Tập huấn giáo viên...

NGUYỄN THÀNH GIANG 03/12/2012 22:12 GMT+7

TTCT - Anh bạn tôi đi tập huấn hai ngày dành cho giáo viên dạy môn giáo dục công dân bậc THPT toàn tỉnh, về gặp tôi lắc đầu, thở dài. Anh mới vào dạy được hơn một năm và đây là lần đầu tiên được đi tập huấn chuyên môn mang tầm tỉnh.

Hỏi, anh kể: Trong lịch tập huấn mà nhà trường công bố cho giáo viên được cử đi là buổi sáng vào phòng lúc 7g30. Vì mỗi trường chỉ cử đại diện một giáo viên nên anh hết sức vinh hạnh. Dễ gì một giáo viên trẻ, mới vào trường lại được cử đi tập huấn chuyên môn như thế này. Từ sáng sớm anh đã chuẩn bị sẵn sàng, chạy xe hơn 20km đến nơi tập huấn mà lòng cứ nơm nớp sợ trễ giờ.

Nhưng anh lấy làm khá thất vọng khi đến nơi, và đúng giờ quy định, cuộc tập huấn vẫn chưa bắt đầu. Chờ mãi, đến hơn 8g30 mọi thứ mới bắt đầu ổn định và mọi người đi vào trao đổi chuyên môn. Nhưng thật ra theo anh thì chẳng trao đổi gì nhiều. Tập tài liệu được phát cầm trên tay coi như đã xong mục đích của đợt tập huấn này.

Thế là trong buổi đầu tiên, thậm chí có người ngồi trong cuộc họp làm việc riêng, nói chuyện lung tung vẫn bình thường như ở chỗ không người. Loay hoay một lúc, đến 10g30 chủ tọa phát lệnh tạm nghỉ. Buổi chiều thì vẫn vậy, 2g30 vào, nói ba điều bốn chuyện rồi 4g30 giải tán.

Hai ngày cứ thế trôi qua. Bực mình, bạn tôi bảo thế thì chẳng tội gì bắt con người ta phải về ngồi như thế. Có tập gì đâu mà phải huy động như vậy, trong khi các giáo viên còn nhiều chuyện quan trọng hơn để làm. Nhất là đây là đợt tập huấn kỹ năng môn giáo dục công dân nữa.

Anh bạn bảo cứ phát quách về mỗi trường một tập tài liệu cho khỏe, rồi theo đó mà thực hiện như những kế hoạch, thông báo khác của ngành giáo dục. Thật tình thì ngồi hai ngày anh chẳng tiếp thu được gì về chuyên môn cả. Dù xin mở ngoặc là được dạy cấp III thì chắc chắn anh không phải là người thiểu năng về trí tuệ.

Chỉ biết cười gượng với bạn mà bảo rằng cái anh vừa trải qua chỉ là bắt đầu thôi. Còn vô vàn cuộc họp, cuộc tập huấn trong đời đi dạy của một giáo viên mà tác dụng của nó không rõ ràng hoặc hoàn toàn không có. Biết vậy nhưng giáo viên vẫn phải đi, vẫn phải ăn mặc chỉnh tề đến ngồi nghe, ngồi chơi, ngồi giải lao...

Cái bệnh hình thức trong giáo dục cũng như trong một số cơ quan nhà nước khác đã bén rễ ăn sâu từ lâu lắm rồi. Giờ thì một vài người không thể nhổ cái rễ ấy ra được đâu. Mà nhổ được cũng đau lắm đấy. Đau từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Tất nhiên, người chịu đau để nhổ cái rễ ấy chưa chắc đã nhiều!

Dẫu biết rằng câu chuyện này không lạ ở một tỉnh hay của giáo dục Việt Nam nhưng với riêng bạn tôi, đó sẽ là một bước ngoặt trong cuộc đời đi dạy của anh. Đang hăm hở với tấm lòng nhiệt tâm, giờ như bị giội một gáo nước lạnh, có khi còn là gáo nước đá gần 0 độ C nữa chứ. Nguy hiểm hơn là trong ý thức của giáo viên sẽ hình thành tính qua loa đại khái của những đợt tập huấn, học tập. Họ sẽ không tập trung hoặc viện cớ thoái thác.

Rồi giả dụ cho đến lúc có một cuộc tập huấn thật sự chất lượng, thật sự đàng hoàng và chuẩn mực thì còn mấy ai để tâm, mấy ai đi với tư cách và tấm lòng của một giáo viên nữa? Hay là đến vì nhiệm vụ, đến như một cái bóng để nhìn và nghe những cái bóng khác? Tôi cho mười cuộc tập huấn thì chí ít cũng sẽ có một đến hai cuộc đúng trình tự và đúng chuẩn.

Vậy khi đó ai đi thắp lại niềm tin, niềm nhiệt huyết cho những giáo viên đã từng bị một vết chớm trong ý thức như bạn tôi? Tôi đã nghe nhiều thầy cô giáo nói về những cuộc tập huấn như thế này nhiều năm qua. Thật hết sức nguy hiểm khi lòng tin, tâm huyết và tư cách nhà giáo của họ bị tổn thương, thậm chí là tổn thương nghiêm trọng!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận