TTCT - Nhà nghiên cứu mỹ thuật Kevin Vương kể lại hành trình tìm kiếm thông tin minh định lại tác giả thật sự của bức tranh Cô gái bên chim bồ câu. Người mẫu trong bức Cô gái bên chim bồ câu (ảnh Aguttes) và người mẫu trong một bức tranh tại triển lãm của bà Dung Đoan ở Sài Gòn năm 1953. (Tư liệu NST Tâm Sillicat)Trong phiên đấu giá nghệ thuật châu Á ngày 29-11-2021, nhà đấu giá Aguttes đã sử dụng bức sơn dầu Cô gái bên chim bồ câu làm bìa cho cuốn catalogue - một điều cho thấy họ khẳng định tầm quan trọng và nét độc đáo của tác phẩm này. Tuy nhiên, bức tranh này, lần đầu được công bố, với những dòng đề khoản chữ Hán bí ẩn, lại được đề tác giả là họa sĩ Lương Xuân Nhị. Ngắm kỹ bức tranh và dấy lên cảm giác băn khoăn ngày càng lớn về tính xác thực của nó, tôi liên hệ trực tiếp với nhà đấu giá Aguttes và nhận được câu trả lời từ bà Charlotte Aguttes - chuyên gia tranh Đông Dương của Aguttes. Trong quá trình trao đổi, bà khẳng định với kinh nghiệm nhiều năm tìm hiểu về tranh của họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương, và chắc chắn đây là một tác phẩm của cố họa sĩ Lương Xuân Nhị.Xin trích thư bà Charlotte Aguttes: "Bức tranh có nguồn gốc từ một gia đình Việt Nam có địa vị quan trọng ở Hà Nội và khi tới Pháp họ cũng qua lại rất thân thiết cùng Lê Phổ, Vũ Cao Đàm và những người khác. Có lẽ bức tranh này, theo lời kể của gia đình, là chân dung của mẹ người bán bức tranh, bà lấy chồng năm 15-16 tuổi vào năm 1938. Bức tranh này vẫn luôn ở trong nhà của họ và có rất nhiều người chứng kiến. Đúng là chữ ký không bình thường và cũng không phải chữ ký thường thấy của Lương Xuân Nhị. Tuy nhiên, nó là một tác phẩm thực hiện khi ông còn trẻ, và do đó điều này có thể xảy ra. Với một số họa sĩ thì thường xuyên hơn, chẳng hạn Phạm Hậu cũng có những chữ ký khác nhau. Kỹ thuật vẽ rất dễ nhận biết từ tác phẩm của Lương Xuân Nhị. Tôi đã bán một số tác phẩm của nghệ sĩ này trong quá khứ, trong đó có một số bức tranh sơn dầu rất đẹp, và tôi có thể thấy kỹ thuật của họa sĩ ở đây, cách ông ấy sử dụng cọ vẽ... độ chính xác trong cử chỉ của ông ấy, màu nền bức tranh... Tôi cũng đã kiểm tra bức tranh với chuyên gia phục chế của mình và các vết nứt, mặt sau, độ mòn, khung... tất cả đều khẳng định bức tranh được hoàn thành trong giai đoạn 1935-1940."Vào thời điểm đó, bà Charlotte khẳng định sự cẩn trọng của bà, sự thấu hiểu về luật pháp đấu giá của Pháp và nguy cơ gánh chịu những trách nhiệm về tài chính và pháp lý nếu xảy ra sai sót, bán những bức tranh sai tác giả cho các nhà sưu tập.Trích thư bà Charlotte ngày 18-11-2021: "[…] Ở Pháp, người mua được luật pháp nhà nước Pháp bảo vệ. Nếu một tác phẩm được công bố là thuộc một nghệ sĩ, trách nhiệm của nhà đấu giá gắn liền với tuyên bố đó. Và anh ta phải trả giá nếu nói dối.Nếu đôi khi xảy ra sự cố liên quan đến một số tác phẩm, thì đó là kết quả của các cá nhân hoặc tổ chức làm việc không nghiêm túc…Theo như tôi được biết, không có tác phẩm nào tôi đã bán đấu giá trong 10 năm qua bị chỉ trích hay tranh cãi. Không bao giờ.Tôi biết việc chơi đùa trong lĩnh vực chuyên môn này nguy hiểm như thế nào và tôi không dại gì, tôi chọn và trình bày những tác phẩm mà tôi sẵn sàng đảm bảo và có uy tín của nhà Aguttes đứng sau bảo trợ.Tôi từ chối tất cả các tác phẩm không đủ tiêu chuẩn khác và gửi lại họ. Tôi thực sự quan tâm đến tầm quan trọng trong vị trí của mình. […] ."Dòng lạc khoản trên bức tranhLạc khoản không nói dốiNhưng trăm nghe không bằng một thấy, tôi quyết định sang tận nơi xem trực tiếp bức tranh và nhờ đó có nhiều phát hiện thú vị.Bức tranh thực chất có kích thước lớn hơn nhưng có lẽ sau khi vẽ xong, họa sĩ muốn hình ảnh cô gái ở chính giữa khung hình nên đã vắt phần toan thừa có nền xanh ra đằng sau. Điều này khá lý thú nhưng hơi kỳ lạ với một họa sĩ tỉ mỉ, cẩn trọng như Lương Xuân Nhị.Thêm một điều lạ nữa: bức tranh được ký "Dung Đoan tác" - tức sáng tác bởi Dung Đoan, nhưng nhà đấu giá lại không đưa ra bình luận nào về cái tên này. Liệu đó có phải là một bút danh lạ của cố họa sĩ Lương Xuân Nhị?Tuy vậy, do chưa tìm thêm được bất cứ thông tin liên quan nào tới cái tên này, nên câu hỏi lúc đó đành bỏ ngỏ. Bức tranh sau đó được bán với giá 539.520 euro (tương đương 13,8 tỉ đồng tại thời điểm đó).Sáu tháng sau, tình cờ trong một lần nhìn lấy một xấp ảnh cũ của nhà sưu tập Tâm Sillicat, tôi đã lật lại nhiều nguồn dữ liệu và truy vết được tung tích tác giả thực sự của tác phẩm Cô gái bên chim bồ câu.Chi tiết mấu chốt nằm ở lạc khoản của bức tranh, mà nhà nghiên cứu Hán Nôm Châu Hải Đường đã chỉ ra:"Vọng mỹ nhân hề, thịnh vượng tảo tri thiên hữu Á;Tướng bỉ điểu hĩ, hòa bình hỉ dật hải chi Đông.Dung Đoan tác"Đây là hai câu đối, Vọng mỹ nhân hề lấy ý từ Xích Bích phú, còn Tướng bỉ điểu hĩ trích từ Kinh Thi. Đại ý hai câu đối này chúc mừng tình hình hòa bình sắp có ở Đông Á, cụ thể là Đông Dương. Câu đối có điển tích, dẫn thơ hợp tranh, đối Á - Đông khéo léo, nội dung phù hợp hoàn cảnh lịch sử, thực là thi trung hữu họa.Theo nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng, dấu mốc ra đời của bức tranh vào năm 1938 không thể khớp với bài thơ chữ Hán về "con chim câu hòa bình ở Biển Đông". Phải lưu ý, biểu tượng "chim câu hòa bình" vốn chưa trở thành biểu tượng chung về hòa bình cho cả thế giới trước năm 1949 khi Hội đồng Hòa bình thế giới chọn bức tranh Paloma của Picasso để in poster (mặc dù hình ảnh chim câu là biểu tượng trong tranh tượng Kitô giáo từ xưa).Bức tranh và cả hai câu thơ được sáng tác bởi một người tên là Dung Đoan, một cái tên phần nhiều nữ tính. Lần tìm theo cái tên này, tôi phát hiện một số bức ảnh được chụp năm 1952, trong đó thủ tướng chính quyền quốc gia Việt Nam (kiêm tổng trưởng ngoại giao và nội vụ) lúc bấy giờ là Trần Văn Hữu cùng tân chính phủ có chuyến công du miền Bắc, nơi chính tay ông đã cắt băng khánh thành cho một triển lãm tranh của bà Dung Đoan được tổ chức tại Nha thông tin Bắc Việt.Bà Dung Đoan giới thiệu với thủ tướng chính quyền quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu về các bức tranh. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Pháp)Trong bức ảnh này, ta thấy được hai bức tranh treo trên tường, trong đó một bức tranh vẽ cậu bé ôm đèn con cá. Tình cờ, tôi lại được một người bạn cho xem một tập ảnh chụp năm 1953, mặt sau những tấm ảnh đó ghi triển lãm của bà Dung Đoan tại Sài Gòn năm 1953, cũng có cùng các tác phẩm như đã trưng bày ở Hà Nội năm 1952.Đặc biệt hơn nữa, trong tập ảnh 1953 này, xuất hiện một ảnh chụp bức tranh với cô gái chính là người mẫu trong bức Cô gái bên chim bồ câu.Như vậy, có thể suy đoán thời điểm bức tranh hoàn thành có lẽ chỉ trước triển lãm vài năm, tức đầu thập niên 1950. Quan trọng hơn cả, tác giả bức Cô gái bên chim bồ câu chính là bà Dung Đoan - một nữ họa sĩ.Vậy bà là ai? Bà có phải một nữ họa sĩ học trường mỹ thuật Đông Dương?Ảnh chụp bức tranh Cậu bé ôm đèn cá trong triển lãm năm 1953 tại Sài Gòn. (Tư liệu NST Tâm Sillicat)Chân dung nữ họa sĩ Phạm Dung ĐoanSau khi viết đôi dòng tỏ ý nghi ngờ trên mạng xã hội, tôi tuần tự nhận được liên lạc từ một người họ hàng bên chồng của họa sĩ Dung Đoan, tiếp đó là người cháu nội bên Mỹ của bà và cuối cùng là người con trai của bà. Những thông tin gia đình cung cấp đã giúp tôi xác nhận được thông tin chắc chắn về nữ họa sĩ Phạm Dung Đoan.Nữ họa sĩ Phạm Dung Đoan tên thật là Phạm Thị Điện (1917 - 2007), quê gốc ở Yên Bái, bắt đầu hoạt động hội họa tại Hà Nội trước khi vào Nam. Cụ thân sinh bà là một lương y mở tiệm tại Hà Nội. Họa sĩ Phạm Dung Đoan không học vẽ qua trường lớp mà thành danh nhờ năng khiếu và sở thích. Tuy không giao du rộng, nhưng do tài vẽ mà bà được nhiều người biết đến, trong đó có nhiều người trong giới thượng lưu và quan quyền. Theo ký ức của người nhà, từ thập niên 1950, bà từng vẽ cho gia đình vua Bảo Đại - hoàng hậu Nam Phương và sau này cho nhiều quan chức chính quyền khác. Năm 1952, bà được người nhờ vẽ thuộc giới thượng lưu giúp tổ chức hai cuộc triển lãm tranh tại Hà Nội năm 1952 (như thông tin tôi nêu trên) và tại Sài Gòn năm 1953 (theo tư liệu còn lưu của gia đình). Năm 1976, bà được Hội Mỹ thuật Việt Nam mời dự cả hai triển lãm ở Hà Nội và TP.HCM.Theo thông tin từ gia đình, nữ họa sĩ Dung Đoan vẽ rất nhiều tranh theo yêu cầu và đặt hàng, hầu hết đều giao tranh đi luôn và không lưu được nhiều ảnh chụp lại. Tranh của bà đặc biệt được giới thượng lưu và quan quyền yêu thích, điển hình thông qua triển lãm tại Hà Nội ngày 17-4-1952 do thủ tướng chính phủ quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu cắt băng khánh thành, và triển lãm tại Sài Gòn ngày 12-6-1953 do thủ tướng Nguyễn Văn Tâm chủ tọa khai mạc tại Nhà hát Đô Thành, Chợ Lớn.Chân dung nữ họa sĩ Phạm Dung Đoan trên báo. (Tư liệu NNC Kevin Vương)Liên quan đến bức tranh Cô gái và chim bồ câu, theo lời kể của người con cả hồi bé hay chơi quanh tiệm vẽ của họa sĩ Dung Đoan ở Hà Nội, bức tranh đó được họa sĩ đặt tên là Hòa bình, cùng một bức khác có cùng người mẫu được bà đặt tên là bức Hoa huệ. Bức Hòa bình không vẽ theo đơn đặt hàng và đã bán qua triển lãm.Với bằng đó thông tin xác thực, có thể thấy việc nhà đấu giá Aguttes gán ghép bức tranh này cho cố họa sĩ Lương Xuân Nhị là sai lầm. Trong hai phiên đấu giá liên tiếp tháng 11-2021 và tháng 4-2022, nhà đấu giá Aguttes đã đưa hai bức tranh thuộc hạng "siêu sao" lên bìa nhưng đều sai về tác giả. Sai lệch về bức Cô gái chải đầu đã được tôi phát hiện trước khi đấu giá, nhưng bức Cô gái bên chim bồ câu là khi mọi sự đã rồi. ■Bà Dung Đoan giới thiệu với thủ tướng chính quyền quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu về các bức tranh. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Pháp)Với những lời chắc nịch của bà Charlotte, lần này, khi bức tranh đã được mua bán xong, chúng ta sẽ cùng chờ đợi phản hồi của chuyên gia và nhà đấu giá này. Với tầm quan trọng và giá trị kinh tế lớn, hy vọng mọi việc sẽ được làm sáng tỏ một cách triệt để nhằm đảm bảo tính minh bạch cho thị trường nghệ thuật, bảo vệ quyền lợi của các nhà sưu tập Việt Nam và trên thế giới. Tôi cũng hy vọng đây sẽ là lời cảnh tỉnh cho các "chuyên gia nước ngoài" khi nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam phải làm việc thật sự nghiêm túc và có bằng chứng đầy đủ, không thể chạy theo lợi nhuận mà làm việc cẩu thả. Người mua phải bức tranh sai tác giả, theo luật ở Pháp, có quyền đối chứng với nhà đấu giá để đòi lại quyền lợi như chính lời bà Charlotte nói.Đồng thời, ta thấy ở đây một lỗ hổng lớn trong việc tìm tác giả cho tranh, trong công tác định giá, thẩm định tranh hiện nay. Tags: Mỹ thuậtAguttesLương Xuân NhịHọa sĩDung ĐoanĐấu giá tranhHội họa
TP.HCM cấm cán bộ dùng ngân sách đi nước ngoài vì việc riêng THẢO LÊ 09/10/2024 Thành ủy TP.HCM cấm cán bộ sử dụng ngân sách đi nước ngoài vì việc riêng hoặc kinh phí do các doanh nghiệp tổ chức và đài thọ.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục kiểm tra, xử lý nghiêm vụ sinh viên ăn cơm canh thừa THÂN HOÀNG 09/10/2024 Phó thủ tướng Lê Thành Long giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm liên quan thông tin báo chí nêu sinh viên phản ánh phải ăn cơm canh thừa, có 'dị vật'.
Một học sinh lớp 11 tại TP.HCM mất liên lạc với gia đình TRỌNG NHÂN 09/10/2024 Gia đình không liên lạc được với học sinh này từ ngày 4-10, đến nay là 5 ngày.
Cục nóng máy lạnh bị ngập nước, rò rỉ điện khiến người đàn ông tử vong MINH HÒA 09/10/2024 Cục nóng máy lạnh trên sân thượng bị rò rỉ điện, trời mưa khiến sân thượng ngập nước, người đàn ông lên dọn rác bị điện giật tử vong.