Nghe rõ! Không trả lời!

MINH NGỌC 13/03/2015 20:03 GMT+7

Một cuộc trao đổi là gì, đó có phải là tiếng nói từ hai phía? Nếu không, đó có thể là cuộc trò chuyện giữa hai thế hệ trong nhà tôi.

Đừng có cãi!

Tôi 25 tuổi, sinh viên vừa ra trường, đang đối mặt với nỗi sợ hãi sẽ không có việc làm và rất nhiều điều không biết đang chờ đợi ở phía trước. Nhưng có một điều tôi biết rõ là những lời chỉ bảo của mẹ, những hoài nghi của bố đang khiến tôi toát mồ hôi vì không có câu trả lời cụ thể về tương lai của mình mà tôi bị “đứng hình” như vậy từ hồi còn trung học.

Hồi mới lớn, tôi thích chơi game đua xe nhưng bị cấm tiệt vì theo bố, nó “kích động” quá, còn với mẹ thì chỉ cần có hình vẽ mấy cô em ăn mặc nóng bỏng đứng bên đường vẫy cờ là “quá bậy bạ”. Trò chơi tôi được phép cài trên máy tính đặt chình ình ngay phòng khách là trò bắt thú Pokemon và xếp gạch vì chúng “rèn luyện tư duy không gian và hình học”.

Tôi thích nhạc có nhịp điệu sôi động nhưng bố mẹ dè bỉu “ca sĩ vũ công gì nhảy như động kinh” và khuyên tôi nên nghe nhạc trữ tình tiền chiến vì nó sâu sắc hơn.

Tôi thích bỏ áo ngoài quần vào những lúc không phải đến trường nhưng với bố mẹ hễ ra đường thì phải đóng thùng mới là con người có tư cách! Khi tôi kể nhà trường có mời chuyên gia nói chuyện chuyên đề về ma túy thì ngay lập tức tôi bị truy xét nghi ngờ rằng có phải trường tôi đang có tệ nạn đó không, và chắc phải là nó phổ biến lắm nên mới có biện pháp đó.

Tôi tin chắc bố mẹ tôi cấp tiến, không bảo thủ, chịu lắng nghe nhưng hết 99% vấn đề là không đồng ý với ý kiến của tôi. Với bố mẹ, tôi còn “xanh” lắm, hiền quá, ngốc toàn tập và tử tế đến mức không dám làm phiền ai, rồi đoan chắc như đinh đóng cột rằng ra đường thế nào tôi cũng bị lừa.

Mỗi khi chứng minh được tôi sai, chả hiểu sao bố mẹ rất “hả hê”, cứ như thể điều đó đã khẳng định thêm nhận định của bố mẹ về tôi và về thế giới bên ngoài vậy.

Tôi đủ nhận thức để biết cha mẹ yêu thương mình thế nào, tôi luôn quay quắt tìm cách để phát ngôn của mình có trọng lượng trong mắt cha mẹ, tôi muốn cha mẹ hiểu rằng tôi lắng nghe, tự hào và cảm ơn không biết bao nhiêu cho đủ công ơn của cha mẹ, nhưng tôi bất lực vì tiếng nói của mình chẳng bao giờ được tôn trọng dù trong nhà tôi không thiếu những cuộc trò chuyện, vấn đề là nó chỉ diễn ra một chiều với kết thúc y chang nhau, đó là bố mẹ luôn đúng, đừng có cãi!

Ấy thế nhưng nói chuyện với ai bố mẹ cũng đều cho rằng mình là người hiểu tâm lý lứa tuổi con cái và nhà tôi là nơi có các cuộc trao đổi rất dân chủ (?!)

Tôi càng lúc càng không biết nói gì với bố mẹ và khi tôi lớn hơn, các cuộc trao đổi bình thường ít đi và bắt đầu “có mùi” bất đồng, bất mãn, chống đối. Để làm dịu tình hình, tôi trở nên giả dối vờ như lắng nghe nhưng chẳng có gì lọt vào tai hoặc chạy trốn nó để khỏi phải cãi lại bố mẹ.

Sao con không nói?

Nói làm sao khi không được nói những gì mình muốn hoặc chỉ nói những điều bố mẹ muốn nghe. Khi thi đại học, bố mẹ tư vấn đủ đường làm tôi suýt phát khóc vì cảm động và phát điên vì rối quá, rồi tôi thi một ngành mà tôi chưa có đủ nhận thức chọn lựa.

Sau đó tôi quyết định chọn thêm một chương trình đại học khác mà tôi tin mình yêu thích nó và chới với vì gánh nặng bài vở, đó càng là lý do để bố mẹ cho rằng đó là lỗi tại tôi và tôi làm thế để chống đối bố mẹ.

Trong khi tôi cố gắng hoàn tất mọi thứ thì bố mẹ luôn làm tôi sợ hãi với những chất vấn triền miên về các cuộc phỏng vấn xin việc, về chuyện bạn gái yêu đương (đàn ông phải lập thân trước đã con nhé).

Trong lúc tôi gồng lên để xây cho mình lòng tự tin và sự trưởng thành thì bố mẹ cứ nhăm nhe đánh sập... bức tường tự trị của tôi khi luôn chỉ ra những nguy cơ của cuộc sống. Tôi rất muốn hét lên rằng hãy để con yên nhưng không thể, tôi vừa yêu bố mẹ vừa bực họ đủ điều. Tôi nhận ra mình sợ thất bại, sợ về nhà, sợ trò chuyện, hay đúng hơn là sợ không đáp ứng được kỳ vọng của bố mẹ.

Dĩ nhiên là tôi vẫn về nhà, và tôi nhận ra bố mẹ đang áp dụng bài bản của mình với thằng em tôi, có phần quyết liệt hơn nữa vì thần tượng của nó hiện nay “không phải dạng vừa đâu”, tức là cực chất với nó và cực sốc với bố mẹ.

Tôi trò chuyện với em và nó bảo: “Mẹ hay hỏi em: Nghe rõ không, trả lời! Em nghĩ mình sẽ nói: Nghe rõ, không trả lời! Anh thấy hay không?”. Tôi bảo nó đừng có hỗn nhưng thú thật tôi chỉ thấy buồn.

Không biết bố mẹ có hiểu rằng dạy dỗ không phải là một cuộc chiến, rằng con cái không phải là đối thủ để cha mẹ chứng tỏ nguyên tắc “toàn thắng” và siêu đúng đắn của mình. Phải chi bố mẹ biết lắng nghe con...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận