Xuyên rừng tìm thuốc quý

THÁI LỘC - TIẾN LONG 01/05/2014 19:05 GMT+7

TTCT - Nhiều cây thuốc quý hiếm nằm trong rừng sâu, nhiều vị rau rừng bổ dưỡng vốn xa lạ với người dân miền xuôi, những cách bào chế, chế biến lạ lẫm...

Cả nhóm đã có một tháng thật sự gắn bó với rừng sâu để “săn tìm” các loại thuốc quý

Đó là nhiều kiến thức thực tế rất quý giá mà lớp sinh viên năm cuối thuộc khoa lâm nghiệp Trường đại học Nông lâm Huế gặt hái được nhân chuyến thực tế tại vùng rừng ven dãy Trường Sơn thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Nhóm sinh viên gồm gần mười bạn, thực hiện rất nhiều đề tài liên quan đến sản vật rừng hay những cây thuốc quý.

Đó là Trần Ngọc Trung với đề tài “Nghiên cứu bảo tồn cây dược liệu lá khôi”, Trần Thị Mỹ Ánh với đề tài “Điều tra sự đa dạng nguồn tài nguyên cây dược liệu và kiến thức bản địa trong khai thác và sử dụng của đồng bào vùng cao tại A Lưới”, Phan Trung Thông với đề tài “Nghiên cứu tính đa dạng sinh học và tập quán sử dụng rau rừng của người dân vùng cao A Lưới”...

Trong hơn một tháng trời, đêm thì trú đóng tại một đơn vị quân đội, ngày tổ chức băng dốc, vượt thác vào rừng sâu tìm thuốc và rau. Các bạn đến rất nhiều nhà dân để điều tra các loại rau và thuốc, về sự phân bố, cách nhận diện, phát hiện, cách sử dụng, bào chế cùng rất nhiều kiến thức quý báu khác mà người dân ở đây tích lũy kinh nghiệm từ nhiều đời.

Đặc biệt, họ tiếp cận được với một số thầy lang người thiểu số và được truyền đạt về các loại thuốc chữa bệnh bằng các loại cây rừng, cách bào chế, cách chữa bệnh…

Theo bạn Phan Trung Thông: “Có nhiều thứ hữu ích lắm, nếu không gặp người dân và không vào rừng thì không thể biết được có những thứ hay đến vậy. Chính nhờ vào rừng mà biết thật rõ về những gì học được trên sách vở, có thể cầm được lá, nếm được củ, ngửi được hoa!”.

TS Ngô Tùng Đức - Trường đại học Nông lâm Huế, người hướng dẫn các đề tài - cho hay ý nghĩa của đợt thực tế ngoài bổ sung cho sinh viên tiếp cận kiến thức thực tiễn, quan trọng hơn là để sinh viên có điều kiện tiếp cận, gần gũi với đời sống của người dân vùng rừng, hiểu hơn về họ.

Điều này vô cùng cần thiết khi sinh viên ra trường tham gia ngành lâm nghiệp, hiểu được dân, biết được rừng, góp phần bảo vệ và phát triển rừng một cách bền vững...

Hành trình tìm thuốc quý đầy gian nan, vất vả

Nguyễn Thị Diễm Hương cố gắng luồn lách vào những bụi cây rậm để ghi hình những mẫu lá thuốc trong rừng
Phỏng vấn thầy lang Quỳnh Vân về các vị thuốc quý của người thiểu số ven Trường Sơn
TS Ngô Tùng Đức, giảng viên khoa lâm nghiệp Trường đại học Nông lâm Huế, giảng giải về cây thuốc bách bệnh (mật nhân) tại một cánh rừng rậm thuộc xã Hưng Lâm, huyện A Lưới
Trần Ngọc Trung say mê thực hiện đề tài “Nghiên cứu bảo tồn cây dược liệu lá khôi” của mình
Cheo leo trên những vách đá, thác nước
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận