Đất và người vùng miền núi phía Bắc: Dựng lại trên những gì?

NGUYỄN THU QUỲNH 01/10/2024 15:54 GMT+7

TTCT - Sau khi những cơn lũ và sạt lở đất quét qua làng, rồi đây các cộng đồng người dân tộc thiểu số sẽ đứng lên bằng gì?

Đất và người vùng miền núi phía Bắc: Dựng lại trên những gì? - Ảnh 1.

Xã Hồ Bốn Mù Cang Chải sau trận lũ tháng 8-2023. Ảnh: Nguyễn Việt Cường

Trong căn nhà tuềnh toàng ghép bằng những tấm ván mới xẻ, bào sơ qua, thứ tài sản duy nhất là mấy cái nồi và mấy cái bát, em bé 1 tuổi hai má đỏ au tóc vàng hoe nằm say ngủ. Em bé người Mông say ngủ ở bản tái định cư Hồng Nhì Pá, xã Lao Chải được cha mẹ cõng chạy thoát cơn lũ quét kinh hoàng cuốn qua cả ba xã Lao Chải, Khao Mang, Hồ Bốn của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) vào ngày 5-8-2023.

Tổng cộng 700 căn nhà bị ảnh hưởng, hỏng 200km đường, ba xã cô lập hoàn toàn - không điện, không nước, không sóng điện thoại. Điều cứu được những bản làng dọc theo bờ suối chạy dọc ba xã hôm ấy chỉ là may mắn: cơn lũ và sạt lở bắt đầu khi trời vừa chập tối, đủ để người dân nhìn thấy dòng nước bùn lũ đen sì đổ về. 

Nhưng cũng trong cơn mưa lũ kinh hoàng, hai em bé ở Khao Mang không có được may mắn ấy, đất đá lở xuống vùi lấp hai em đang ngủ say khi bố mẹ đi nương chưa về.

Đó mới chỉ là một phần nỗi tang thương khủng khiếp do mưa lũ, sạt lở ở các vùng chủ yếu là người dân tộc thiểu số sinh sống ở những dãy núi cao mà năm nào cũng xảy ra, không ở bản làng này thì ở bản làng khác. Và với miền núi phía Bắc, năm ngoái dù sao cũng vẫn còn may mắn hơn năm nay - đến giờ vẫn chưa thể thống kê hết thiệt hại sau cơn bão số 3.

Đất và người vùng miền núi phía Bắc: Dựng lại trên những gì? - Ảnh 2.

Chú thích: Sạt lở sau bão số 3 ở thôn Tả Suối Câu, xã A Lù, Bát Xát, Lào Cai 19-9-2024 Ảnh: Đỗ Trọng Hiệp

Đã qua những ngày bão táp, câu hỏi lâu dài hơn là sau khi những cơn lũ và sạt lở đất quét qua làng, rồi đây người dân tộc thiểu số sẽ đứng lên bằng gì? Và những đứa trẻ, các em sẽ làm gì đây sau này lớn lên?

Mấy năm nay tôi đi miền núi phía Bắc liên tục, leo lên những bản làng cheo leo, những con đường mòn trên núi cao nhất của Mù Cang Chải - nơi chỉ có những bản làng người Mông cho đến các huyện Sa Pa, Bát Xát (Lào Cai) tới những làng người Dao, người Mông, người Hà Nhì ở hay Bình Liêu, Quảng Ninh có người Dao sinh sống… 

Tôi quan sát miền núi ở nhiều góc độ khác nhau, phỏng vấn nhiều nhân vật khác nhau, từ các cán bộ địa phương (cấp huyện, cấp xã, thôn bản), người dân (ở cả các nhóm nghèo vốn chiếm đa số ở các nhóm dân tộc thiểu số miền núi và một số rất ít các hộ nhạy bén làm kinh tế giỏi), chuyên gia kinh tế và chuyên gia khảo sát các hiện tượng như sạt lở, lũ quét… và đọc hàng chục báo cáo đã được công bố.

Một miền núi lãng mạn và một miền núi bi kịch

Tiếc là, người miền núi sở hữu cảnh quan đẹp hùng vĩ, những ruộng bậc thang tạo tác kiến trúc kỳ vĩ bậc nhất đất nước lại hầu như chưa được hưởng lợi từ những tài sản vô giá mà người dưới xuôi vẫn gọi là "view triệu đô" đó. Tiếc là, đối diện với một miền núi mộng mơ lãng mạn là một miền núi bi kịch với chồng chồng lớp lớp nguy cơ.

Tất cả những miền đất tôi vừa kể trên, bước vào mùa khô, mùa thu hoạch hay mùa hoa đào trước Tết đều đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh, nơi những bậc thang lúa, bậc thang mây, núi rừng phủ hoa trải dài ngút mắt. 

Nhưng những cơ hội triệu đô ấy phần lớn mới ở dạng tiềm năng chưa thành tiền tươi thóc thật, mà lũ quét, sạt lở lại là hiện thực thường trực, sẵn sàng ụp xuống vào mùa mưa, chỉ là không biết vào lúc nào.

Bước ra khỏi bản khu tái định cư Hồng Nhì Pá cheo leo trên đỉnh núi, điều thấy ngay chưa phải là những cánh đồng ruộng bậc thang ngút mắt, sóng lúa dập dờn của xã Lao Chải mà là những mảng núi trơ trọi vẫn còn nguyên vết tích lở loét sau lũ quét và sạt lở từng mảng.

Để trả lời được câu hỏi ấy, theo cách kinh điển nhất trong phân tích về phát triển ở các cộng đồng là đánh giá các nguồn lực trong sinh kế, chủ yếu xoay quanh các nguồn lực tự nhiên, vật chất, tài chính, con người và tài sản xã hội (mạng lưới xã hội, khả năng tham gia các tổ chức xã hội khác nhau). 

Phân tích tất cả các nguồn lực sẽ là quá sức trong bài viết này, nhưng hai nguồn vốn chính có thể phân tích sâu là vốn tự nhiên (chủ yếu là rừng - nguồn lực vừa là nguồn vốn tự nhiên, là nguồn lực đảm bảo không gian sống an toàn, vừa là bệ đỡ tinh thần, là cội rễ văn hóa) và vốn con người.

Khi nhìn vào và thảo luận về các nguồn lực phát triển cho vùng dân tộc thiểu số ở miền núi, sau khi lấy cơ hội trừ đi thách thức, lấy điểm mạnh trừ đi điểm yếu, tôi e rằng không thể tránh được rất nhiều nỗi lo lắng về miền núi. Dù gì chúng ta cũng phải phân tích dựa trên bằng chứng.

Đất và người vùng miền núi phía Bắc: Dựng lại trên những gì? - Ảnh 3.

Chú thích: Sạt lở sau bão số 3 ở thôn Tả Suối Câu, xã A Lù, Bát Xát, Lào Cai 19-9-2024 Ảnh: Đỗ Trọng Hiệp

Đầu tiên là về rừng. Điều chúng ta tự hào là độ che phủ tốt (hơn 42%) không khỏa lấp được con số rừng giàu đóng tán chỉ chiếm 4,6% tổng độ che phủ rừng, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) .

Điều ấy có ảnh hưởng gì trong bối cảnh các thảm họa như lũ quét, sạt lở đất ngày càng tăng? Vai trò của rừng giàu đa dạng sinh học trong giảm lũ lụt, lũ quét đã được phân tích, có thực nghiệm và được công nhận từ hàng nửa thế kỷ nay. Về vai trò của rừng trong phòng chống sạt lở, khoảng chục năm trở lại đây có nhiều báo cáo ghi nhận. 

Tiêu biểu, báo cáo của FAO về vai trò của rừng trong phòng tránh sạt lở đã nhận xét: rừng có đa dạng sinh học, rừng giàu thường liên quan đến tái sinh tự nhiên có thể làm tăng độ ổn định của độ dốc cao hơn rừng với cây độc canh và ở cùng một độ tuổi.

Báo cáo lưu ý rằng không thể nhìn thấy ngay hệ quả của việc suy giảm rừng giàu, rừng tự nhiên lên các thảm họa như lũ quét, sạt lở, có thể nhiều năm sau đó mới thấy hệ quả và rồi hệ quả tiếp tục kéo dài hàng chục năm cho đến khi phục hồi được hệ sinh thái rừng giàu. 

Chẳng hạn, riêng với sạt lở đất, lở đất bắt đầu gia tăng khi rễ cây mục nát vào khoảng ba năm sau khi phá rừng và khả năng bị tổn thương vẫn ở mức cao cho đến khoảng 15 năm khi rễ của rừng tái sinh trưởng thành.

Đất và người vùng miền núi phía Bắc: Dựng lại trên những gì? - Ảnh 4.

Một mảng sạt lở ở xã Hồ Bốn, Mù Cang Chải - có thể nhìn thấy những mảng sạt lở lớn này bất kỳ đâu ở các xã Lao Chải, Khao Mang, Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải sau cơn lũ tháng 8-2023.

Về xu hướng sẽ còn gia tăng các thảm họa lũ quét sạt lở, chúng ta không có số liệu theo thời gian với khung thời gian dài cho thấy xu hướng ở riêng Việt Nam nhưng có số liệu chung của châu Á. 

Dữ liệu cho thấy tần suất lở đất gây tử vong hoặc ảnh hưởng đến người dân ở châu Á đã tăng hơn 5 lần kể từ những năm 1970 - 2009 (thậm chí số người tử vong do các vụ lở đất do lượng mưa gây ra ước tính cao hơn khoảng 6 lần so với các vụ lở đất do động đất gây ra). Các tính toán này còn chưa tính đến hiện tượng thời tiết cực đoan gần đây, hệ quả của biến đổi khí hậu đang đến ngày càng nhiều.

Trong khi khôi phục hệ sinh thái đòi hỏi quá trình rất dài thì miền núi lại đang đối diện với ngày càng nhiều nguy cơ, chủ yếu từ sạt lở và lũ quét chồng chập và các nguyên nhân rất phức tạp. 

Hiện nay, ngoài bản đồ, chưa có các dữ liệu chung, khảo sát theo khung thời gian dài cho cả bức tranh tổng thể về xu hướng lũ lụt sạt lở cũng như bóc tách mọi nguyên nhân với tất cả các điểm ở miền núi phía Bắc, nhưng tìm các phân tích ở một số điểm giúp chúng ta hình dung được nguy cơ rất lớn và đang ngày càng tăng.

Chẳng hạn, một nghiên cứu, mới xuất bản đầu năm 2024, phân tích 226 điểm dễ xảy ra lũ quét và 452 điểm dữ liệu lịch sử để dự đoán xác suất xảy ra lũ quét và xây dựng bản đồ nguy cơ lũ quét từ 2013-2022 ở huyện Mường La (Sơn La) cho thấy khu vực được phân loại là "có khả năng xảy ra lũ quét cao" và "rất cao" trong giai đoạn 2013-2022 tăng lên 11,7% so với giai đoạn 2001-2010.

Nghiên cứu cũng cho thấy nguyên nhân có thể đến từ việc thay đổi mục đích sử dụng đất, làm giảm độ che phủ đất như nạn phá rừng, đô thị hóa hoặc các hoạt động nông nghiệp làm gia tăng lũ quét... 

Trong khi các thông số về mật độ che phủ thực vật giảm đi, cho thấy thảm thực vật thưa thớt hoặc đất cằn cỗi, làm giảm khả năng hấp thụ nước và tăng nguy cơ xảy ra dòng chảy bề mặt và lũ quét thì ngược lại, các thông số cho thấy diện tích xây dựng tăng, khiến các khu vực này dễ bị lũ quét hơn do dòng chảy tích tụ nhanh chóng khi có mưa lớn.

Nhìn ở khía cạnh khác như giao thông - yếu tố căn bản nhất trong loạt hạ tầng "điện, đường, trường, trạm" với miền núi, có nghiên cứu đánh giá các nguy cơ lũ lụt với giao thông Tây Bắc quốc lộ 6 - trục đường chính đi lên Tây Bắc - cho thấy hiện trạng phức tạp, nguy cơ với trục giao thông huyết mạch của Tây Bắc này rất cao.

Nghiên cứu này thu thập dữ liệu về các vị trí lũ quét và trượt lở đất trong ba năm 2017, 2018, 2019, gồm 88 điểm lũ quét và 235 điểm trượt lở trên trục đường 115km, tập trung vào phạm vi 3km dọc trục đường nghiên cứu. 

Tổng cộng diện tích có "nguy cơ cao và rất cao" là 60,44% (trong đó 44,89% diện tích nằm trong vùng nguy cơ "rất cao", 15,55% diện tích có nguy cơ "cao"). Trước hàng loạt nguy cơ như vậy, làm sao biết trước để tránh?

Đất và người vùng miền núi phía Bắc: Dựng lại trên những gì? - Ảnh 5.

Sạt lở ở xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, Yên Bái sau cơn bão số 3. Ảnh: Thu Quỳnh

Trước những nguy cơ còn chưa bộc lộ hết ấy, các địa phương, hầu hết đều là tỉnh nghèo, huyện nghèo, dù dốc hết sức lực, vẫn cần hỗ trợ rất lớn từ ngân sách trung ương để chạy đuổi khắc phục hậu quả của suy giảm hệ sinh thái rừng, của lũ quét và sạt lở ngày càng trầm trọng.

Năm nay chưa có nhiều số liệu và chưa tổng kết được hậu quả của mưa lũ, sạt lở nhưng riêng năm 2023, chỉ với Mù Cang Chải, chỉ một trận lũ 5-8-2023 đã khiến huyện này thiệt hại 100 tỉ (bằng ⅔ con số thu ngân sách năm 2023 của huyện là 150 tỉ đồng). 

Việc khắc phục, cơ bản nhất là tìm nơi ở mới, xây dựng nhà ở cho các hộ đã bị hỏng nhà cửa hoặc có nguy cơ mất an toàn cũng rất khó khăn. Hồng Nhì Pá là một trong hai khu tái định cư tập trung mà huyện Mù Cang Chải thu xếp san ủi được sau trận lũ (mỗi khu chỉ có thể ở tập trung được hơn 10-15 hộ), còn lại phải tìm các điểm tái định cư xen kẹp chứ quỹ đất cũng không có nhiều.

Trong chuyến công tác năm ngoái, tôi trao đổi với GS.TS Đỗ Minh Đức và các chuyên gia Viện địa công nghệ và môi trường, Trường ĐH KHTN, ĐHQG Hà Nội ngay tại Mù Cang Chải khi ông lên đánh giá nguy cơ sạt lở ở đây. Cả giáo sư Đức và các cán bộ địa phương đều đánh giá nếu xu hướng lũ quét, sạt lở gia tăng, việc thu xếp để di dời người dân đến chỗ an toàn sẽ ngày càng khó khăn hơn do quỹ đất eo hẹp, giải phóng quỹ đất rộng cần nguồn ngân sách quá lớn. 

Những đề xuất quy mô lớn "tập trung khối lượng đủ lớn dân cư để đảm bảo an toàn tái định cư cho cả thôn hoặc xã chẳng hạn" sẽ cần tới kinh phí từ trung ương. Riêng việc xử lý được một số khối trượt hiện vẫn đang tồn tại ở ngay tại thị trấn Mù Cang Chải cũng vượt quá khả năng của huyện hoặc của tỉnh. 

Chỉ một huyện đã như vậy, hãy hình dung tái định cư, tái cấu trúc không gian sống của người dân tộc thiểu số ở miền núi ra khỏi các khu vực nguy cơ cần nhiều thời gian và nguồn lực tài chính khổng lồ tới mức nào.

Từ quá khứ đến tương lai

Đi tìm một không gian đủ an toàn, ổn định vẫn còn khó khăn, vậy cơ hội phát triển kinh tế ở những vùng này sẽ như thế nào?

Muốn biết tương lai ra sao, cần nhìn về nguồn lực trong quá khứ. Khi rừng giàu đa dạng sinh học suy giảm, những huyền thoại về miền núi giàu có trù phú tài nguyên giờ đây đã xa xôi. Vào những năm 2010, gần 2/3 dân số các nhóm dân tộc thiểu số ở vùng Tây Bắc sống dưới mức nghèo khổ và khoảng 42% sống dưới mức nghèo khổ cùng cực.

Người nghèo ở vùng này cũng nghèo hơn nhiều so với người nghèo dân tộc thiểu số ở các vùng khác. Khoảng cách nghèo đói ở nhóm này gần gấp ba lần người nghèo dân tộc thiểu số khác và gấp khoảng 10 lần người nghèo Kinh/Hoa. Ở thời điểm đó, các nhà nghiên cứu đánh giá người nghèo dân tộc thiểu số ở vùng núi Tây Bắc là người nghèo nhất theo bất kỳ thước đo nào về nghèo đói.

Sau khoảng 10 năm, quả thực cũng có những nhóm khá hơn lên nhưng khi xét đến sự phát triển của một cộng đồng thì đa phần các nhóm dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc không có tài sản gì nhiều, các nhóm dân tộc thiểu số ít người ở vùng sâu vùng xa có tỉ lệ nghèo và cận nghèo lên tới 70%, thậm chí ở một số dân tộc còn là 80% và tỉ lệ nghèo cùng cực vẫn là 45,5% (tụt lại quá xa so với người Kinh/Hoa, có tỉ lệ nghèo cùng cực chỉ là 2,9%).

Đất và người vùng miền núi phía Bắc: Dựng lại trên những gì? - Ảnh 6.

Sùng Thị Dua trong căn nhà mới được chính quyền trợ cấp, dựng lại ở bản Hồng Nhì Pá, xã Lao Chải, Mù Cang Chải. Nhà cũ bị sạt lở phải di dời khẩn cấp. Chỗ nồi niêu xoong chảo đó là tất cả tài sản Dua mang được từ nhà cũ qua.

Trước tình cảnh khó khăn khi làm nông nghiệp ngày càng không đủ sống, nguồn lợi từ rừng ít ỏi, một chiến lược sinh kế của người dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc những năm gần đây là di cư tìm việc làm ở đô thị mặc dù đây cũng là một con đường chẳng dễ dàng, bởi họ không có trình độ và kỹ năng, thường chỉ làm được các công việc phi chính thức, bấp bênh, đồng lương rẻ mạt. 

Gần đây một số tính toán của các nhà kinh tế cho thấy bằng chứng rõ ràng về quyết định di cư của lao động làm nông nghiệp chịu ảnh hưởng từ sức ép môi trường, cho thấy rõ mối quan hệ nhân quả giữa các hiện tượng thời tiết cực đoan bao gồm mưa rất lớn, nóng hoặc lạnh cực đoan với xu hướng di cư.

Một nghiên cứu khác, phân tích dữ liệu từ Điều tra tiếp cận nguồn lực của hộ gia đình trong cả nước, cho thấy trong khoảng 10 năm gần đây, những nơi chịu lũ lụt ngày càng thường xuyên hoặc nghiêm trọng hơn, thì người dân thường di cư nhiều hơn, cứ rủi ro lũ lụt tăng lên thì số người di cư lâu dài sẽ tăng lên. Đặc biệt, "các xã nơi lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn hoặc nghiêm trọng hơn trong thập kỷ qua cũng có lượng di cư nhiều hơn đáng kể", nghiên cứu kết luận.

Còn nhìn về nguồn lực con người cho tương lai, thật bất định khi học sinh các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất ít có khả năng đi học nhất. Đơn cử, trong các dân tộc, dân tộc Mông có tỉ lệ trẻ em ngoài nhà trường (khái niệm trẻ em ngoài nhà trường: đúng ra trẻ phải theo học một cấp học nào đó nhưng không đi học ở cấp học đó) ở cấp THCS cao nhất gấp gần 7 lần mức trung bình của cả nước. Tỉ lệ không chuyển cấp ở dân tộc Mông cũng cao nhất, gần gấp 3 lần so với các dân tộc khác. 

Học vấn thấp sẽ khiến các em sau này càng ít cơ hội vươn lên thoát nghèo. Trong khi bằng chứng nghiên cứu từ nhiều nước đã chứng minh mỗi năm đi học giúp tăng thu nhập thêm 8-10%, ngược lại cứ giảm mỗi 1/3 năm học thì thu nhập trong đời người bị giảm 3%.

