy ở một thế giới xa xôi là quần đảo Barbados ở Đại Tây Dương, quãng đâu đó giữa những năm 1600.

Quả bưởi hồng có lẽ chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên của mẹ thiên nhiên trong quá trình lai tạo vô thưởng vô phạt. Gần như không có bất cứ sử liệu nào còn sót lại cho phép truy lùng ra nguồn gốc của loại trái này, từ grapefruit chỉ bắt đầu xuất hiện đâu đó trong khoảng năm 1830.

Trước đó, nó được biết đến với cái tên shaddock, điều này đặc biệt gây nhầm lẫn bởi vì từ này cũng là một từ được sử dụng cho bưởi xanh. Từ này có thể xuất phát từ tên của một thương nhân, thuyền trưởng Philip Chaddock, người có thể đã mang bưởi xanh đến Babardos. Bưởi xanh có múi lớn hơn, có tính axit nhiều hơn và vỏ đặc biệt dày, vị đắng.

Một người Pháp tên là Odet Philippe được cho là người đã đưa giống bưởi grapefruit đến Hoa Kỳ vào những năm 1820. Năm 1892, Kimball Chase Atwood - một thị dân New York - chuyển đến sống ngay phía nam của vịnh Tampa và bắt đầu trồng bưởi trên 265 mẫu đất của mình. Năm 1910, một trong những công nhân của Atwood phát hiện ra rằng một cây đang cho quả màu hồng; cho đến lúc đó, phần lớn bưởi grapefruit ở Florida đều có màu trắng vàng ở bên trong. Lẽ dĩ nhiên, giống bưởi hồng mới được phát hiện đã trở thành một thành công lớn, dẫn đến việc nông trang này được cấp bằng sáng chế cho giống bưởi Ruby Red vào năm 1929. Chẳng bao lâu Atwood đã trở thành nhà sản xuất bưởi lớn nhất thế giới, cung cấp thứ được coi là xa xỉ phẩm cho hoàng gia và tầng lớp quý tộc. 

Khắc tinh với một số thuốc

Bưởi hồng nổi tiếng trong nhiều thập niên từ sau những năm 1930, rất nhiều trào lưu ăn uống lành mạnh tốt cho sức khỏe xem bưởi là thành phần chính của chế độ ăn cực kỳ ít calo và giàu vitamin. Người ta cho rằng tiêu thụ 500 calo bưởi một ngày sẽ giúp giảm cân.

Bản thân nó có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, nhưng bưởi hồng có thể là một trong những kẻ thù không đội trời chung với một số loại thuốc. Năm 1989, David Bailey đang nghiên cứu một loại thuốc huyết áp tên là felodipine, ông cố gắng tìm hiểu xem rượu có ảnh hưởng đến phản ứng với thuốc hay không. Phương pháp nghiên cứu chính xác nhất hiển nhiên là chia đối tượng ra thành 2 nhóm: nhóm thực nghiệm - dùng thuốc với rượu, và nhóm đối chứng - uống với nước.

Nhưng theo nguyên tắc thực hành nghiên cứu lâm sàng tốt, người nghiên cứu phải làm sao cho người tham gia không phát hiện ra họ đang thuộc nhóm nào. Vấn đề đặt ra là làm cách nào để ngụy trang được mùi vị rượu?

Sau khi đã thử tài pha chế với tất cả những gì có trong tủ lạnh tại gia, nhà khoa học quyết định cho các đối tượng thí nghiệm của mình dùng một loại cocktail Greyhound gồm nước ép bưởi và vodka. Nhóm đối chứng thì chỉ uống nước bưởi nguyên chất.

Thí nghiệm giấu kín kép (double-blind) này thành công về mặt kỹ thuật, tuy nhiên kết quả của nó lại nằm ngoài dự đoán của nhóm nghiên cứu. Có sự khác biệt nhỏ về huyết áp giữa các nhóm, điều này không quá bất thường, nhưng sau đó Bailey đã xem xét lượng thuốc trong máu của các đối tượng. “Mức độ cao hơn khoảng 4 lần đối với liều lượng họ đang dùng” - ông nói. Điều này đúng với cả nhóm đối chứng và nhóm thực nghiệm. Bailey đã kiểm tra mọi yếu tố có thể xảy ra sai sót như số liệu, liều lượng. Nhưng không có gì sai sót, ngoại trừ phần nước bưởi.

Bailey đã táo bạo quyết định thử nghiệm một lý thuyết mới trên chính cơ thể mình. Felodipine thực sự không có bất kỳ tác dụng xấu nào ở liều lượng cao, vì vậy ông nghĩ nó sẽ an toàn và tò mò muốn tìm kiếm câu trả lời cho giả thiết mới. “Tôi nhớ y tá nghiên cứu của tôi đã cho rằng đây là ý tưởng ngu ngốc nhất mà cô ấy từng nghe” - ông kể lại. Nhưng sau khi uống cocktail bưởi và felodipine, máu của ông có lượng felodipine nhiều gấp 5 lần so với mức mong đợi. Thử nghiệm nhiều hơn đã xác nhận lại tình trạng này.

Bưởi có một lượng lớn các hợp chất gọi là furanocoumarins để bảo vệ trái cây khỏi bị nhiễm nấm. Khi ta ăn bưởi, những furanocoumarins đó sẽ lấy đi vĩnh viễn các enzyme cytochrom P450 (CYP450). “Đòn đánh” từ bưởi này rất mạnh, nên cơ thể khi bắt gặp bưởi về cơ bản sẽ… thở dài bất lực, giơ tay đầu hàng, chịu mất chỗ enzyme đó và bắt đầu sản xuất bộ cytochrome P450 hoàn toàn mới. Quá trình này có thể mất hơn 12 giờ.

Để hiểu tác hại của việc này, cần giải thích thêm về CYP450. Đây là hệ thống 50 loại enzyme có trong hầu hết các cơ thể sống. Ở động vật và người, enzyme này có ở gan, tim, phổi, thận nhưng tập trung chủ yếu ở gan. Thuốc dùng đường uống sau khi được hấp thụ qua ruột non được chuyển đến gan qua tĩnh mạch cửa, quá trình này cho phép gan với sự tham gia của CYP450 (là nhóm enzyme chính tham gia vào chuyển hóa thuốc) có thời gian giải độc các dược chất có hại trước khi chúng được phân phối vào hệ thống tuần hoàn.

Việc tiêu thụ bưởi có thể hiểu là khá đột ngột lấy đi một trong những cơ chế bảo vệ chính của cơ thể. Ví dụ: nếu bạn có một loại thuốc có sinh khả dụng 10% và CYP450 còn nguyên vẹn, các nhà sản xuất thuốc sẽ kê cho bạn lượng thuốc gấp 10 lần lượng thuốc bạn thực sự cần vì rất ít thuốc sẽ thực sự đến được máu của bạn. Nhưng khi có bưởi, cơ thể sẽ không còn CYP450, và bạn không nhận 10% lượng thuốc đó mà đang nhận 100%, nghĩa là đang dùng quá liều. Và chỉ cần ít hơn 1 cốc nước bưởi là cũng đủ gây ra tác dụng này. Theo tiến sĩ Thomas Lee, tổng biên tập bản tin sức khỏe Harvard Heart Letter của Trường Y Harvard, dựa trên kết quả nhiều nghiên cứu khác nhau về tác động lên quá trình trao đổi chất của bưởi và nước ép bưởi pomelo, có vẻ cả hai loại bưởi này đều có phản ứng như nhau. Lời khuyên là cũng cần cân nhắc và tham vấn ý bác sĩ nếu định dùng thuốc chung với bưởi pomelo.

Giống nho Seagrape được cho là xuất phát của tên gọi grapefruit. -Ảnh: iNaturalist

Cần thêm khuyến cáo

Một số loại thuốc có thể gây hại khi dùng chung với bưởi, theo các nghiên cứu, là thuốc an thần benzodiazepine (Xanax, Klonopin, Valium), thuốc chống rối loạn lo âu nhóm SSRI (Zoloft, Paxil), amphetamine (Adderall, Ritalin), statin giảm cholesterol (Lipitor, Crestor), thuốc rối loạn cương dương (Cialis, Viagra)…

Trong một số trường hợp, tương tác với bưởi không phải là vấn đề lớn, vì chúng là thuốc an toàn, thậm chí có liều lượng gấp vài lần bình thường cũng không đặc biệt nguy hiểm. Nhưng trong những trường hợp khác sẽ cực kỳ nguy hiểm, thậm chí gây tử vong. “Có rất nhiều loại thuốc có khả năng tạo ra các tác dụng phụ rất nghiêm trọng. Suy thận, rối loạn nhịp tim đe dọa tính mạng, xuất huyết tiêu hóa, suy hô hấp” - Bailey giải thích.

Mặc dù vậy, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm không đưa ra cảnh báo về nhiều loại thuốc được biết là có tương tác bất lợi với bưởi. LipitorXanax có cảnh báo về điều này trong các khuyến nghị chính thức của FDA trên mạng và trong mọi đơn thuốc. Nhưng Zoloft, Viagra, Adderall và những hãng thuốc khác thì không. “Hiện tại, không có đủ bằng chứng lâm sàng để yêu cầu Zoloft, Viagra hoặc Adderall ghi khuyến cáo có tương tác với nước bưởi trên nhãn thuốc”, theo đại diện FDD.

Bailey mặc dù không đặc biệt thích bưởi cũng nói thêm rằng có rất nhiều thứ thực sự hữu ích và lành mạnh trong một quả bưởi, đặc biệt là vitamin C. Ông chỉ đưa ra trường hợp rằng trong thời kỳ hơn một nửa số người Mỹ uống nhiều viên thuốc mỗi ngày và 20% uống từ năm viên trở lên, thì tương tác giữa bưởi và thuốc chỉ là điều mà mọi người nên biết. Có thể chỉ cần thêm một nhãn dán cảnh báo màu vàng “Tránh ăn bưởi khi dùng thuốc này ” trên các lọ thuốc có thể có tác dụng nguy hiểm với bưởi là đủ.■


Tên gọi grapefruit (tạm dịch: trái cây giống nho) có thể gây thắc mắc, vì bưởi thì giống gì nho chứ? Một số nguồn cho rằng tên gọi này xuất phát từ việc loại quả này mọc thành chùm giống như nho, nhưng có vẻ lập luận này không có cơ sở lắm.

Năm 1664, một bác sĩ người Hà Lan là Wouter Schouden đến thăm Barbados và mô tả loại cam quýt mà ông lấy mẫu ở đó “có vị như nho chưa chín”. Năm 1814, John Lunan, một chủ đồn điền và chủ nô lệ người Anh đến từ Jamaica, đã ghi lại rằng loại trái cây này được đặt tên grapefruit là “do hương vị của nó giống với nho”. Vì sử sách ghi nhận rằng không có cây nho nào ở Barbados vào năm 1698 cả, nên giả thuyết đặt ra là, rất có thể người dân trên đảo đặt tên như thế vì vị của grapefruit cũng chua và hơi đắng không khác gì giống nho bản địa duy nhất của họ là nho biển (seagrape).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận