Sẽ có nhiều điểm sáng trong năm 2015 dù các thách thức về cải cách cơ cấu, thể chế vẫn còn lớn. Năm 2014, Việt Nam bước vào năm thứ bảy của tăng trưởng chậm nhưng điểm tích cực nhất là kinh tế vĩ mô ổn định. Cái níu kéo đối với tăng trưởng chậm về mặt ngắn hạn là yếu kém của hệ thống ngân hàng. Trong dài hạn, đó là tái cấu trúc và câu chuyện chuyển đổi mô hình tăng trưởng vẫn chưa có kết quả.Báo cáo mới nhất của IMF về triển vọng kinh tế thế giới tháng 10-2014 cho thấy mấy đánh giá đáng chú ý:Một là, năm 2014 tăng trưởng của Việt Nam có cải thiện so với mấy năm trước, trong khu vực ASEAN, Việt Nam không còn là nước có tăng trưởng chậm nữa.Hai là, tăng trưởng có cải thiện nhưng thực chất vẫn chưa phải hoàn toàn “bình phục” - chúng ta chưa quay lại với tăng trưởng ở mức 7% mà vẫn dừng đâu đó dưới 6%. Năm 2015 Chính phủ cũng chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng là 6,2%.Những dấu hiệu hồi phụcXét về ổn định vĩ mô, lạm phát thấp là yếu tố tích cực nhất. Rất nhiều người thời gian vừa qua nói thành tích của Việt Nam là kiểm soát được lạm phát, nhưng trong năm 2014 không ít người nói lạm phát thấp (tính đến tháng 11 là 2,6% so với cùng kỳ) không phải là thành tích - lạm phát quá thấp không tốt cho nền kinh tế. Về mặt kinh tế, lạm phát thấp là dấu hiệu chứ không phải nguyên nhân của tăng trưởng chậm. Tăng trưởng chậm, sức cầu nội địa yếu, giá dầu giảm, giá hàng hóa khác tăng chậm nên làm lạm phát tăng chậm chứ không phải lạm phát thấp làm cho tăng trưởng chậm.Nhìn vào động lực thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2014 thì ở phía cung có hai yếu tố: sự phục hồi, tăng trưởng mạnh trở lại của công nghiệp chế biến và chế tạo (tăng trưởng giá trị gia tăng từ 5,2% năm 2012 lên 7,6% trong năm 2014); duy trì khai thác dầu thô mặc dù giá giảm (xuất khẩu dầu thô trong 11 tháng tăng 9,4% về lượng và 3,2% về giá so với cùng kỳ năm trước).Ở phía cầu cũng là hai yếu tố: Thứ nhất là sự cải thiện tiếp tục của cán cân xuất nhập khẩu trong khi mức tiêu thụ nội địa vẫn không tăng cao. Xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng ở mức 13% trong 11 tháng, của khu vực FDI là 14%. Thứ hai, mức đầu tư công đã được thúc đẩy tăng sau ba năm bị thắt chặt và được tài trợ bằng nguồn vốn tín dụng nhà nước hoặc Nhà nước đi vay.Do vậy, năm 2015 tăng trưởng kinh tế sẽ được tiếp tục cải thiện cho dù một số vấn đề về cải cách cơ cấu và thể chế khó khăn có thể sẽ được gác lại hoặc làm từ từ. Định hướng chính sách kinh tế vĩ mô trong năm 2015 về mặt tài khóa và tiền tệ là linh hoạt theo hướng hỗ trợ tăng trưởng để có tốc độ tăng GDP đạt 6,2% hoặc cao hơn. Nhưng muốn có tốc độ tăng trưởng tích cực hơn cũng đòi hỏi đóng góp nhiều hơn của khu vực doanh nghiệp.Điểm sáng trong năm 2014 có thể vẫn diễn ra trong năm 2015: đó là bức tranh về sản xuất công nghiệp sẽ được tiếp tục cải thiện. Nhưng nếu sản xuất công nghiệp chỉ có đóng góp chính từ khối FDI, trong khi sức khỏe của các doanh nghiệp tư nhân trong nước không được cải thiện mạnh thì chúng ta sẽ vẫn phải dựa nhiều vào Chính phủ để thúc đẩy đầu tư công. Vì vậy, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2015, ta phải quay lại bài toán giải quyết khó khăn cho khu vực doanh nghiệp dân doanh: thứ nhất là khu vực ngân hàng, thứ hai là môi trường kinh doanh và thứ ba là niềm tin kinh doanh.Môi trường kinh doanh đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ phía Chính phủ. Năm vừa qua đã có những chương trình hành động như giảm số giờ cho doanh nghiệp đóng thuế. Năm 2015, nếu Chính phủ cần mở rộng các lĩnh vực dịch vụ hành chính công khác và cả về cơ sở hạ tầng, logistics, dịch vụ vận tải..., gánh nặng trong điều hành nằm ở các ách tắc, khó khăn đó. Giải quyết ngay thì đây cũng sẽ là nỗ lực để cải thiện môi trường kinh doanh. Niềm tin từ các hiệp định thương mạiVấn đề niềm tin sẽ đến rất nhiều từ việc ký kết các hiệp định thương mại. Thời gian đàm phán đã tương đối với hai hiệp định chủ chốt là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU. Việc ký kết được một hay kết thúc cả hai hiệp định trong năm 2015 sẽ là yếu tố tạo niềm tin lớn nhất cho doanh nghiệp. Không chỉ thế, nó còn lồng ghép trong đó những cam kết cải cách, đổi mới kinh tế trong trung hạn cho Việt Nam.Tiếp theo nữa là câu chuyện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Trong năm 2014, việc đẩy mạnh cổ phần hóa đã được khởi động. Rất nhiều bộ ngành và địa phương đã tiến hành nhưng cần được tiếp tục, thậm chí cần tăng tốc trong năm 2015.Nếu như cuối năm 2013 chúng ta vẫn còn lo lắng rằng liệu năm 2014 tình hình có xấu hơn nữa không thì giờ chúng ta đã thấy nhiều tín hiệu sáng hơn. Đến cuối năm 2014, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng năm 2015 sẽ tích cực hơn năm 2014, nhưng tích cực đến mức độ nào? Thách thức đối với Việt Nam vẫn là quay lại với tốc độ tăng trưởng cao để cộng đồng doanh nghiệp, người lao động không còn vương vấn với câu chuyện bất ổn vĩ mô, bong bóng tài sản và kinh doanh khó khăn. Như thời kỳ 2004-2005, lúc đó không ai nghĩ tới chuyện vĩ mô bất ổn cả, mọi người lo làm ăn, tăng trưởng tốt - chúng ta phải làm sao để nhanh chóng trở lại. Tất nhiên, điều đó sẽ không thể có ngay trong năm 2015 bởi chúng ta vẫn đang trong chu kỳ tăng trưởng chậm. Khi chưa quay lại với tăng trưởng cao thì niềm tin kinh doanh sẽ vẫn còn yếu. Khi niềm tin yếu thì doanh nghiệp không sẵn sàng mở rộng đầu tư, kinh doanh mạnh.Thách thức cải cách ngân hàngQuá trình xử lý nợ xấu theo tình hình hiện nay sẽ phải mất nhiều thời gian. Định hướng chính sách trong năm 2015 vì vậy rất quan trọng. Thời gian qua các định hướng chính sách, các thông tư ban ra tạo sức ép để hệ thống ngân hàng tự điều chỉnh. Nhưng khi hệ thống ngân hàng không điều chỉnh được thì lại đình hoãn thực hiện các chính sách, hoặc đưa ra chính sách nhưng đợi tình hình tốt lên mới áp dụng. Ta đã có các tiêu chí để ngân hàng hoạt động an toàn thì các ngân hàng cần phải tuân thủ. Ngân hàng Nhà nước cần kiên quyết thực hiện theo lộ trình đã đưa ra.Không bỏ lỡ như WTOTa cần làm gì để các hiệp định thương mại lớn mà chúng ta sắp ký kết không trở thành cơ hội bị bỏ lỡ như từng xảy ra với WTO? Câu chuyện WTO có ba bài học:Thứ nhất là bài học mà rất nhiều nền kinh tế mở trải qua: khi hội nhập thì một sự kiện lớn như vậy sẽ tạo ra sự lạc quan trong giới đầu tư cả trong và ngoài nước. Từ nước ngoài là dòng vốn đổ vào, trong nước là tín dụng bung ra và sẽ tạo ra bong bóng. Đó là kinh nghiệm về quản lý vĩ mô, phải có cơ chế để xì hơi bong bóng khi nó hình thành.Bài học thứ hai là khó khăn ngắn hạn thường làm bộc lộ những yếu kém cơ cấu tồn tại từ trước của nền kinh tế, bất ổn vĩ mô làm những yếu kém nội tại bộc lộ rất rõ. Đó không phải là lỗi của hội nhập mà là yếu tố “đủ” khiến sự không hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, kể cả doanh nghiệp tư nhân đầu tư đa ngành mang tính đầu cơ lúc đấy mới bộc lộ.Bài học thứ ba là thực chất vào WTO rồi nhưng cách làm thì vẫn muốn giữ nguyên như trước. Ta nghĩ rằng WTO cho mình cơ hội mới để khai thác thị trường mới, có thêm nguồn vốn đầu tư mới nhưng lại vẫn muốn giữ nguyên cách làm việc cũ của mình. Rất nhiều cam kết chúng ta đưa ra nhưng cuối cùng chúng ta không làm. Như vậy là thật ra vào WTO nhưng chúng ta không cải cách. Trước WTO thì chúng ta đã cải cách rất nhiều để vào, nhưng khi vào rồi thì tốc độ cải cách lại chậm lại. Ba bài học từ lộ trình với WTO cần được nhìn lại.Trong năm 2015 nếu chúng ta bắt đầu một xuất phát điểm mới với các hiệp định FTA, bài học trong vấn đề điều hành vĩ mô là hàng đầu. Đấy là bài học cần luôn nhớ. Thậm chí có tăng trưởng chậm hơn, chúng ta cũng không thể hi sinh ổn định vĩ mô được. Hiện giờ khi các yếu kém bên trong đã bộc lộ, chúng ta vẫn tiếp tục phải tái cơ cấu, tái cơ cấu phải đi liền với cải cách thể chế.Chúng ta cần có cách làm khác với cách làm trong WTO. Việc vào TPP hay có EU-VN FTA để hội nhập, để có thêm thị trường, nhưng quan trọng hơn cần hiểu làm như vậy là để cải cách trong nước. Cải cách ở đây là trên cả hai hướng: hướng thứ nhất là sửa những yếu kém hiện tại về mặt cơ cấu, thứ hai là chuyển sang luôn một mô hình tăng trưởng mới.Mô hình đó là gì? Là Nhà nước tập trung vào cung cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng khuôn khổ pháp lý, thể chế vững mạnh và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi gắn với việc không ngừng cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhà nước không nhúng tay vào chuyện chọn ngành kinh tế, ưu tiên phát triển ngành này, không phát triển ngành kia - việc đó hãy để thị trường quyết định. Chúng ta tạo môi trường còn thị trường sẽ quyết định phát triển thế nào. Hiện nay ta vẫn nghe những phát biểu kiểu “nếu làm thép, luyện nhôm thì Nhà nước ưu đãi giá điện rẻ, để đóng tàu thì cho vay ưu đãi”. Cách làm như vậy cuối cùng vẫn sẽ làm thị trường trở thành méo mó.* Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Tags: TPP
Văn hóa giao thông: Không thể chỉ dựa vào phạt nặng cao vũ minh (Trường ĐH Kinh tế - luật) 11/01/2025 1483 từ
Phạm Nhật Minh Hoàng, con trai tỉ phú Phạm Nhật Vượng nắm nhiều vị trí tại thành viên Vingroup CÔNG TRUNG 15/01/2025 Ông Phạm Nhật Minh Hoàng (sinh năm 2000) là con trai thứ 2 của tỉ phú Phạm Nhật Vượng và bà Phạm Thu Hương. Dù chỉ mới 25 tuổi, ông Minh Hoàng đã giữ nhiều vai trò quan trọng trong các công ty thành viên thuộc Tập đoàn Vingroup.
Ông Yoon chịu thẩm vấn gắt gao, hơn 200 câu hỏi TRẦN PHƯƠNG 15/01/2025 Hãng tin Yonhap cho biết ông Yoon sẽ chịu thẩm vấn gắt gao tại trụ sở CIO sau khi bị bắt vào sáng 15-1.
Nhiều kênh truyền hình tại Việt Nam ngừng hoạt động THÀNH CHUNG 15/01/2025 13 kênh truyền hình của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC cùng kênh truyền hình VOV, truyền hình Nhân Dân chính thức ngừng phát sóng từ 15-1.
Ùn ứ nghiêm trọng trên đường Phạm Văn Đồng do đèn xanh 'hơi ngắn' MINH HÒA 15/01/2025 Sáng 15-1, hàng ngàn xe máy, ô tô bị ùn ứ nghiêm trọng trên đường Phạm Văn Đồng, hướng từ TP Thủ Đức đi quận Bình Thạnh, TP.HCM.