TTCT - Chính sách kinh tế của ông Joe Biden không được đánh giá cao, một phần nguyên nhân khiến sức ép muốn ông rút lui khỏi cuộc đua tranh cử tổng thống Mỹ càng lớn. Tổng thống Mỹ Joe Biden cuối cùng đã quyết định rút khỏi cuộc đua tái cử vào Nhà Trắng. Bên cạnh lo ngại về tuổi tác và sự minh mẫn của ông, nhiều nhân vật trong Đảng Dân chủ gây sức ép để ông Biden rút lui cũng vì cử tri đánh giá thấp cách thức điều hành kinh tế của chính quyền Mỹ hiện giờ. Ảnh: AxiosThật ra, di sản chính sách kinh tế của ông - thường được gọi là Bidenomics - bao gồm nhiều điều nghịch lý.Nghịch lý đầu tiên là mặc dù nhiều chuyên gia như Paul Krugman nhất mực đánh giá nền kinh tế Mỹ dưới thời Biden ăn nên làm ra, lạm phát được kiềm chế, thất nghiệp ở mức thấp nhất, sản xuất trong nước ở một số ngành then chốt bắt đầu hồi phục, người dân Mỹ vẫn cho rằng mọi thứ thua sút thời ông Donald Trump làm tổng thống.Khác biệt giữa số liệu và đời sốngDưới thời ông Biden, nền kinh tế Mỹ tạo ra 10,8 triệu việc làm, gồm 800.000 chỗ làm mới trong ngành sản xuất và 774.000 trong ngành xây dựng. Lương công nhân ở thang bậc thấp tăng nhanh hơn người có thu nhập ở thang bậc cao. Thế nhưng trong một khảo sát của NBC, cử tri nói họ tin ông Trump hơn ông Biden trong điều hành kinh tế - mức chênh lệch lên đến 22 điểm phần trăm, cao nhất so với mọi kỳ bầu cử trước đây. Một khảo sát khác của báo The New York Times và Đại học Siena cho thấy 51% cử tri nghĩ nền kinh tế Mỹ đang suy yếu.Đó là bởi với nhà kinh tế, nếu giá cả đang tăng nhanh một thời gian rồi chững lại, họ sẽ bảo lạm phát quay về mức 0%. Nhưng với người dân thường, giá cả đã lên một mặt bằng mới cao hơn, và lạm phát vẫn thực sự ăn vào đồng lương, gây khó khăn cho cuộc sống thường ngày. Rồi để chống chọi lạm phát, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục nâng lãi suất, gây khó khăn cho người vay tiền để làm ăn hay mua nhà, mua xe. Khi khoản tiền phải trả góp hằng tháng cao hơn xưa, làm sao thuyết phục người dân là lạm phát đã được kiềm chế!Nghịch lý thứ nhì là chính quyền Biden mạnh tay chi tiền cho nhiều dự án kích cầu và chương trình xã hội, nhưng kết quả sẽ không gặt hái được ngay, trong khi chi tiêu nhiều như đổ thêm dầu vào ngọn lửa lạm phát. Ngay khi vừa nhậm chức, ông Biden đã đưa ra kế hoạch giải cứu nước Mỹ trị giá 1.900 tỉ đô la nhằm trao ngân phiếu 1.400 đô la vào tay mỗi người Mỹ trưởng thành, kể cả 250-300 đô la mỗi trẻ em. Liền đó là đạo luật tạo công ăn việc làm và đầu tư hạ tầng trị giá 1.000 tỉ đô la.Hai đạo luật sau đó nữa nhằm giảm lạm phát và xây dựng ngành bán dẫn tiếp tục rót hàng ngàn tỉ đô la để trợ cấp cho doanh nghiệp, khuyến khích họ đưa sản xuất, nhất là các ngành then chốt, quay về nước Mỹ.Hàng ngàn tỉ đô la rót vào nền kinh tế đẩy lạm phát lên cao đến mốc kỷ lục 9,1% vào tháng 6-2022. Nợ công của Mỹ cũng tăng vọt, hiện đã tương đương 98% GDP, so với chỉ 40% GDP vào năm 1990, biến Mỹ thành nước có nợ công so với GDP lớn thứ 8 trên thế giới. Riêng năm 2024, mức thâm hụt ngân sách lên tới 6,5% GDP, cao nhất trong các nền kinh tế phát triển trừ Israel (vốn đang phải vay tiền để tiến hành chiến tranh). Hệ quả là năm 2024, Chính phủ Mỹ phải dành ra đến 728 tỉ đô la chỉ để trả lãi nợ công, chiếm đến 16% thu ngân sách, một phần vì lãi suất cao do lạm phát.Ảnh: The New YorkerNhững mục tiêu xung độtVì có nhiều mục tiêu đôi lúc đối nghịch nhau, nên chính sách kinh tế của ông Biden khó thể làm hài lòng tất cả. Ví dụ Mỹ muốn giảm mức phát thải, nhưng lại không muốn tỏ ra mềm yếu trước Trung Quốc. Quyết định đánh thuế cao lên xe điện và tấm pin mặt trời nhập từ Trung Quốc khiến chi phí đầu tư và tiêu dùng các ngành này đều tăng. Hay ông Biden luôn tỏ ra là người ủng hộ các công đoàn và đứng về quyền lợi công nhân, lập trường sẽ khó thể hiện được ông đang hết lòng vì doanh nghiệp.Một trụ cột của chính sách kinh tế Biden là tăng cường năng lực cạnh tranh để hỗ trợ doanh nghiệp Mỹ. Với niềm tin thúc đẩy cạnh tranh sẽ giúp giảm chi phí, ông giao bà Lina Khan đứng đầu Ủy ban Thương mại liên bang để theo đuổi nhiều vụ kiện chống độc quyền mà đích nhắm là các tập đoàn công nghệ lớn: Meta, Google, Microsoft, Apple... Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng công sức bỏ ra thì nhiều, nhưng kết quả thu lại không được bao nhiêu.Với thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi ông Trump cố gắng giảm từ mức 35% xuống còn 21%, ông Biden chủ trương đánh thuế người giàu để giảm thuế cho công nhân và gia đình có con nhỏ với mức đề ra là 800 tỉ đô la trong vòng 10 năm tới. Tuy nhiên, để thỏa hiệp với cử tri, các mục tiêu kinh tế ắt sẽ giảm tham vọng. Chẳng hạn, dù muốn phục hồi mức thuế thu nhập cá nhân cao nhất lên 39% so với 37% thời Trump), ông Biden lại phải hứa hẹn không đánh thuế thêm những ai có thu nhập dưới 400.000 đô la/năm để xoa dịu các gia đình trung lưu.■ Trước mắt, ông Biden đã đề cử Phó tổng thống Kamala Harris thay ông ra tranh cử vào tháng 11 tới. Nhưng dù cho ai ra tranh cử, chính sách kinh tế của ứng viên Dân chủ về cơ bản sẽ tập trung vào 5 điểm: ủng hộ công nhân, chủ yếu thông qua công đoàn; chi tiêu nhiều hơn cho chính sách xã hội, đặc biệt là giáo dục trẻ em; kềm chân các tập đoàn công nghệ lớn để thúc đẩy cạnh tranh; tiếp tục đầu tư công với mục đích làm cho nước Mỹ xanh hơn, năng suất cao hơn; và cuối cùng, đánh thuế doanh nghiệp lớn và người giàu để có tiền thực hiện các điều trên.Theo The New York Times, quan điểm kinh tế của bà Harris còn thiên tả hơn cả ông Biden. Bà chủ trương đánh thuế doanh nghiệp cao hơn và từng phê phán chuyện ông Trump giảm thuế là một cách trao tiền cho người giàu; thị trường chứng khoán mà sôi động thì giai cấp trung lưu sẽ bị bỏ lại và chính sách thương mại gây hấn của ông Trump có hại cho nông dân Mỹ. Với Trung Quốc, bà Harris từng nói Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm cho việc bán phá giá hàng xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Tuy vậy, bà lại phê phán chủ trương đánh thuế 10% lên hàng nhập khẩu của ông Trump vì cho rằng chính sách đó sẽ đẩy giá khí đốt, thực phẩm và hàng tiêu dùng lên cao.Nhìn chung, nếu Đảng Dân chủ thắng cử lần này, nhân vật kế nhiệm ông Biden nhiều khả năng sẽ tiếp tục đường lối kinh tế Bidenomics. Nhưng tình hình thâm hụt ngân sách ngày càng lớn sẽ trói tay họ; nhất là khi Quốc hội không thuộc quyền kiểm soát của Đảng Dân chủ. Bidenomics chủ trương chính phủ lớn để thực hiện các chính sách xã hội như hỗ trợ gia đình có con nhỏ, người già hay gia đình sinh con - đường lối được Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen gọi là "kinh tế học phía cung hiện đại". Theo bà Yellen, đầu tư vào giáo dục sẽ giúp nâng năng suất của người lao động Mỹ, đầu tư vào chăm sóc trẻ sẽ giúp phụ nữ tham gia lực lượng lao động… Nhưng những chính sách như thế rất tốn kém và sẽ làm ngân sách thâm hụt hơn nữa.Điểm gặp nhau của kinh tế kiểu Trump và kiểu Biden có lẽ là chính sách thương mại, đặc biệt là với Trung Quốc. Cả hai đều muốn đánh thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và tăng mức độ bảo hộ cho sản xuất trong nước, cũng như nghi ngờ các cuộc thương lượng về thương mại tự do kiểu cũ. Tags: Tổng thống Mỹ Joe BidenChính phủ MỹKinh tế MỹCuộc đua vào nhà TrắngPhó tổng thống Mỹ
Bầu cử Mỹ: Hòa ở điểm bỏ phiếu đầu tiên, ông Trump tiếp tục vận động xuyên đêm NGỌC ĐỨC 05/11/2024 Đúng 0h ngày 5-11 (giờ địa phương), người dân Dixville Notch (bang New Hampshire) bỏ những lá phiếu đầu tiên trong ngày bầu cử Mỹ năm 2024.
Người vợ của Anh hùng biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai: Hòa bình rồi, tôi không còn làm vợ bé... HỒ LAM 05/11/2024 Ngày đất nước thống nhất, bà Đặng Thị Tuyết Mai, người vợ sau của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai mừng khấp khởi: 'Hòa bình rồi! Chồng tôi làm cách mạng, tôi không có làm 'vợ bé' của ai hết...'
Cận cảnh đôi đũa bằng ngà hải mã của vua Hàm Nghi được cho có thể phát hiện chất độc NHẬT LINH 05/11/2024 Ba hậu duệ của vua Hàm Nghi đã dành tặng lại 4 cổ vật, cũng là kỷ vật được vua sử dụng thuở sinh thời cho Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, trong đó có đôi đũa của nhà vua.
20 trẻ mầm non phải vào viện do nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột TTXVN 05/11/2024 Chiều 5-11, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết sức khỏe 20 trẻ mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột đã ổn định.