Đầu năm khai bút

QUẾ VIÊN (TỪ COPENHAGEN) 20/02/2014 05:02 GMT+7

TTCT - “Năm mới tới đây Con xin tỏ bàyChúc cha mẹ được nhiều sức khỏePhận làm con mỗi lúc một hay”.

Nét văn hóa truyền thống này được lưu giữ và phát triển ngay trong giới trẻ là điều đáng mừng - Ảnh: T.T.D

Đó là những câu thơ mà cách đây đã lâu tôi thấy một gia đình người Việt tôi quen cho các con viết vào ngày mồng một tết. Ông chủ gia đình giải thích đó là truyền thống khai bút đầu năm từ ông nội các cháu.

Nếp nhà

Trong gia đình tôi, theo lời mẹ tôi thì ông ngoại tôi khai bút không phải vào ngày mồng một mà là mồng hai, theo kiểu nhà nho xưa.

Sau khi thắp hương, đốt trầm, ông viết một bài thơ chữ Hán, thường là thất ngôn tứ tuyệt rồi bảo các cháu nội, ngoại viết những câu như: “Tân niên khai bút, bút khai hoa, Vạn sự giai thành phú quý đa, Đa tử đa tôn, đa phúc lộc, Đắc tài đắc lợi, đắc danh gia” bằng chữ quốc ngữ để lấy may đầu năm.

Tôi sinh sau đẻ muộn nên chỉ được thấy cảnh cha tôi khai bút khi còn nhỏ. Ngày mồng một tết, ông dậy sớm, pha một ấm trà rồi lấy giấy đỏ, bút lông, mực tàu ra viết câu đối.

Thường là những câu đối cổ cho ngày Tết Nguyên đán như “Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ. Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường”, hay “Nhất gia thiên tứ bình an phúc. Tứ hải nhân đồng phú quý xuân”... rồi sau đó có viết gì thì viết.

Ngoài một vài đôi câu đối để dán nhà, số còn lại ông dành tặng họ hàng, bạn bè thân thiết đến chúc tết. Cha tôi chữ tốt nên trong năm người quen hay đến nhờ viết hộ liễn đối, trướng, hoành phi, cả bài vị để thờ cúng, nhưng cách ông viết chữ khai bút đầu năm thì khác hẳn.

Sau bao nhiêu năm tôi vẫn chưa quên vẻ trịnh trọng của ông, từ trải những mảnh giấy đỏ được rọc cẩn thận, mài thỏi mực trong cái nghiên bằng đá, đặt những đồng tiền cắc đánh dấu vị trí các từ sẽ viết trên tờ giấy, tới đặt bút. Dường như đối với ông, những giây phút này có ý nghĩa thiêng liêng nào đó, như những dòng chữ đầu tiên của ngày đầu năm có thể đem lại một năm mới bình an, hạnh phúc cho gia đình.

Truyền thống còn đó

Sau khi cha tôi mất ít năm, cuộc sống cũng đã dễ dàng hơn, ngày cuối năm, mồng một tết, tôi hay ra đầu chợ Vườn Chuối xem ông cụ người Hoa viết chữ cho khách hàng. Thường người ta nhờ ông viết những chữ như “Xuân”, “Phúc” để dán lên cặp dưa hấu hay những câu “Ngũ phúc lâm môn”, “Tân xuân vạn phúc”, “Tân niên vạn hạnh” dán cửa.

Ông cụ là công chức hưu trí, biết chữ Hán nên đến tết đặt quầy để “tặng chữ” vì như ông nói “chữ thánh hiền không bán được”. Nói là tặng cũng không sai vì ông cụ hầu như chỉ lấy tiền giấy mực, lại phải bỏ công ngồi cả buổi.

Bẵng đi vài năm, tôi quay lại chợ tết thì không thấy ông cụ nữa. Nơi ông cụ đặt quầy viết chữ trong mấy ngày tết giờ có một cái sạp khá lớn, bày bán chữ in sẵn trên giấy láng nhưng nhiều nhất là hình “Phúc Lộc Thọ”, hình những đứa trẻ bụ bẫm (theo tiêu chuẩn ngày nay là thừa cân!) mặc đồ kiểu Trung Quốc, tay ôm trái đào hay cầm tờ giấy viết câu “Gong xi fa cai”.

Có thể ông cụ đã run tay không viết được nữa, cũng có thể người ta thích những tấm hình màu sắc rực rỡ đó hơn là những từ mà chẳng mấy ai biết đọc. Cũng không có gì lạ, từ mấy chục năm trước Vũ Đình Liên đã than “giấy đỏ buồn không thắm, mực đọng trong nghiên sầu” rồi.

Biết vậy nhưng tôi vẫn tiếc cái cảnh mỗi khi có khách, ông cụ nhẹ nhàng đặt mảnh giấy, cẩn thận dầm cây bút lông vào nghiên mực rồi thận trọng viết chữ “Phúc” lên mảnh giấy đỏ, như thể nét chữ ấy sẽ thật sự đem lại những điều tốt lành trong năm mới cho chủ nhân.

Giờ đây mỗi khi xuân về lại thấy những ông đồ hiện đại viết câu đối, cho chữ bằng quốc ngữ. Nhưng trong số những người đến xin chữ hẳn không ít người xem đó như một bức tranh, một món trang trí đẹp cho ngày tết hơn là có gắn với một ý nghĩa thiêng liêng nào đó. Còn trẻ em thời @ thì khó có chuyện ngày tết ngồi vào bàn viết vài câu chữ khai bút lấy hên cho năm mới.

Thời tôi học cấp I, bạn bè thường kháo nhau là nếu ngày đầu năm mà mở vở ra chép bài, làm toán thì sẽ học giỏi cả năm. Nhưng đa số thường... quên vì còn mải nghĩ tới chuyện được đi coi hát, nhận tiền lì xì, ăn quà vặt.

Nhưng tôi tin là truyền thống khai bút thì vẫn còn đó. Thay cho mực nho, giấy đỏ là những câu chúc mừng năm mới qua e-mail, trên Facebook trong những ngày đầu năm vì tinh thần của khai bút là nghĩ tới những điều tốt đẹp cho một năm mới, một sự khởi đầu mới cho bản thân và những người thân yêu của mình.

Và khi lòng thanh thản mà nghĩ tới những điều tốt đẹp trong ngày đầu năm, khi mọi lo toan thường nhật tạm thời lắng xuống, thì viết chữ, đi xin chữ hay mở máy tính viết một câu mừng năm mới đều là niềm vui và hạnh phúc cho mỗi người.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận