TTCT - Ở Anh, Pháp, Đức và Đan Mạch, người ta đóng thuế - một trong những nghĩa vụ công dân cơ bản nhất - như thế nào? Kiếm sống ở khu vực có hệ thống thuế vào hàng phức tạp nhất thế giới, người Việt ở châu Âu đang phải đóng những khoản thuế thu nhập rất cao, nhưng sự am hiểu và ý thức của họ về thuế cũng rất cao.Đức: Thuế phí cao, hỗ trợ nhiềuNăm 2006, ông Vũ Lê khai trương Linh Restaurant ở một khu dân cư vệ tinh 15.000 dân của thành phố Osnabrück, bang Niedersachsen. Nhà hàng Việt Nam duy nhất trong khu vực này trở thành điểm hẹn của nhiều gia đình Đức mê đồ Việt và trong các đợt phong tỏa do dịch COVID-19, họ trụ vững nhờ đông đảo khách quen đặt món mang về. Hệ thống thuế ở Đức rất phức tạp. “Ăn tại quán thì thuế VAT 19%, còn mang đi thì VAT 7%. Trong dịch thì các món đều bán mang đi. Giá rẻ xuống nên mình vẫn kinh doanh được” - bà Trinh Lê, phụ trách bàn của nhà hàng, cho biết. Doanh thu 2020 của nhà hàng chỉ thấp hơn các năm trước khoảng 15%.Làm cho nhà hàng của em trai từ năm 2008, bà Trinh Lê có mức lương 3.000 euro/tháng. “Trừ thuế và rất nhiều khoản bảo hiểm khác thì tiền chuyển vào tài khoản ngân hàng chỉ còn gần 2.000 euro” - bà Trinh cho biết. Người lao động ở Đức thường phải đóng rất nhiều khoản như thuế thu nhập, bảo hiểm y tế, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe dài hạn, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm thất nghiệp, thậm chí có người đóng cả thuế nhà thờ tự nguyện... Với thuế suất lũy tiến 0-45% trên lương, tăng giảm tùy tình trạng hôn nhân của người nộp thuế được xếp vào 6 dạng khác nhau, công thức tính thuế thu nhập cá nhân của Đức là vào loại phức tạp nhất thế giới. “Thu chi tiết đủ thứ khoản nhưng cũng có các khoản miễn giảm chi tiết. Mình đi làm xa, mỗi ngày đi về hết 80km thì cuối năm được trả lại kha khá tiền hỗ trợ tính theo quãng đường từ nhà đến chỗ làm, chẳng hạn như tiền xăng, tiền hao mòn xe, tiền sửa xe. Có con thì được trợ cấp tiền nuôi con...” - bà Trinh giải thích.Khi Linh Restaurant không thể bán tại chỗ vì COVID-19, bà Trinh Lê nhường việc cho các bạn trẻ. Thông báo thất nghiệp, bà được hưởng 1.500 euro/tháng trợ cấp trong một năm và được chọn một trong hai hình thức hỗ trợ: theo học chương trình đào tạo chuyển đổi nghề hoặc phải thường xuyên nộp đơn xin việc ở những nơi chương trình tìm việc giới thiệu, nếu không sẽ bị giảm trợ cấp. Chọn cách thứ nhất, bà Trinh được cấp 17.000 euro để nộp học phí và hiện đang theo khóa đào tạo hai năm về quản lý doanh nghiệp. “Học xong còn được thưởng 2.500 euro nữa. Họ cũng tính hết rồi, thưởng để mình học cho tốt, đặng còn ra đi làm tiếp để họ thu thuế mình tiếp” - bà Trinh nói vui.Trong khi đó, Linh Restaurant của ông Vũ Lê sau nhiều năm đóng thuế cao ngất cũng đang nhận được các hỗ trợ không nhỏ: 65% tiền lương của các nhân sự đang làm theo chế độ ít ngày (2-3 ngày/tuần) và 80% chi phí sửa sang lại vườn quanh nhà hàng - để chuẩn bị đón khách trong “trạng thái bình thường mới” (ngồi giãn cách và ở ngoài trời) - đều được chính quyền chi trả.40 năm sinh sống ở Đức, bà Trinh Lê và gia đình tin tưởng tiền đóng thuế của họ luôn được nhà nước sử dụng hợp lý. “Thuế là vậy, ai cũng phải đóng thôi. Không ai nộp thuế lấy gì đất nước phát triển. Nên tôi không suy nghĩ nhiều về các khoản phải đóng” - bà khẳng định.Anh: Đóng thuế để xã hội công bằngSinh sống ở thị trấn Reading, thuộc vùng South East England, cách London khoảng 40km, bà Yến Croxford làm trình dược viên cho hãng dược nổi tiếng ở Anh Boots Alliance từ năm 2008 với mức lương 36.000 bảng Anh/năm. Ảnh: Business ReviewNhư những người làm công ở Việt Nam, bà không phải đau đầu khai thuế vì đã có công ty tính cho. Với mức lương của mình, trừ phụ cấp cá nhân dao động trong khoảng 11.000-12.500 bảng/năm, bà đóng thuế ở mức thuế suất 20% cho khoản thu nhập chịu thuế. “Lương 3.000 bảng một tháng, công ty cắt hơn 400 bảng để đóng thuế và bảo hiểm, mình còn lại hơn 2.500 bảng” - bà Yến cho biết. Chồng bà, một kỹ sư hệ thống, có thu nhập khoảng 5.500-10.000 bảng/tháng, nên chịu mức thuế suất cao hơn hẳn, lên đến 40% cho phần thu nhập chịu thuế đã được trừ phụ cấp cá nhân.Dù vậy, khi được hỏi cảm thấy thế nào trước mức thuế suất quá cao như vậy, bà Yến cho đó là việc đương nhiên: “Từ tiền thuế của mình, chính phủ mới có ngân sách để chi cho các khoản như làm đường sá, xây trường học. Chúng tôi biết tiền thuế của mình luôn được sử dụng đúng và cảm thấy như thế là mình có đóng góp cho xã hội, chứ không phải là bị lấy mất tiền của, công sức”. Ví dụ cụ thể mà bà Yến cho rằng tiền hai vợ chồng đóng thuế đang góp phần giúp xã hội tốt đẹp hơn là việc Chính phủ Anh từ năm 2001 đã miễn phí vào cửa cho mọi người dân ở các bảo tàng và phòng trưng bày quốc gia.Pháp: Đóng thuế được hướng dẫn tận tìnhNăm 2014, bà Dung Huỳnh mở tiệm Équilibre ở quận 2, Paris. Nằm cuối khu phố đi bộ nổi tiếng Montorgueil - Petits Carreaux, tiệm ăn xinh xắn này nhanh chóng trở thành “quán ngon phố mình” nhờ một món chuẩn vị Việt: bò bún (tên phổ biến mà người Pháp gọi bún thịt bò xào sả). Ảnh: Business ReviewMùa đông, khách xếp hàng từ quầy bán ra cả ngoài đường chờ mua bữa trưa nhưng chủ tiệm vẫn không có kế hoạch kê thêm bàn.“Có quy định là nhiều bàn thì các phần ăn đều phải tính VAT 19,8%, còn ít bàn thì VAT là 19,8% cho phần ăn tại chỗ và 10% cho phần mang đi. Tiệm tui nhỏ, mở có buổi trưa, khách chủ yếu mua mang đi nên được bán với VAT đồng mức 10%. Tăng bàn thì thuế họ không cho tính VAT mức đó nữa, mà VAT cao hơn thì giá cao hơn, khó bán hơn” - bà Dung cho biết.Lý do Équilibre chỉ bán buổi trưa dù nằm trên con phố nhộn nhịp ngày đêm một phần cũng vì thuế. “Doanh thu 150.000 euro/năm trừ hết các chi phí hoạt động, kể cả lương và bảo hiểm cho chủ tiệm và nhân viên, và một phần chi phí đầu tư ban đầu, thì lãi ròng hơn 20.000 euro, đóng thuế 30% xong còn lại khoảng 14.000 euro. Nếu doanh thu cao hơn, thì qua mức thuế khác, nộp tới 40% cho nhà nước” - bà Dung cho biết. Một mình vừa lo tiệm vừa chăm con nhỏ, nhắm không có sức để tăng doanh thu và đóng thuế cao hơn, bà Dung quyết định lấy công làm lời và không bán buổi tối.Nhớ lại lúc mới làm quen với thủ tục thuế của Pháp, bà chủ tiệm Équilibre cho biết mọi việc đã khá dễ dàng ngay từ ban đầu. Phòng thuế hẹn bà đến quầy tư vấn để hướng dẫn, nhưng thấy khách lúng túng, nhân viên tư vấn mời vào phòng họp riêng để trình bày chậm rãi hơn. Sau này, mỗi kỳ đóng thuế theo quý và quyết toán hằng năm, bà Dung thực hiện qua mạng và chưa bao giờ bị gây phiền hà. “Chắc họ ý thức được là mình đem tiền tới để nuôi họ, nuôi nhà nước, nên họ hướng dẫn tận tình. Dễ thương lắm kìa!” - bà Dung nhận xét.Đan Mạch: Tiền thuế đi đâu?Tháng 3 vừa rồi, lần đầu tiên tôi làm chuyện ấy: đóng thuế ở Đan Mạch. Đó là mơ ước của tôi và hẳn cũng của cả nhiều người nhập cư nước ngoài từ khi đặt chân sang đất nước Bắc Âu này. Vì sao tôi lại dùng từ “mơ ước”? Nghe có hơi quá không, nhất là khi Đan Mạch nằm trong số những quốc gia có mức thuế cao nhất thế giới? Ảnh: InsiderTừ những gì bản thân tôi quan sát và trải nghiệm hơn hai năm qua, tôi nghĩ là mình đã dùng đúng từ.Thuế thu nhập cá nhân ở Đan Mạch thường dao động trong khoảng 37-45% tùy mức thu nhập. Những người thu nhập đặc biệt cao (tầm nửa triệu kroner/năm tức gần 80.000 USD/năm) thì sẽ phải chịu thuế suất lên tới 59%.Tất cả mọi người có thu nhập tại Đan Mạch đều phải chịu thuế, với quy định chi tiết rõ ràng. Lấy ví dụ trường hợp cháu trai của chồng tôi, Albert, năm nay 14 tuổi. Mỗi cuối tuần cháu đón xe buýt lên nhà ông bà ngoại để làm vườn, và được ông bà trả công theo giờ, thu nhập này được miễn thuế. Nhưng hằng tuần cháu cũng được thuê dọn dẹp nhà xông hơi công cộng bên bờ biển thuộc quản lý của địa phương nơi gia đình sinh sống, thu nhập này phải chịu thuế.Những ai cố tình nhận “tiền đen”, nghĩa là không thông báo cho sở thuế biết về thu nhập của mình với mục đích trốn thuế, sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí có thể đi tù. Năm ngoái từng có một chị người đồng hương hỏi tôi có muốn làm cho chị ấy theo dạng này không, công việc đơn giản, nhẹ nhàng, không đóng thuế, đôi bên cùng có lợi. Rất may là tôi đã từ chối vì không muốn mạo hiểm ở một đất nước thượng tôn pháp luật, và hiểu rằng đóng thuế là nghĩa vụ và quyền lợi, là cách mình thực hành dân chủ và sự công bằng.Hiện tôi làm nhân viên văn phòng cho một công ty xuất nhập khẩu của Đan Mạch. Tháng 3 vừa rồi, tôi nhận được bản tất toán thuế năm đầu tiên, trong đó liệt kê chi tiết số tiền tôi đã nộp, các khoản khấu trừ, số tiền hoàn thuế. Ngoài lương ở chỗ làm chính, tôi và chồng mỗi người có một công ty riêng để nhận công việc làm thêm (việc cá nhân lập “công ty một người” để cung cấp dịch vụ tự do rất phổ biến ở Đan Mạch).Mỗi khi gửi hóa đơn thanh toán cho khách hàng, chúng tôi cộng thêm 25% tiền thuế giá trị gia tăng và để dành số tiền này nộp cho sở thuế vào đầu tháng 3. Ngoài thuế giá trị gia tăng cao, Đan Mạch còn có thuế tiêu thụ đặc biệt mà người mua phải trả đánh vào bia, rượu, sôcôla, kẹo, pin...; rồi thuế xanh đánh vào sử dụng những nguồn tài nguyên chung của xã hội như điện, nước, xăng, dầu, xử lý rác... Ảnh: Insider Tuy phức tạp, hệ thống thuế ở Đan Mạch cũng rất rõ ràng và minh bạch. Mọi người dân đều có thể truy cập vào trang web của sở thuế (www.skat.dk) để tìm hiểu thông tin, gọi điện để được trả lời hoặc đặt lịch hẹn gặp mặt trực tiếp để được tư vấn.Tiền thuế thu được sẽ chia một phần cho chính phủ, một phần cho địa phương cư trú (ở vùng của tôi là 25,9% thu nhập cá nhân), 8% cho Quỹ thị trường lao động, 1% cho nhà thờ (nếu bạn là thành viên giáo hội Luther ở Đan Mạch).Đi kèm với thuế là phần mà ai cũng thích: quyền lợi khi đã đóng thuế. Phúc lợi xã hội từ thuế của Đan Mạch thuộc hàng nhất nhì thế giới. Tôi có cảm giác người sống ở Đan Mạch cứ việc đóng thuế thôi, sau đó có thể yên tâm sống đời mình mà không phải lo nghĩ gì nhiều, tất cả đã có chính phủ lo: chi phí khám chữa bệnh cho toàn dân từ lúc sinh ra đến khi lìa đời; giáo dục hoàn toàn miễn phí, sinh viên đại học còn có lương tháng; người thất nghiệp được trợ cấp với mức cao nhất hơn 19.000 kr/tháng (khoảng 70 triệu đồng) trong hai năm; và nhiều khoản hỗ trợ khác cho người lao động như tiền nghỉ ốm, tiền thai sản, tiền chăm con ốm, tiền hỗ trợ nuôi con cho đến khi 18 tuổi...Thuế cũng được dùng để trả lương cho người làm công việc giúp đỡ người già, người tàn tật. Chẳng hạn như tầng trên chung cư của vợ chồng tôi có ông già tên Lau sống một mình và có dấu hiệu trầm cảm, mỗi tuần đều có người từ trên quận cử đến để chăm sóc, trò chuyện cùng ông, giúp ông dọn dẹp nhà, đi chợ. Hoặc như anh bạn thân Morten của chồng tôi làm nghề chăm sóc người bị thiểu năng trí tuệ. Có lần anh ngồi tính chi phí được trả bằng thuế để chăm sóc một người thiểu năng không có khả năng lao động, rồi giật mình thốt lên: “Đất nước này quá giàu!”. Hệ thống giáo dục Đan Mạch hoàn toàn miễn phí từ mẫu giáo tới hết đại học. Ảnh: InsiderNgoài ra, còn có rất nhiều những khoản phúc lợi khác cũng trả bằng thuế, như toàn bộ hệ thống thư viện miễn phí; hệ thống trường đặc biệt højskole, nơi sinh viên sống và học tập mà không có các kỳ thi hay bài tập nhằm giúp họ “tìm ra mục đích đời mình”, được chính phủ trả 2/3 chi phí; hoặc nếu bạn có nhu cầu sửa nhà với mục đích tiết kiệm năng lượng, nhà nước cũng sẽ hỗ trợ. Vợ chồng tôi dự định sẽ thay cửa sổ căn hộ nhà mình vì cửa sổ cũ cách nhiệt không tốt, nên sẽ nộp đơn lên quận để được thanh toán kinh phí.Mục đích của hệ thống thuế Đan Mạch là để tạo ra một xã hội bình đẳng, một lưới an toàn để đỡ lấy những người chẳng may “vấp ngã”, bảo đảm không ai bị bỏ lại. Cũng phải nói Đan Mạch làm được thế nhờ đã nhiều năm liền đứng đầu danh sách các quốc gia minh bạch và ít tham nhũng nhất thế giới - khiến người đóng thuế yên tâm và tin tưởng.Trong hơn hai năm sống ở đây, tôi chưa gặp một người Đan Mạch nào than phiền chuyện sưu cao thuế nặng cả. Trái lại, họ đều nói: “Tôi hài lòng khi đóng thuế!”, vì họ biết rõ họ đã cho đi và nhận lại những gì. Trong tiếng Đan Mạch, thuế được gọi là “skat”, có thể tạm dịch là “Bé yêu”! Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Thuế và kinh tế số Tiếp theo Tags: Đóng thuếĐóng thuế trời TâyThuế Đan MạchNhà nước phúc lợi
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Trung tâm phục vụ hành chính công: Vượt qua các thách thức của mô hình TS NGUYỄN SĨ DŨNG 10/10/2024 2062 từ
Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM: Metro 1 chạy trong năm 2024 là mục tiêu phải làm được CHÂU TUẤN 12/10/2024 Tân Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM khẳng định mục tiêu không thể thay đổi này trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ Online.
Chi tiết về giá điện sau khi tăng giá NGỌC AN 12/10/2024 Bộ Công Thương ban hành quyết định về giá bán điện, là cơ cấu biểu giá điện cho khách hàng sau khi EVN tăng giá bán lẻ điện bình quân lên 2.103,11 đồng.
Luật Nhà giáo: Nâng thu nhập, vị thế người thầy VĨNH HÀ 12/10/2024 Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã chia sẻ về những điểm mới đặt ra ở dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó có nội dung đang gây tranh cãi.
Bộ Quốc phòng trả lời về việc doanh nghiệp của bộ bán pháo hoa THÀNH CHUNG 12/10/2024 Bộ Quốc phòng đã có trả lời liên quan kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Thuận về việc 'sử dụng, độc quyền cung cấp pháo hoa có trái chỉ thị của Thủ tướng, dẫn đến tiêu cực'.