Đếm niềm vui, không đếm bàn thắng

TIẾN LONG THỰC HIỆN 05/06/2013 03:06 GMT+7

TTCT - Đây là khẩu hiệu mà Dự án bóng đá cộng đồng tại Việt Nam (Football For All in Vietnam - FFAV) do Na Uy triển khai trong 10 năm qua tại Thừa Thiên - Huế.

Phóng to
Trẻ em ở làng quê huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế chơi bóng ngay bên bờ ruộng lúa, cạnh phá Tam Giang - Ảnh: Phan Cử

Phóng to
Trẻ em vùng biển Thuận An, Thừa Thiên - Huế chơi bóng trên bãi biển - Ảnh: Phan Cử

“Điều chúng ta cần là số gương mặt trẻ thơ hồn nhiên, vui đùa rạng rỡ trên sân cỏ chứ không phải số bàn thắng các em ghi được” - ông Anders Krystad, cố vấn quốc tế của Liên đoàn Bóng đá Na Uy (NFF) - giám đốc dự án, chia sẻ với TTCT.

Điều gì khiến NFF đưa dự án đến Việt Nam, thưa ông?

Ông Anders Krystad - giám đốc dự án bóng đá cộng đồng tại Việt Nam - Ảnh: Phan Thành

- Mỗi đất nước có sở thích chơi thể thao khác nhau. Ở Ấn Độ người dân thích chơi cricket, ở Mỹ là bóng chày. Tại Việt Nam, hầu hết mọi người đều yêu bóng đá. Rất dễ bắt gặp cảnh nhiều người tụm năm tụm bảy chơi bóng ở mọi lúc, mọi nơi.

Ở Na Uy, hoạt động bóng đá phong trào cho trẻ đều do cha mẹ tình nguyện tổ chức. Tuy nhiên tại Việt Nam, áp dụng mô hình lấy phụ huynh làm tình nguyện viên thì rất khó, bởi hầu hết họ phải làm quần quật cả tuần. Ngoài ra, điều kiện kinh tế cũng là trở ngại lớn.

NFF sớm nhận ra bóng đá phong trào tại Việt Nam cần sự hỗ trợ về phương thức tổ chức. NFF cũng hỗ trợ phát triển bóng đá tại một số nước khu vực Trung Đông, nhưng hoạt động và số lượng CLB ở Việt Nam nổi trội hơn nhiều. Thậm chí có thể khẳng định hoạt động bóng đá phong trào tại Việt Nam còn tốt hơn một số nước ở châu Âu.

Bóng đá cộng đồng có gì khác so với những mô hình bóng đá khác?

- Chúng tôi quan niệm phát triển bóng đá như một kim tự tháp mà nền tảng là bóng đá phong trào, lên cao là bóng đá chuyên nghiệp. Tất cả tài năng để có thể phát triển được cần có xuất phát điểm từ phong trào.

Bóng đá là sân chơi cho tất cả mọi người, chúng ta không nói lời từ chối với bất cứ ai muốn tham gia. Vì vậy, dự án muốn phát triển những hoạt động mang tính cộng đồng rộng khắp. Mục tiêu quan trọng của dự án là xây dựng mô hình mẫu về cấu trúc bóng đá bền vững cho bóng đá phong trào để có thể nhân rộng ra nhiều địa phương khác.

“Trên thế giới, tôi thấy một số liên đoàn khi phát triển bóng đá vẫn chú trọng đến mảng đỉnh cao mà chưa có đầu tư thích đáng cho mảng phong trào. Trong khi đó, bóng đá phong trào thật sự là nền tảng để chúng ta có thể phát triển bóng đá đỉnh cao, vì trên cơ sở chúng ta tạo một sân chơi rộng mở cho nhiều người tham gia sẽ có những tài năng mà chúng ta có thể phát triển được”

Sam Schweingruber
(chuyên viên bóng đá phong trào của FIFA)

Tại sao dự án chú trọng phát triển lứa tuổi từ 6-15?

- Trẻ em Na Uy chơi bóng từ khi lên 5. Đến 15 tuổi, hoạt động bóng đá ngày càng cạnh tranh, số lượng trẻ em chơi bóng giảm xuống. Với đối tượng lớn hơn 15 tuổi, người ta thường có xu hướng ưu tiên tuyển lựa các em có tài mà loại bỏ những em ít có năng khiếu. Đặc biệt đối với các CLB huy động nguồn lực và tài chính ít, chắc chắn họ sẽ đầu tư trọng tâm cho nhóm đối tượng ưu tiên.

Chúng tôi đã thực hiện một khảo sát đối với nhóm từ 14-19 tuổi ở Na Uy. Khi hỏi tại sao các bạn dừng chơi bóng đá, hầu hết trả lời rằng vì bạn bè của họ không còn cơ hội chơi bóng. Khi thấy bạn mình không có khả năng nên bị loại thải khỏi CLB thì họ cũng không còn động lực chơi bóng. Vì vậy, người làm bóng đá nên cân nhắc điều này: đừng quá chú trọng phát triển bóng đá đỉnh cao mà quên đi mảng phong trào.

Tài năng bóng đá phải trải qua một quá trình dài. Nếu chúng ta dừng đầu tư cho bóng đá ở một chặng đường nào đó, chúng ta có thể để lỡ một tài năng trong tương lai. Chẳng hạn khi thấy một cầu thủ nhí chơi rất hay, ngay lập tức bạn đã khẳng định đây là một tuyển thủ quốc gia tương lai. Theo chúng tôi, đây không phải là khẳng định thích đáng.

Điều gì khiến ông hài lòng nhất về chặng đường 10 năm qua?

- Khi vừa tới Huế, dự án đã đưa ra tiêu chí: CLB nào muốn đề xuất thành lập theo FFAV phải đảm bảo có 50% nữ tham gia. Khi đó, mọi người cho là khó thực thi. Hình ảnh một bạn nữ chơi đá bóng còn quá xa lạ. Nhưng bây giờ, với 147 CLB (hầu hết ở Thừa Thiên - Huế, chỉ hai CLB là tại Hải Phòng - PV) gồm 16.000 thiếu niên chơi, tỉ lệ nam và nữ tham gia đều nhau.

Tôi nghĩ không nơi nào trên thế giới có thể làm được điều này. Đồng thời, dự án cũng dành cơ hội công bằng cho nhóm đối tượng thiệt thòi, các em khuyết tật, thiểu năng trí tuệ. Đưa các em từ nhà ra với cộng đồng để các em tự tin, năng động hơn, sự thay đổi của các em làm cho cuộc sống gia đình thay đổi tốt hơn về khía cạnh tinh thần.

Phóng to
Trẻ em nữ tham gia CLB hào hứng không kém - Ảnh: Phan Cử

Tương lai dự án trong những năm tới sẽ ra sao, thưa ông?

- Điều đáng mừng là trong dự thảo chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng định hướng phát triển bóng đá trong trường học, tạo tiền đề phát triển bóng đá đỉnh cao.

Trong cuộc họp giữa dự án và đại diện của Bộ Giáo dục - đào tạo, Tổng cục Thể dục thể thao và VFF đã có sự nhất trí về việc tổ chức hội thảo đánh giá tính khả thi trong việc phối hợp nhân rộng mô hình bóng đá cộng đồng tại Việt Nam, từ đó lên kế hoạch triển khai hoạt động mà trong đó VFF sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm chính.

Chúng tôi có niềm tin rất cao vào cam kết của NFF cũng như người dân Na Uy sẽ tiếp tục hỗ trợ dự án này. Trước mắt, dự án sẽ thực hiện chương trình CLB kết nghĩa, tạo sự kết nối giữa các CLB của FFAV với CLB bóng đá trường học ở Na Uy. Hiện FIFA đã có cánh cửa mở ra cho VFF, rằng VFF có thể đề xuất hỗ trợ về chuyên môn lẫn kinh phí. Chúng tôi khẳng định dự án sẽ không dừng lại khi còn có người muốn vui chơi môn thể thao “vua” này.

VFF và NFF tiếp tục đồng hành

Trong buổi lễ kỷ niệm 10 năm thành lập dự án bóng đá cộng đồng tại Việt Nam tổ chức tháng 4 vừa qua ở Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Trọng Hỷ, chủ tịch VFF, phát biểu:

“Trong mười năm qua, FFAV đã làm được nhiều việc cho bóng đá nhà trường. Số lượng CLB bóng đá tăng lên, số người tham gia tập luyện phát triển, có sự lan tỏa rộng khắp trong xã hội. Đây như là một nhu cầu khiến chúng ta phải có tầm nhìn, phát triển mới để phát triển mô hình không chỉ ở Thừa Thiên - Huế mà còn tại các tỉnh khác, để trẻ em trên khắp đất nước có thể được hưởng lợi từ dự án... Chúng tôi cam kết rằng VFF và NFF sẽ tiếp tục đồng hành để dự án phát triển bền vững và hiệu quả hơn trong tương lai”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận