Nối dài hành trình xanh

NGUYỄN NAM - MAI VINH 27/03/2010 10:03 GMT+7

TTCT - Kể từ khi Chủ nhật xanh ra đời từ năm 1993 cho đến nay, hoạt động này đã trở thành thương hiệu cho những lời kêu gọi bảo vệ và cải thiện môi trường sống. Hình ảnh những bóng áo xanh xắn tay áo cùng người dân cải tạo điều kiện sống tại các khu dân cư đã thật sự làm lan tỏa, nâng cao ý thức về vấn đề này.

Phóng to
Đầm mình dưới nước bẩn để đẩy rác cuốn trong lục bình vào bờ - Ảnh: Mai Vinh

85 Chủ nhật xanh đã qua đi và những người trẻ vẫn đang chung sức nối dài hành trình xanh ý nghĩa này.

Từ những việc nhỏ

Từ nửa tháng nay, các bạn trẻ ở Q.3 (TP.HCM) đã lên kế hoạch gom tạp chí, lịch, giấy cũ để làm thành những chiếc túi đi chợ với đủ loại kích cỡ. Trong hội trường nhỏ nằm phía sau trụ sở Quận đoàn 3 chất hàng chùm túi giấy xinh xắn, cạnh đó ngổn ngang vật liệu giấy đang được hơn 30 bạn trẻ cắt dán làm thành túi giấy. Mấy em học sinh khá thích thú với việc làm này. Khi được hỏi, các em đều chung câu trả lời: “Túi giấy tái chế này sẽ thay túi nilông để giảm ô nhiễm môi trường vì túi nilông khó phân hủy”.

Gần 20.000 túi giấy như vậy được 3.000 bạn đoàn viên đem tặng tiểu thương các chợ Vườn Chuối, Bàn Cờ, Nguyễn Văn Trỗi, Bùi Phát với lời nhắn nhủ: “Bà con hãy dùng ít túi nilông lại, thay bằng túi giấy dễ làm và mau tiêu này để góp tay bảo vệ môi trường”.

Bạn Lâm Ngọc Mẫn (Quận đoàn 3) cho hay: “Từ quá trình làm túi giấy, những bạn trẻ chúng tôi đã biết rõ hơn vì sao phải hạn chế sử dụng túi nilông để bảo vệ môi trường. Hi vọng ý thức về vấn đề này của tiểu thương và khách hàng sẽ được đánh động để thay đổi”.

Chị Nguyễn Thị Hương, một người đi chợ, băn khoăn: “Các bạn “áo xanh” làm như vậy rất có ý nghĩa và tôi cũng hiểu chuyện này, nhưng nhiều người đi chợ vẫn quen dùng túi nilông vì tính tiện lợi của nó. Thay đổi từ ý thức thì không khó nhưng tôi nghĩ cái khó hơn là cần làm toàn diện. Cần làm thế nào để túi giấy thay hẳn túi nilông, từ tiện ích đến cả an toàn”.

Quận đoàn 5 cũng vận động thanh niên trên địa bàn quận xếp 10.000 túi giấy tặng các tiểu thương ở chợ An Đông và 1.000 giỏ nhựa cho bà con đi chợ. Quận đoàn 5 cũng chung tay cùng các quận, huyện đoàn khác trong thành phố xây dựng các tuyến phố sạch đẹp, trồng thêm cây xanh, đặt ghế đá nơi công cộng...

Phóng to
Các bạn trẻ Q.3 làm túi giấy tặng các tiểu thương, kêu gọi hạn chế sử dụng túi nilông để bảo vệ môi trường - Ảnh: N.Nam

Người trẻ tiên phong hành động

Mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn nhưng ý thức của nhiều bạn trẻ thay đổi và họ đã xắn tay áo hành động, trước mắt là những việc gần gũi nhất trong đời sống hằng ngày. Tuy nó không giải quyết triệt để nạn ô nhiễm của thành phố đang ở mức báo động như hiện nay nhưng nhiều người dân đã bắt đầu “thấm” vì hành động của những người trẻ.

Lê Văn Anh, đoàn viên Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy Q.Bình Thạnh, bày tỏ cảm xúc trong đợt dọn vệ sinh cầu Đỏ (P.13, Q.Bình Thạnh): “Mỗi khi đi ngang qua khu vực này nhìn thấy rác, lục bình, xác chó mèo đùn ứ lại thấy khó chịu lắm. Khó chịu vì môi trường bị xâm hại hằng ngày trong khi đó mình chẳng làm được gì. Gần 20 tấn rác được thu gom trên chiều dài 100m dưới chân cầu trong ngày Chủ nhật xanh lần thứ 85 khiến tôi hiểu rằng giữ vệ sinh môi trường là công việc chung chứ trách nhiệm không nghiêng về bất cứ lực lượng nào. Nếu sáng nay đoàn viên dọn, chiều nay người dân xả rác ra thì cũng bằng không”.

Ngày 28-3-2010, Chủ nhật xanh lần thứ 86 sẽ được tiến hành ở 15 tuyến đường điểm của thành phố: dọn vệ sinh, xóa bảng quảng cáo sai quy định, chăm sóc mảng xanh, tuyên truyền cho các hộ dân cùng tham gia bảo quản “tuyến đường văn minh”. Website “Thanh niên thành phố hành động vì môi trường” sẽ cho ra mắt bản đồ các điểm ô nhiễm trên địa bàn thành phố. Từ việc khoanh vùng này, các bạn đoàn viên sẽ có kế hoạch cụ thể để cải thiện môi trường tại ít nhất hai điểm ô nhiễm ở các quận trung tâm thành phố.

Trần Quốc Nam, sinh viên Đại học Mở TP.HCM, nói: “Thanh niên ra quân nhiều mà hiệu quả chưa cao. Có nhiều lý do lắm. Thứ nhất, một số bạn đi lao động vì môi trường nhưng chính các bạn cũng chưa tin rằng việc mình làm có hiệu quả không. Thứ hai, các phương tiện lao động thô sơ, việc đưa một số đoàn viên lội xuống kênh mương để dồn rác vào bờ rất nguy hiểm vì nước thải ô nhiễm và kim tiêm. Thứ ba, lao động cải tạo môi trường là việc cần có kế hoạch nhưng chẳng thấy có kế hoạch gì cả, cứ có phát động là vác dụng cụ đi làm. Một khúc sông dài mà làm chỉ 100m, bởi thế nên mấy ngày sau rác từ nơi khác ùn tới làm tình hình chẳng được cải thiện”.

Bà Nguyễn Thị Minh Trang (tổ 25, P.13, Q.Bình Thạnh) cho biết: “Người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường nhưng chỉ ý thức trong phạm vi rất nhỏ xung quanh chỗ ở của họ. Nhà sát bờ sông nên hằng ngày tôi chứng kiến cảnh người dân khu vực khác chở xác súc vật đến giữa cầu rồi thả xuống, xong thản nhiên đi tiếp. Họ xem dòng sông, con kênh là bãi rác công cộng. Trong tháng 3, tôi thấy thanh niên quận ra quân dọn dẹp nhiều nơi, bà con trong khu phố cũng tự giác làm biển cấm đổ rác dưới chân cầu và ven sông, kênh, người khu vực khác lén bỏ rác thì dân bắt giao tổ dân phố, phường xử lý”.

Hành trình nối dài

Tham gia 85 Chủ nhật xanh, chị Bùi Thị Kim Chi - cán bộ Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP.HCM - cho biết: “Ngày Chủ nhật xanh vừa rồi ở huyện Nhà Bè, tôi thấy mấy cô bé đoàn viên da trắng bóc, bình thường ra đường phải đeo bao tay, bịt khẩu trang kín mít, nhưng nay lại xắn quần lội nước sông đen thui vớt rác. Chính tinh thần đó mới lay động được người dân. Trước đây, nhiều nơi chúng tôi đến làm Chủ nhật xanh thì bà con ngồi uống cà phê, hút thuốc thản nhiên, coi chuyện đó là của mấy đứa trẻ áo xanh. Nhưng nay thì khác, bà con cùng các bạn trẻ làm đấy”. Chị nói tiếp: “Quan trọng là làm sao cho người dân thấy được việc giữ gìn môi trường sống xung quanh là trách nhiệm của mình. Mỗi người làm một ít thì đâu đâu cũng sạch cả”.

Chị Đặng Thùy Khánh Vân, phó bí thư Đoàn khối dân chính đảng TP.HCM, trăn trở: “Công việc của các bạn trẻ trong những ngày Chủ nhật xanh tuy không chuyển biến nhiều về môi trường nhưng trong mỗi đợt như vậy, các bạn đã có thay đổi về nhận thức, qua đó tác động người dân thay đổi thói quen bảo vệ môi trường. Thế nhưng mỗi bạn trẻ chúng ta cũng cần phải xem lại việc mình đang làm để có kế hoạch hiệu quả cho những Chủ nhật xanh tiếp theo”.

Nhiều bạn khác cũng có những suy nghĩ như chị Khánh Vân về công việc mình đang làm. Sau những ngày xanh ấy, họ còn trăn trở làm sao để nó có tác động mạnh, hiệu quả và thực chất hơn. Hành trình xanh đang được chung sức nối dài từ những bạn trẻ như vậy.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận