Diện mạo một bộ sách tốt

ĐỖ HOÀNG SƠN 18/12/2014 03:12 GMT+7

TTCT - Bên cạnh tác giả, hội đồng biên soạn, hội đồng phê duyệt và thẩm định, một trong những yếu tố làm nên một cuốn SGK chuẩn chính là ban biên tập giỏi và giàu kinh nghiệm.

 
 

 Trong khi hào hứng đón nhận chủ trương tổ chức biên soạn một bộ SGK mới, mở cửa cho các tổ chức, cá nhân biên soạn những quyển (hoặc bộ) SGK khác cho các cấp học, cũng nên nhìn nhận một cách nghiêm túc sự thiếu sót của SGK hiện nay và thực lực của đội ngũ làm sách, đặc biệt là SGK về khoa học tự nhiên bậc THCS và THPT.

Từ đây, cùng nhau thảo luận về những điều làm nên diện mạo một bộ SGK chất lượng cao.

Thực tế chấm thi và huấn luyện các học sinh THPT tham dự Hội thi khoa học và kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF) đã để lại cho tôi và các đồng nghiệp nhiều điều cần suy ngẫm. Các học sinh đều có tư duy sáng tạo nhưng lại có chung điểm yếu là thiếu tinh tế, mạch lạc trong tư duy hình ảnh và hạn chế về kỹ năng sử dụng từ khóa khi trình bày các đề tài khoa học…

Đó là một hệ quả dễ hiểu khi nhiều năm các em chỉ được học những bộ SGK hạn chế về kênh hình và trình bày thiếu khoa học. Chưa kể, ngoài SGK, những cuốn sách phổ biến khoa học trình bày hợp lý kết hợp kênh ảnh và kênh lời ở Việt Nam vẫn còn rất thiếu. 

Bỏ quên cái đẹp?

Quan điểm không coi trọng chất lượng hình ảnh trong SGK nói chung và sách khoa học về khoa học tự nhiên bậc trung học là rất sai lầm. Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin, hình ảnh trên các phương tiện truyền thông cực kỳ đa dạng, đẹp và sắc nét, chi tiết chính xác và hấp dẫn.

Thế nên đã có không ít ý kiến của các học sinh phổ thông chê rằng SGK hiện nay quá nhiều chữ, “nhìn muốn hoa cả mắt”, hình ảnh có khi không rõ, lại còn buồn tẻ, hầu như không giúp được gì trong việc kích thích sự yêu thích môn học.

Người ta quên hay không nhận ra rằng sách về khoa học tự nhiên với nội dung vốn bị coi là khô khan thì lại càng cần nhiều hình ảnh sinh động, sắc nét, thú vị thì càng tốt, để thật sự thu hút học sinh.

Đổi mới chất lượng nội dung (kênh lời) phải song hành với đổi mới về chất lượng của kênh hình: hình vẽ và ảnh chụp (có bản quyền). Thế nhưng, lâu nay sách phổ biến khoa học ở nước ta không có người viết và gần như không có họa sĩ vẽ minh họa khoa học dày dạn kinh nghiệm.

Họa sĩ và cộng tác viên của Nhà xuất bản Giáo Dục là đội ngũ duy nhất có kinh nghiệm vẽ hình cho sách có nội dung khoa học. Tuy nhiên, chất lượng hình ảnh SGK hiện hành của nước ta cũng chỉ ngang tầm SGK các nước phát triển vào những năm 1980.

Nếu minh họa cho nhiều quyển SGK về khoa học của chương trình đổi mới thì liệu có bao nhiêu họa sĩ đủ “tầm”? Khi đó, công tác đào tạo họa sĩ vẽ khoa học sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức.

Chính thực trạng đội ngũ họa sĩ mỏng và yếu dẫn đến việc minh họa nội dung cho SGK bậc trung học rất khó khăn. Giả sử mỗi cuốn sách cần 100 hình vẽ, mà trung bình mỗi ngày họa sĩ chỉ hoàn thành được một hình có chất lượng thì phải mất đến một quý để vẽ minh họa cho một quyển SGK.

Nói thẳng thì Việt Nam là đất nước có nền khoa học yếu kém nên dữ liệu hình ảnh về khoa học không phong phú. Trước đây, khi biên soạn sách, chúng ta thường lấy hình ảnh mà không để ý đến bản quyền, vì nước ta chưa tham gia Công ước Bern về quyền tác giả.

Đến nay, ta đã tham gia Công ước Bern 10 năm, vấn đề bản quyền hình ảnh trong SGK phải được đặc biệt tôn trọng. Chẳng hạn, SGK vật lý minh họa về lực và phản lực nếu có hình ảnh như Gagarin và tàu vũ trụ của Liên Xô hay tàu con thoi của Mỹ thì phải chọn những hình ảnh chất lượng cao, có bản quyền.

Hay SGK sinh học rất cần những hình ảnh cận cảnh sắc nét và đẹp về sinh vật phù hợp và sinh động (chẳng hạn mắt chuồn chuồn, vi sinh vật hay cấu tạo tế bào qua kính hiển vi) để minh họa cho nội dung bài học... 

