TTCT - Khi tôi tìm hỏi nhiều nông dân cố cựu, những nhà nghiên cứu văn hóa miền Tây Nam bộ về một mùa len trâu trong Hương rừng Cà Mau của cố nhà văn Sơn Nam, nhiều người lắc đầu cho rằng nó không còn tồn tại, bởi cơ giới hóa đã len lỏi vào tận những cánh đồng xa nhất. Có những ký ức tưởng chừng chỉ còn trong quá vãng. Có những hình ảnh thương nhớ quê nhà tưởng chừng đã mất... Nhưng tôi vẫn tin rằng hình ảnh kỳ diệu ấy không thể mất. Đàn trâu chạy đồng nước vừa về từ biên giới - Ảnh: Binh Nguyên Với người nông dân miền Tây Nam bộ, mối quan hệ giữa người và trâu là quan hệ cộng hưởng, bình đẳng và cảm thông như câu ca dao “Trâu ơi ta bảo trâu này...” quen thuộc. Công việc đồng áng vất vả, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” lại là tiền đề sản sinh ra khí phách hào sảng của người nông dân xứ này trong công cuộc mở đất của vùng hoang vu thành trù phú bậc nhất, trong đó con trâu gần như song hành, sẻ chia mọi nỗ lực của người nông dân. Nghề cho trâu ăn mùa nước nổi Quanh năm cày bừa mang lại chén cơm manh áo cho bao người, trâu ở miền Tây Nam bộ được người nông dân trả ơn bằng mùa len trâu trong bốn tháng nước nổi tràn đồng. Mấy tháng nước lên ròng rã, ruộng đồng đều ngập sâu mấy thước nước, trâu không có thức ăn gầy đét thấy thương. Vậy là người ta lên đường lùa trâu đến những gò đất, bãi ruộng gặt chạy lũ mà tìm nguồn thức ăn cho trâu, đồng thời cũng là để trâu nghỉ ngơi, lấy lại sức chờ nước rút. “Tim tôi như thắt lại khi trước mắt hiện ra đàn trâu dễ cũng gần trăm con đang len dày nơi cánh đồng biên giới” Không chỉ trâu nhà mà còn là trâu làng xóm, mỗi đàn lùa đi từ vài chục đến vài trăm con, đi hết đồng này, ngập nước hết cỏ, rồi lại kéo nhau sang đồng khác, cứ vậy mà ra đi mấy tháng mới về. Người ta gọi đó là đoàn len trâu, len riết rồi thành một nghề hẳn hoi. “Len trong tiếng Khmer có nghĩa là tự do. Len trâu có nghĩa là cho trâu đi tự do. Ở đây nước lụt sâu đến bốn thước nước. Người ta không có chỗ ở là phải và trâu cũng không có chỗ ở. Cho nên nó phải đi đến những vùng đất cao để có cỏ cho nó ăn. Ở nhà tối ngủ không được, ngủ với nước sao mà ngủ được... Người nuôi trâu, chủ nhà có trâu phải đưa trâu đến vùng đất cao.Muốn nuôi trâu thì phải lùa trâu đi, phải đưa nó đi lòng vòng, ăn hết cỏ chỗ này, nước lên thì đưa trâu sang chỗ khác. Có khi đi đến ba bốn tháng mới đưa trâu về... Thời buổi này đâu còn len trâu, máy cày hết rồi...”. Cố nhà văn Sơn Nam, tác giả của bút ký Mùa len trâu trong Hương rừng Cà Mau lúc còn tại thế đã bồi hồi nhớ lại khi làm cố vấn cho đoàn làm phim Mùa len trâu của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Từ năm 2005, để tạo ra không gian nguyên bản của Mùa len trâu, đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh đã đi khắp đồng bằng nhưng không thể tìm đâu ra cảnh len trâu. Thế là ông phải thuê nhiều đàn trâu gộp lại cho bộ phim này. Nhiều người cố cựu đã cho biết giờ người ta không còn len trâu nữa... Trong chuyến làm phim tài liệu về mùa nước nổi năm nay, tôi quyết tìm cho ra nguyên bản của mùa len trâu. Nhưng hình bóng những đàn trâu tụ hội về những gò đất cao của mênh mông nước nổi cứ xa dần. Tôi tìm đường lên cửa khẩu Thường Phước, bởi nhiều người cho hay “may ra bên Campuchia người ta còn len trâu”. Một buổi chiều tà, một nông dân ở cầu Út Gộc chợt nhớ ra: “Ở trong đồng sâu Thường Thới Tiền, nghe nói trâu dồn về nhiều lắm, năm nay nước lớn mà...”. Thế là lội sình đi vào. Những chú mục đồng mùa len trâu - Ảnh: Binh Nguyên Người đàn bà len trâu Tim tôi như thắt lại khi trước mắt hiện ra đàn trâu dễ cũng gần trăm con đang len dày nơi cánh đồng biên giới. Đây là đàn trâu từ cửa khẩu Thường Phước được lùa về mới ngày hôm trước. Ông Năm Đi, một lão nông khét tiếng trong nghề len trâu xứ này, cười khà khà khi biết tôi đi tìm trâu suốt gần tuần qua: “Làm sao mất được hả chú em, cứ vô đồng sâu là gặp tụi tui liền. Nghề này có trăm năm nữa cũng không mất được, chỉ có ít đi vì người ta giờ chuộng xài máy móc hơn. Năm nay nước lớn nhanh nên trâu bị kẹt nhiều nơi chưa tụ về đủ, chớ nếu đủ đàn, đám trâu này cũng phải vài trăm con”. Cái nghề len trâu cũng lạ, đã dính vào là dính cả đời, từ đời này sang đời khác. Như ông Năm Đi và Bảy Đực đã có hơn 50 năm len trâu khắp đồng nước Hồng Ngự, Tân Châu, Tân Hồng... Những chú mục đồng nơi đây chỉ mới 10-12 tuổi mà đã có thâm niên 5-6 năm theo đàn trâu đi khắp xứ. Cũng tội nghiệp, vì mê trâu, mê cái nghề cha truyền con nối mà đứa nào cũng chịu cảnh thất học. Thằng Tính, 12 tuổi, chủ của đàn năm con trâu, thiệt thà nói: “Con học hoài không vô chú ơi, thầy nói con ngu như trâu. Chắc thầy nói đúng vì con chỉ thích đi len trâu”. Còn anh Ba Thiền có gần 20 năm theo trâu thả rong nói vui: “Tụi này thương vợ thua trâu. Trâu ngủ phải đốt rơm hun khói, phải giăng mùng cho trâu nằm khỏi muỗi, mà muỗi trâu xứ này lớn như con ruồi, hút máu cả đêm trâu ốm nhách. Ở nhà ôm vợ hai ngày đã chán, còn đi thả lang ba bốn tháng cũng chưa muốn về”. Chiều nay đám len trâu của ông Năm Đi và ông Bảy Đực có niềm vui nho nhỏ: người ta vừa thuê kéo lúa, mỗi công chỉ hơn trăm ngàn, thấp hơn giá thuê máy gặt đập liên hợp một chút cũng không sao, có đồng ra đồng vào, con cá, xị rượu mà vui cùng bầu bạn khi đàn trâu đã no rơm ấm lúa. Nước ngập thì cỏ ngập, mà cỏ ngập thì trâu đói. Suốt mấy tháng ròng rã nước nổi, ruộng đồng ngập sâu, trâu không có cái ăn nên gầy xơ gầy xác, thế là đoàn người lại lên đường đi tìm nguồn thức ăn cho trâu. Con trâu luôn là tài sản quý nhất của người nông dân, bởi có trâu mới có đất cày, có trồng lúa, người ta mới có cái ăn, cái no từ ngày xửa ngày xưa. Giờ hiện đại rồi, trở thành cường quốc lúa gạo rồi sao lại bỏ trâu, phụ bạc với trâu? Nhà nông ai lại “cạn tàu ráo máng” như vậy được. Đoàn người cứ vậy mà đi, từ đồng này sang đồng khác, xa hàng trăm cây số cũng đi, đi từ An Giang qua Đồng Tháp cũng đi. Bà Út Em nay đã 60 tuổi thì có đến 55 năm theo đoàn len trâu - Ảnh: Binh Nguyên Tôi chú ý đến một bà cứ lủi thủi một mình khỏi đám đàn ông len trâu đang nhậu bên bờ đất. Người đàn bà duy nhất trong đoàn len trâu. Bà tên Nguyễn Thị Em, đám len trâu hay ghẹo bà là Út Em hay Em Út dù bà là người thâm niên nhất trong đoàn len trâu này. Bà Út Em đi chăm trâu từ khi lên 5 tuổi, nay bà đã tròn 60. Bà nói cái nghề này do ông nội bà để lại cho cha bà, cha bà để lại cho bà vì nhà không có con trai. Hơn nửa thế kỷ gắn đời mình với trâu, bà hiểu tính nết, thói quen của từng con như con ruột của mình, dù chưa một lần bà làm mẹ. Con cái bay thích ngủ mùng ra sao, con sừng âu hay chém lộn giành cái với mấy con đực khác thế nào... bà đều tường tận. Người len trâu bệnh phải gửi trâu cho người khác đi len, còn bà chưa một ngày giao trâu cho người khác. Bà nói: “Cha tui nói coi trâu cũng là một nghề, mình không thương trâu thì đừng làm nghề này, nên tui không bao giờ gởi nhờ người khác đi len, đồng xa mấy tui cũng đi, tự tay chăm sóc trâu. Mỗi lần bán trâu là tui khóc suốt ngày như bán con mình vậy”. Bà đang dẫn đàn bốn con đi theo đoàn len trâu tới đồng này là cánh đồng thứ ba trong mùa nước, tối cũng ngủ bờ ngủ bụi như cánh lực điền, vì với bà trâu là tất cả, là tài sản, là gia đình bà... Không chỉ bà Út, gần như dân len trâu nào cũng đặt tên cho trâu như người ngoài phố đặt tên cho chó, cho mèo vậy. Thấy cái gì hay hay thì đặt tên: cái bay, cái xe, cái nhẹ... Thấy dáng trâu sao đặt tên vậy: đực mẫm, đực ú, sừng âu, sừng bẹt, sừng gút... Hay có người vì quá mê cờ tướng nên đặt tên cho đàn trâu của mình đủ bộ tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã... Nhìn hình ảnh thằng Tính, thằng Toàn, thằng Sao... phi nước đại chạy đua với nhau trên lưng trâu rồi tắm táp, bắt bọ chét cho trâu giữa đồng nước mới hiểu vì sao bọn trẻ lại ưng nghề trâu đến vậy. Chỉ cần lớn tiếng gọi tên là con trâu ngoan ngoãn chạy lại gần với chủ, mặt trời vừa chìm là bọn trẻ nhanh chân nhanh tay đứa đốt rơm, đứa giăng mùng cho trâu một cách thuần thục. Mới lên chín lên mười mà chúng được cha mẹ cho làm chủ đàn trâu mỗi con cả ba bốn chục triệu đồng để đi miệt mài tìm đồng xa mấy tháng mới về, mới hay nghề len trâu cũng lắm công phu và cần cái chuyên nghiệp. Chiều nay lại thêm đàn trâu từ biên giới chạy nước về nhập đoàn, chuyện trâu ốm, trâu no rôm rả khắp cánh đồng. Bà Út Em vẫn ngồi miết trên lưng trâu như kỵ sĩ, bọn trẻ lại lùa đàn trâu đã no rơm ra đồng nước tắm táp, mấy anh nông phu đã chuẩn bị đốt rơm chống muỗi cho trâu nhập đàn... Hình bóng chú Tư Đinh, hình bóng thằng bé Nhi trong tác phẩm Mùa len trâu của nhà văn Sơn Nam, của những người nông dân đậm chất hào sảng miền Tây những ngày khai hóa vùng đất này lại ùa về trong chiều nay. Và tôi tin mùa len trâu không thể nào mất ở vùng đất này. Tags: Chăn trâuMùa nước nổiMiền Tây Nam bộMùa len trâuThường Thới Tiền
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tổng Bí thư dự phiên trọng thể Đại hội IX Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam QUỐC LINH 18/12/2024 Sáng 18-12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tin thế giới 18-12: Ông Trump sắp cử người sang Ukraine; Mỹ nêu số thương vong của lính Triều Tiên THANH HIỀN 18/12/2024 Nga sẽ đưa vụ ám sát trung tướng Kirillov ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; Mỹ khẳng định hàng trăm binh sĩ Triều Tiên thương vong ở Kursk.
'Sức hấp dẫn của du lịch Đà Lạt là không thể nghi ngờ, khách quốc tế cũng trở lại lần 2, lần 3' MAI VINH 18/12/2024 Ngày 18-12 tại TP Đà Lạt, UBND Thành phố Đà Lạt phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”.
Tương quan sức mạnh giữa Việt Nam và Philippines ở ASEAN Cup 2024 HOÀI DƯ 18/12/2024 Tuyển Việt Nam vượt trội chủ nhà Philippines gần như mọi mặt trước cuộc đọ sức ở lượt trận thứ tư bảng B ASEAN Cup 2024.