TTCT - Những ngày qua, vấn đề sử dụng đất quốc phòng thu hút sự quan tâm của người dân. TTCT giới thiệu bài viết của GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, nhằm cung cấp thêm thông tin liên quan vấn đề này. Đường Võ Nguyên Giáp (Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) trước đây có nhiều đơn vị quân đội đóng quân. Sau thời gian chính quyền Đà Nẵng thuyết phục, năm 2005 quân đội đã đồng ý di dời các đơn vị để có đất cho TP phát triển -Hữu Khá Câu hỏi lớn nhất được đặt ra đối với khung pháp luật về quản lý và sử dụng đất quốc phòng là: mục đích gì được gọi là mục đích quốc phòng? Tất nhiên câu trả lời không hề đơn giản, vì mục đích quốc phòng khá đa dạng và phức tạp. Ví dụ một đơn vị quốc phòng sử dụng đất để xây dựng nhà máy sản xuất vũ khí thì có đúng mục đích quốc phòng hay không? Hay một đơn vị quốc phòng sử dụng đất nông nghiệp ở vùng cao, vùng xa, vùng sâu, nơi vắng dân cư vừa để bảo vệ đất nước vừa được thụ hưởng nông sản thì có gọi là cho mục đích quốc phòng hay không? Vậy nên sử dụng đất vào mục đích quốc phòng hay kinh tế vẫn không thể có một ranh giới thực sự rõ ràng. Luật đất đai (LĐĐ) đã có thay đổi đáng kể trong góc nhìn về cách quản lý và sử dụng đất quốc phòng, nhưng đều chưa đạt được những tiêu chí hợp lý. Khung pháp luật về quản lý và sử dụng đất quốc phòng Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng chưa được quy định cụ thể trong LĐĐ đầu tiên năm 1987. Tiếp theo trong LĐĐ 1993, khoản 1 điều 65 quy định cụ thể về sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh bao gồm đất để đóng quân; đất làm căn cứ quân sự; đất xây dựng các công trình quân sự, an ninh; đất làm sân bay, ga, cảng quân sự; đất làm kho tàng cho các lực lượng vũ trang; đất làm trường bắn, thao trường, bãi thử vũ khí; đất xây dựng nhà trường, bệnh viện, nhà an dưỡng của lực lượng vũ trang và đất sử dụng làm các công trình công nghiệp, khoa học, kỹ thuật phục vụ quốc phòng, quốc phòng kết hợp làm kinh tế. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng có nội dung “phục vụ quốc phòng kết hợp làm kinh tế” lại không được thống nhất nhìn nhận. Khoản 1 điều 89 của LĐĐ 2003 đưa ra quy định về đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh với hai điều chỉnh so với LĐĐ 1993: (1) bổ sung mục đích sử dụng đất làm nhà công vụ của lực lượng vũ trang nhân dân và đất làm trại giam giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản lý; (2) bỏ cụm từ “quốc phòng kết hợp làm kinh tế” trong mục đích sử dụng “đất làm các công trình công nghiệp, khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp cho quốc phòng, an ninh”. Như vậy, LĐĐ 2003 đã có góc nhìn “khắt khe” hơn với đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh. LĐĐ 2013 vẫn giữ nguyên quy định về đất quốc phòng, an ninh như LĐĐ 2003 và được quy định tại điều 61 và điều 148. Điều 61 quy định về phạm vi áp dụng cơ chế nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, trong đó không áp dụng cho trường hợp đất để sử dụng vào mục đích “quốc phòng kết hợp làm kinh tế”. Như vậy, có thể thấy khái niệm về đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh đã được quy định ngày càng chặt chẽ hơn trên nguyên tắc: (1) mục đích quốc phòng, an ninh phải được xác định “thuần túy” gắn với nhiệm vụ bảo vệ đất nước; (2) mọi diện tích đất do các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang sử dụng vào mục đích làm kinh tế hoặc quốc phòng, an ninh kết hợp làm kinh tế đều không được coi là đất quốc phòng, an ninh. Nói cách khác, đất đai do các doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang sử dụng đều không thuộc phạm vi đất quốc phòng, an ninh, được coi là đất sản xuất nông nghiệp hoặc đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Để có con đường Phạm Văn Đồng (Q.Sơn Trà) thông ra biển rộng và đẹp như hôm nay, nhiều đơn vị quân đội đã di dời đi nơi khác để Đà Nẵng có quỹ đất làm đường, chỉnh trang đô thị -Hữu Khá Câu chuyện sử dụng đất quốc phòng Đất quốc phòng được hình thành tự nhiên như một câu chuyện lịch sử. Năm 1954 khi giải phóng miền Bắc và năm 1975 khi giải phóng miền Nam, quân đội nhân dân ta đã tiếp quản và sử dụng tất cả đất đai do quân đội thực dân và quân đội chế độ cũ chiếm đóng. Từ đó biến động tăng giảm không nhiều. Đến năm 2000, tổng diện tích đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh của cả nước là 191.680ha (không có số liệu tách riêng đất quốc phòng và đất an ninh), trong đó đất an ninh do các đơn vị thuộc Bộ Công an sử dụng chỉ chiếm khoảng 10%, chủ yếu là đất sử dụng vào mục đích quốc phòng. Theo LĐĐ 2003, đất quốc phòng và đất an ninh được tách riêng thành hai loại riêng biệt. Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng có biến động qua các năm (xem biểu đồ). Trong tổng diện tích đất quốc phòng như bảng trên, diện tích đất quốc phòng tập trung chủ yếu ở các tỉnh thuộc duyên hải miền Trung từ Đà Nẵng tới Bình Thuận, chiếm tới khoảng 50% tổng diện tích đất quốc phòng. Xét về mặt biến động, diện tích đất quốc phòng được tăng thêm trên 70.000ha trong giai đoạn 2000 - 2005, tiếp tục tăng khoảng 36.000ha trong giai đoạn 2005 - 2010 và giảm khoảng 43.000ha trong giai đoạn 2010 - 2015. Diện tích đất quốc phòng tăng nhiều trong giai đoạn 2000 - 2010 vì các lý do chủ yếu bao gồm: (1) bổ sung các diện tích đất trước đây do quân đội sử dụng thực tế nhưng chưa đưa vào thống kê đất quốc phòng; (2) Nhà nước giao thêm đất quốc phòng để sử dụng làm sân bay, cảng biển, trường bắn vũ khí hiện đại và nhiều nhu cầu sử dụng khác vào mục đích quốc phòng... Bên cạnh diện tích đất quốc phòng tăng mạnh, cũng có một số diện tích đất quốc phòng giảm do Bộ Quốc phòng giao lại cho chính quyền địa phương để sử dụng vào mục đích dân sự, cụ thể bao gồm: (1) đất quốc phòng đã giao cho gia đình quân nhân để xây dựng nhà ở, đã thành khu dân cư phù hợp quy hoạch, nay chuyển giao cho địa phương quản lý; (2) đất quốc phòng nhưng phù hợp với mục đích phát triển kinh tế, bảo tồn di tích văn hóa, lịch sử... được giao lại cho các địa phương sử dụng; (3) được cho phép chuyển nhượng cho các nhà đầu tư dân sự để bổ sung ngân sách cho các đơn vị thuộc lực lượng quân đội. Trong giai đoạn 2010 - 2015 đất quốc phòng giảm khá mạnh, trong đó lý do chủ yếu là Chính phủ quyết định chuyển một phần diện tích thuộc một số hải đảo khác về loại đất sử dụng cho mục đích dân sự. Ngoài ra, việc rà soát hiện trạng sử dụng đất quốc phòng và quy hoạch sử dụng đất quốc phòng cũng đẩy mạnh quá trình giao lại đất sử dụng hợp lý hơn cho mục đích phát triển kinh tế cho các địa phương cấp tỉnh quản lý và bố trí sử dụng, hoặc chuyển nhượng cho các nhà đầu tư dân sự để thực hiện các dự án đầu tư. Suốt thời gian qua, lãnh đạo các tỉnh, TP trực thuộc trung ương đã có nhiều cố gắng trong việc thuyết phục các cơ quan quốc phòng cấp trung ương và cấp tỉnh về ba chuyện có liên quan tới đất quốc phòng. Một là quy hoạch lại các khu dân cư do các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang tạo lập nhằm giải quyết nhà ở cho gia đình quân nhân để giao về cho địa phương quản lý như đất ở. Hai là chuyển giao đất có lợi thế về phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa, lịch sử đang là đất quốc phòng về cho các địa phương quản lý và bố trí sử dụng. Tại Hà Nội, sau một thời gian dài triển khai, Bộ Quốc phòng đã bàn giao lại một nửa thành cổ Hà Nội cho UBND TP để bảo tồn di tích lịch sử, nhưng vẫn giữ lại một nửa để sử dụng vào mục đích quốc phòng, lấy ranh giới là đường Nguyễn Tri Phương. Ngoài ra, đất quốc phòng thuộc khu vực sân bay Bạch Mai cũ, sân bay Gia Lâm cũ cũng đã chuyển giao một phần nhất định để phát triển hạ tầng giao thông, làm công viên... Tại các tỉnh, thành thuộc vùng duyên hải miền Trung, các sở tài nguyên và môi trường (TN-MT) đều có nhiệm vụ trọng yếu là thay mặt UBND cấp tỉnh thảo luận, thuyết phục cơ quan quân sự cấp tỉnh giao lại nhiều bãi biển đẹp để phát triển du lịch. Có thể lấy ví dụ điển hình là bãi biển Mỹ Khê hay bán đảo Sơn Trà tại Đà Nẵng đã được bên quân sự bàn giao lại cho địa phương phát triển du lịch. Trong nhiều lần trao đổi riêng, anh Nguyễn Điểu, nguyên giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng, đã cho biết nhiệm vụ thuyết phục bên quốc phòng giao lại đất quốc phòng có lợi thế phát triển kinh tế là rất khó nhưng Đà Nẵng đã thành công, tạo lợi thế lớn trong việc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Đà Nẵng trở thành TP hiện đại, TP đáng sống. Ba là việc các đơn vị quốc phòng xin chuyển nhượng lại đất đang sử dụng (chủ yếu “đất vàng”) cho các nhà đầu tư dân sự để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế. Có thể lấy ví dụ điển hình trường hợp này là Nhà máy Ba Son của quân đội đã được chuyển nhượng cho VinGroup để phát triển nhà ở và khu đô thị mới. Những vụ chuyển nhượng tương tự với các nhà khách, khách sạn, nơi vui chơi giải trí do quân đội quản lý cũng diễn ra ở nhiều địa phương. Một phần Hoàng thành Thăng Long đã được Bộ Quốc phòng bàn giao cho UBND TP Hà Nội để bảo tồn di tích lịch sử -Nguyễn Khánh Bàn thêm về chính sách quân đội làm kinh tế Quân đội làm kinh tế hay không làm kinh tế không chỉ là chính sách lớn, mà còn là triết lý quốc phòng lớn, cách thức vận dụng còn phụ thuộc vào tình hình cụ thể từng giai đoạn phát triển của đất nước. Ở VN hay ở nhiều nước châu Á khác, triết lý quân đội phát triển sản xuất trong thời bình để tự lo hậu cần cho thời chiến đã được áp dụng suốt chiều dài lịch sử nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát triết lý này thành một triết lý lớn hơn: mỗi người dân là một người lính bảo vệ đất nước, mỗi người lính cũng là một người dân trong sản xuất. Nền quốc phòng toàn dân được xây dựng dựa trên triết lý này. Từ đây, cơ chế doanh nghiệp quốc phòng tham gia hoạt động kinh tế sinh lợi được hình thành và phát triển. Khảo cứu kinh nghiệm nước ngoài cũng có thể cho thấy một số chính sách khác nhau được áp dụng. Nhà nước Trung Hoa trong thời gian vài chục năm qua cũng đã có những thay đổi mạnh mẽ trong cách nhìn về chính sách quân đội có làm kinh tế hay không. Dưới thời Tổng bí thư Giang Trạch Dân, số lượng các đơn vị vũ trang làm kinh tế đã được thu hẹp. Tháng 3-2016, Tổng bí thư Tập Cận Bình đã có thông báo dừng toàn bộ các hoạt động dịch vụ sinh lời của các đơn vị quân đội và cảnh sát vũ trang. Ở đây, chúng ta cần lưu ý thuật ngữ “dịch vụ sinh lời” được sử dụng để thay thế thuật ngữ “làm kinh tế”. Cốt lõi của vấn đề chính là cơ chế “sinh lời”, là nguyên nhân làm sao nhãng nhiệm vụ chính của quân đội là bảo vệ đất nước. Những chính sách như vậy từng bước đã đưa Trung Hoa từ một nước có nền quốc phòng không mạnh trở thành đất nước có lực lượng quân sự hiện đại trên thế giới. Tại các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Anh, Pháp... kinh tế quốc phòng là một lĩnh vực phát triển rất mạnh, sinh lợi cao nhưng không do lực lượng vũ trang thực hiện, mà do kinh tế tư nhân thực hiện như các ngành kinh tế khác. Ví dụ như ở Pháp, doanh nghiệp tư nhân EADS bảo đảm sản xuất mọi loại vũ khí, máy bay quân sự, tên lửa sử dụng vào mục đích quốc phòng. Hay ở Mỹ, Tập đoàn tư nhân Lockheed Martin cũng chế tạo những vũ khí hàng không, vũ trụ cho mục đích quốc phòng. Quân đội không làm kinh tế, mà chỉ tập trung vào nhiệm vụ luyện tập để trở thành những đội quân tinh nhuệ, sức chiến đấu cao. Tại VN, kinh tế quốc phòng là lĩnh vực khu vực dân sự không được thực hiện, mà phải do lực lượng vũ trang thực hiện. Nếu không cho quân đội làm kinh tế quốc phòng thì sẽ không phát triển được công nghệ và kinh tế quốc phòng. Vấn đề được đặt ra là quân đội làm kinh tế theo cơ chế nào và hạn chế trong phạm vi nào thì phù hợp. Hơn nữa, cần tìm lộ trình hợp lý để thực hiện, tạo nên hướng đi mạch lạc trong nhiệm vụ hiện đại hóa quân đội ta và sử dụng đất quốc phòng đúng mục đích, hiệu quả cao. Việc thứ nhất có thể làm là quân đội không tham gia các hoạt động dịch vụ kinh doanh “sinh lời” trong phạm vi khối kinh tế dân sự đang làm. Các doanh nghiệp quân đội sẽ được cổ phần hóa để trở thành các doanh nghiệp dân sự thông thường và đất quốc phòng đang sử dụng cũng được trả về cho địa phương quản lý. Việc tiếp theo là các doanh nghiệp quốc phòng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế quốc phòng theo một cơ chế đặc thù, không lấy tiêu chí “sinh lời” riêng làm trọng tâm. ■ Quy định về chuyển đất quốc phòng sang sử dụng vào mục đích kinh tế Đất quốc phòng thuộc loại đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, không được tham gia thị trường bất động sản. Việc chuyển đất quốc phòng sang sử dụng vào mục đích khác phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Theo quy định tại điểm đ và e, khoản 1 điều 57 và điều 59 LĐĐ 2013, việc chuyển đất quốc phòng sang sử dụng vào mục đích kinh tế phải được phép của UBND cấp tỉnh. Theo điều 173 LĐĐ 2013, các tổ chức sử dụng đất quốc phòng không được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với đất đang sử dụng cho người khác. Việc chuyển quyền sử dụng đất phải được thông qua cơ chế Nhà nước thu hồi đất quốc phòng và giao đất cho người khác sử dụng, phù hợp với quy định có thu tiền hoặc không thu tiền sử dụng đất. Tags: Đất quốc phòngSử dụng đất quốc phòngQuản lý đất quốc phòng
Quốc hội Hàn Quốc yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật DUY LINH 03/12/2024 Rạng sáng 4-12 (giờ địa phương), Quốc hội Hàn Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Tổng thống Yoon Suk Yeol dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật.
Chính thức: Nghỉ 9 ngày liền dịp Tết Nguyên đán 2025 HÀ QUÂN 03/12/2024 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có thông báo chính thức về việc nghỉ Tết Nguyên đán 2025.
Tổng thống Hàn Quốc ban bố lệnh thiết quân luật khẩn cấp BÌNH AN 03/12/2024 Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tối 3-12 đã ban bố tình trạng thiết quân luật, cáo buộc phe đối lập âm mưu nổi loạn.
Lê Tuấn Khang chỉ đang diễn và khán giả trẻ quá dễ dãi? THƯỢNG KHẢI 03/12/2024 'Mình xin lỗi nhưng mình coi mà thấy nhạt quá. Có lẽ vì không phải là người miền Tây nên không hiểu được'; 'Cộng đồng mạng có làm quá không?'... là những bình luận độc giả gửi về Tuổi Trẻ Online.