Để vẫn có những hình ảnh đẹp cho SGK về khoa học tự nhiên bậc trung học trong tình trạng thiếu đội ngũ minh họa và chụp ảnh chuyên về khoa học ở nước ta, một trong những giải pháp trung gian là mua bản quyền dữ liệu hình ảnh từ SGK của các nước có nền khoa học tiên tiến.

Tuy nhiên, việc mua bản quyền từng hình đơn lẻ cũng rất mất công và có thể không nhất quán về phong cách. Ở hội chợ sách Frankfurt mới đây, tôi có dịp trò chuyện với các chuyên gia xuất bản Singapore và họ cho biết nếu chúng ta mua bản quyền thì có thể thương lượng với giá rất rẻ hoặc được tặng nếu có ý kiến từ Bộ GD-ĐT Việt Nam.

Ta có thể tìm kiếm những đối tác thiện chí khác nữa nếu xác quyết hướng đi này, nhằm tạo nên diện mạo mới đẹp mắt cho SGK về khoa học tự nhiên của Việt Nam.

Bỏ quên cái hữu dụng?

Do gắn kết rất chặt với yếu tố khoa học, một trong những điều nên làm và làm sớm là đưa mục “index”, nôm na là “tra cứu theo vần” (có nhà xuất bản sử dụng thuật ngữ “chỉ mục”) vào SGK về khoa học tự nhiên. Index là gì?

Ở cấp độ đơn giản, “từ khóa” (key word) của một bài báo hay bài viết ngắn thể hiện trọng tâm của chủ đề. Còn index là một danh sách các thuật ngữ, tên người, địa danh và sự kiện chủ yếu, quan trọng nhất có liên quan đến nội dung cuốn sách, dưới dạng từ khóa, được xếp theo vần chữ cái nhằm phục vụ mục đích tra cứu nhanh cho học sinh.

Đặc biệt, trong thể loại sách khoa học với rất nhiều khái niệm, thuật ngữ gắn bó, đan kết với nhau, thì việc thiết kế index chính xác, đầy đủ, hợp lý là hết sức quan trọng, bởi nó giúp các em xác định đích xác phần cần tìm, đồng thời để tham khảo chéo các đề mục có liên quan. 

Hiện nay, sách phổ biến khoa học của học sinh tiểu học ở các nước tiên tiến đều có mục index. Còn ở Việt Nam, phần lớn học sinh trung học và sinh viên không biết đến mục này vì SGK, giáo trình nói chung vắng bóng mục index.

Thời gian gần đây, lác đác một vài nhà xuất bản đã bắt đầu chú ý đến mục index. Sách có index là yêu cầu bắt buộc để tiêu chuẩn hóa với thế giới. Thế nên, bỏ qua việc làm index cho SGK về khoa học tự nhiên bậc trung học sẽ là thiếu sót lớn của đội ngũ làm sách, khiến cuốn sách bị lạc hậu so với thời đại.

Việc làm index cho quyển SGK không phải là quá khó dù nó yêu cầu năng lực, ý thức làm việc nghiêm túc của tác giả, hội đồng phê duyệt và ban biên tập để đảm bảo sự đồng nhất về nội dung trong cả chương trình.

Biên tập viên giỏi ở đâu?

Bên cạnh tác giả, hội đồng biên soạn, hội đồng phê duyệt và thẩm định, một trong những yếu tố làm nên một cuốn SGK chuẩn chính là ban biên tập giỏi và giàu kinh nghiệm. 

Tác giả và hội đồng biên soạn không thể thay thế vai trò của biên tập viên vì biên tập sách là một công việc cần có chuyên môn, kinh nghiệm về xuất bản và thuật ngữ khoa học. Hội đồng phê duyệt lại càng không thay thế được vai trò này. Những người có học hàm học vị cao hoặc nhà giáo lâu năm không đồng nghĩa với việc họ có chuyên môn, khả năng biên tập sách.

Không phải ngẫu nhiên mà Luật xuất bản hiện hành quy định biên tập viên phải có chứng chỉ hành nghề biên tập, dù điều này vẫn chưa thực hiện được đầy đủ. Hơn nữa, hiện có rất ít nhà xuất bản làm sách phổ biến khoa học, nên số biên tập viên giỏi trong lĩnh vực này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Vậy với chủ trương làm nhiều bộ SGK, biết lấy đâu ra đội ngũ biên tập viên để “nhặt sạn”, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật cho quyển sách, nhất là những cuốn SGK về khoa học tự nhiên? Đây cũng chính là một câu hỏi trọng tâm khi đổi mới SGK.

Trong trường hợp của SGK về khoa học tự nhiên cho học sinh bậc trung học, “đổi mới” nghĩa là cần đến cách làm, cách nghĩ, cách tổ chức hiện đại để thay đổi căn bản và toàn diện cả về nội dung lẫn hình thức.

Đó phải là những sản phẩm bắt kịp  và “nhúng sâu” trong dòng chảy của thời đại công nghệ vũ bão này, bởi sự đứt đoạn và lạc hậu của chúng ta đã cho thấy những hệ lụy vô cùng lâu dài lên sức khỏe của một nền khoa học kỹ thuật mà giáo dục lẽ ra có thể là một công cụ cải sửa và thay đổi đặc biệt hữu hiệu. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận