Giờ đây sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra ở hầu hết các thời điểm trong năm với diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, khác hẳn với thực tế trước đây, chỉ 6 tháng mùa mưa (tháng 5 đến tháng 10 âm lịch) mới thường xảy ra sạt lở bờ sông và 6 tháng mùa khô (tháng 11 đến tháng 4 âm lịch) xảy ra sạt lở bờ biển. Sạt lở bờ sông tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Mậu Trường Nhìn những đợt sóng biển hung tợn đánh tung bọt vào cả giường ngủ ngay giữa tháng 10-2018, bà Nguyễn Thị Loan, ngụ ấp Cầu Muống, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, thở dài: “Ông trời ngày càng khó đoán, chưa đến mùa gió chướng (gió mùa Đông Bắc) mà sóng đã mạnh như vậy, không biết khi gió chướng về sẽ như thế nào, chắc lại phải dời nhà lần nữa”.Dời nhà 3 lần vẫn chưa yênÔng Huỳnh Khôi, phó chủ tịch UBND xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh, Kiên Giang, cho biết: Tuyến đê biển của xã dài 4,8km, từ Vàm Kim Quy, xã Vân Khánh đến Vàm Tiểu Dừa, ấp Cây Gõ tiếp giáp xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Tại đây có 42 hộ dân được nhận khoán đất rừng phòng hộ sinh sống, nhưng được cảnh báo có nguy cơ sạt lở. Hiện các đai rừng từ chân đê ra biển chỉ còn 20-40m, thậm chí có những đoạn bị sóng biển xâm thực sâu đến chân đê, làm sập nhà dân. Anh Nguyễn Văn Út, một trong nhiều hộ có nhà bị sập do sạt lở, kể: “Tôi đã di dời nhà 3 lần rồi, giờ không còn đất nên không biết đi đâu đành cất nhà tạm trên đê quốc phòng dù rất lo sợ, ăn ngủ không yên”.Theo người dân ấp Kim Quy B, xã Vân Khánh, huyện An Minh, trước kia nơi đây là khu vực nuôi trồng thủy sản rộng lớn dưới tán rừng phòng hộ, nhưng hiện tại phải hứng chịu những cơn sóng tàn phá nặng nề. Hai năm nay, xâm thực biển đã cuốn trôi hàng trăm hecta đất nuôi trồng thủy sản gần bờ và tuyến rừng phòng hộ. Bà Hồ Thị Ngó chỉ về mé biển: “Chỗ còn mấy cái cây đưa lên là rừng phòng hộ cách chân đê hơn 1,5km nhưng giờ biển đã lấn vào làm đứt chân đê rồi”.(Nguyễn Thái Bạo)“Sống trước miệng hà bá”Chuyện “lại dời nhà” của bà Loan đã lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua. Chỉ tay ra hướng biển, nơi có căn chòi được cất nổi trên mặt nước như nhà sàn cách bờ khoảng 100m dùng để canh bãi nghêu, bà Loan cho biết trước đây căn nhà của gia đình bà nằm ngoài đó, rộng rãi, khang trang. Nhưng đều đặn mỗi năm, bờ biển bị sạt lở mất vài mét cho đến một ngày căn nhà bị hà bá nuốt chửng. Từ đó, gia đình bà phải quen dần với việc di dời chỗ ở để tránh sạt lở. “Cứ nhà nào dời đi, bỏ lại nền đất trống nhắm chừng còn ở được là vợ chồng tôi lại dọn vào để ở. Ở được lúc nào hay lúc đó chứ giờ có còn lựa chọn nào khác đâu” - bà Loan nói.Căn nhà hiện tại mà vợ chồng và người mẹ già hơn 80 tuổi của bà Loan đang sống nằm sát mé biển. Những lúc sóng lớn, nước tràn vào nhà cuốn theo rác rến tấp đầy chân giường, bếp nấu... Nhưng điều khiến bà lo lắng hơn cả là sự khó lường của thiên nhiên. Cách đây nửa tháng, một trận thủy triều lớn xô nước tràn vào nhà khiến gia đình bà trở tay không kịp, đồ đạc bị nhấn chìm. Đất đai không có, bà Loan mở một tiệm tạp hóa nhỏ bán đồ cho người đi biển kiếm sống qua ngày. Trường hợp của bà Loan cũng là tình cảnh của 47 hộ dân ở ấp Cầu Muống, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông.Còn tại Bến Tre, vụ sạt lở mới nhất xảy ra cách đây khoảng hai tháng khiến hai căn nhà đựng ngư cụ của người dân bị cuốn trôi xuống sông, nhiều căn nhà xung quanh phải di dời khẩn cấp.Gia đình ông Nguyễn Văn Viễn (62 tuổi) ngụ ấp 5, xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, từ khi xảy ra vụ sạt lở đến nay, phải dọn qua ở cùng với người con gái. Căn nhà cũ bỏ không, nằm chênh vênh bên bờ sông Bà Khoai. Con đường chạy ngang nhà ông Viễn bị trôi tuột xuống sông theo vụ sạt lở nên người dân ở phía trong cũng mất luôn đường đi.Cạnh nhà ông Viễn là căn nhà xập xệ của bà Phạm Thị Kiều Thu (52 tuổi). Trước đây, căn nhà của bà nằm phía ngoài sông Bà Khoai. Sau vụ sạt lở khiến toàn bộ căn nhà, của cải bị cuốn mất, bà phải cất nhà nhờ trên đất của người khác để sinh sống bằng nghề đưa đò. “Không có gì đảm bảo rằng chỗ tôi đang ở cách bờ sông khoảng 20m sẽ an toàn. Giờ sống ở bờ sông, bờ biển như sống trước miệng hà bá” - bà Thu nói.Sạt lở không chỉ diễn ra ở những vùng bờ biển nơi thường xuyên có sóng lớn, ngay các con sông nhỏ cũng bị sạt lở. Mới đây, vụ sạt lở bờ sông Mỏ Cày, thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam khiến cuộc sống hàng chục hộ dân bị đảo lộn. Căn nhà bị sạt lở mất hai phần xuống sông, phần còn lại nằm cheo leo trên bờ là chỗ nương thân của năm người trong gia đình bà Tạ Thị Kim Anh kể từ sau vụ lở đất ngày 16-6. Phần lớn vật dụng trong nhà đã bị sông nhấn chìm.Hiện có 70 hộ dân sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở ven sông Mỏ Cày. Năm 2013, hơn 70 hộ dân này nhận được quyết định thu hồi đất làm công trình bờ kè. Đến nay, sau 5 năm, công trình vẫn chưa triển khai vì thiếu vốn nên phần lớn hộ dân vẫn sống cuộc sống thấp thỏm.Cố bám trụ và luôn sống thấp thỏm (Ảnh: Mậu Trường)Cố bám trụ để mưu sinhCửa biển Vàm Xoáy (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) là một trong những “điểm nóng” sạt lở của tỉnh Cà Mau. Nhiều năm qua, do sạt lở, nhiều người đã bỏ nhà đi nơi khác. Bà Lý Thị Mấy (ấp Kênh Đào Đông, xã Đất Mũi) là một trong nhiều hộ dân sống lâu năm ở cửa biển Vàm Xoáy, chỉ tay về hướng biển, than: “Nhiều xác nhà vẫn còn nằm đó, có căn biến mất. Mùa mưa bão đêm, không ai dám cho con nít ngủ ngoài này vì sợ bị lọt xuống biển, mà gửi nhà người thân phía trong vàm. Gần 30 năm sống ở đây tôi dời nhà hơn ba lần”.Ông Nguyễn Văn Phúc (nhà giáp biển Đông, ấp Chợ Thủ B, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển) lo lắng: “Hiện vuông tôm tôi cách bờ biển chừng 40m. Khu vực này nếu năm nào mưa bão nhiều thì sạt lở đến 50m, mưa ít sạt lở chừng 30m. Tôi về đây sống năm 2003. Vuông tôm tôi liền kề với 4 vuông tôm khác và ngoài bờ biển còn rừng phòng hộ. Nhưng từ đó đến nay sóng biển đánh mất rừng và 4 miếng vuông liền kề của 4 hộ dân đã bỏ xứ đi. Không biết vuông tôm tôi chịu qua được năm nay không. 15 năm nay khu vực tôi ở sạt lở khoảng 400m”.Khu vực cửa biển Bồ Đề (xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn) cũng là một trong những điểm bị sạt lở nhiều của Cà Mau. Ông Nguyễn Thanh Phương sống ở đây cho biết: “Khoảng tháng 10 hằng năm là mấy nhà ở đây nước ngập lênh láng. Trước đây từ khu vực này ra còn một đoạn rừng phòng hộ nữa, giờ đã hoàn toàn biến mất”.Ông Nguyễn Quốc Em, trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Tam Giang I, cho biết tốc độ sạt lở bình quân hằng năm vào sâu 50m, có những nơi sạt lở tới 70m/năm. Tại khu vực tái định cư Bắc Bồ Đề thuộc ấp Bỏ Hủ, 70 hộ dân nơi đây đang muốn di dời.Khu vực ven biển Tây giáp tỉnh Kiên Giang cũng tương tự. Tại vàm Tiểu Dừa (xã Khánh Tiến, huyện U Minh) giáp ranh tỉnh Kiên Giang, một chiến sĩ biên phòng phụ trách khu vực này chỉ tay về phía biển còn một lỏm đất và một hai căn nhà, cho biết trước đây khu vực này còn có ba căn nhà nữa nhưng hiện tại đã sạt hết xuống biển. Trong khi đó, tại khu dân cư Tiểu Dừa, nơi bố trí tái định cư cho những hộ dân ven biển, cũng rất ít người dân trụ lại. Theo một người dân, do ở xa biển nên dù được dời vào đây nhưng họ khó sinh sống, vẫn phải trở lại biển để đánh bắt, chài lưới.Ảnh: Chí QuốcMỗi năm mất 400 - 500ha đất rừngNgày 12-10, làm việc với đoàn công tác trung ương về việc sơ kết 5 năm thực hiện nghị quyết số 24 của BCH Trung ương Đảng về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh này, ông Nguyễn Tiến Hải, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng ảnh hưởng tới địa phương ngày càng nhanh hơn, mạnh hơn và tác động trên diện rộng hơn. Nghiêm trọng nhất là tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông. Diễn thế rừng ngập mặn Cà Mau không còn đúng theo quy luật nữa. Cây rừng không thể tái sinh, lấn biển mà diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp. Hằng năm tỉnh Cà Mau mất khoảng 400 - 500ha rừng phòng hộ do sạt lở. Có 5 điểm sạt lở tại cửa biển Hố Gùi (huyện Năm Căn) bị sóng biển đánh mất đến 200m đất, ăn sâu vào đất liền.Theo ông Hải, biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đông đảo đời sống người dân địa phương. Để ứng phó, Cà Mau đã quy hoạch lại dân cư, quy hoạch lại sản xuất nhưng gặp khó về nguồn lực. Hỗ trợ từ trung ương cho biến đổi khí hậu còn nhỏ giọt, không đáp ứng yêu cầu. Trong việc ứng phó sạt lở bờ biển, cần làm đồng bộ nhưng hiện nay chỉ tiến hành làm từng đoạn, làm đoạn này thì sạt điểm kia. Ông Hải kiến nghị có cơ chế thông thoáng hơn, trong đó có những việc cần giao địa phương thực hiện, chẳng hạn cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất.■Chi hàng trăm tỉ đồng chống sạt lởÔng Nguyễn Hữu Lập, phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết tình trạng sạt lở ở các tỉnh miền Tây nói chung và Bến Tre nói riêng thời gian qua diễn biến rất phức tạp và khó lường. Trước đây, đến mùa mưa mới xảy ra sạt lở bờ sông, kênh rạch, đến mùa gió chướng thì mới sạt lở bờ biển, rừng phòng hộ. Nhưng vài năm gần đây, sạt lở bờ biển và bờ sông, kênh rạch xảy ra bất cứ thời điểm nào trong năm.Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 138km. Trong đó, sạt lở bờ sông 104 điểm, tổng chiều dài khoảng 118km, gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của hàng trăm hộ dân. Sạt lở bờ biển 8 điểm, tổng chiều dài khoảng 19km và lấn sâu vào trong đất liền (trung bình hằng năm 10-15m) làm mất trên 120ha đất và 54ha rừng phòng hộ ven biển.Dù nguyên nhân đã được các nhà khoa học, chuyên gia và các ngành chức năng đưa ra như tình trạng khai thác cát sông quá mức, nước biển dâng... nhưng giải pháp căn cơ đến nay vẫn chưa có. Hiện hầu hết các tỉnh vẫn hướng đến giải pháp công trình. Đối với 5 điểm sạt lở nghiêm trọng tại Bến Tre, mới đây Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ vốn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 để thực hiện 3 dự án xử lý sạt lở khẩn cấp, bao gồm: kè chống sạt lở cồn Phú Đa - Phú Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, kinh phí 40 tỉ đồng; kè giảm sóng bảo vệ bờ biển khu vực Cồn Ngoài, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, kinh phí 40 tỉ đồng và kè giảm sóng bảo vệ bờ biển khu vực Cồn Bửng, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú với kinh phí 70 tỉ đồng.Còn tại Tiền Giang, ông Nguyễn Thiện Pháp, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão tỉnh, cho biết từ năm 2010 - 2017 tỉnh Tiền Giang xử lý 545 điểm sạt lở bờ sông, bờ kênh với tổng chiều dài khoảng 26km, kinh phí 154 tỉ đồng. Riêng trong 7 tháng đầu năm 2018 đã xảy ra 67 điểm sạt lở với chiều dài hơn 6,7km, dự kiến kinh phí xử lý hơn 50 tỉ đồng.Mậu Trường Gia tăng bệnh mớiNói về nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) của ngành y tế tại hội nghị đối thoại cấp cao về BĐKH ở Hà Nội ngày 10-10, đại diện Bộ Y tế khẳng định: BĐKH làm gia tăng các dịch, bệnh mới.Dẫn báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế cho rằng BĐKH là một trong những mối đe dọa sức khỏe toàn cầu lớn nhất. Ước tính hằng năm trên thế giới, BĐKH góp phần làm gia tăng gánh nặng nhiều bệnh tật như 3,5 triệu người tử vong do suy dinh dưỡng, 2,2 triệu người tử vong do tiêu chảy, khoảng 900.000 người tử vong do sốt rét, khoảng 60.000 người tử vong do sốc nhiệt và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Ngoài ra, WHO cũng cảnh báo từ năm 2030 - 2050, BĐKH sẽ làm tăng khoảng 250.000 trường hợp tử vong/năm.Theo Bộ Y tế, VN là một trong những nước bị tác động lớn của BĐKH. “Các nghiên cứu ở VN cho thấy BĐKH đã làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh sốt xuất huyết, tiêu chảy, tay chân miệng và tăng tỉ lệ nhập viện, nhất là ở người già, trẻ em. Khi nhiệt độ tăng 1 độ C, tăng 3,4-4,6% số trẻ nhập viện, tăng 7-11% nguy cơ mắc sốt xuất huyết, tăng 5,6% nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng, tăng 1,5% số ca tiêu chảy”. Chưa hết, theo Bộ Y tế, chính những thay đổi các điều kiện khí hậu có nguy cơ làm gia tăng các dịch, bệnh mới nổi như cúm A H5N1, H1N1, bệnh Zika, và trong tương lai có thể còn có thêm nhiều bệnh mới do tác động từ BĐKH.Cũng theo Bộ Y tế, dù nhận diện được thực tế tác động từ BĐKH ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, gia tăng bệnh tật, nhưng quá trình triển khai các nhiệm vụ ứng phó với BĐKH của ngành y tế gặp nhiều thách thức. Vì vậy, rất cần một chương trình hành động tổng thể. Bộ này đề nghị Ban liên chính phủ về BĐKH, các tổ chức quốc tế hỗ trợ Bộ Y tế triển khai các dự án về thích ứng với BĐKH trong lĩnh vực y tế. Trong đó tập trung: xây dựng hệ thống quốc gia về dự báo, cảnh báo sớm tác động của BĐKH tới sức khỏe; triển khai các mô hình cộng đồng và cơ sở y tế thích ứng BĐKH để dự phòng và bảo vệ sức khỏe theo các kịch bản BĐKH và nước biển dâng; đề nghị các bộ cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu về BĐKH, bố trí đủ kinh phí đảm bảo cho ngành y tế thực hiện được các nhiệm vụ ứng phó với BĐKH một cách tổng thể.XUÂN LONG Tags: Sạt lởĐồng bằng sông Cửu LongBiến đổi khí hậuDânDân mất đất
Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII TTXVN 25/11/2024 Sáng nay 25-11, tại trụ sở Trung ương Đảng đã khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Mưa lớn, tháng 11 mà Huế ngập nặng, sập một căn nhà NHẬT LINH 25/11/2024 Mưa lớn ở Thừa Thiên Huế đã khiến một nhà dân bị sập làm 2 người bị thương, nhiều đường ở TP Huế bị ngập sâu, không thể đi lại.
Đang giao lưu trực tuyến: Những điểm mới về chuyển tuyến, chi trả bảo hiểm y tế TUỔI TRẺ ONLINE 25/11/2024 Dự kiến đầu tuần tới Quốc hội sẽ xem xét dự luật Bảo hiểm y tế sửa đổi với nhiều điểm mới như khám, chữa bệnh tại nhà được bảo hiểm chi trả...
Nhà Trắng im ắng cả tháng sau bầu cử, ông Biden và bà Harris đang ở đâu? THANH HIỀN 25/11/2024 Ông Biden dường như đang giữ khoảng cách với truyền thông, bà Harris nghỉ phép để dành thời gian bên gia đình.