Tôi được người ta khen nói giỏi tiếng Việt

ĐẶNG THÁI 13/01/2016 19:01 GMT+7

TTCT - Tính tiền xong, tôi chưa kịp đi thì anh bỗng hỏi: “Em là người Trung Quốc phải không? Em đang học tiếng Việt à?”. Sững người một giây, tôi cười trả lời: “Dạ không, em là người Ma-lai-xi-a”. Anh vui vẻ: “Gớm, em nói tiếng Việt sõi quá cơ. Lần sau có mua tài liệu học tiếng thì cứ qua ủng hộ hiệu của anh nhé”.

Tranh: Lê Thiết Cương
Tranh: Lê Thiết Cương

 

Bạn tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, khi tốt nghiệp lớp 12 thì tiếng Anh đã khá tốt, nên khi đi du học, anh hòa nhập môi trường đại học xứ người không quá khó khăn. Sau mấy năm, anh nói tiếng Anh như gió, giọng nói đã cố gắng loại bỏ hết accent (âm điệu) của người Việt Nam (khi nói tiếng Anh).

Một hôm, ngồi nói chuyện, ngoài việc chèn nhiều từ tiếng Anh trong lời kể, anh dùng từ “hên xui”. Một anh khác người Sài Gòn chợt hỏi: “Trong Nam dùng “hên xui”, vậy ngoài Bắc dùng từ gì tương đương?”. Anh bạn tôi nghĩ một lúc và trả lời: “Chẳng có từ nào cả!”. Tôi ngồi bên cạnh định nhắc chữ “may rủi” mà không kịp.

Lập luận quen thuộc của nhiều bạn cho vấn đề này là thói quen sử dụng ngoại ngữ khiến vốn từ vựng tiếng Việt bị mai một. Tôi đồng ý với trường hợp những thuật ngữ chuyên môn, nhất là những thuật ngữ mà tiếng Việt hoàn toàn không có, hoặc khó có thể Việt hóa chính xác.

Nhưng với trường hợp biểu đạt thông thường thì lại rất có vấn đề. Tôi tin rằng những người giỏi ngoại ngữ thường đồng thời là những người giỏi tiếng Việt. Nền giáo dục trong nước, dù tốt hay không cũng đã tạo lập một nền tảng tiếng Việt trong bộ não của mỗi học sinh (trước khi ra nước ngoài).

Những người thừa nhận tiếng Việt của họ chưa tốt, cần phải lưu ý, bổ sung thì thật đáng mừng. Nhưng rất nhiều người khác dùng ngoại ngữ để lấp liếm, bao biện cho sự nghèo nàn và yếu kém của họ trong việc sử dụng ngôn ngữ thứ nhất, đã gắn bó với họ ít nhất là mười mấy hai mươi năm cuộc đời.

Những người này dùng ngoại ngữ trong giao tiếp, công việc, nhưng khi vào mạng xã hội thì vẫn “bắn” tiếng Việt (thường không dấu) như một công cụ chính để trao đổi thông tin.

Trong bài viết “Em làm bên finance”, tác giả Joe Ruelle đã lý giải một phần hiện tượng này: do sính ngoại, trốn áp lực văn hóa, nghe (nó) “hay hay”. Tôi thì đánh giá ngắn gọn hơn là: dốt. Không ai là không dốt, nhưng quan trọng là không giấu và chịu khó học (kể cả học âm thầm, lặng lẽ). Học ăn, học nói chưa bao giờ là muộn, đừng để mình (và con cháu mình) sau này phải nói “tiếng Vietnamese”.

Một lần, đi tìm tài liệu trong thư viện trường, tôi thấy một giá sách to ngất ngưởng, hoành tráng cả về chất lượng và số lượng. Đó là giá sách về Trung Quốc và tiếng Trung. Các tài liệu viết bằng cả tiếng Anh và tiếng Trung rất phong phú, đặc biệt là từ điển, quyển nào cũng đẹp, in rõ nét, phần nhiều là mới.

Cạnh đó là một góc nhỏ xíu về Việt Nam và tiếng Việt. Quyển từ điển tiếng Việt duy nhất tôi tìm được, dán nhãn “nguồn tham khảo chính thức” là Việt-Nam Tự-điển xuất bản tại Sài Gòn... năm 1970.

Khá nhiều tác giả gần đây vẫn viết phê phán việc dùng sai một số từ tiếng Việt. “Sai” theo ý họ là trước đây (có thể từ đầu thế kỷ 20) từ này nghĩa này, dùng trong văn cảnh này mà nay nghĩa khác, dùng trong bối cảnh khác.

Các tác giả tầm chương trích cú, sử dụng nhiều tài liệu cổ của các học giả từ thuở chữ quốc ngữ còn sơ khai, dẫn chứng tiếng Hán để kết luận những từ này đang bị dùng sai. Quả thật rất cảm kích những công phu lao động ấy, phần nhiều trong số đó là hữu ích cho một số đông đảo giới trẻ (và cả giới già) đang thiếu hụt kiến thức tiếng Việt trầm trọng.

Tuy nhiên, nhiều bài viết lại quá đà, mắng mỏ, đòi hỏi quay trở lại... như xưa. Họ (không biết hay cố tình) quên đi rằng đặc tính cơ bản của ngôn ngữ là tiến hóa, và đó là tiến trình không thể đảo ngược. “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” theo cách cực đoan khăng khăng ấy cũng khó mà ích nước lợi dân được lắm.

Đương nhiên, muốn hạn chế cái sai phát tán thì phải có cái gì làm chuẩn mực. Còn gì chuẩn mực hơn một cuốn từ điển của một đơn vị uy tín? Hành trang đi học của tôi, dù trong nước hay nước ngoài luôn có một cuốn từ điển nặng gần hai cân. Nó rất hữu ích khi mình viết bất kỳ điều gì hay khi không hiểu một từ nào đấy, hoặc không chắc chắn lắm về nghĩa từ trong văn cảnh.

Điều này ta gặp hằng ngày, không tra từ điển thì dễ dàng bỏ qua, nhưng đã xem rồi sẽ nhớ rất lâu. Công nghệ phát triển, từ điển điện tử rất nhiều, rất tiện nhưng chất lượng thì còn phải xem xét.

Thôi thì không bàn đến những việc to lớn khó khăn như Chính phủ nên tặng từ điển tiếng Việt cho các thư viện nước ngoài, nhưng mỗi gia đình nên có một quyển từ điển (bản in) trong nhà, lưu ý đừng tham rẻ mà mua từ điển tiếng Việt kiểu Vũ Chất.

Tôi tặng quyển từ điển tiếng Việt của mình cho thư viện trường nên trong lần về Việt Nam sau đó, tôi phải ra hiệu sách mua một cuốn mới. Kệ từ điển có vô vàn đầu sách. Tôi hỏi anh bán hàng xem quyển từ điển nào chất lượng tốt. Anh rút ra quyển từ điển của Hoàng Phê, cho rằng đây là bản “chuẩn chất nhất và cũng mới nhất”.

Tính tiền xong, tôi chưa kịp đi thì anh bỗng hỏi: “Em là người Trung Quốc phải không? Em đang học tiếng Việt à?”. Sững người một giây, tôi cười trả lời: “Dạ không, em là người Ma-lai-xi-a”. Anh vui vẻ: “Gớm, em nói tiếng Việt sõi quá cơ. Lần sau có mua tài liệu học tiếng thì cứ qua ủng hộ hiệu của anh nhé”.

Tôi bước ra khỏi hiệu sách mà vừa buồn, vừa cười. Chắc ít người Việt mua từ điển tiếng Việt quá nên lần đầu tiên trong đời, tôi đã được người ta khen mình nói sõi tiếng mẹ đẻ như thế đấy.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận