"Sung sướng quá bày đặt cô đơn"?

BẢO LINH 07/12/2013 09:12 GMT+7

TTCT - 9x trong tôi là gì, ngoài một danh xưng, một sự dán nhãn của xã hội và người lớn dành cho đám trẻ. Có đôi khi tôi mơ hồ cảm thấy bản thân đã và đang lớn lên giữa mảnh vỡ của vô số hệ quy chiếu, vô số giá trị cũ mới đan cài, va đập vào nhau, nhập nhòa và chông chênh.

9x - Những đứa con thành thị
Trong chiếc áo không của cha mẹ mua cho

Phóng to
Minh họa: Bích Khoa

1. Sinh ra vào thời kỳ chuyển giao kinh tế tại chốn thị thành, chúng tôi được cha mẹ bảo bọc từng miếng ăn chuyện học, được đưa đón hằng ngày giữa lớp chính khóa và lớp ngoại khóa, bởi “đời cha mẹ khổ nhiều rồi, đời con cần sung sướng”.

Những năm ấy gia đình nào sang giàu gì, nhưng với những đứa con bé dại - tôi, thơ ấu vẫn ngọt ngào những quyển truyện tranh, những tập dán hình, những cuốn băng hoạt họa, những bộ đồ hàng...

Tương đối suôn sẻ, chúng tôi hết cấp I, cấp II, cấp III, rồi vào đại học, như một điều hiển nhiên. Học rồi học, gia đình lo toan và tạo điều kiện hết mực, tôi yên tâm giữa những lựa chọn an toàn, những toan tính riêng chẳng phải bị níu kéo bởi vướng mắc kinh tế.

Để rồi sau khi bay nhảy thỏa sức với những sở thích cá nhân, vùi đầu vào bài vở trên lớp, tưng bừng với ngày tốt nghiệp đại học, tôi bước ra khỏi giảng đường, cầm trên tay tấm bằng giỏi và bắt đầu rơi vào những ngày bước hụt chân, khủng hoảng lựa chọn. Hậu tốt nghiệp, đôi khi thật ghê gớm.

Chơi vơi giữa hàng loạt nghề nghiệp phức tạp, giữa bằng cấp tốt nhưng thiếu kinh nghiệm thực tiễn, giữa nỗi e sợ thị trường cạnh tranh khốc liệt ngoài kia, những 9x bè bạn tôi, ai nấy ngơ ngác như vừa bị tống ra khỏi chăn ấm nệm êm.

Loay hoay xin việc, loay hoay thích ứng, một số ít trong chúng tôi vẫn đang kiên trì bám trụ, số nhiều thì hoặc nộp đơn xin nghỉ vì “bon chen quá, mệt mỏi”, hoặc xin vốn gia đình tách ra làm ăn riêng vì “làm trong tập thể, tổ chức thấy ngột ngạt, ràng buộc”, hoặc tiếp tục trì hoãn thời khắc vào đời thật sự bằng việc nộp đơn đi du học, đi học sau đại học như tôi...

Thật sự chúng tôi ái ngại về mình. Có phải chúng tôi chưa đủ tài, biết đâu chúng tôi chỉ giỏi duy nhất một việc: học. Hay chúng tôi là những kẻ trốn tránh trách nhiệm? Tự tin và tự ti, kiêu hãnh và e sợ, thế hệ tôi hiện lên trong tương quan những mâu thuẫn nội tại như thế.

2. Tôi và bè bạn còn tìm gặp trong nhau những niềm hoang mang. Lớn lên giữa sự nhạt phai của những quy chiếu giá trị cũ và sự non nớt của những hệ tư tưởng mới du nhập, lắm khi chúng tôi thấy lạc loài không biết đặt hai chân lên điểm tựa nào.

Ngày còn thiếu niên, mọi tạp chí nữ sinh, mọi mục tư vấn tình cảm, và đặc biệt là cha mẹ, đều ngầm chỉ dạy rằng “ăn cơm trước kẻng” là sai lầm kinh khiếp, là “thiệt hại của những cô gái dại dột, sa ngã”.

Ý nghĩ ấy như cái cây, tự hồi nào bám cội rễ sâu hoắm trong trí tưởng. Đến một ngày chị bạn tôi nhẹ nhàng thông báo rằng cô đã thực hiện được “cuộc cách mạng vĩ đại” với người yêu và cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc. Ở tuổi 22, tuy đủ lớn để hiểu được lựa chọn của chị, vì anh tốt, vì tình yêu của họ chín muồi, tôi vẫn dư e ngại và hỏi lại một câu ngớ ngẩn: “Lỡ... nếu sau này anh chị không cưới nhau mà người đến sau không chấp nhận chị đã như vậy thì sao?”.

“Thì mình yêu người khác, người nào thật sự hiểu và tôn trọng mình chứ sao” - hết sức bình tâm, chỉ một lời nhẹ nhàng chị nói đủ khiến tôi bàng hoàng. Chúng như đã đánh đổ, tháo rời hết mọi mối dây định kiến.

Lớn lên giữa thời đại số, từ cấp II tôi đã biết lên mạng, tạo nickname tán gẫu trực tuyến. Chưa bàn tới những sáng tối của không gian ảo kia thì chính sự bùng nổ và tác động của thế giới online đã tách chúng tôi khỏi biết bao hoạt động vật lý từ đời sống thực.

Trò chuyện - lên mạng, chúc mừng - lên mạng, gửi thư - lên mạng, xem hình - lên mạng, nghe nhạc, đọc báo, đọc sách - lên mạng, hình dung về nhau - lên mạng và tìm tài khoản online của họ... Thế giới thu gọn trên một màn hình phát sáng nhưng lại đẩy càng xa khoảng cách thực hữu giữa người và người. Chúng tôi ham muốn tự do nhưng ngộ độc bơ vơ bởi sự tự do ấy.

3. Tôi biết rằng, dường như, mình đang thiếu một điều gì đó, một cái gì rất căn bản và nguyên lành: niềm tin chăng, hay điểm tựa đạo đức luân lý, hay sự bình tâm và sáng suốt, hay trải nghiệm? Để rồi cũng vào giây phút ấy, tôi bỗng nhận ra chẳng có gì là dễ dàng trên đời cả, trưởng thành nào cũng cần phải dấn thân, phải sai lầm.

Cho nên, đừng chê trách chúng tôi là “sung sướng quá bày đặt cô đơn”, là cố tình xa lánh gia đình, là đua đòi bày vẽ đủ trò quái lạ. Hãy để chúng tôi nhận ra những quy luật cuộc đời để chúng tôi nhận thức và lựa chọn, dại dột và vấp ngã, khôn ngoan và thành đạt.

Hãy để chúng tôi nhìn thấy nhiều cánh cửa rộng mở của một thời đại mới. Rồi mỗi người sẽ buộc phải tìm và đi trên con đường riêng cho sự trưởng thành.

______________________

Không phải chiến tích, mà là cách nghĩ

Tôi từng là một du học sinh ở Nhật, có làm thêm ngoài giờ tại một nhà hàng. Tôi nhớ có lần trong một cuộc tán gẫu, bếp trưởng chỉ các bạn sinh viên làm thêm khác rồi nhận xét: “Các cậu vẫn còn chưa trưởng thành nhỉ?”. Khi đó tôi rất ngạc nhiên và thắc mắc: “Họ đều là sinh viên trường giỏi, tự lo học phí, sống độc lập, như thế không phải là trưởng thành hay sao?”.

Bếp trưởng đã trả lời rất đơn giản: “Trưởng thành là việc cậu suy nghĩ như thế nào, không phải chỉ là kết quả của những gì cậu làm. Cậu đã được cha mẹ nuôi dạy, và sau đó cậu muốn đi tiếp con đường như thế nào, cậu sẽ chịu trách nhiệm gì với bản thân, đó mới là trưởng thành”.

Đến hôm nay tôi vẫn chiêm nghiệm lời của bếp trưởng, và giật mình nhận ra đằng sau những “chiến tích” cả thật lẫn ảo, tôi vẫn còn đang trên con đường trưởng thành.

Cái giếng cũ

“Trưởng thành là việc cậu suy nghĩ như thế nào, không phải chỉ là kết quả của những gì cậu làm. Cậu đã được cha mẹ nuôi dạy, và sau đó cậu muốn đi tiếp con đường như thế nào, cậu sẽ chịu trách nhiệm gì với bản thân, đó mới là trưởng thành”.

Tôi vẫn luôn thấy hạnh phúc vì điều kiện sống của mình. Tôi sinh năm 1990, thời đại chuyển mình của đất nước. Mới hôm qua xung quanh tôi còn là xe đạp, nhạc của thập niên 1960-1970, thì ngày hôm sau tôi đã bước đi giữa một rừng xe máy, với dòng chảy cuồn cuộn của công nghệ cho tôi chạm vào những nền văn hóa thế giới.

Cuộc đời rộng mở, sự chăm lo của cha mẹ cho tôi rất nhiều cơ hội, rất nhiều điều kiện mà không phải ai cũng có.

Nhưng cũng chính vì thế tôi từng ngộ nhận rằng trưởng thành phải được đo bằng chiến tích. Bạn phải thể hiện mình, phải thành công không ngừng, phải vượt trội thì đó mới là trưởng thành. Thế nên tôi lao vào đủ loại thử thách: khi ở Nhật tôi cố gắng leo lên đỉnh Phú Sĩ, thi biện luận, tôi cố gắng khoe khoang những nơi mà mình từng đến như bao bạn trẻ trên Facebook khác...

Nhưng những chiến tích đó không làm nỗi buồn của tuổi mới lớn nguôi ngoai, cũng không làm vơi đi cảm giác cô độc luôn vây lấy tôi. Và lúc đó, tôi lờ mờ nhận ra rằng những chiến tích của mình chỉ để thỏa mãn cái tôi chứ không phải là sự trưởng thành mà mình truy cầu.

Bầu trời mới

Loay hoay trong “giếng cạn” của mình, tôi dần trở nên tiêu cực: thiếu trách nhiệm, vô tổ chức. Dần dần, tôi không còn nhận ra con người mình mỗi khi soi gương buổi sáng. Trong gương là một kẻ hoàn toàn quay lưng lại với xã hội vì không thỏa mãn được cái tôi và buông xuôi tất cả. Câu nói của bếp trưởng dường như đánh thức điều gì đó trong tôi.

Bình tĩnh nhìn lại quá khứ, tôi nhận ra mình làm nhiều điều với tâm thế của một đứa trẻ hiếu thắng, sự liều lĩnh của một kẻ bất cần. Tôi nhớ ra mình đã tỏ ra bất hợp tác khi tham gia những cuộc thi, hay tiêu tiền một cách uổng phí. Tuy chưa phải là người trưởng thành nhưng tôi cũng cảm nhận được rằng thái độ của mình vốn không phải là thái độ của một người trưởng thành.

Dẹp bỏ khái niệm cũ, tôi đi tìm định nghĩa mới cho hai chữ “trưởng thành” thông qua việc học hỏi từ những người xung quanh.

Với người Nhật, họ cho rằng trách nhiệm là điều quan trọng nhất trong tư duy của một người trưởng thành. Không chỉ là một người công nhân hoàn thành nhiệm vụ, mà một đứa trẻ biết tự chuẩn bị quần áo đi học đã là một loại trách nhiệm. Chính vì thế, trong những bài huấn luyện nhân viên mà tôi từng trải qua, người Nhật luôn đưa tinh thần trách nhiệm lên làm tiêu chuẩn chính.

Còn với những người bạn Việt xung quanh tôi, họ nhấn mạnh về một điều: sự tự chủ. Khi tôi bày tỏ sự ấm ức vì bị bắt nạt trong công việc, anh Trung bạn tôi điềm đạm nói: “Mục đích của chúng ta là kiếm tiền để đóng học phí. Nếu em để sự tức giận vượt quá kiểm soát tức là em vẫn còn trẻ con. Anh thì khác, họ trách mắng vô lý không thể làm anh tức giận hay buồn bực. Vì anh biết mình phải kiềm chế để vượt qua những điều này và hoàn thành mục tiêu”.

Tóm lại, sự trưởng thành là việc bạn tự chủ và cân nhắc mọi việc, không cho tình cảm vượt quá sự kiểm soát của mình.

Từng chút một, bằng việc nhận ra những gì mình còn thiếu, tôi biết mình đang leo ra khỏi giếng cạn của lòng tự ái, sự háo thắng mà tiếp cận cách tư duy của những người trưởng thành. Vì tôi thuộc về một thế hệ yêu bản thân quá mức nên việc dẹp bỏ cái cũ hết sức chông gai.

Nhưng cũng như những con đại bàng trưởng thành đập vỡ mỏ và rút hết móng một cách tàn bạo để rồi tiếp tục tung hoành cùng bộ móng và mỏ mới, tôi mong từng bước sẽ trưởng thành, có thể là trong đau đớn để đập bỏ cái tôi cũ của mình, và thấy được bầu trời phía trên miệng giếng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận