TTCT - Chỉ một hội nghị COP không thể mang lại sự thay đổi toàn diện mà mọi quốc gia cần. Hãy giảm đàm phán, tăng hành động cho khí hậu. Ảnh: UNEPINC-5 vừa kết thúc là hội nghị toàn cầu thứ ba liên quan đến vận mệnh hành tinh chỉ trong hơn 1 tháng do Liên Hiệp Quốc (LHQ) hậu thuẫn, sau COP16 về đa dạng sinh học (21-10 đến 1-11) và COP29 về biến đổi khí hậu (11 đến 22-11). Lịch sử cho thấy hiếm có hội nghị nào kết thúc trong vui mừng.Khi COP29 kết thúc, phần lớn các quốc gia đang phát triển và các nhà hoạt động khí hậu rời đi trong sự bất mãn. Họ đã đến Baku (Azerbaijan) với hy vọng các quốc gia giàu có sẽ đồng ý huy động khoảng 1.300 tỉ USD mỗi năm để giúp các quốc gia nghèo chuyển sang năng lượng sạch và ứng phó với thời tiết cực đoan. Kết quả, các nước giàu hứa cung cấp 300 tỉ USD mỗi năm từ nay đến năm 2035 - tăng so với mức 100 tỉ USD hiện tại, song vẫn thấp hơn nhiều so với yêu cầu của các quốc gia đang phát triển. Con số 1.300 tỉ giờ là "mục tiêu kỳ vọng tới 2035", mà thành bại cùng các vấn đề liên quan sẽ được giải quyết cho các hội nghị trong tương lai.Một đại biểu từ Nigeria gọi thỏa thuận này là "một trò đùa", trong khi đặc phái viên về khí hậu của quần đảo Marshall ôn hòa hơn: đây không phải là điều họ cần, "nhưng ít nhất cũng là một khởi đầu". Một số nhà bình luận cho rằng thỏa thuận tài trợ khí hậu này đã là tốt hơn kỳ vọng, trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Donald Trump sắp rút Mỹ khỏi các thỏa thuận khí hậu toàn cầu, trong khi châu Âu đang phải đối mặt với bất ổn địa chính trị.Tuy nhiên, phản ứng chủ đạo vẫn là sự thất vọng, như nhiều kỳ COP trước. Brad Plumer, phóng viên của The New York Times từng đưa tin về sáu hội nghị khí hậu của LHQ, nhận xét: "Trong những giờ cuối cùng, các chính phủ thường bế tắc về cách tốt nhất để đối phó với hiện tượng nóng lên toàn cầu… và cam kết sẽ cố gắng làm tốt hơn ở các hội nghị sau".Theo Plumer, nguyên nhân chính khiến các COP đạt tiến triển chậm là vì chính bản chất của các hội nghị này: phụ thuộc vào sự hợp tác tự nguyện giữa các quốc gia có lợi ích hoàn toàn khác biệt, từ các nước sản xuất dầu lớn như Saudi Arabia đến các quốc đảo nhỏ bị đe dọa bởi nước biển dâng. Tại INC-5, đó lại là cuộc đấu của các nước dầu mỏ với các quốc gia ủng hộ giảm sản xuất nhựa.Không có cơ quan toàn cầu nào có thể ép buộc các quốc gia hành động nếu họ không muốn. Ngay như Thỏa thuận khí hậu Paris tại COP21 năm 2015, được coi là mang tính bước ngoặt, cũng dựa vào cam kết tự nguyện, và kỳ vọng các quốc gia sẽ nhìn nhau và chịu "áp lực ngang hàng" để cùng thay đổi. Giờ đây nhìn lại, có hai luồng ý kiến về hiệu quả của Thỏa thuận Paris. Năm 2015, các nhà khoa học ước tính Trái đất sẽ nóng lên 4 độ C so với mức tiền công nghiệp vào năm 2100; con số dự báo mới nhất là 2,7 độ C - chưa phải lý tưởng, nhưng vẫn là có cải thiện.Những người ủng hộ Thỏa thuận Paris cho rằng hiệp định này đã tạo động lực cho các nỗ lực phát triển, chuyển đổi năng lượng xanh, thúc đẩy chính phủ và doanh nghiệp nghiêm túc hơn với việc cắt giảm phát thải. Phe chỉ trích thì nói thế vẫn chưa đủ. Phát thải carbon từ nhiên liệu hóa thạch toàn cầu có thể đạt mức kỷ lục 37,4 tỉ tấn vào năm 2024, tăng 0,8% so với mức năm 2023, theo dữ liệu mới từ Dự án carbon toàn cầu. Còn theo Tổ chức Khí tượng thế giới, 2024 sắp thành năm nóng nhất trong lịch sử, nhiều tháng có nhiệt độ trung bình toàn cầu cao kỷ lục.Cả hai bên ủng hộ và chỉ trích đều có lý lẽ riêng, nhưng có thể kết luận trung dung rằng: tiến bộ có, nhưng chậm. Nhiều chuyên gia gợi ý có thể thay đổi điều này bằng cách chuyển sang các cuộc đàm phán nhỏ hơn với ít quốc gia hơn, hoặc loại bỏ các nhà sản xuất dầu khí khỏi bàn đàm phán, hoặc thay đổi quy tắc yêu cầu mọi quyết định phải đạt được sự đồng thuận.Ngay khi COP29 đang diễn ra, một nhóm các nhân vật có ảnh hưởng, bao gồm cựu tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, đã viết thư gửi LHQ, cho rằng các cuộc đàm phán hiện tại "đơn giản là không thể mang lại sự thay đổi với tốc độ và quy mô cấp thiết để đảm bảo một tương lai khí hậu an toàn cho nhân loại". Sau INC-5 ở Busan, Erin Silsbe, trưởng đoàn đàm phán của Canada, kêu gọi "phải chuyển đổi cách tiếp cận" tại cuộc họp tiếp theo. Tuy nhiên, chưa rõ liệu một loại hội nghị quốc tế mới có mang lại kết quả khác biệt lớn hay không. Chính bà Silsbe cũng không nói rõ "chuyển đổi cách tiếp cận" là thế nào.Đối phó với biến đổi khí hậu là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, đòi hỏi phải thay đổi toàn diện các nhà máy điện, ô tô và nhà máy trên thế giới, thường sử dụng các công nghệ hầu như chưa tồn tại ngày nay. Đó là việc chủ yếu của các nhà hoạch định chính sách, kỹ sư, doanh nghiệp và nhà khoa học tại từng quốc gia. "Ngay cả các hội nghị LHQ được thiết kế tốt nhất cũng chỉ có thể đóng một vai trò nhỏ trong quá trình rộng lớn hơn đó" - Steven Cohen, chuyên gia môi trường của Đại học Columbia, viết cuối năm ngoái.Tại COP29, ngay cả các quan chức LHQ cũng thừa nhận giới hạn của các cuộc đàm phán này. Simon Stiell, người đứng đầu cơ quan khí hậu của LHQ, cũng bức xúc như bao người, vì "chỉ một hội nghị COP không thể mang lại sự thay đổi toàn diện mà mọi quốc gia cần". Tuy nhiên, ông cho rằng điều quan trọng là phải tiếp tục nỗ lực và "chứng minh rằng hợp tác toàn cầu vẫn còn giá trị". Vậy thì hẹn lại tại ít nhất hai COP đã có lịch dự kiến cho 2025: COP30 về biến đổi khí hậu tại Brazil và COP17 về đa dạng sinh học ở Geneva. Ai cũng chạy, nhưng chưa có huy chương vàng12,52km với 17.197 bước. Đó là số km và bước đi trong 1 ngày của 1 đại biểu nữ trong đoàn Việt Nam tham dự COP 29. Kết quả hội nghị cuối cùng dù được đánh giá là gây thất vọng, nhưng những gì diễn ra trong 12 ngày ở sân vận động Olympic Baku, nơi chủ nhà Azerbaijan chọn làm nơi tổ chức COP29, cho thấy không khí khẩn trương nỗ lực vì Trái đất.Thượng đỉnh toàn cầu về biến đổi khí hậu đúng là cuộc marathon cho những người tham dự. Các thành viên của từng đoàn đại biểu đều phân công nhau tham gia các phiên họp tương ứng có liên quan. Trung bình một ngày, một đại biểu có thể dự từ 6 - 8, thậm chí 10 cuộc họp như vậy, từ 8h sáng đến 10h30 tối hoặc muộn hơn; hầu như ai cũng đều phải sải bước rất nhanh hoặc chạy từ điểm này sang điểm khác. Ngay cả các lãnh đạo cấp cao cũng không có biệt lệ. Tất cả đều đi bộ và đều cần phải kiên nhẫn chờ đợi để vào trong những sự kiện, hội nghị có đông người tham dự. Các loại túi xách thời trang, lịch sự, ví đầm, cặp nhỏ gọn, giày cao gót công sở đều nhường chỗ cho các loại ba lô, giày thể thao, giày đế bẹt… Đó mới chính là thời trang của đại biểu dự COP, "phụ kiện" phổ biến là vali kéo với những ai không mang vác nổi.Người ta đã nói tới mùi dầu trong bầu không khí một hội nghị về khí hậu, và thật sự là có mùi váng dầu phảng phất và cả những mảng váng dầu mờ mờ trên làn nước biển Caspi. Trên những cánh đồng trải dài tít tắp ở ngoại thành Baku, những chiếc máy khoan hút dầu vẫn cần mẫn làm việc trên mặt đất. Giá dầu ở đây chỉ có 1 manaz (khoảng 15.000 đồng)/lít. Nền kinh tế của Azerbaijan vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn nhiên liệu này. Nhiên liệu bền vững cho hàng không và hàng hải cũng là một chủ đề đàm phán tại COP29.Sau khi nghe báo cáo của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), các cường quốc như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Liên đoàn Ả Rập… đều phát biểu nhiều ý kiến; tựu trung là bày tỏ tâm tư, băn khoăn về hiệu lực và tính pháp lý, khoa học của các biện pháp, chính sách mà ICAO ban hành về giảm phát thải CO2 cho hoạt động hàng không dân dụng, nhất là chính sách về nhiên liệu sạch, bền vững.Thực tế cho thấy không dễ để ngành hàng không chuyển đổi nhiên liệu hàng không truyền thống Jet A1 sang nhiên liệu hàng không bền vững (Sustainable Aviation Fuel - SAF). SAF đắt gấp 2 tới 6 lần nhiên liệu hàng không truyền thống JET A1 và nguồn cung chỉ đáp ứng khoảng 1% nhu cầu của toàn cầu hiện nay. Nhiều hãng hàng không còn chưa một lần sử dụng SAF cho các chuyến bay.Trước mắt, ICAO đánh giá kết quả các thảo luận tại COP29 đã thành công trong việc huy động sự ủng hộ quốc tế cho các nỗ lực giảm phát thải khí carbon của ngành hàng không, cụ thể là cam kết đạt mục tiêu phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050, nhằm hỗ trợ mục tiêu nhiệt độ của Thỏa thuận Paris, của 193 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên. "Để đạt được chuyển đổi năng lượng sạch cho ngành hàng không, sẽ cần những nỗ lực chưa từng có và sự hợp tác trong việc hỗ trợ xây dựng năng lực và tiếp cận tài chính để sản xuất và sử dụng nhiên liệu bền vững" - chủ tịch ICAO Salvatore Sciacchitano phát biểu. Có thể nói điều tương tự với nhiều ngành khác.Hơn 70.000 đại biểu từ gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự COP lần này hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh là các vận động viên "điền kinh" trong sân vận động đạt chuẩn thế giới Olympic Baku. Chỉ có điều tấm huy chương quan trọng nhất - mục tiêu net zero (phát thải ròng bằng 0) - vẫn chưa chạm được. Cuộc đua vì khí hậu của Trái đất sẽ đòi hỏi các "vận động viên" phải tiếp tục cuộc "marathon khí hậu" này trong hàng chục năm nữaNhờ đi bộ khoảng 360km trong 12 ngày, bình quân 30km một ngày, khi từ COP29 về nhà, bụng tôi nhỏ được hai nấc thắt lưng. Mong sớm đến ngày niềm vui được thon gọn của đại biểu hòa cùng với niềm vui "được mát rượi" của khí hậu Trái đất.NGUYỄN PHƯỚC THẮNG(trưởng phòng khoa học, công nghệ và môi trường Cục Hàng không Việt Nam) Tags: Chương trình phát triển Liên Hiệp QuốcMôi trườngKhí hậuThượng đỉnh khí hậuCOP
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (THỰC HIỆN) 11/12/2024 2207 từ
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Tin tức sáng 12-12: Sabeco rút hẳn khỏi một công ty; OceanBank đổi tên, người của MBBank lãnh đạo TUỔI TRẺ ONLINE 12/12/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Sabeco rút khỏi một công ty sau khi mất hết vốn; Vận chuyển vàng trái phép qua biên giới có dấu hiệu gia tăng; Vinpearl sẽ huy động hơn 5.000 tỉ đồng trước niêm yết...
3 quốc gia chủ nhà 'World Cup đặc biệt' 2030, Saudi Arabia chủ nhà World Cup 2034 HOÀI DƯ 12/12/2024 Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đã công bố chủ nhà của 2 kỳ World Cup 2030 và 2034. Trong đó World Cup 2030 sẽ là giải đấu đặc biệt kỷ niệm 100 năm sự kiện này ra đời.
Đường chật xe đông, hễ va chạm là đánh người, bị bắt thì nhắn nhủ 'đừng như tôi' TRIỆU VÂN 12/12/2024 Gần đây liên tiếp xảy ra những vụ việc không hay chẳng đáng giữa người dân chỉ vì va chạm nhỏ khi đi xe. Phải chăng nếu viện lý do "động tay động chân" đánh người, thậm chí là đánh phụ nữ, vì áp lực cuộc sống, nóng nảy thì có đáng?
Kỳ diệu du lịch nông nghiệp: Từ làng nghèo nhất thành làng giàu nhất Bali THÁI BÁ DŨNG 12/12/2024 Lần đầu tiên chọn Việt Nam tổ chức hôm 10-12, Hội nghị quốc tế về du lịch nông nghiệp thế giới quy tụ các diễn giả hàng đầu thế giới, các nhà hoạch định chính sách và đại diện "các làng du lịch triệu đô" đã công bố những thông tin gây kinh ngạc.