TTCT - Ngay cả khi COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, đại dịch đã khiến các quốc gia khắc ghi bài học về tự chủ vắc xin. Bên trong nhà máy vắc xin mới của Hilleman ở Singapore. Ảnh: Liên hợp Tảo báoNgay cả khi COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, đại dịch đã khiến các quốc gia khắc ghi bài học về tự chủ vắc xin. Các nhà sản xuất vắc xin cũng đang tìm cách mở rộng hoạt động để linh hoạt hơn trong chuỗi cung ứng phòng khi đại dịch tiếp theo xảy ra.Rõ ràng hai nhu cầu này "cùng tần số", vấn đề là các nước có nắm bắt được không, hay nói cách khác, có thuyết phục được các nhà sản xuất vắc xin lớn chọn mình làm điểm đến hay không.Vị thế chiến lược của SingaporeNgày 15-11 vừa qua, Hilleman Laboratories - liên doanh giữa hãng dược MSD (Mỹ) và quỹ từ thiện Wellcome Trust (Anh) - khai trương nhà máy sản xuất quy mô lớn, rộng gần 3.000m2 ở Singapore.Nhà máy trị giá 27 triệu USD này có thể "sản xuất vắc xin giá phải chăng cho các bệnh thông thường và dễ dàng chuyển đổi sang sản xuất vắc xin mới cho đại dịch kế tiếp", theo báo Straits Times. Đây là một phần của kế hoạch đầu tư đến 80 triệu USD vào Singapore của Hilleman Laboratories. Ngoài nhà máy còn có trung tâm nghiên cứu và phát triển vắc xin giá trị cao và sản phẩm biologic (thuốc sinh học) cho Singapore và các nước thu nhập thấp và trung bình.Trước đó, hồi tháng 5 Công ty công nghệ sinh học Thermo Fisher Scientific (Mỹ) cũng khai trương nhà máy vô trùng và đóng lọ (filling) vắc xin ở Singapore, thực hiện cam kết đầu tư đưa ra từ tháng 10-2020.Hilleman Laboratories và Thermo Fisher Scientific là hai cái tên xuất hiện trong bài viết tự hào điểm lại thành tích thu hút đầu tư của các hãng dược và nhà sản xuất vắc xin của Chính phủ Singapore cách đây tròn một năm trên báo Straits Times. Theo đó, ba cái tên còn lại là Sanofi, BioNTech, và MSD. Trong đó, MSD (Mỹ) đã mở hai cơ sở sản xuất vắc xin và biologic ở Singapore từ tháng 10-2022. Nhà máy dự kiến của Sanofi (Pháp) có thể sản xuất đồng thời 3-4 loại vắc xin khác nhau, còn BioNTech dự kiến bắt đầu sản xuất nhiều loại vắc xin mRNA mới và thuốc điều trị các bệnh truyền nhiễm và ung thư.Phối cảnh nhà máy Sanofi ở Singapore. Ảnh: SanofiStraits Times cho rằng đây là thành tích đáng tự hào, nếu biết rằng trước COVID-19, số nhà máy sản xuất vắc xin thành phẩm ở đảo quốc sư tử là con số 0 tròn trĩnh. Đó cũng là trái ngọt cho những nỗ lực của Ban Phát triển kinh tế (EDB) trong hai năm, từ tháng 10-2020 đến tháng 10-2022, nhằm mời chào các công ty sẵn sàng phát triển và sản xuất vắc xin tại Singapore.Với năm nhà máy - sản xuất từ vắc xin sống giảm độc lực "truyền thống" đến vắc xin công nghệ mRNA tiên tiến nhất hiện nay - Singapore sẽ có khả năng cung ứng đến hơn 1 tỉ liều vắc xin mỗi năm. Straits Times nhận định việc mở rộng đầu tư của các nhà sản xuất không có gì ngạc nhiên khi họ đang muốn tăng tính linh hoạt trong sản xuất và chủ động trong ứng phó trước các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai.Singapore là ví dụ điển hình khi một quốc gia và một công ty có cùng lợi ích cuối cùng thực sự "gặp nhau". BioNTech cho rằng lập nhà máy vắc xin tại Singapore sẽ mang lại "khả năng sản xuất phản ứng nhanh cho Đông Nam Á nhằm giải quyết các mối đe dọa đại dịch tiềm tàng". Đồng ý kiến, bà Goh Wan Yee - phó chủ tịch phụ trách y tế của EDB - cho biết quyết định đặt cơ sở sản xuất vắc xin ở Singapore của các công ty dược hàng đầu phù hợp với các nỗ lực của chính phủ nhằm tăng cường sức mạnh và khả năng phục hồi của Singapore với các đại dịch.Nhưng tại sao Singapore có thể đi từ 0 đến 5? Giáo sư Benjamin Seet - phó giám đốc Cơ quan Y tế quốc gia, trưởng ban chỉ đạo điều phối vắc xin COVID-19 của đảo quốc này - cho biết quy mô dân số nhỏ được các công ty dược nhận định là một lợi thế của Singapore. Dân số nhỏ nên nhu cầu nội địa sẽ nhanh chóng được đáp ứng và năng lực sản xuất còn lại sẽ hỗ trợ nhu cầu khu vực hoặc xa hơn nữa.Các cường quốc vắc xin mới nổiTìm một chỗ đứng trong tự chủ vắc xin khó như thế, vậy một số cường quốc vắc xin là nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ đã đảm bảo năng lực sản xuất vắc xin của họ như thế nào? Đây là chủ đề bài viết của Pascal Barrollier, giám đốc thông tin và tương tác của Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), hồi tháng 10.Với Ấn Độ, hoạt động sản xuất vắc xin của nước này bắt đầu thay đổi ngoạn mục từ đầu thế kỷ 20 với việc tự sản xuất vắc xin phòng bệnh tả và bệnh dịch hạch để đáp ứng nhu cầu trong nước. Theo Barrollier, thành công của quốc gia hiện sản xuất 1/3 lượng vắc xin cho thế giới đến từ ý chí chính trị mạnh mẽ, hệ thống quy định minh bạch cho toàn chuỗi giá trị, đầu tư vào khoa học và giáo dục và trở thành đối tác tin cậy của các tổ chức đa phương quan trọng như UNICEF. Các nhà sản xuất vắc xin ở Ấn Độ rất tích cực đến các thị trường nước ngoài để tìm khách hàng mới. Họ cũng nỗ lực nâng cấp công nghệ để đáp ứng các yêu cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nước và tham gia vào nỗ lực cung cấp vắc xin toàn cầu của Liên Hiệp Quốc.Nhân viên trước khi vào phòng thí nghiệm sản xuất vắc xin Covishield tại Viện Huyết thanh của Ấn Độ ở Pune ngày 22 tháng 1 năm 2021. Ảnh: AFP Trung Quốc cũng là điển hình thành công trong tự lực vắc xin. Nhờ thị trường nội địa rộng lớn, Trung Quốc triển khai chương trình tiêm chủng quốc gia bằng ngân sách, đảm bảo đơn hàng giúp các nhà sản xuất vắc xin non trẻ trong nước xây dựng năng lực.Nước này rất coi trọng việc xây dựng chính sách và liên tục cập nhật các quy định về vắc xin để kiểm soát chất lượng ngày càng tốt hơn. Từ năm 2011 đến 2020, Trung Quốc đã ban hành hoặc cập nhật 22 quy định quan trọng và nguyên tắc hướng dẫn về quản lý sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, vận chuyển và triển khai, giám sát các phản ứng phụ… của vắc xin.Cùng công thức thành công như Trung Quốc, Ấn Độ là Brazil. Chương trình Tiêm chủng quốc gia (NIP) của Brazil với tỉ lệ bao phủ cao đã tạo uy tín cho ngành sản xuất vắc xin trong nước. Ngược lại, ngành sản xuất vắc xin - được hưởng các chính sách khuyến khích phát triển của nhà nước - là trụ cột cung ứng vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng. Từ năm 1988, Brazil xem tiêm chủng là một quyền công dân và cho phép người dân được tiêm chủng miễn phí. Khi đã vững mạnh trong thị trường nội địa, Brazil tham gia thị trường vắc xin toàn cầu và trở thành đối tác cung ứng vắc xin của WHO.Tác giả kết luận kinh nghiệm từ các quốc gia đã xây dựng thành công ngành sản xuất vắc xin trong nước có thể cung cấp những hiểu biết sâu sắc có giá trị cho các nền kinh tế mới nổi khác. Đó là tầm quan trọng của việc "có ý chí chính trị mạnh mẽ và bền vững, khung chính sách chặt chẽ với sự phân công lao động và trách nhiệm rõ ràng, hành lang pháp lý khuyến khích phát triển công nghệ và xây dựng năng lực địa phương, cũng như thiết lập các thông lệ và chuẩn mực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế". Theo một báo cáo hồi tháng 10-2022, hãng tư vấn quản trị McKinsey khuyến nghị để có thể tiến tới tăng cường năng lực về vắc xin, các quốc gia cần phát triển một hệ sinh thái tổng hợp, có khả năng cân bằng giữa nhu cầu hiện tại, áp lực ngắn hạn và mục tiêu dài hạn.Cụ thể, các nhà quản lý y tế cần đề ra những mong muốn cụ thể về mục tiêu đảm bảo cung ứng vắc xin của đất nước khi có đại dịch. Sau đó, đánh giá tổng quan khả năng đáp ứng hiện tại bằng cách lấy đại dịch COVID-19 làm cơ sở. Chẳng hạn, để tạo ra phản ứng miễn dịch ngắn hạn, một quốc gia với dân số 40 triệu người sẽ cần hơn 80 triệu liều (nếu là vắc xin hai liều) và khả năng triển khai là hơn 3 triệu liều/tuần để tiêm cho người dân trong vòng sáu tháng. Trên cơ sở xem xét các điểm yếu, điểm mạnh, những lỗ hổng trong hệ sinh thái vắc xin hiện tại, các quốc gia đưa ra chiến lược xây dựng năng lực và huy động nguồn lực phù hợp. Câu chuyện chính sách từ Trung QuốcTrong một bài báo công bố trên tập san bình duyệt Human Vaccines & Immunotherapeutics tháng 12-2021, hai tác giả Guanjie Wang và Mingli Shao - cùng làm việc tại Trường quản trị kinh doanh, Đại học Dược Thẩm Dương - đã điểm lại sự phát triển của ngành vắc xin Trung Quốc trong thập niên qua từ góc nhìn khoa học quản lý dược phẩm.Theo đó, trong giai đoạn 2011-2020, mỗi năm ở Trung Quốc có 769,66 triệu liều vắc xin được tiêm và việc sản xuất vắc xin cũng được đánh giá là ổn định. Trong 10 năm này, Trung Quốc triển khai thêm 14 vắc xin mới, trong đó có 6 vắc xin phát triển nội địa. Các tác giả đánh giá đây là thành quả của việc Trung Quốc không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan cũng như cải thiện chất lượng và tiêu chuẩn vắc xin.Thay đổi về mặt chính sách đáng kể nhất là việc ban hành Luật quản lý vắc xin năm 2019, nhằm hỗ trợ nghiên cứu vắc xin, chuẩn hóa toàn bộ quy trình quản lý nghiên cứu và phát triển, sản xuất và lưu hành vắc xin. Đây là luật đầu tiên trên thế giới được thiết lập cụ thể riêng cho vắc xin. Theo luật, việc giám sát vắc xin sẽ bao gồm toàn bộ quá trình từ phát triển, sản xuất, phân phối đến tiêm chủng. Luật cũng áp đặt các hình phạt cứng rắn - những người có sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nặng nề hơn, theo Tân Hoa xã.Ngoài ra, Trung Quốc còn chính thức áp dụng Luật Quản lý dược phẩm sửa đổi cùng hai quy định về quản lý vắc xin và đăng ký thuốc từ tháng 7-2020. Theo hai tác giả, nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ hoạt động R&D và sản xuất liên quan đến vắc xin đa bệnh (multi-disease) và đa trị (multi-valent), do được chính phủ khuyến khích, nhất là liên quan đến hỗ trợ tài chính. Đến cuối tháng 7-2021 có 65 nhà sản xuất vắc xin đăng ký với Cục Quản lý sản phẩm y tế quốc gia. Tags: Vắc xinSức khỏeSản xuất vắc xinNhà máy vắc xin
Cục CSGT lý giải việc bỏ quy định người dân được giám sát qua ghi âm, ghi hình HỒNG QUANG 09/10/2024 Thông tư số 46/2024 mới ban hành bỏ việc người dân được giám sát thông qua hình thức bằng thiết bị ghi âm, ghi hình với cảnh sát giao thông.
Dân Florida hối hả sơ tán, gia cố nhà cửa trước siêu bão Milton MINH KHÔI 09/10/2024 Tổng thống Mỹ Joe Biden khẩn thiết kêu gọi người dân sơ tán bão Milton, với sức gió tối đa hiện đã lên đến 270km/h.
Nhập khẩu điện gió từ Lào với giá 6,4 cent/kWh NGỌC AN 09/10/2024 Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định phê duyệt khung giá nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam, áp dụng từ ngày 31-12-2025.
Xe chết máy trên cầu, kẹt xe 8km trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây MINH HÒA 09/10/2024 Hàng ngàn xe bị ùn ứ, nhích từng chút khó khăn trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, hướng từ nút giao An Phú đi cầu Long Thành.