Hãy nhìn lại những phát hiện khoa học khác - tạm gọi là về tính di truyền của kiếp nghèo - về khả năng vươn lên thay đổi vận mệnh của con cái phụ thuộc rất nhiều vào trình độ hiểu biết của cha mẹ. 

Trong cùng một điều kiện kinh tế - xã hội thì khả năng vươn lên, chuyển đổi nghề nghiệp của người con trong gia đình có bố là lao động tay chân kém so với người có bố là lao động trí óc tới 17 lần. Đặt trong bối cảnh các cú sốc thiên tai ngày càng nhiều và trình độ học vấn thấp hơn hẳn so với các nhóm khác thì thế hệ sau của người dân tộc thiểu số càng ít có cơ hội thay đổi số phận.

Nơi ta đặt vào một tia hy vọng

Vậy có cách nào phát triển được cộng đồng dân tộc thiểu số ở miền núi? Giả sử vượt qua được những khó khăn ở trên để có môi trường sống an toàn, thì cách thức nào hỗ trợ những người miền núi có trình độ học vấn rất thấp phát triển kinh tế được? Tôi cố gắng nhìn vào những trường hợp "điển hình tiên tiến" từng gặp ở các bản làng miền núi.

Quả thực đã có một số nhóm có chất lượng sống tốt hơn, có những thanh niên thoát nghèo, những anh giám đốc cần mẫn phát triển được doanh nghiệp nhỏ bé từ tri thức bản địa và cảnh quan độc đáo (chủ yếu gồm nông sản, dược liệu, homestay du lịch). Họ vừa có khả năng học tập vừa được sự hướng dẫn chặt chẽ của những nhóm phát triển cộng đồng.

Nhưng những tấm gương ấy vẫn còn quá ít, ở mỗi xã tôi đến chỉ điểm được dăm bảy người như vậy và họ cũng trày vi tróc vảy mới phát triển được. Bởi, dù ngay cả khi có cùng xuất phát điểm, như trình độ học vấn, thì cũng giống như người Kinh ở thành phố hay đồng bằng, các nhóm người dân tộc thiểu số khởi nghiệp sản xuất hay kinh doanh đều mắc vào đủ các vấn đề. 

Từ phân tích SWOT về các nguồn lực sinh kế hộ gia đình (hoặc nhóm hộ, HTX) đang có, phát triển sản phẩm độc đáo, đánh giá thị trường, tìm đầu ra, quảng bá ra thị trường, kết nối nhân lực đến những chiến lược marketing bán hàng rất cụ thể như đánh giá đối thủ, chào hàng ở đâu, làm thế nào nổi bật và khác biệt, hay đơn giản như thiết kế cái vỏ hộp sản phẩm như thế nào cho ấn tượng, nhắm trúng khách hàng mục tiêu… tất thảy đều thách thức với bất kỳ hộ kinh doanh/HTX nào.

Bước vào thị trường, không ai mua bán bằng tình thương, bằng cứu trợ như cách Nhà nước và các tổ chức vẫn cứu trợ miền núi mỗi mùa mưa. Thị trường mua bán nhờ vào sản phẩm chất lượng cao và ổn định, nhờ chiến lược tiếp thị khôn ngoan độc đáo. 

Chứng kiến các nhóm dân tộc thiểu số khởi nghiệp từ vốn gần như 0 đồng tôi mới biết có cả trăm điểm vướng mắc cần đến người hướng dẫn, từ cách thức nghiên cứu sản phẩm tri thức tộc người, chuyển đổi những sản vật, công thức đặc trưng của tộc người thành sản phẩm công nghiệp đạt quy chuẩn vào thị trường đến vay mượn, quản lý dòng tiền… tất thảy đều xa lạ với người miền núi.

Đất và người vùng miền núi phía Bắc: Dựng lại trên những gì? - Ảnh 7.

Khu tái định cư ở bản Hồng Nhì Pá, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, mới được xây dựng sau trận lũ 5-8-2023

Trong điều kiện như thế, nếu chỉ bằng cái nhìn quá giản đơn, cho rằng hỗ trợ một vài chương trình vay vốn, hỗ trợ ở quy mô hộ gia đình trồng cây gì nuôi con gì là xong cả một chuỗi dài thị trường đằng đẵng, ai làm?

Để biến những thế mạnh có sẵn về cảnh quan, sản phẩm độc đáo… thành tiền đòi hỏi phải đầu tư. Người miền núi sẽ đầu tư như thế nào khi kiến thức quản lý bằng không, nguồn lực tài chính rất ít ỏi, rào cản ngôn ngữ quá lớn? Người hướng dẫn nào, doanh nghiệp nào đồng hành với những người mà tiếng Kinh còn chưa thạo như vậy và sẵn sàng bỏ tới 10-20 năm đồng hành?

Một trong những người hướng dẫn hiếm hoi có tiếng là gan lì với miền núi, am hiểu miền núi nhờ xuất thân từ người thiểu số ở miền núi như PGS.TS Trần Văn Ơn (ĐH Dược, sáng lập DK Pharma) mà lặn lội cả cuộc đời cũng chỉ hỗ trợ được cho hơn hai chục nhóm thiểu số để phát triển dược liệu kết hợp du lịch ở miền núi, trong đó cũng chỉ có 1/3 nhóm thành công tốt, 1/3 ở mức trung bình và 1/3 rất chật vật để sống sót. 

Đó là chưa kể cứ "đụng" vào những thứ ông không rành, như thuế má chứng từ, kiến trúc, xây dựng nhà xưởng, ông phải mời ngay nhóm khác có chuyên môn lên hỗ trợ.

Nếu không có ít vốn liếng, kiến thức và khả năng học hỏi hay người hướng dẫn sát sao, đa phần người dân tộc thiểu số chỉ có thể tiếp tục bán sức lao động, dù di cư hay trên quê hương mình, ở những công đoạn đơn giản nhất.

Điều đó đòi hỏi những chương trình phát triển miền núi, vừa quyết tâm lớn đến độ giải quyết được hết những nguy cơ rủi ro cho đến đầu tư dài hơi bền bỉ để phát triển miền núi từ những nhóm thiểu số, bằng cách nâng cao tri thức từ người lớn đến học sinh đang trên ghế nhà trường, bằng cách cầm tay chỉ việc, bằng hàng trăm buổi học, bằng hỗ trợ nghiên cứu phát triển sản phẩm, hỗ trợ quản trị tài sản trí tuệ, cần đến mạng lưới hàng trăm mentor từ nhà lý thuyết khởi nghiệp, lý thuyết quản trị cho đến những chủ doanh nghiệp dày dặn trận mạc, vay vốn và quản trị dòng tiền…

Ai sẽ lặn lội làm điều đó, cho miền núi? 

Ở Việt Nam chúng ta ít thấy các nghiên cứu thực nghiệm, nhưng trên thế giới hiệu quả của rừng trong việc ổn định ở khu vực dốc được chứng minh bằng dữ liệu thực nghiệm về sạt lở sau khi phá rừng đột ngột.

Chẳng hạn, một trong những nghiên cứu đầu tiên đánh giá tác động của việc chặt phá rừng đối với sạt lở đất đã xem xét dữ liệu từ đông nam Alaska. Cả tần suất và diện tích cộng dồn của các trận lở đất đều tăng mạnh sau khi khai thác gỗ (bắt đầu tăng 2-3 năm sau khi khai thác gỗ, trùng với thời điểm rễ cây bị mục nát và rễ không còn cố kết được đất).

Tần suất các trận lở đất và dòng chảy đất đá tăng đáng kể trong 9 năm cho đến khi thảm thực vật rừng được phục hồi. Diện tích chịu tác động của sạt lở đất trong giai đoạn này lớn hơn 5 lần so với diện tích bị lở đất ước tính trong giai đoạn 100 năm trước khi khai thác gỗ.

Rõ ràng, giữ được rừng đa dạng sinh học là điều tối quan trọng với miền núi. Nhìn chung rừng giàu với đa dạng cây và rễ sâu đan bện dày đặc làm giảm được lũ quét sạt lở đất, giúp gia cố đất (dù với các trận sạt lở sâu và rất lớn do mưa quá lớn liên tục hay động đất thì vai trò của rừng cũng bị hạn chế).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận