Đại học tinh hoa Mỹ trong cơn khủng hoảng

NGUYỄN VŨ 05/04/2024 10:25 GMT+7

TTCT - Theo tờ The Economist, các trường đại học tinh hoa Mỹ đang "phình to, tự mãn và thiếu tự do".

Ảnh: The Economist

Ảnh: The Economist

Khó mà tin nổi, rằng Trường đại học Washington có khoảng 5.800 giảng viên nhưng số lượng nhân viên hành chính không giảng dạy lên đến 16.100 người. 

Tại ba trường California Institute of Technology, Duke University và University of California at San Diego, số lượng nhân sự không giảng dạy còn nhiều hơn số lượng sinh viên. 

Nhưng đó là điều mà tờ The Economist viết trong một bài dài về tình hình các trường đại học hàng đầu nước Mỹ với cái tít "Các trường đại học tinh hoa Mỹ phình to, tự mãn và thiếu tự do".

Vì sao nhân sự đại học cồng kềnh đến thế?

Theo Paul Weinstein, một chuyên gia thuộc Progressive Policy Institute, tại 50 trường đại học hàng đầu nước Mỹ, số lượng nhân sự hành chính, sự vụ cao gấp 3 lần nhân sự giảng dạy. Ở một số trường, tỉ lệ này còn cao hơn, như tại Đại học Johns Hopkins, tỉ lệ giữa nhân sự không giảng dạy và nhân sự giảng dạy là 7,5 lần; ở Đại học Caltech là 8 lần và ở MIT là 9 lần.

Ở Đại học Harvard, số sinh viên đại học ở Harvard vào năm học 2021-2022 là 7.483 người nhưng lúc đó trường này có đến trên 10.000 nhân viên hành chính và 3.899 nhân sự giảng dạy toàn thời gian. 

Thử nghĩ để trả lương cho từng ấy người phục vụ cho từng ấy sinh viên, phải thu học phí bao nhiêu mới đủ? Chẳng lạ gì học phí hiện nay tại Harvard lên đến 80.000 đô la mỗi năm cho sinh viên hệ 4 năm.

Có nhiều lý do giải thích sự phình to nhân sự không giảng dạy ở các trường đại học Mỹ, có cái hợp lý như để phục vụ nhu cầu đa dạng của sinh viên, có cái mang tính đối phó như để đáp ứng các yêu cầu quản lý của phía nhà nước, nhưng đa số là do quán tính giải quyết vấn đề nhân sự bằng cách tuyển thêm nhân sự.

Theo tờ College Fix, Harvard tuyển dụng mấy chục người chuyên lo chuyện bảo đảm trường này đi đúng xu hướng "đa dạng, công bằng và hòa nhập", tức những người chuyên rà soát để xem các bộ phận của trường có ưu tiên tuyển người da màu, nữ, người khuyết tật, cộng đồng LGBTQ hay mở rộng cửa chào đón họ trong nhiều hoạt động của trường.

Từ năm 2025 trở đi, dự báo số lượng sinh viên đại học ở Mỹ sẽ sút giảm chừng 15% trong vòng 4 năm sau đó, tức giảm chừng 575.000 người. Các vấn đề như gánh nặng nợ sinh viên, thị trường lao động mở rộng cửa cho người chưa tốt nghiệp đại học… sẽ làm mức sụt giảm này còn tăng thêm nữa. 

Cách đây 20 năm Mỹ thu hút đến 60% tổng số sinh viên theo học ở các nước nói tiếng Anh, nay tỉ lệ này giảm còn 40% và còn giảm nữa. Lúc đó sự cồng kềnh của các trường đại học càng lộ rõ và trở thành một vấn nạn cấp bách họ phải giải quyết. 

Không thể nào kéo dài chuyện MIT với 4.638 sinh viên mà lại tuyển dụng đến 8.041 nhân viên hành chính, trị sự; tức cứ 1 sinh viên có gần 2 nhân viên lo chuyện chăm sóc mọi mặt!

Ảnh: New York Post

Ảnh: New York Post

Cấp tiến thái quá

Các trường đại học hàng đầu nước Mỹ vốn được xã hội cho rằng phải là nơi xem trọng tài năng, coi tài năng là thước đo cho những giá trị học thuật. Thế nhưng trong nhiều năm liền, họ chủ trương ngược lại, xem nâng đỡ kẻ yếu thế quan trọng hơn tài năng. 

Điều này thể hiện ở rất nhiều chủ trương, chính sách các trường đại học theo đuổi như ưu tiên cho người da màu trong tuyển sinh (affirmative action), bỏ dùng điểm SAT trong xét tuyển vì cho rằng dùng điểm SAT là không công bằng với học sinh gia đình nghèo, không có điều kiện học thêm để thi SAT.

Như đã nói ở trên, trường nào cũng có các vị trí lo chuyện DEI (tức Diversity, Equity và Inclusion - đa dạng, công bằng và hòa nhập), về hình thức chỉ làm sao mọi người trong trường lịch sự, thân thiện, hòa hợp với nhau nhưng thực chất là tìm cách đơn giản hóa mọi chuyện một cách hình thức.

Lấy ví dụ một tài liệu phổ biến chính sách DEI của California Community Colleges nhấn mạnh đội ngũ giảng viên phải "cẩn thận không được 'vũ khí hóa' tự do học thuật và liêm chính khoa học thành công cụ cản trở sự công bằng". 

Nói cách khác, trường đại học phải ưu tiên cho DEI dù có gây thiệt hại cho tự do học thuật. Các khoa tuyển chọn giảng viên thường yêu cầu người nộp đơn viết các lời tuyên bố nói rõ họ sẽ tiếp cận chính sách DEI như thế nào.

Theo đơn kiện của John D. Haltigan kiện Trường đại học California at Santa Cruz, khi nộp hồ sơ làm giảng viên môn tâm lý ở trường này, ông biết nếu lời tuyên bố của ông ủng hộ các tư tưởng "hòa nhập bất kỳ màu da", "đa dạng về quan điểm", "đánh giá dựa trên sự xuất sắc" thì ông sẽ bị điểm kém, khó được tuyển. 

Để được điểm cao, người nộp đơn phải đồng ý với quan điểm nên đối xử với các cá nhân theo hướng ưu tiên cho chủng tộc hay giới tính của họ.

Lẽ ra trường đại học phải là môi trường tìm tòi, nghiên cứu với sự tò mò, khao khát hiểu biết. Trong một môi trường như thế sinh viên phải học cách chấp nhận các quan điểm khác biệt, biết tranh luận để vượt trội. Nay sinh viên được gán cho một số tư tưởng được cho là duy nhất đúng và ai nói khác sẽ bị tẩy chay, xóa sổ; nói cách khác họ chỉ được chia sẻ những giá trị được cho là đúng. 

Thử tưởng tượng số lượng nhân sự không giảng dạy phình to, chuyên ngồi biên soạn các hướng dẫn cho đội ngũ giảng viên tuân thủ chính sách DEI trong mọi chuyện dù chúng có vi phạm tự do học thuật, một tình cảnh như thế ắt sẽ gây bức xúc cho nhiều người có quan điểm độc lập.

Sự việc hiệu trưởng ba trường đại học hàng đầu của Mỹ, gồm Harvard, MIT và Pennsylvania phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ và sau đó dẫn đến sự ra đi của hiệu trưởng Pennsylvania, bà Elizabeth Magill và hiệu trưởng Harvard, bà Claudine Gay như giọt nước làm tràn ly, cảnh báo sự cấp tiến thái quá này. 

Vì cấp tiến nên các trường không biết trả lời làm sao khi được hỏi sinh viên có bị cấm khi đòi diệt chủng dân Do Thái, một trong những biểu hiện bài Do Thái ở sân trường! Nay một số trường bỏ vị trí chuyên lo chuyện DEI; nhiều trường như Dartmouth, Brown hay Yale bắt đầu tiếp tục xét điểm SAT sau một vài năm bỏ qua, xem điểm đó là tùy chọn.

Thiếu tự do học thuật

Một đặc điểm nữa của các trường đại học tinh hoa Mỹ là sự biến mất các dòng tư tưởng cánh hữu trong học thuật. Các khảo sát do Trường UCLA tiến hành cho thấy tỉ lệ đội ngũ giảng viên tự xếp mình vào cánh tả tăng từ 40% năm 1990 lên 70% năm 2017. 

Tỉ lệ này còn cực đoan hơn nhiều ở các trường đại học hàng đầu, chỉ 3% giảng viên Harvard cho rằng mình thuộc giới bảo thủ (từ bảo thủ trong tiếng Anh không hàm ý xấu như trong tiếng Việt); 75% tự gọi mình là giới cấp tiến.

Lý do là bởi các trường đại học không tuyển dụng những người có quan điểm bảo thủ. Những nhà tư tưởng nghiêng về cánh hữu cũng chọn cách tránh xa nghề dạy vì quan điểm của họ không được ưa chuộng hay cổ xúy. 

Trong bối cảnh nước Mỹ phân chia tả hữu khá tương đồng cả về mặt chính trị lẫn các vấn đề xã hội, sự lệch cân ở các trường đại học làm chúng ngày càng xa rời thực tiễn nước Mỹ, đánh mất niềm tin ở một bộ phận công chúng.

Nói cách khác, trường đại học trở thành tháp ngà, xa rời thực tế cuộc sống. Lấy ví dụ chính sách ưu tiên cho sinh viên da màu - trong khi đa số dân Mỹ nay không còn cho là công bằng khi ưu tiên tuyển sinh viên da màu dù điểm thấp hơn, các trường vẫn khăng khăng bám lấy lý thuyết cũ. Người nào phê phán chính sách ưu tiên kiểu này, cho rằng như thế càng có hại cho sinh viên thiếu năng lực, sẽ bị lên án là phân biệt chủng tộc.

Biểu tình sau quyết định của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, bãi bỏ các chương trình tuyển sinh ưu tiên chủng tộc tại Đại học Harvard và Đại học Bắc Carolina, ngày 29 tháng 6 năm 2023. Ảnh: REUTERS

Biểu tình sau quyết định của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, bãi bỏ các chương trình tuyển sinh ưu tiên chủng tộc tại Đại học Harvard và Đại học Bắc Carolina, ngày 29 tháng 6 năm 2023. Ảnh: REUTERS

Nhiều người thừa nhận các trường đại học không biết ứng xử như thế nào trước các thế hệ sinh viên sau này, những nhóm người không biết dung thứ cho các quan điểm khác biệt, không chịu tranh luận để tìm chân lý. 

Điển hình như vụ thẩm phán Stuart Kyle Duncan được mời đến nói chuyện với sinh viên trường luật Stanford. Ông này nổi tiếng là người bảo thủ, chống hôn nhân đồng giới. Cuộc nói chuyện bị gián đoạn nhiều lần vì sinh viên cứ reo hò, phá bĩnh, không để ông này trình bày quan điểm của mình. 

Khi yêu cầu nhà trường can thiệp, một phó khoa phụ trách DEI lại lên trách mắng ông thẩm phán, cho rằng sự hiện diện của ông gây thương tổn cho nhiều sinh viên Stanford.

Harvey Weinstein là một nhân vật đáng lên án vì đã quấy rối tình dục nhiều nữ diễn viên, kể cả ép họ quan hệ để đổi lấy vai diễn. Thế nhưng ông giáo sư luật tham gia đội ngũ luật sư bào chữa cho Weinstein thì tội tình gì; ai cũng được quyền nhận sự bào chữa trước khi bị kết án. Vậy mà dưới sức ép của sinh viên, Đại học Harvard từng không cho Ronald Sullivan làm trưởng khoa nữa chỉ vì tội bào chữa cho Weinstein. 

Chừng nào các vụ việc như thế (rất nhiều không thể kể hết) vẫn còn diễn ra, chừng đó cuộc khủng hoảng ở các trường đại học tinh hoa Mỹ vẫn chưa chấm dứt. 

Fire, một tổ chức phi chính phủ, đánh giá mức độ tự do diễn đạt ở các trường đại học lớn của Mỹ đã xếp hai đại học Ivy League là Harvard và Pennsylvania thuộc nhóm 5 đại học tệ nhất, trong đó Harvard xếp hạng chót.

Hơn một nửa sinh viên ở 5 trường này tin rằng ngăn cản cuộc nói chuyện của các nhân vật gây tranh cãi bằng mọi biện pháp là chuyện chấp nhận được. Hiệu trường các trường lại e dè sinh viên nhất là các nhóm lớn tiếng đòi xóa sổ các quan điểm trái chiều.

Fire cho biết từ năm 2014 đến giữa năm 2023 có ít nhất 1.000 trường hợp đòi sa thải hay trừng phạt người trong đội ngũ giảng dạy vì những gì họ từng phát biểu (một phần năm cuối cùng mất việc thật).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận