TTCT - Khi Lionel Messi đã cạn tình, Barca giờ bước vào con đường đối đầu với siêu sao này, cuộc đấu mà xem ra họ khó có khả năng thắng. Một CĐV nhí của Barca đau khổ vì thần tượng Messi từ chối đến đội bóng kiểm tra y tế trước mùa giải. Ảnh: Daily StarThật nghiệt ngã và trớ trêu với Barca, nếu điều đó xảy ra thì cách Camp Nou mất Messi cũng lại giống như cách mà họ xâu xé lực lượng của hàng loạt đội bóng khác để lập nên một đế chế hùng mạnh hơn hai thập niên trướcTừ Bosman đến MessiRất nhiều ngôi sao bóng đá ngày nay, bao gồm cả những người lừng lẫy nhất như Cristiano Ronaldo hay Messi, trở nên giàu có và quyền lực như vậy trước hết là nhờ Jean-Marc Bosman, cựu cầu thủ - nhà tranh đấu đã làm thay đổi hoàn toàn luật chơi của thị trường chuyển nhượng, qua đó khiến cán cân nghiêng hẳn về phía cầu thủ - người lao động, thay vì câu lạc bộ - người sử dụng lao động.Tròn 30 năm trước, nhân vật người Bỉ quyết định mở cuộc chiến pháp lý vô tiền khoáng hậu chống lại những cơ cấu chuyển nhượng bất công với giới cầu thủ đã dai dẳng suốt nhiều thập kỷ mà thắng lợi của nó đã mở ra một thời đại mới cho bóng đá nói chung và thị trường mua bán cầu thủ nói riêng.Tháng 6-1990, CLB Liege của Bỉ gặp khó khăn tài chính và đề nghị tiền vệ Bosman của họ ký một hợp đồng mới với mức lương giảm 75%. Bosman từ chối và muốn chuyển đến CLB Dunkerque nhưng Liege ra tay ngăn cản.Kết quả là Bosman không chốn dung thân. Không cam lòng, anh khởi kiện lên Tòa án Công lý châu Âu. Năm năm sau, tiền vệ người Bỉ đã giành lại công lý, không chỉ cho riêng anh, mà cho toàn bộ giới cầu thủ chuyên nghiệp.Phán quyết Bosman được đưa ra tháng 12-1995 và có hiệu lực trên toàn khối Liên minh châu Âu (EU), từ đó cho phép cầu thủ ra đi tự do sau khi hết hạn hợp đồng với CLB sở hữu họ. Kể từ luật Bosman, Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) cũng chấm dứt hạn ngạch ngoại binh với các CLB dự cúp châu Âu (chỉ được sử dụng tối đa 3 cầu thủ nước ngoài trong đội hình thi đấu).Trước năm 1995, gần như không có khái niệm “chuyển nhượng tự do” với mọi cầu thủ chuyên nghiệp, ngay cả khi thời hạn hiệu lực hợp đồng của họ với CLB chủ sở hữu đã hết. Chỉ những cầu thủ kém cỏi hoặc hết thời mà CLB không cần mới được tự do tìm bến đỗ mới.Luật Bosman đã khiến cán cân quyền lực nghiêng hẳn về phía giới cầu thủ: thay vì phải nài nỉ ban lãnh đạo đội đồng ý để mình ra đi, các cầu thủ chuyên nghiệp giờ được quyền chọn một đội bóng mới khi hợp đồng của họ kết thúc.Một hệ lụy tất nhiên là cầu thủ - nhất là những ngôi sao lớn - giờ có khả năng gây sức ép lên đội bóng khi hợp đồng của họ bước vào năm cuối cùng. Tối hậu thư sẽ là: “Hãy bán tôi ngay lúc này để còn vớt vát chút vốn liếng, bằng không sẽ mất trắng vào năm sau”.Ngay cả khi ký những hợp đồng tương đối dài hạn với một cầu thủ 4-5 năm chẳng hạn, chỉ sau 2 mùa giải CLB đã phải bắt đầu tính toán xem sẽ thương thảo hợp đồng mới ra sao hoặc phải bán sớm, vì càng để về cuối hợp đồng thì giá trị cầu thủ càng giảm.Luật Bosman thậm chí cho phép cầu thủ có quyền thương thảo và ký hợp đồng với CLB mới khi hợp đồng hiện tại còn thời hạn 6 tháng. Về cơ bản nếu để cầu thủ chỉ còn lại một năm hợp đồng, CLB xem như đã mất họ.Lợi thế nào, hại thế nấyTrong khi luật Bosman mang lại nhiều điều lợi cho các cầu thủ, nó cũng gây ra những hệ lụy khác chưa hẳn là tốt cho bóng đá: Tình trạng các đội bóng lớn “hút máu” những lò đào tạo trẻ. Có thể lấy ví dụ Ajax Amsterdam, đội bóng số 1 Hà Lan. Ajax đã luôn lừng lẫy với vai trò “công xưởng đào tạo trẻ” của bóng đá châu Âu.Trước luật Bosman, họ có thể giữ chân các ngôi sao trẻ của mình lâu dài, nhưng tình hình đã thay đổi chóng vánh sau phán quyết 1995. Ngay trong mùa hè 1996, họ mất Edgar Davids và Michael Reiziger dưới dạng chuyển nhượng tự do. Những năm sau đó lần lượt Patrick Kluivert, Edwin Van Der Sar, Jari Litmanen, anh em nhà De Boer... khăn gói ra đi, hoặc theo dạng chuyển nhượng tự do, hoặc với giá rẻ mạt.Barca - đại gia tốp đầu của bóng đá châu Âu - thực ra hưởng lợi không ít từ luật Bosman. Trong vòng vài năm sau 1995, họ đã sở hữu Luis Enrique, Antonio Pizzi, Phillip Cocu rồi Robert Enke mà gần như không mất một xu.Hơn 20 năm qua, Barca cũng đôi lần đánh mất các ngôi sao lớn, nhưng về cơ bản họ vẫn là “kẻ đi săn” trên thị trường chuyển nhượng nhờ vị thế tột đỉnh của mình. Nhưng quả báo nhãn tiền, cuộc chiến pháp lý với Messi đang có nguy cơ biến Barca thành “con mồi” trong vụ mất cầu thủ đắt giá nhất mọi thời đại.Mùa hè 2017, Messi ký tiếp hợp đồng với Barca đến năm 2020 (anh đến với đội trẻ Barca từ năm 2001 và gắn bó cho tới nay), kèm điều khoản gia hạn thêm một năm. Rắc rối ở chỗ hợp đồng quy định Messi phải thông báo chính thức với CLB trước ngày 10-6-2020 nếu muốn ra đi theo dạng chuyển nhượng tự do vào cuối mùa giải 2019-2020.Nếu qua hạn 10-6 đó, điều khoản gia hạn sẽ tự động có hiệu lực, kèm theo là khoản phí giải phóng hợp đồng hơn 700 triệu euro cho đội bóng nào muốn sở hữu Messi sớm một năm - giờ là rất nhiều vì siêu sao người Argentina đã ở tuổi 33.Bình thường thì dựa trên hợp đồng, Messi khó có cơ hội rời Camp Nou trong hè 2020, nhưng tình hình thêm phức tạp bởi các luật sư của Messi có cơ sở phản bác là tác động của đại dịch COVID-19 khiến mùa giải này ở châu Âu kéo dài hơn bình thường. Nếu như bình thường, ngày 10-6, mọi hoạt động bóng đá đỉnh cao ở châu Âu đều đã kết thúc, nhưng năm nay do dịch bệnh mùa giải đã kéo dài tới tận gần cuối tháng 8.Trong khi chờ đợi kết quả kiện cáo, Messi đã công khai phản ứng lại với ban lãnh đạo Barca, giống hệt những gì nhiều cầu thủ khác từng làm với đội bóng của mình để được tới... Barca: bỏ tập, bỏ kiểm tra y tế, từ chối ra sân, lên báo phát biểu chỉ trích đội bóng...Ban lãnh đạo Barca càng thêm nhức đầu bởi Messi đã là một tượng đài sống trong lòng CĐV CLB bấy lâu nay. Bất chấp thái độ của cầu thủ người Argentina, trên hầu hết các diễn đàn, “fan page” của đội bóng xứ Catalunya, các “culé” vẫn đồng cảm với quyết định của Messi hoặc cầu xin anh ở lại, trong khi đòi tống khứ Chủ tịch CLB Josep Bartomeu. Dù Messi đi hay ở, Barca đã trở thành kẻ thua cuộc trong vụ rùm beng này.■Tấm gương SuarezKhông phải Messi, chính Luis Suarez mới là “giọt nước tràn ly” với sự chịu đựng của người hâm mộ Barca bởi cách hành xử tệ bạc của ban lãnh đạo đội bóng. Ngay sau khi tiếp quản ghế HLV trưởng, Ronald Koeman đã gọi điện cho Suarez và thông báo anh không còn tương lai ở Camp Nou, dù trước đó Suarez từng bày tỏ nguyện vọng tiếp tục gắn bó.Kết quả, tiền đạo người Uruguay nổi giận và tuyên bố chỉ ra đi nếu đội bóng trả đủ tiền lương năm cuối cùng của anh - vào khoảng 20 triệu euro. Thay vì nhẹ nhàng thuyết phục Suarez ra đi và thu được một số tiền kha khá (anh vẫn được định giá gần 30 triệu euro trên thị trường chuyển nhượng), họ lại chọn cách hành xử cạn tàu ráo máng khiến cả Messi lẫn người hâm mộ tức giận. Tags: Bóng đáLionel MessiCáo buộcBarca
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tổng Bí thư dự phiên trọng thể Đại hội IX Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam QUỐC LINH 18/12/2024 Sáng 18-12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tin thế giới 18-12: Ông Trump sắp cử người sang Ukraine; Mỹ nêu số thương vong của lính Triều Tiên THANH HIỀN 18/12/2024 Nga sẽ đưa vụ ám sát trung tướng Kirillov ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; Mỹ khẳng định hàng trăm binh sĩ Triều Tiên thương vong ở Kursk.
'Sức hấp dẫn của du lịch Đà Lạt là không thể nghi ngờ, khách quốc tế cũng trở lại lần 2, lần 3' MAI VINH 18/12/2024 Ngày 18-12 tại TP Đà Lạt, UBND Thành phố Đà Lạt phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”.
Tương quan sức mạnh giữa Việt Nam và Philippines ở ASEAN Cup 2024 HOÀI DƯ 18/12/2024 Tuyển Việt Nam vượt trội chủ nhà Philippines gần như mọi mặt trước cuộc đọ sức ở lượt trận thứ tư bảng B ASEAN Cup 2024.