Để thất thoát tài nguyên là tội ác

VÕ VĂN THÀNH THỰC HIỆN 07/11/2009 19:11 GMT+7

TTCT - Đầu tuần này, dự thảo Luật thuế tài nguyên được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội. Qua thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng đã đến lúc Nhà nước hạn chế và hướng đến chấm dứt xuất khẩu tài nguyên thô để tránh tình trạng “ăn non” các loại tài nguyên không thể tái tạo của đất nước. Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, đại biểu quốc hội tỉnh tây ninh NGUYỄN ĐÌNH XUÂN nói:

Để thất thoát tài nguyên là tội ác

Ông Nguyễn Đình Xuân - Ảnh: Việt Dũng
TTCT - Đầu tuần này, dự thảo Luật thuế tài nguyên được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội. Qua thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng đã đến lúc Nhà nước hạn chế và hướng đến chấm dứt xuất khẩu tài nguyên thô để tránh tình trạng “ăn non” các loại tài nguyên không thể tái tạo của đất nước. Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, đại biểu quốc hội tỉnh tây ninh NGUYỄN ĐÌNH XUÂN nói:

>> Phải tăng thuế tài nguyên

-Tài nguyên khoáng sản không phải được hình thành trong một sớm một chiều mà có quá trình hàng trăm triệu năm trong lòng đất, trong đó có nhiều loại tài nguyên không thể tái tạo được như than, dầu khí... Đây lại là những loại tài nguyên không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế của bất cứ quốc gia nào. Chúng ta thường nói phát triển bền vững, vậy chúng ta phải để dành cho con cháu những nguồn tài nguyên thiết yếu cho sự phát triển lâu dài. Như vậy ngay từ bây giờ phải thay đổi cách ứng xử với tài nguyên.

* Như vậy cần đánh thuế cao những tài nguyên không tái tạo được, và đánh thuế đặc biệt cao đối với những tài nguyên sắp cạn kiệt?

- Đúng vậy. Giá than nội địa hiện khoảng 30-40 USD/tấn, giá bán ra nước ngoài là 80 USD/tấn nhưng đến năm 2013 chúng ta sẽ phải nhập khẩu than với giá dự báo trên 100 USD/tấn, và đến năm 2020 thì chúng ta hết sạch than. Như vậy phải xem lại việc xuất khẩu than, cần thiết thì cấm chứ không thể cho xuất để rồi về sau nhập giá cao hơn. Xuất khẩu ồ ạt mà không suy nghĩ là “ăn non”. Một số nước cạnh VN có trữ lượng than rất nhiều nhưng họ lại không khai thác hoặc hạn chế khai thác, mà chúng ta bán bao nhiêu họ mua bấy nhiêu. Họ mua để dự trữ và sau này sẽ bán lại cho chúng ta với giá cao hơn để kiếm lời. Chúng tôi đề nghị với loại tài nguyên than thì phải có một mức thuế rất cao, nếu cao tới mức làm nản lòng những nhà xuất khẩu thì càng tốt. Vì nếu chúng ta không xuất khẩu thì vẫn còn đó cho con cháu sử dụng với giá trị gia tăng cao hơn nhiều.

* Thưa ông, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng thuế là công cụ quan trọng góp phần vào quản lý, khai thác tài nguyên, nhưng không phải là tất cả khi cấm xuất khẩu mà vẫn có xuất lậu, cấm khai thác mà cứ khai thác, không được cấp phép mà cứ cấp phép...

- Bên cạnh việc cần thiết ban hành Luật thuế tài nguyên để quản lý tốt hơn, tôi cho rằng có mấy việc quan trọng cần làm ngay. Thứ nhất là điều tra cho được các loại tài nguyên của đất nước, có bao nhiêu mỏ, mỏ lớn mỏ bé ra sao, chất lượng thế nào, từ đó xem xét lại quy hoạch khai thác theo hướng không phải cứ có mỏ là cho khai thác. Ví dụ chúng ta muốn dùng loại khoáng sản này trong 50 năm thì phải quy hoạch và đưa ra định mức khai thác mỗi năm. Thứ hai, đối với những mỏ tài nguyên cho khai thác thì phải đấu thầu công khai nhằm tránh cơ chế xin cho, trục lợi, đồng thời phải quy định cả công nghệ khai thác. Thứ ba, phải xem việc thất thoát tài nguyên ra nước ngoài là một tội ác để có chế tài thật nặng.

* Có nhiều ý kiến cho rằng đất nước còn nghèo nên phải tận dụng tài nguyên thiên nhiên để phát triển?

- Chúng ta nên điều chỉnh tăng trưởng một cách hợp lý, dù có chậm một chút nhưng ổn định và bền vững, còn hơn tăng trưởng nhanh để rồi đến lúc nào đó không giải quyết nổi những bài toán về môi trường, năng lượng...

* Ông đồng tình với quan điểm đã đến lúc VN cấm xuất khẩu tài nguyên thô như phát biểu mới đây của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh?

- Về chủ trương thì nên như vậy. Với sự vận hành của Nhà máy Dung Quất và một số nhà máy khác trong tương lai, chúng ta nên hạn chế dần việc xuất khẩu dầu thô. Như vậy, để hạn chế dần và đi đến chấm dứt xuất khẩu tài nguyên thô, ngoài công cụ thuế hoặc quota xuất khẩu, VN phải có chính sách để phát triển công nghiệp tinh luyện, chế biến trong nước một cách đồng bộ.

* Tuy nhiên, việc cấm xuất khẩu tài nguyên thô không đơn giản, chẳng hạn khi Trung Quốc không xuất thép, hóa phẩm và các nguyên liệu thô khác thì Mỹ và EU đã đưa vấn đề ra WTO?

- Việc cấm xuất khẩu một vài loại nguyên liệu thiết yếu mà mình đang nắm giữ với số lượng lớn đến mức chi phối giá cả thị trường thế giới thì có thể bị xem là cạnh tranh không lành mạnh, nhưng tôi chưa thấy VN có loại tài nguyên như thế. Việc nước láng giềng đã và đang không xuất khẩu một số loại nguyên liệu thô mà họ có không ít là chuyện mà chúng ta phải suy nghĩ. Đã đến lúc phải có một chiến lược dài hơi, toàn diện về tài nguyên khoáng sản, chứ không chỉ ban hành Luật thuế tài nguyên.

* Dự thảo Luật thuế tài nguyên cũng đánh thuế vào tài nguyên rừng tự nhiên. Là giám đốc một vườn quốc gia, ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Gỗ, lâm sản chỉ là một phần của tài nguyên rừng tự nhiên và có thể tái tạo nên không cần có mức thuế cao, chỉ cần quản lý tốt là được. Tài nguyên có giá trị và đang bị xâm hại nhiều nhất chính là đất rừng, nhất là rừng tự nhiên. Khi bị chuyển đổi làm trang trại, đồn điền, thủy điện, resort thì rừng sẽ vĩnh viễn mất đi, lũ lụt, hạn hán sẽ gia tăng với thiệt hại gấp nhiều lần so với lợi nhuận mà các hoạt động đó mang lại. 

VÕ VĂN THÀNH thực hiện

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận