TTCT - Lịch sử nhiều bi kịch của người Kurd lại rẽ sang một hướng mới sau khi Hoa Kỳ rút quân hoàn toàn khỏi miền bắc Syria, “bật đèn xanh” cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tràn qua biên giới. Thần thái của một nữ chiến binh Kurd. Ảnh: Wikipedia Vào tháng 6-2014, trong vòng chỉ 4 ngày, lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã làm chủ thành phố Mosul, dùng 1.500 vệ binh khố đen đánh bại 30.000 bộ binh chính quy chủ lực cơ giới có trực thăng yểm trợ phòng thủ cho đô thị lớn thứ nhì của Iraq (1,5 triệu dân), chưa kể 30.000 cảnh sát võ trang. Ở tuyến đầu chống IS Xét tương quan quân số thì đây là 1 đánh 20 hay 40, và là kỳ tích hiếm hoi trong quân sử cổ kim, khiến tất cả sững sờ. Từ đó, IS tràn sang Syria, trong chớp mắt chiếm một vùng lãnh thổ rộng lớn đến giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, tưởng như không ai ngăn nổi họ. Nhưng rồi tại thị trấn nhỏ Kobani ở biên giới, quân IS bị vệ binh làng YPG-YPJ của người Kurd chặn lại (YPG là dân quân nam và YPJ là dân quân nữ). Hoa Kỳ quyết định yểm trợ YPG-YPJ bằng phi pháo và sau đó viện trợ súng đạn để họ đẩy lùi IS. Thế giới bắt đầu biết đến những cô gái miền núi thôn dã “nữ hoàng chiến y”, và là 30-40% lực lượng dân quân này, những người đã chặn đứng các hung thần sa mạc ở Kobani. Lãnh thổ do IS kiểm soát ngưng bành trướng và tại Iraq lẫn Syria, cuộc phản công bắt đầu, rồi coi như kết thúc khi thành phố Mosul được tái chiếm vào tháng 7-2017. Tại Syria, IS cũng lâm vào thế thủ, co cụm và bị tiêu diệt dần cho đến chiến binh và viên đạn cuối cùng. Công đầu trong việc tiêu diệt IS là vệ binh người Kurd, tại Iraq lẫn Syria, với sự yểm trợ của hỏa lực và tình báo Mỹ. Đến tháng 9-2019, Hoa Kỳ có trên 1.000 binh sĩ lực lượng đặc biệt có mặt tại Syria. Họ không tham chiến trực tiếp mà giữ vai trò yểm trợ kỹ thuật và quân báo vệ tinh, điện tử, điều phi pháo và tiếp viện súng đạn, hợp tác chặt chẽ với các tay súng Kurd-Syria của phong trào YPG-YPJ tại khu vực biên giới họ kiểm soát, vùng lãnh thổ người Kurd bán chính thức giờ có tên gọi Rojava. Tuy IS là “kẻ thù chung”, người Kurd mới là mũi nhọn trong cuộc tìm và diệt lực lượng khủng bố này. Họ đã mất 11.000 chiến binh trong cuộc chiến đó. Dân tộc Kurd vốn thuộc nhánh Ba Tư (Iran), có mặt tại miền núi Zagros và Taurus từ 25 thế kỷ trước, lần lượt dưới các đế chế Ba Tư, La Mã, Ả Rập, Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ), và cả Nga ở Trung Á (Armenia). Trong thế kỷ 12-13, họ có vài vương triều và tiểu quốc độc lập, nhưng ý thức hệ quốc gia hiện đại chỉ có tại Âu châu từ Cách mạng tư sản Pháp. Chưa có công dân và ý thức công dân thì chưa có quốc gia và ý thức quốc gia. Ý thức công dân và quốc gia gắn liền với thời kỳ tư sản và dân quyền, còn trước đó, trong thời phong kiến - quân chủ chỉ có ơn vua lộc nước, thần dân trăm họ. Một người Kurd lừng lẫy trong lịch sử Trung Đông là vương Saladin, được Tây phương ca tụng như anh hùng nghĩa hiệp, dù ông đánh bại họ trong Thánh chiến. Saladin thành lập vương triều Ayyubid vào thế kỷ 12, bao gồm Syria, Lebanon, Palestine, Ai Cập, một phần Arabia Saudi, Jordan cho đến Yemen hiện nay. Nhưng vương triều bao la này không phải là vương triều Kurd mà là đế quốc đa dân tộc, như nhiều đế quốc trước và sau đó, cho đến thế kỷ 20. Khi đế quốc Ottoman tan rã sau Thế chiến I, Anh và Pháp tự ý phân chia khu vực này với nhau bằng hiệp ước Sykes-Picot khét tiếng, vạch ra những biên giới quốc gia đại khái như ngày nay. Hai siêu cường thực dân lúc đó cũng có ý thành lập một quốc gia Kurd, nhưng rồi ý định đó không đi tới đâu. Hệ quả là ngày nay, 30 triệu người Kurd sinh sống trên lãnh thổ 4 quốc gia: Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Syria và Iraq. Tại Iran (8 triệu), họ được đối xử tương đối dễ dãi. Tại Iraq (6 triệu), sau khi chế độ Saddam bị lật đổ, từ 2005 họ tự trị và kể như là độc lập. Tại Syria, nhân biến loạn mới đây từ 2011, Rojava (2 triệu người) là một khu vực được trung ương để yên và chưa tính đến vì còn bù đầu những việc sống chết khác. Tại Thổ Nhĩ Kỳ (12 triệu), người Kurd bị chèn ép nặng nề bởi chủ nghĩa quốc gia và có phong trào vũ trang ly khai chống đối PKK (Đảng Lao động Kurdistan). Còn đấu tranh công khai là HDP (Đảng Dân chủ nhân dân), chiếm 11-13% cử tri toàn quốc Thổ Nhĩ Kỳ và hiện nắm 62/600 ghế tại quốc hội. Cuộc hôn nhân hoàn cảnh Người Kurd sống hai bên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria và lực lượng YPG-YPJ (ở Syria) là tổ chức phụ thuộc PKK. PKK bị coi là khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ. Lội sông sang đến Syria thì họ trở thành đồng minh đắc lực và không thể thiếu của Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống IS. Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ lại là đồng minh chính thức trong khối NATO, nên trong chuyện này mâu thuẫn thật chằng chịt. Phi cơ Hoa Kỳ cất cánh từ phi trường Incirlik tại Thổ Nhĩ Kỳ lại đi đánh bom IS để yểm trợ YPG-YPJ bên kia biên giới. Phi cơ Thổ Nhĩ Kỳ cũng cất cánh từ đấy thì lại đi đánh bom... PKK. Hoa Kỳ đưa súng đạn cho YPG-YPJ thì Thổ Nhĩ Kỳ lại cấm người Kurd ở Thổ vượt sông sang Rojava đầu quân YPG-YPJ, chưa kể là úp mở cho phép IS mang chí nguyện quân từ Âu châu sang qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ, bởi kẻ thù của kẻ thù là bạn. Về ý thức hệ, phong trào HDP, PKK và YPG-YPJ cùng một khuôn: tư tưởng Marx và dân chủ xã hội trực tiếp kiểu công xã, đa tôn giáo, đa sắc tộc và nam nữ bình đẳng. Các tổ chức này đều phân cấp với đồng lãnh đạo một nam một nữ từ bí thư trưởng trở xuống. Đại biểu các cấp cũng được cơ cấu cứng tỉ lệ nam - nữ là 50-50. Tại Quốc hội Thổ, trong 62 đại biểu HDP thì 25 là nữ. Tại Syria, 30-40% dân quân là nữ, đánh nhau thật sự chứ không phải hoa cài tượng trưng cho đẹp đầu súng. Hình ảnh điển hình của phong trào vũ trang người Kurd - với 95% theo đạo Hồi - là một nữ dân quân Hồi giáo đẩy lùi hung thần IS. Về hệ tư tưởng, hình ảnh đó không chỉ đi ngược lại với IS, mà với hầu hết các chính quyền Hồi giáo bảo thủ trong khu vực: một bên là Hồi giáo thủ cựu và thoái hóa thần quyền, một bên là Hồi giáo dân chủ tiến bộ, bình quyền nam nữ và bình quyền xã hội. Hoàn cảnh đã khiến Hoa Kỳ phải giúp phong trào dân tộc và cấp tiến người Kurd và ngược lại, chứ cả hai, xét trên ý hệ, không có thề non hẹn biển, không hứa đầu bạc răng long chi cả. Năm 1970, khi Iran dưới thời đế chế Shah thân Mỹ thì Hoa Kỳ xúi giục người Kurd Iraq nổi lên chống Saddam Hussein. Năm 1979, vua Shah bị đuổi, và chế độ thần quyền Iran trở thành kẻ thù của Mỹ. Trong chiến tranh Iran-Iraq 1980-1988, Mỹ lại về phía Saddam và giúp ông này có vũ khí hóa học, giết 5.000 thường dân Kurd tại Halabja. Năm 1991, khi Saddam đánh Iran không xong và xâm lăng Kuwait thì Hoa Kỳ bênh vực Kuwait. Trong chiến tranh vùng Vịnh lần 1, Mỹ kêu gọi người Kurd nổi dậy lần nữa. Họ lại bị Saddam đàn áp và chết mất 70.000-150.000 người, gần 1 triệu người phải đi lánh nạn. Tổng thống George Bush (cha) không can thiệp, chỉ cứu Kuwait trong cuộc chiến mà Saudi lãnh phần kinh phí. Đến 2001, khi Hoa Kỳ chiếm đóng Iraq thì người Kurd tại Iraq nhân dịp này mới đạt chế độ tự trị và gần như là độc lập. Họ là thành phần đầu tiên chặn IS tại Iraq, vì thành phố Mosul ở sát lãnh thổ của họ. Tại Syria cũng thế, người Kurd không mang tham vọng bình thiên hạ giúp Hoa Kỳ và mang lại ấm no dân chủ cho khu vực và cả thế giới: họ đơn giản là tự vệ trước sự bành trướng của IS. Đối với Hoa Kỳ, dẹp IS xong thì người Kurd không có ích lợi gì nữa. Được chim bẻ ná, được cá quên nơm, đây chẳng phải chuyện gì mới trong lịch sử. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh quan trọng hơn hẳn với Mỹ so với phận bọt bèo chăn dê vùng núi của người Kurd. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã mất thủ đô Ankara và thành phố Istanbul trong kỳ bầu cử địa phương vừa qua. Chính quyền tôn giáo bảo thủ của ông bị đe dọa bởi thành phần tiến bộ. Ông Erdogan, vốn chỉ có thể thêm phiếu qua các cử tri quốc gia chủ nghĩa, bèn vung kiếm ngoài biên ải. Ở Mỹ, cử tri cốt cán của ông Trump không biết Thổ Nhĩ Kỳ ở hướng nào, cạnh Canada hay Mexico, và càng không biết người Kurd là ai. Tục ngữ hiện đại Mỹ nói một lý do quan trọng khiến Mỹ liên tục tham chiến ở nước ngoài là để “người dân trong nước học thêm địa lý thế giới”. Câu đó nghe vậy chứ không phải nói quá, khi chính tổng thống của họ cũng đường hoàng tuyên bố: “Người Kurd không hề giúp chúng ta trong Thế chiến II, hồi đổ bộ Normandy”. Thành phần cử tri yêu mến ông Trump chỉ cần hạnh phúc đơn sơ ở nhà mình, hay cùng lắm là trong tổ dân phố. Họ chống can thiệp, đầu tư, trao đổi với nước ngoài, theo họ là chỉ để các nước trục lợi nước Mỹ. Họ không màng đến vị thế hay kinh tế toàn cầu, bởi Hoa Kỳ là một địa đàng trần thế, phải làm tường rào vây quanh, không cho ai vào, và ta cũng chẳng cần đi đâu hết. Họ không giống những thành phần tinh hoa, bất kể Cộng hòa hay Dân chủ, vốn tin chắc là toàn cầu hóa không thể đảo ngược, và không ra ngoài thì sao làm chúa tể thế giới được. Phần người Kurd, như nhiều dân tộc kinh qua khổ nạn khác, lịch sử hiện đại của họ từ đầu thế kỷ 20 cho thấy là họ chẳng thể tin cậy ai. Họ sống sót là nhờ chẳng ai quan tâm đến những rặng núi khô cằn, không có tài nguyên và không thể canh tác, hiểm trở và khó khăn. Ngạn ngữ Kurd thì bảo: “Dân tộc này chỉ có núi là bạn”. ■ Tags: IraqIranNước MỹCuộc chiến chống ISDân tộc Kurd
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tổng Bí thư dự phiên trọng thể Đại hội IX Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam QUỐC LINH 18/12/2024 Sáng 18-12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tin thế giới 18-12: Ông Trump sắp cử người sang Ukraine; Mỹ nêu số thương vong của lính Triều Tiên THANH HIỀN 18/12/2024 Nga sẽ đưa vụ ám sát trung tướng Kirillov ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; Mỹ khẳng định hàng trăm binh sĩ Triều Tiên thương vong ở Kursk.
'Sức hấp dẫn của du lịch Đà Lạt là không thể nghi ngờ, khách quốc tế cũng trở lại lần 2, lần 3' MAI VINH 18/12/2024 Ngày 18-12 tại TP Đà Lạt, UBND Thành phố Đà Lạt phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”.
Tương quan sức mạnh giữa Việt Nam và Philippines ở ASEAN Cup 2024 HOÀI DƯ 18/12/2024 Tuyển Việt Nam vượt trội chủ nhà Philippines gần như mọi mặt trước cuộc đọ sức ở lượt trận thứ tư bảng B ASEAN Cup 2024.