Trời nóng nói chuyện nước đá

HẠ LAM 11/04/2021 19:15 GMT+7

TTCT - Viên đá lanh canh trong cốc bia ta uống, chen chúc trong xô ướp lạnh rượu, những tảng đá lạnh dùng cho các mục đích công nghiệp khác, có lịch sử nhiều ngàn năm, từ lúc được khai thác tự nhiên cho đến sản xuất công nghiệp và làm bằng khay đá tại gia.

 
 Nhân công thu hoạch những tảng nước đá từ hồ đóng băng ở Na Uy những năm 1900. Ảnh: The History Blog

Từ chỗ là món hàng xa xỉ chỉ dành cho nhà giàu, nước đá đã đi một hành trình lý thú từ những tảng băng tuyết được khai thác tự nhiên, sản xuất thương mại, cho đến ngăn đông và khay đá mỗi nhà. Và có những người đã thực sự làm giàu chỉ từ nước ở 0oC.

Đá của người xưa

Theo bài viết “The History of Ice” (Lịch sử nước đá) trên trang icecoldjustice.com, khoảng 1.000 - 2.000 năm trước Công nguyên, con người phát hiện ra rằng họ có thể giữ thức ăn lâu hơn bằng cách bảo quản ở nhiệt độ lạnh. Những mảng băng lớn được cắt ra từ các tảng băng trôi hoặc hồ nước và đỉnh núi đóng băng để phục vụ mục đích này.

Người Lưỡng Hà cổ đại phát triển những tòa nhà hình củ hành cao tới hai tầng, dưới đất là Yakhchāl (hầm trữ lương thực lạnh), chứa và giữ lạnh băng bằng luồng không khí vào và ra. Nhiều thế kỷ sau, những người La Mã và Hi Lạp giàu có xây những ngôi nhà băng bằng băng và tuyết lấy từ dãy Alps.

Đến thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên, người Trung Quốc cũng sử dụng nhà băng để bảo quản rau và trái cây. Một tài liệu thuộc triều đại Đông Chu (770-256 trước Công nguyên) có đề cập đến 94 người thợ làm việc cho “dịch vụ nước đá”, sử dụng băng để ướp mọi thứ, từ rượu đến xác chết, tác giả Tom Shachtman viết trong quyển Absolute Zero and the Conquest of Cold (Độ không tuyệt đối và cuộc chinh phục cái lạnh) xuất bản năm 2000.

Tương truyền, vào thế kỷ thứ 3 ở La Mã có “cửa hàng bán tuyết”, nơi có thể mua băng tuyết đóng gói được mang về từ các ngọn núi, theo icecoldjustice.com. Hoàng đế La Mã Nero (37-67 sau Công nguyên) được cho là người đã phát minh ra thùng đá (ice bucket) làm lạnh rượu. Thói quen cho đá vào đồ uống để thưởng thức cũng bắt nguồn từ thời này.

Sự tốn kém về mặt kinh tế của việc vận chuyển băng tuyết khiến chúng là thứ xa xỉ chỉ dành cho nhà giàu vào thời bấy giờ. Em trai của thiên hoàng Nintoku dùng băng tặng vị thiên hoàng thứ 16 của Nhật Bản như một món quà đắt tiền vào thế kỷ thứ 4, theo Shachtman. Vào thế kỷ 17, gia đình Medici - gia đình tư sản Ý cai trị Florence - tổ chức những bữa tiệc cầu kỳ mà trên bàn ăn của họ là các dãy núi được điêu khắc từ băng.

 
 Dùng ngựa cưa băng. Ảnh tư liệu: The Boston Globe

Chuyện “Vua nước đá Boston”

Lịch sử nước đá trở thành mặt hàng thương mại, buôn bán xuyên quốc gia và lục địa khởi nguồn từ đầu thế kỷ 19, và mang đậm dấu ấn của thương gia người Mỹ Frederic Tudor.

Năm 1806, khi mới 23 tuổi, chàng trai Tudor nảy ra ý tưởng lấy băng ở nơi mình sống - thành phố Boston, bang Massachusetts, đưa lên tàu và chở đến các đảo ở vùng Caribê. Sau khi vượt hải trình kéo dài ít nhất hai tuần, Tudor sẽ bán nước đá cho những người chưa từng thấy nước đóng băng bao giờ.

Ban đầu, mọi thứ có vẻ thuận lợi. Nguồn cung ứng không đâu xa mà ngay chính cái hồ đóng băng của nhà Tudor. Không những không phải tốn đồng nào để sản xuất nước đá, mà ngay cả vỏ trấu để giữ lạnh nước đá cũng được nhà máy gỗ cho miễn phí, bởi họ xem trấu như rác thải, muốn tống đi càng nhiều càng tốt. Một mình một ngựa, Tudor cũng chẳng có đối thủ cạnh tranh khi là người đầu tiên kinh doanh nước đá.

Song khi bắt tay vào mới thấy khó hơn tưởng tượng. Chuyến hàng đầu tiên của Tudor đến đảo Martinique (Pháp) năm 1806 lỗ 4.500 đôla bởi nước đá bị chảy gần hết suốt dọc đường đi. Ba chuyến hàng tiếp theo đến Cuba thậm chí còn lỗ nặng hơn. Đến năm 1812, Tudor phá sản và bị nợ nần bủa vây. Chuyện khởi nghiệp của Tudor trở thành trò cười trong giới thượng lưu ở Boston.

 
 Vua nước đá Boston Frederic Tudor và cơ sở sản xuất của ông.

Dẫu vậy, Tudor không từ bỏ mà xem thất bại đó như bài học. Mười năm sau lần đầu tiên mạo hiểm kinh doanh nước đá, Tudor đã kiếm được lợi nhuận từ các chuyến hàng thường xuyên chở nước đá đến Cuba. Công ty của ông phát triển một phương pháp thu hoạch băng mới bằng cách dùng ngựa kéo cưa để cưa băng, giúp hạ giá băng xuống thấp hơn. Khi giá băng giảm, những cơ sở chứa băng bắt đầu mọc lên khắp nước Mỹ, đặc biệt là ở miền nam.

Sự ra đời của thùng cách nhiệt và các toa giữ lạnh trên xe lửa cho phép băng được vận chuyển ít hao hụt hơn, đến những vùng đất xa xôi hơn như Anh, Ấn Độ, Nam Mỹ, Trung Quốc và Úc vào những năm 1830-1840.

Đến giữa thế kỷ 19, Tudor vận chuyển hơn 50.000 tấn băng trên khắp đất nước. Là người khởi đầu một ngành kinh doanh chưa hề tồn tại trước đó, vượt qua những khó khăn kéo dài và nhiều lời ra tiếng vào cho rằng ý tưởng của ông sẽ không thể nào có hiệu quả, Tudor được đặc biệt danh là “Vua nước đá Boston”.

Đế chế từ nước đóng băng

Dù ngày nay hầu như ai cũng có thể tự làm nước đá, ngành sản xuất đá viên, bán theo túi (packaged ice) vẫn rất phát triển. Câu hỏi đặt ra là, nếu nhà nhà đều làm được nước đá thì nước đá thương mại bán cho ai? Cũng hỏi câu này với nước đóng chai và ta sẽ có câu trả lời: luôn có cách để thuyết phục người dùng mua thứ mà họ có thể dễ dàng tự làm, lại gần như không mất tiền.

The Ice Co, công ty nước đá hàng đầu Anh Quốc, đã biến nước đóng băng thành một thương hiệu trị giá 38 triệu bảng - với giá bán lẻ khoảng 1 bảng một túi nước đá. Công ty mỗi ngày sản xuất 400 tấn sản phẩm, tức 5 tỉ viên đá mỗi năm. Thành công của nó đáng chú ý ở chỗ không ai nghĩ nước Anh lại có nhu cầu nước đá đóng gói nhiều đến thế, theo The Guardian. Theo lý giải của tác giả George Reynolds, chất lượng nước an toàn, dân Anh không thiếu dụng cụ để tự làm nước đá, mùa hè cũng không đến nỗi nóng nực.

Những ngụ ý này nhằm so sánh với Mỹ, nơi các nhà khai thác lớn nhất sản xuất hơn 1 tỉ khối mỗi ngày và nước đá được kinh doanh bằng cách bán nỗi sợ, rằng đá cũng là thực phẩm, vẫn có thể nhiễm khuẩn, mất an toàn và nước đá nhà làm chưa chắc đã sạch đâu.

“Nói một cách chính xác, dân Anh thậm chí không cần đá trong đồ uống của họ - không một ai!” - Reynolds viết. Nhưng chuyện làm ăn của The Ice Co cho thấy dân Anh chắc hẳn đã thích nó, thậm chí thích nhiều đến nỗi sẵn sàng trả tiền để mua nước đá.

 
 Chỉ là đá viên mà The Ice Co "nâng tầm" lên thành một sản phẩm hoành tráng. Ảnh: The Ice Co

Thành công của The Ice Co là đa dạng sản phẩm (loại cocktail hay thức uống nào thì nên đi kèm kiểu nước đá riêng), ứng dụng khoa học công nghệ chế ra “siêu nước đá” cực kỳ tinh khiết, và quan trọng nhất là trao cho các viên đá những câu chuyện, gắn chúng với hội hè, tiệc tùng, hay đơn giản là cảm giác thư thái khi chiêu một ngụm thức uống mát lạnh sau một ngày làm việc mệt nhoài.

Ginny Woolhouse, trưởng bộ phận marketing của công ty, nhận xét: “Nó không chỉ là nước đóng băng, bạn không mua nước đá - mà mua lý do để dùng chúng… Còn gì là tiệc tùng nếu không có nước đá?”.

Có điều, COVID-19 đã buộc The Ice Co phải lật ngược lại câu hỏi: liệu có cần nước đá nếu không còn tiệc tùng vì đại dịch? Chưa biết tương lai thế nào nhưng trang Facebook của The Ice Co hôm 23-3 đã chia sẻ link bài báo về chuyện nước Anh sẽ sớm bị “nướng chín” vì mùa hè đến sớm, kèm emoji vỗ tay.

Có lẽ họ đang nhìn lại mùa hè 2018 và khấp khởi trong lòng; đó là năm nước đá “cháy” hàng, và cứ mỗi nửa giờ lại có một xe tải chất đầy hàng rời xưởng, liên tục trong vài tuần.

Ngăn đông tủ lạnh xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1940, nhưng mãi đến năm 1953 nó mới được sản xuất đại trà, theo một bài viết trên tạp chí Popular Mechanics. Trước đó, năm 1933, Guy Tinkham, phó chủ tịch của công ty sản xuất đồ tiện ích General Utilities, chế ra khay đá hoàn toàn bằng thép không gỉ, có thể được gập nghiêng sang một bên để đẩy đá viên ra ngoài. Phát minh của Tinkham được đặt tên là khay đá McCord và được bán với giá 0,5 đôla lúc bấy giờ. Các thiết kế khác nhau dựa theo khay McCord dần được phát hành. Sau này khay kim loại được thay thế bởi các khay bằng nhựa đúc, sau nữa là silicon.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận