TTCT - Theo ông Nguyễn Huy Quang - vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), ước tính Việt Nam có tối thiểu 100.000 người có bất thường về giới tính. Một chàng trai cắm trên đầu lá cờ biểu tượng cho cộng đồng người chuyển giới (ảnh chụp tối 24-11-2015), sau khi quyền chuyển đổi giới tính đã được Quốc hội thừa nhận -Nguyễn Khánh Theo ông Quang, việc Bộ luật dân sự công nhận quyền chuyển đổi giới tính mới là công nhận quyền được chuyển giới, xác lập quyền này. Để tiến hành chuyển giới được tại Việt Nam và tiến hành theo quy trình, quy định nào thì “phải có một bộ luật chuyên ngành quy định” - ông nói và hi vọng bộ luật này được ban hành trong nhiệm kỳ tới của Quốc hội. Nên chờ đợi “Người có bất thường về giới tính, có mong muốn chuyển đổi giới tính nên chờ luật chuyên ngành này. Trước mắt, họ có thể đến các bệnh viện ở Việt Nam có chuyên môn trong lĩnh vực này như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện T.Ư Huế để được khám và tư vấn, xem thật sự có bất thường và nên chuyển đổi giới tính hay không. Nếu có bất thường, cũng nên sống thử 1-2 năm với giới tính mới xem có phù hợp hay không trước khi chuyển đổi chính thức” - ông Quang khuyến cáo. Ông Quang cũng cho rằng các trường hợp đi chuyển đổi giới tính ở Thái Lan hoặc các nước khác, khi luật chuyển đổi giới tính của Việt Nam chưa được thông qua vẫn đối diện với nhiều rủi ro. Do Việt Nam chưa có luật quy định nên người sau chuyển giới chưa có các chăm sóc y tế, điều trị hormone hay nội tiết tố, họ vẫn phải sử dụng dịch vụ, thuốc trôi nổi, ảnh hưởng đến sức khỏe. Pháp luật chỉ cho phép chuyển giới khi có luật chuyên ngành, khi bệnh viện được phép “xác định một cá nhân được phép thay đổi giới tính”, cơ quan quản lý về hộ tịch mới thay đổi về tên họ, giới tính và các quyền nhân thân kèm theo cho các cá nhân này. Do đó những người đi chuyển đổi giới tính khi chưa có luật chuyên ngành vẫn sẽ đối diện nhiều rắc rối về hộ tịch hộ khẩu, khi đi máy bay, làm thẻ hay các giấy tờ kèm theo. “Chuyển đổi giới tính phải kèm theo uống thuốc, điều trị hormone, can thiệp phẫu thuật... điều đó có ảnh hưởng đến tuổi thọ, chưa kể các stress có thể gặp phải trong quá trình sống với giới tính mới. Để chuyển đổi giới tính hợp pháp và tránh các tổn thất đó, tôi vẫn cho rằng họ nên đợi khi pháp luật chính thức cho phép chuyển đổi giới tính” - ông Quang chia sẻ. Bước gian truân kế tiếp Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, Bộ Tư pháp đang giúp Chính phủ xây dựng kế hoạch thi hành Bộ luật dân sự (sửa đổi) vừa được thông qua. Trong đó sẽ nêu rõ việc hoàn thiện thể chế thi hành bộ luật thế nào, cơ quan nào chủ trì nội dung gì, tiến độ thời gian xây dựng các văn bản quy định chi tiết ra sao. “Chắc chắn sẽ phải xây dựng một luật chuyên ngành về việc chuyển giới cũng như hướng dẫn các trình tự, thủ tục về chuyển đổi giấy tờ hộ tịch sau khi chuyển giới. Tuy nhiên lộ trình thế nào và tiến độ tới đâu còn tùy thuộc vào kế hoạch thi hành Bộ luật dân sự này” - ông nói. Ông Đinh Công Khanh - cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) - cho rằng: “Sau khi có luật thì mọi thứ sẽ rất đơn giản. Người phẫu thuật chuyển giới xong chỉ cần có xác nhận sẽ được chứng nhận lại hộ tịch, đổi tên đệm, tên lót hoặc thay đổi giới tính từ nam sang nữ hay từ nữ sang nam. Đến ngày 1-1-2017, Bộ luật dân sự (sửa đổi) mới có hiệu lực nên từ giờ đến đó chúng ta vẫn còn thời gian để chuẩn bị”. “Tôi chưa từng hẹn hò. Tôi thậm chí cũng không nói với bố mẹ việc tôi là gay. Có một buổi tối, khi đang cùng mẹ ăn tối bất chợt chúng tôi thấy một cặp gay đang nắm tay nhau bước ngang qua. Mẹ tôi nói: Mẹ không hiểu sao họ có thể công khai điều đó? Tôi im lặng, nhìn mẹ và thầm nghĩ: Làm sao con có thể nói cho mẹ biết đó là tất cả những gì con muốn hơn bất cứ điều gì trên đời?”. Đó là lời tâm sự của một nhân vật trong chương trình Humans of New York (Mỹ). Tại Mỹ, nơi tòa án tối cao vừa thông qua đạo luật chấp thuận hôn nhân đồng giới trên toàn lãnh thổ, vẫn còn rất nhiều người kỳ thị cộng đồng LBGT. Bất chấp việc mỗi người khi sinh ra đều có quyền tự do yêu đương người đồng giới hay khác giới, tự do tự quyết mọi thứ liên quan đến cơ thể mình miễn tự do đó không làm ảnh hưởng đến tự do của người khác, nhiều người Mỹ vẫn nhìn đây là một việc trái với tự nhiên, trái với ý Chúa. Ngày 4-9-2015, một viên chức tòa ở Kentucky (Mỹ) bị tống giam do không chịu cấp giấy đăng ký kết hôn cho các cặp đôi đồng tính. Theo lời bà này thì: “Tôi không căm ghét ai. Đây không phải là vấn đề đồng tính. Nó là vấn đề hôn nhân và ý Chúa”. Như vậy, từ luật định cho đến thực tiễn là một quá trình rất dài để xóa bỏ sự kỳ thị đối với cộng đồng LBGT. Việc có đến 282/366 đại biểu Quốc hội tán thành việc chuyển đổi giới tính và việc thay đổi hộ tịch, các quyền nhân thân khác sau khi cá nhân chuyển đổi giới tính được quy định trong Bộ luật dân sự (sửa đổi) ở Việt Nam là một tiến bộ đáng ghi nhận đảm bảo quyền con người được thực thi. Tuy nhiên, cũng như cộng đồng người chuyển giới ở Mỹ và nhiều nước khác, cộng đồng chuyển giới ở Việt Nam cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Theo tờ The Washington Post, có tám vấn đề quan trọng liên quan đến cộng đồng chuyển giới ở Mỹ: không xác định rõ số lượng chuyển giới, bản thân người chuyển giới đối mặt với rủi ro cao với các ca phẫu thuật, họ bị kỳ thị trong các dịch vụ y tế, trong công việc, gia nhập quân đội... Trong đó, vấn đề việc làm cho người chuyển giới vẫn là việc nan giải hàng đầu. Tại Mỹ, có 25% người bị mất việc khi quyết định chuyển giới và 90% thừa nhận gặp rắc rối đáng kể trong công việc. Còn theo số liệu từ nghiên cứu “Sinh kế cho người chuyển giới” do Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP) Việt Nam và Viện Nghiên cứu phát triển (IDS) Vương quốc Anh thực hiện, có hơn 30% người tham gia khảo sát cho biết đã phải nghỉ việc vì là người chuyển giới, hơn một nửa số này đã phải nghỉ việc từ hai lần trở lên, gần 50% người chuyển giới có thu nhập chính từ công việc hoàn toàn bán thời gian, 21% có tích lũy, 28% đủ chi tiêu, 25% có thu nhập nhưng không đủ chi tiêu và khoảng 26% hoàn toàn không có thu nhập. Những con số biết nói đó khiến không chỉ các nhà làm luật mà cả xã hội đứng trước câu hỏi “luật đã định, rồi sao nữa?”. Các nhà quản lý đã đáp ứng được nguyện vọng của một cộng đồng người dân mà cụ thể hóa quy định về người chuyển giới và các vấn đề liên quan theo luật. Nhưng việc tuyển người lại nằm trong tay nhà tuyển dụng, họ hoàn toàn có quyền chọn một người phù hợp với nhu cầu và văn hóa công ty miễn không trái đạo đức hay vi phạm pháp luật và có thể từ chối người chuyển giới dưới các dạng lý do khác. Và đây chỉ là một trong muôn vàn khó khăn mà người chuyển giới phải gặp. Như vậy, ban hành luật chỉ là một bước khởi đầu, việc cố gắng thay đổi nhận thức của người dân trong cách nhìn nhận về người chuyển giới mới là điều cam go còn đang chờ phía trước.■ Tags: Chuyển giớiChuyển giới được thừa nhậnCon đường phía trước
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Trung tâm phục vụ hành chính công: Vượt qua các thách thức của mô hình TS NGUYỄN SĨ DŨNG 10/10/2024 2062 từ
Doanh nhân đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc THÀNH CHUNG 11/10/2024 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tin tưởng cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp chắc chắn sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chuyển Bộ Công an điều tra dấu hiệu sai phạm 8 dự án tại Hà Nội, TP.HCM và Bình Dương THÂN HOÀNG 11/10/2024 Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ, tài liệu sang Bộ Công an để điều tra, xử lý dấu hiệu sai phạm 8 dự án tại Hà Nội, TP.HCM và Bình Dương sau khi có kết quả thanh tra đối với 9 khu đất, dự án.
Negav chính thức không tham gia concert thứ 2 của Anh trai say hi, khán giả ào vô tranh cãi HOÀNG LÊ 11/10/2024 Chiều 11-10, đội ngũ quản lý đưa thông tin Negav sẽ không tham gia concert 2 Anh trai say 2 diễn ra tại TP.HCM ngày 19-10.
Giá điện tăng 2.103 đồng/kWh, người dùng điện phải trả thêm bao nhiêu? NGỌC AN 11/10/2024 Việc tăng giá điện tác động thế nào đến các hộ tiêu dùng điện, khách hàng nào phải trả tăng tiền điện nhiều nhất?