Theo chân "rái cá"

 ĐẠI VIỆT 27/11/2013 23:11 GMT+7

TTCT - Hằng ngày, trên các con sông tại TP.HCM, các thợ lặn chân đất vẫn miệt mài tìm kiếm phế liệu dưới đáy sông. Cũng không ngoa nếu gọi họ là những “rái cá” khi đeo đuổi cái nghề lành ít dữ nhiều trong cuộc mưu sinh.

Anh Dũng ngậm ống thở chuẩn bị xuống đáy sông - Ảnh: Đại Việt

Một thanh sắt nữa được đưa lên trên mặt nước - Ảnh: Đại Việt

Con nước trên sông Sài Gòn những ngày tháng 11 dâng cao cũng là lúc Bùi Quốc Dũng (biệt danh Dũng mập, 35 tuổi) và Lê Ngọc Minh (33 tuổi) bắt đầu công việc. Hai thợ lặn cùng ngụ P. An Khánh, Q.2, TP.HCM, đi xe máy ra bến Cây Bàng cách đó không xa.

Dũng lội xuống nước bơi ra chiếc ghe gỗ nhỏ được neo cách bờ vài chục mét rồi chạy ghe vào đón Minh. Sau khi kiểm tra dầu nhớt, hai thợ lặn đưa xô, thùng, can đựng dầu, ống nhựa, dây thừng xuống ghe để bắt đầu chuyến hành nghề.

Mò cả buổi được 8kg phế liệu

Chiếc ghe rẽ sóng đến khu vực gần nơi sửa chữa tàu Ba Son rồi dừng lại. Cục neo bằng sắt hình chữ nhật nặng khoảng 10kg nối với sợi dây thừng to được thả từ từ xuống đáy sông. Chiếc ống nhựa màu xanh, dài khoảng 50m, được gắn vào bình hơi - thực chất chỉ là chiếc bình gas chế lại - để truyền không khí xuống dưới nước cho thợ lặn thở.

Dũng ngậm vào đầu ống thở rồi nhảy ùm xuống sông. Bong bóng nước nổi lên sùng sục suốt thời gian người thợ di chuyển dưới nước. Minh ngồi trên ghe theo dõi ống thở cho đồng nghiệp, anh luôn kiểm tra ống thở có bị rối, gấp chỗ nào hay không và điều tiết độ dài của nó cho phù hợp. Cứ khoảng 10 phút, Dũng lại ngoi lên mặt nước một lần.

“Mình đu theo dây neo xuống dưới đáy rồi mò thôi. Nếu nước sâu quá thì cứ bịt mũi thở mạnh ra tai để giảm áp lực nước. Nước chảy mình cứ trôi theo con nước. Dưới đó mình nhắm mắt, mò qua mò lại, mò tới mò lui đụng phế liệu là bỏ vào trong áo đưa lên” - Dũng giải thích công việc. Chính vì thế chiếc áo của anh chi chít vết thủng, vết rách do phế liệu xuyên qua. Trên người anh đầy vết sẹo nhỏ, bàn tay nhăn nhít các vết thương sau những lần quờ quạng cả ngày dưới đáy sông.

Chiếc ghe gỗ bé nhỏ như chiếc lá tre giữa dòng sông mênh mông, chao đảo liên hồi mỗi khi những con tàu hàng ngàn tấn hay sà lan “khổng lồ” chạy qua. Một giờ trôi qua, Dũng ngoi lên mặt nước, hai tay cầm hai thanh sắt lớn, mừng rỡ đưa “chiến lợi phẩm” cho người bạn đồng hành. Dũng tiếp tục ngụp xuống đáy sông, một lúc sau một thanh sắt nữa được đưa lên ghe.

“Phế liệu ngày càng cạn kiệt, khó mò lắm” - Minh thở dài. Thế là ghe di chuyển đến đoạn sông gần cầu Thủ Thiêm. Con nước ngày càng dâng cao, gió bắt đầu thổi mạnh. Mò mẫm nhiều giờ mà Dũng cũng chỉ tìm thêm được một ít phế liệu. “Hôm nay xui quá, bình thường thì khá hơn chút đỉnh” - Dũng nói trên ghe sau khi châm vội điếu thuốc hút cho đỡ lạnh.

Chiếc ghe nhỏ lại quay về nơi xuất phát. Bầu trời kéo mây xám xịt như sắp mưa tới nơi. Ông Nguyễn Văn Minh, chủ vựa phế liệu ngay bến Cây Bàng, đã chờ sẵn trên bờ sông chuẩn bị lấy “hàng”. Hôm nay, Dũng và Minh mò được tất cả hơn 8kg sắt, bán được 48.000 đồng. Bình thường cố gắng lắm cũng chỉ mò được vài ba chục ký phế liệu, bán được 120.000-200.000 đồng, trừ chi phí xăng dầu mỗi người bỏ túi 50.000-80.000 đồng/ngày.

“Đôi khi thợ lặn mò cả buổi còn không có tí phế liệu nào nữa kìa. Nhiều lúc thấy tội anh em lắm!” - ông Minh nói.

Cả buổi lặn vất vả chỉ kiếm được 8kg sắt phế liệu, bán cho chủ vựa được 48.000 đồng - Ảnh: Đại Việt

Ông Phạm Văn Lượm (Út Tèo), một “bàn tay vàng” của làng lặn An Khánh ngày xưa - Ảnh: Đại Việt

Ly kỳ chiến lợi phẩm

Gọi là lặn dạo để phân biệt với lặn cho doanh nghiệp (chuyên kinh doanh dịch vụ lặn) hay lặn công trình. Người lặn dạo có thể làm việc bất cứ nơi đâu, bất kỳ thời điểm nào. Theo ông Phạm Văn Lượm (còn gọi là Út Tèo, 53 tuổi) - một thợ lặn lâu năm ở An Khánh, những tên tuổi của nghề này phải kể đến Cụ Lý, Châu Què, Mười Nhỏ, Chín Mừng, Sáu Dựt… Họ là thế hệ đầu tiên khai sinh ra làng lặn sau này.

Cha dạy con, con dạy cháu, cứ thế làng lặn phát triển lên tới vài trăm thợ lặn. Nhiều người từ làng lặn An Khánh đã chuyển nhà đến nơi ở mới và duy trì nghề lặn, tiếp tục truyền nghề cho thế hệ sau. Đó là những làng lặn cầu Rạch Ông (Q.8), Cát Lái (Q.2), Nhà Bè (huyện Nhà Bè), Bến Đình (Vũng Tàu) và một số nơi khác ở Cần Thơ.

Út Tèo là một “bàn tay vàng” ở An Khánh ngày trước. Ông kể trong một lần lặn dạo vào thập niên 1980 đã mò được một tượng Phật bằng đồng trị giá 2,5 lượng vàng lúc đó. Sau đó không lâu, ông tiếp tục mò được 24 hũ nhựa đựng bạc lỏng (thủy ngân), mỗi hũ trị giá 10 lượng vàng.

Cháu nội của huyền thoại Sáu Dựt là Phạm Văn Thành (còn gọi là Mẹt) lại mò được một tượng Phật 18 cánh tay, nặng khoảng 2kg dưới sông đoạn gần cầu Bình Lợi. Thành đưa về cho mẹ, tưởng là một pho tượng bằng kim loại bình thường nên mẹ Thành đã tặng cho một người bạn. Khi một cánh tay của pho tượng bị rạn nứt, người phụ nữ kia đưa đi hàn mới biết pho tượng làm bằng vàng đặc nên hàn không được, hàn đến đâu vàng chảy đến đó.

Tuy nhiên, không phải khi nào may mắn cũng đến với những người lặn dạo.

Minh kể cách đây tám năm, anh rể Ngô Văn Cường bị cụt hai chân cũng trong một lần lặn dạo. Hôm đó anh Cường đi lặn với anh ruột, mò được một trái pháo 105 li. Mang lên bờ cưa pháo để lấy phế liệu thì trái pháo nổ, Cường bị cụt hai chân còn anh trai vĩnh viễn ra đi. Nhiều anh em khác cũng đã chết vì mò trúng bom mìn hay vỡ mạch máu do áp lực nước quá lớn.

Lặn công trình lên ngôi

Đây là ngã rẽ cho đa số thợ lặn dạo khi họ được các doanh nghiệp xây dựng tuyển dụng vào làm công nhân lâu dài hoặc hợp đồng ngắn hạn để lặn ở những công trường lớn như cầu, cống, trạm bơm, thi công bờ kè kênh rạch…

Hiện nay, các công trình cầu hay cống ngầm đều không thể thiếu thợ lặn ở một số công đoạn. Điển hình là việc thi công móng trụ cầu. Đây là công đoạn cực kỳ quan trọng trong việc thi công cầu đường bộ, đòi hỏi sự can đảm và kỹ năng nghề nghiệp của những “rái cá”, đặc biệt là các cây cầu bắc qua những con sông lớn.

Sau khi xác định được vị trí xây dựng trụ cầu và hoàn tất các khâu cơ bản, các tấm thép lớn sẽ được đóng xuống nước sát vào nhau quanh khu vực móng tạo thành bức tường vây lớn (còn gọi là giếng kín). Máy bơm hút nước bên trong giếng ra ngoài, thợ lặn phải vào trong lòng giếng để trám lại những nơi nước rò rỉ bằng một loại ximăng đặc biệt cho đến khi hút cạn nước trong giếng. Họ kiêm luôn công việc nạo vét bùn, đất đá bên trong lòng giếng.

Người trong nghề cho biết bình quân mỗi giếng như vậy sâu 30-40m, có khi lên đến 80m. Áp suất trong lòng giếng rất lớn, oxy gần như không có nên chỉ thợ lặn lành nghề mới xuống được sâu bên dưới.

Ngoài ra, trục vớt tàu thuyền, sà lan chìm cũng là một phần công việc của thợ lặn. Các con tàu lớn bị chìm dưới đáy sông, đáy biển thì máy móc không thể làm gì được nếu thiếu bàn tay của người thợ lặn. Bên trong các con tàu lớn sẽ được chia thành nhiều khoang nhỏ, thợ lặn phải lặn xuống đưa ống vào từng khoang và bơm nước ra. Khi bơm hết nước, họ sẽ bịt kín khoang vừa bơm để không cho nước tràn vào. Cứ như vậy, từng khoang một sẽ được hút hết nước và chiếc tàu chìm nổi dần lên.

Hoàng Văn Phước, một thợ lặn công trình có thâm niên hơn 20 năm, cho biết anh đang làm việc trong một công ty xây dựng chuyên thiết kế và thi công cầu đường. Lặn công trình đang mang lại cho anh thu nhập bình quân 9-12 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, tỉ lệ rủi ro cũng cao hơn so với lặn dạo. Nhiều anh em trong nghề bị sây sát, gãy tay chân, thậm chí tử vong do máy móc thi công gặp sự cố.

“Chẳng nghề nào là không có may rủi cả, chẳng qua yêu nghề mới bám trụ thôi. Sông nước bây giờ ô nhiễm, lặn riết rồi da thịt lão hóa hết. Anh không thấy tôi già trước tuổi hả” - anh Phước cười tủm tỉm.

Thật vậy, nhìn anh già hơn tuổi thật của mình cả chục năm. Nghề lặn là vậy, nó giúp họ tồn tại nhưng cũng lấy đi của họ quá nhiều.

Làng lặn An Khánh hình thành từ những năm 1940, hiện chỉ còn khoảng chục chiếc ghe đi lặn. Những ghe này nằm rải rác ở khu vực cầu Thủ Thiêm, cầu Ông Tranh, bến Cây Bàng... Các thợ lặn còn lại của làng nghề thường tập trung tại một quán cà phê nhỏ tạm bợ gần bến phà Thủ Thiêm cũ chờ khách đến thuê lặn.

Hầu hết người dân nơi đây đã chuyển đi nơi ở mới, nhường đất cho các dự án bất động sản, nên chỉ còn heo hút vài căn nhà tạm bợ khuất sau những bụi cỏ cao lút đầu người.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận