Squid Game và “thế hệ từ bỏ” của Hàn Quốc

XUÂN TÙNG 02/11/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Trong bộ phim Hàn Quốc đình đám vừa ra mắt trên Netflix Squid Game (Trò chơi con mực), hàng trăm con nợ đường cùng tình nguyện tham gia một trò chơi sinh tử, nơi người thắng chung cuộc lĩnh hàng chục triệu đô, còn kẻ thua ngay lập tức bỏ mạng. Liệu thực tế xã hội Hàn Quốc có bế tắc đến vậy?

 
 Người Hàn Quốc biểu tình trong trang phục Squid Game.

Ngày 20-10, một nhóm người biểu tình đã diện đồng phục, mặt nạ lính trong Squid Game xuống đường phố Seoul nhằm yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc cải thiện tình trạng sống bế tắc của người lao động - một đề tài được đề cập xuyên suốt bộ phim. 

Tàn khốc, bế tắc, chán ngán

“Thực tại chúng tôi đang sống quá tàn khốc” - Choe Eun-Byeol, nhân viên văn phòng ở Seoul, nói với Bloomberg

Choe thuộc thế hệ MZ (thế hệ Millennial đời cuối thế hệ Z đời đầu, hiện khoảng 20 - 30 tuổi), những người trẻ Hàn Quốc có lẽ là thấm thía nhất chuyện bế tắc trong đời sống hiện nay. Họ phải đương đầu với khoảng cách bất bình đẳng đang ngày một gia tăng, đồng lương mất giá và cơ hội việc làm trở nên mong manh. Cùng với đó, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã làm cuộc khủng hoảng nợ và nhà đất thêm trầm trọng, khiến “giấc mơ Hàn Quốc” - cưới vợ, mua nhà, sinh con - của người trẻ nước này sụp đổ hàng loạt. 

Bên dưới những kỳ tích phát triển kinh tế hay những thành tựu giải trí gây tiếng vang khắp thế giới, Hàn Quốc đang đối mặt với các vấn đề kinh tế - xã hội ngày càng trầm trọng, trong đó có giá nhà đất tăng chóng mặt, khiến dự định mua căn hộ bằng đồng lương của người trẻ ngày một xa vời.

Theo thống kê của Business Insider, giá nhà đất khu vực Seoul đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm trở lại đây, trong khi mức lương trung bình chỉ tăng 20% trong cùng kỳ. Trong thời điểm dịch COVID-19, thị trường bất động sản ở Hàn Quốc trở nên nóng hơn bao giờ hết. Chỉ tính riêng trong năm 2020, giá căn hộ ở Seoul đã tăng thêm 22% - mức tăng cao nhất trong các thành phố lớn tại châu Á. 

Theo ước tính, người dân Seoul muốn sắm một căn hộ nội đô cần một khoản dành dụm tương đương 1 triệu đôla. Giá nhà đất tăng chóng mặt thậm chí đã khiến nhiều cặp đôi trẻ phải hoãn đám cưới để được ưu tiên mua nhà ở xã hội dưới danh nghĩa độc thân. “Có làm việc chăm chỉ đến đâu, bạn cũng sẽ không tài nào mua được nhà ở Seoul. Ngay cả chuyện tìm việc thôi cũng khó, bạn có bằng đại học cũng chưa chắc được tuyển” - Choe nhận xét.

Một thống kê năm 2017 của KDI Focus cho thấy tỉ lệ thất nghiệp ở Hàn Quốc tập trung cao vào đối tượng người trẻ, đặc biệt là người có bằng tốt nghiệp đại học. Trong khi tỉ lệ thất nghiệp cả nước là 4%, số người dưới 30 tuổi không có việc làm chính thống lên tới trên 8%.

Với những người may mắn có việc làm, cuộc sống cũng không toàn màu hồng, bởi văn hóa công sở Hàn Quốc vốn hà khắc và cạnh tranh có tiếng. Trong năm 2020, người lao động Hàn Quốc làm việc trung bình 1.908 tiếng, nhiều thứ 3 trong số các quốc gia OECD, chỉ sau Mexico và Costa Rica.

“Mức độ cạnh tranh rất lớn, mọi người đều làm việc đến hết sức. Ở đây mọi người hay làm thêm giờ, và nếu tôi không làm theo, tôi sẽ trở thành kẻ lạc lõng” - Kevin Byeon, một nhân viên sự kiện Hàn Quốc, chia sẻ với Straits Times sau khi làm việc 12 tiếng liên tục.

Theo các chuyên gia lịch sử, “văn hóa” làm thêm giờ của các doanh nghiệp Hàn Quốc bắt nguồn từ thời kỳ cách mạng công nghệ những năm 1960 - 1970 của thế kỷ trước, khi việc hy sinh thời gian cá nhân cho công việc được coi là biểu hiện của lòng yêu nước. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, người trẻ Hàn đã quá chán ngán lề lối này. 

“Tôi thức dậy lúc 5h30 sáng và về nhà lúc 11h khuya. Đến cuối tuần tôi thực sự quá mệt, chỉ đủ sức làm mấy việc tôi không kịp làm trong tuần” - Park Geun-young, 35 tuổi, kể với tờ The Korea Herald, và chốt lại: “Tôi cảm thấy mình chẳng còn thời gian để mà sống”.

 
 Xem thông tin tuyển dụng ở Seoul. Ảnh: Yonhap

Bẫy nợ nần

Cũng giống như câu chuyện trong Squid Game, người Hàn Quốc có thể dính vào vòng xoáy nợ nần chỉ sau một lần nghỉ việc, một quyết định đầu tư sai lầm, hoặc một biến cố không đáng có. 

Trong năm 2019, Hàn Quốc ghi nhận 70% khối lượng giao dịch tư nhân được thực hiện dưới hình thức tín dụng. Trung bình một người dân Hàn sở hữu bốn chiếc thẻ tín dụng khác nhau. “Khi đồng lương không đủ chi trả các nhu cầu thiết yếu, bạn không còn cách nào khác là chi trả bằng tín dụng” - Kim Keun-ha, một thợ xăm ở Seoul, chia sẻ.

Tại Hàn Quốc, đi vay tiền đơn giản như đi mua một cốc cà phê. Ngay cả khi không thể sử dụng thẻ tín dụng, người có thu nhập thấp, không có việc làm vẫn có thể đăng ký các khoảng vay lên tới 3.000 đôla thông qua các ứng dụng tài chính. Nhờ sự đơn giản này, người dân Hàn Quốc được khuyến khích tiêu dùng mạnh tay hơn, từ đó tích lũy các khoản nợ có thể gây rắc rối lớn.

Noh Eun-woo, một nhân viên bán mỹ phẩm ở trung tâm Seoul, cho biết do thu nhập bị ảnh hưởng bởi dịch, mức nợ tín dụng của cô đã lên mức 12.000 đôla sau vài lần trả nợ chậm. Vài người cô biết đang nợ từ 80.000 - 100.000 đôla, số khác thì đã dùng hết hạn mức của vài chiếc thẻ.

Theo Sam Kyungmoon Son, giảng viên Đại học Kyungwoon, những con nợ như Noh sẽ không bị chủ nợ đòi nội tạng như trong Squid Game, bởi chuyện phim đã có chút phóng đại so với thực tế. “Tuy vậy, việc người trẻ mắc nợ sau khi mua đồ quá sức chi trả của mình là có thật” - Sam nói với Business Insider.

Buông xuôi để phản kháng

Khi các cánh cửa tiến đến một cuộc sống viên mãn dần hẹp lại, thế hệ MZ Hàn Quốc đang có cách phản kháng riêng: buông bỏ những kỳ vọng áp đặt bởi xã hội và bởi chính bản thân mình.

Một số đặt tên cho thế hệ của mình là “thế hệ từ bỏ” (give up generation), đồng thời gọi xã hội mình đang sống là “địa ngục Joseon” - ám chỉ phiên bản tệ hại hơn của đế chế phong kiến Joseon tồn tại suốt năm thế kỷ trên bán đảo Triều Tiên.

Sống trong tình trạng hoang mang thường trực, với công việc, tương lai và các giấc mơ đều không còn được đảm bảo, người trẻ Hàn dường như tìm thấy sự nguôi ngoai khi hợp lại thành cộng đồng “từ bỏ” - cùng nhau rũ bỏ những cột mốc thành công truyền thống: hẹn hò, cưới xin, nuôi con, mua nhà và thăng tiến.

Vốn mang tiếng là những kẻ “lười nhác, ăn sẵn, thiếu kiên trì”, cộng đồng “từ bỏ” một phần chọn cách chỉ trích ngược các thế hệ đi trước đã không cải thiện được tình hình, trong khi số khác tập trung “sống cho hiện tại”.

Sau khi từ bỏ áp lực công việc ngành báo ở Seoul, Kim Ri-Oh chọn cách lui về thành phố cảng Mokpo, từ đó hỗ trợ một trạm hướng nghiệp giúp những người trẻ lạc lối tạm lánh khỏi nhịp sống đô thị và tìm lại định hướng cho cuộc đời mình. Địa chỉ này có tên là “Làng vô lo” (Don’t Worry Village), với khẩu hiệu “Bạn có quyền nghỉ ngơi. Bạn có quyền mắc sai lầm”.

“Những người trẻ thuộc “thế hệ từ bỏ” đang tìm cách tìm sự thỏa mãn trong cuộc sống mà không dựa vào những thước đo thành công truyền thống” - Kim nhận xét. Với họ, sức chịu đựng một guồng quay có sẵn có lẽ không còn là tiêu chí để xác định thành công trong cuộc sống. Thay vào đó, mỗi cá nhân nay có thể trở thành tác giả câu chuyện đời cho chính mình.■

Ở phía bên kia biển Hoa Đông, người trẻ Trung Quốc cũng đang tỏ ra chán chường với cuộc chạy đua kim tiền. Khi áp lực học hành, thi cử và cống hiến đè nặng lên vai, họ cảm thán rằng xã hội đang đi lùi và sử dụng từ neijuan (xoáy vào trong), mượn của ngành nhân học để mô tả tình trạng phát triển văn minh đã vượt quá mức cần thiết, thậm chí còn làm giảm chất lượng cuộc sống của con người qua những vòng lặp vô nghĩa.

Theo giáo sư Bao Xiang từ Đại học Oxford, “giới trẻ cảm thấy họ sẽ bị đào thải nếu bản thân không cố gắng làm việc hay tham gia cạnh tranh, nhưng lại không thấy được bước ngoặt nào sau nhiều vòng lặp cố gắng như vậy”.

Khác với trào lưu “từ bỏ” của người Hàn, neijuan không chỉ đích danh chính sách, lớp người già, nền kinh tế hay văn hóa là nguyên do cho sự mòn mỏi của con người thời hiện đại. Neijuan được chấp nhận như một quy luật tự nhiên, là chiều hướng mà xã hội đang tiến tới mà không có cách nào dừng lại được.

Giữa một môi trường Internet được kiểm duyệt gắt gao, những người trẻ Trung Quốc không thể trỏ ngón tay về bất cứ ai, mà chỉ có thể dùng từ neijuan để gọi tên vấn đề, rồi để hệ thống tiếp tục chạy như cách nó vốn là.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận