Đường đua sẽ thay đổi?

THANH TUẤN 24/09/2016 17:09 GMT+7

TTCT- Hillary Clinton có lợi thế chút đỉnh so với Donald Trump về các vấn đề chống khủng bố. Nhưng các vụ đánh bom liên tiếp ở New York và New Jersey rất có thể sẽ làm thay đổi cục diện.

Thị trưởng New York Bill de Blasio (bìa phải) và Thống đốc bang New York Andrew Cuomo (giữa) ở hiện trường vụ đánh bom  -ABC News
Thị trưởng New York Bill de Blasio (bìa phải) và Thống đốc bang New York Andrew Cuomo (giữa) ở hiện trường vụ đánh bom -ABC News


Bốn vụ đánh bom liên tiếp (hai phát nổ, hai được phát hiện kịp thời) đang xoáy chủ đề an ninh và chủ nghĩa khủng bố thành tâm điểm cho cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ vào đầu tuần tới.

Sau vụ đánh bom, tỉ phú Donald Trump ngay lập tức chỉ trích Barack Obama và Hillary Clinton thất bại trong việc đảm bảo an toàn cho nước Mỹ.

Clinton phản bác lại với cuộc họp báo ở White Plains tại New York: Trump là kẻ mị dân nguy hiểm với những lời đao to búa lớn chỉ đẩy đất nước vào nguy hiểm nhiều hơn. Bà chỉ trích những tuyên bố gây hấn của Trump tạo điều kiện cho lực lượng khủng bố IS (tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng) tuyển người và ám chỉ ông này có thể mắc tội “phản quốc”.

Phe Trump phản bác rằng Clinton phải chịu trách nhiệm vì sự trỗi dậy của IS khi ủng hộ việc rút quân khỏi Iraq vào năm 2011. “Bình luận của Clinton hôm nay về việc Trump phản quốc là rất thảm hại, đó chỉ là nỗ lực nhằm tránh né thành tích tệ hại của bà ta về IS” - cố vấn truyền thông Jason Miller của Trump nói với báo giới.

Lợi thế truyền thống phe Cộng hoà

Các cuộc thăm dò cho thấy bức tranh khá rõ: cử tri tin tưởng Clinton hơn Trump liên quan tới vấn đề khủng bố và an ninh quốc gia. Nhưng khoảng cách rất mong manh. Đây là sự trái ngược khá lớn so với các cuộc bầu cử trước khi Đảng Cộng hòa thường được coi mạnh hơn về các vấn đề an ninh.

Cùng với các vụ đánh bom, vụ đâm dao khiến gần 10 người bị thương ở Minnesota (đã được IS nhận trách nhiệm) đang dấy lên những lo sợ mới về khủng bố cũng như việc IS có thể đã len lỏi vào trong xã hội Mỹ. Hiện động cơ chính xác của các vụ khủng bố này vẫn đang được làm rõ.

Lần cuối cùng những sự kiện khủng bố đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử là cuộc đua năm 2004 giữa Bush với Kerry. Năm đó 19% cử tri được thăm dò sau bầu cử nói khủng bố là vấn đề quan trọng nhất. Trong nhóm này, Bush thắng áp đảo Kerry tới 72 điểm: 86-14%.

Đây là lợi thế truyền thống của phe Cộng hòa: những cử tri lo lắng về khủng bố nhất thường ủng hộ phe này với số lượng lớn. Năm 2008, McCain thắng hoàn toàn Obama trong nhóm cử tri “rất lo lắng về tấn công khủng bố” (chiếm khoảng 1/4 số cử tri) với tỉ lệ 54-43%.

Năm 2004, tổng thống đương nhiệm khi đó George W. Bush của phe Cộng hòa dẫn rất xa ứng viên John Kerry (khi đó là thượng nghị sĩ) liên quan tới các vấn đề an ninh. Một cuộc thăm dò của CBS News/New York Times đầu tháng 10-2004 cho thấy cử tri tin tưởng Bush hơn (52%) so với Kerry (39%) nếu phải ra quyết định chống các vụ tấn công khủng bố.

Bốn năm sau, Barack Obama gặp thách thức tương tự khi đối đầu ứng viên Đảng Cộng hòa, thượng nghị sĩ John McCain, trong cuộc chạy đua Nhà Trắng. Ông McCain, cựu binh tại Việt Nam, đã liên tục dẫn Obama trong suốt chiến dịch tranh cử dù tỉ lệ này có thu hẹp lại khi đến gần ngày bầu cử.

Tới năm 2012, ông Obama với lợi thế tiêu diệt được Osama Bin Laden một năm trước đó, có lợi thế hơn đối thủ Mitt Romney của phe Cộng hòa. Cùng năm đó, ông Obama được cử tri tín nhiệm hơn liên quan tới các vấn đề đối ngoại. Các thăm dò sau bầu cử cũng cho thấy cử tri tin tưởng ông khi điều hành các khủng hoảng quốc tế hơn Romney.

Khủng bố ít quan trọng trong giai đoạn 2008-2012

Nhưng trong hai lần bầu cử gần đây nhất, khi an ninh tại Mỹ khá được đảm bảo, khủng bố không phải là vấn đề chính yếu với cử tri. Năm 2008, chỉ khoảng 9% cử tri nói khủng bố là vấn đề quan trọng nhất và với nhóm này McCain thắng áp đảo Obama với tỉ lệ 86-13%.

Thăm dò sau bầu cử năm 2012 thậm chí không hỏi cử tri về khủng bố. Dù vậy, cuộc thăm dò tháng 9-2012 của PEW cho thấy phần lớn người ủng hộ Romney (68%) coi khủng bố là vấn đề “rất quan trọng” đối với lá phiếu của họ so với những người ủng hộ Obama (55%).

Trở lại New York, vụ khủng bố sẽ trở thành tâm điểm mới khi chỉ một tuần nữa là đến cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình đầu tiên giữa hai ứng viên. Địa điểm cuộc tranh luận nằm ngay ở Long Island thuộc New York, cách không xa địa điểm vụ đánh bom khiến 29 người bị thương.

Cả hai ứng viên đều đang cố chứng minh mình có khả năng chống khủng bố và lèo lái thông tin theo hướng có lợi cho mình. Bà Clinton họp báo ở White Plains (New York) trước khi bay tới Philadelphia nói bà là “ứng viên duy nhất trong cuộc đua từng tham gia các quyết định khó khăn để tiêu diệt khủng bố trên thực địa”.

Nói như bà Clinton thì bà từng ở trong phòng Tình huống trong chiến dịch triệt hạ Bill Laden và nhiều cuộc khủng hoảng an ninh khác. Trump không có kinh nghiệm này.

Nhưng vấn đề, theo tờ Politico, nằm ở chỗ: những người ủng hộ Trump e ngại về khủng bố nhiều hơn rất nhiều, và điều đó có thể giúp Trump thu hút được những cử tri đang ngày càng lo lắng về an ninh nội địa.

Clinton lợi thế nhưng tình hình có thể thay đổi

Trump trong khi đó phản bác qua tài khoản trên Facebook, nói Clinton đã “khiến khủng bố bạo dạn hơn trên khắp thế giới, tấn công nước Mỹ ngay trên lãnh thổ chúng ta”. Trump viết thêm (ngày 19-9) rằng khủng bố đang “hi vọng và cầu mong Hillary Clinton trở thành tổng thống để chúng có thể tiếp tục phá hoại và giết chóc”.

Các cuộc thăm dò ngay trước các vụ khủng bố vừa rồi cho thấy bà Clinton có lợi thế mong manh về các vấn đề an ninh. Cuộc thăm dò của Fox News cho thấy Clinton hơn ứng viên Trump với tỉ lệ 47-46% khi được hỏi ai sẽ giải quyết vấn đề khủng bố và an ninh tốt hơn.

Cuộc thăm dò của CBS News/New York Times cùng thời gian cho thấy 49% cử tri tin tưởng Clinton về các vấn đề an ninh và khủng bố so với 45% cho Donald Trump. An ninh là vấn đề quan trọng xếp thứ hai, ngay sau các vấn đề kinh tế - việc làm trong thứ tự ưu tiên của các cử tri.

Thăm dò của ĐH Quinniapiac tuần trước cũng cho thấy 49% cử tri nói Clinton sẽ làm tốt hơn nhiệm vụ “giữ đất nước an toàn, tránh khủng bố” so với 47% của Trump. Một thăm dò khác của ABC News/Washington Post cho thấy một nửa cử tri tin tưởng Clinton đối phó với khủng bố so với 41% của Trump.

Với nhiều giới quan sát, bà Clinton được coi là “diều hâu”, cứng rắn hơn trong các chính sách an ninh của mình. Trong các thăm dò, bà Clinton được coi là có kinh nghiệm, hiểu biết hơn và sẽ là nhà lãnh đạo ổn định hơn.

Trong thăm dò của Fox News, 61% cử tri nói cựu ngoại trưởng Mỹ “đủ khả năng để làm tổng thống” so với tỉ lệ 45% của Trump. 59% cử tri nói Clinton có “tính khí phù hợp để làm tổng thống” so với 38% dành cho Trump.

Trump quyết đoán hơn?

Nhưng cử tri lại coi Trump là ứng viên quyết đoán hơn, người dám nói thẳng thay vì vòng vèo kiểu chính trị. Các thăm dò cho thấy cử tri coi ông có thể quyết liệt theo đuổi việc đánh lực lượng khủng bố IS ở Trung Đông hơn Hillary. Cuộc thăm dò đầu tháng này của CNN/ORC International cho thấy một nửa cử tri coi Trump là nhà lãnh đạo “mạnh mẽ và quyết đoán” so với 42% cử tri của Clinton.

Nhưng dù cử tri nhìn chung tin tưởng Clinton hơn là Trump, mối lo lắng ngày càng nhiều về khủng bố lại có thể có lợi cho ứng viên phe Cộng hòa. Một phần rất lớn vì nhiều cử tri Mỹ coi câu chuyện an ninh gắn chặt với vấn đề nhập cư của nước Mỹ và phe Cộng hòa được coi là cứng rắn và bảo thủ hơn liên quan tới vấn đề này.

Trước cuối tuần này, những cử tri ủng hộ Trump thường là những người lo lắng nhiều hơn về khủng bố: điều tra của Quinniapiac tuần trước cho thấy 79% cử tri của ông thường “rất lo lắng” hoặc “phần nào đó lo lắng” về âm mưu khủng bố ở Mỹ “trong tương lai gần... và có thể gây tổn thất lớn về người”.

Hầu hết cử tri của Trump (96%) nói rằng “có thể” sẽ có vụ tấn công trong tương lai gần, trong đó tới 57% nói “rất có khả năng” sẽ xảy ra tấn công. Với Clinton, số nói “có thể” chỉ là 64% và số nói “rất có khả năng” là 19%. Sự phân hóa cử tri giữa hai ứng viên là rất rõ.

Nỗi lo lắng đó tác động trực tiếp tới cuộc sống của cử tri. Khoảng 47% cử tri nói họ “phần nào lo lắng” rằng họ hoặc người thân trong gia đình “trở thành nạn nhân của vụ khủng bố” - và một lần nữa, trong các nhóm cử tri có sự chia rẽ rõ. Khoảng 2/3 số người ủng hộ Trump nói họ “phần nào lo ngại” về việc thành “nạn nhân” so với chỉ khoảng 29% cử tri ủng hộ Clinton.

Theo Mark Lander của New York Times, Hillary Clinton là nhân vật “diều hâu” thực sự duy nhất còn lại trong cuộc đua 2016 khi bà sinh ra ngay sau Thế chiến thứ II và là con một sĩ quan hải quân, người chuyên huấn luyện những binh lính trẻ trước khi lên đường.

Những vụ nổ bom mới có thể sẽ thay đổi đánh giá của cử tri về vấn đề khủng bố trong bầu cử. Và trong những cuộc thăm dò gần đây nhất, chiều hướng thay đổi của cử tri không hoàn toàn thuận lợi cho bà cựu ngoại trưởng.■

Nghi phạm là ai?

Rất nhanh chóng sau vụ tấn công, cảnh sát Mỹ đã bắt được nghi phạm vụ đánh bom, Ahmad Khan Rahami, mà nhà chức trách nói “có liên hệ trực tiếp” tới vụ khủng bố. Rahami, 28 tuổi, bị bắt hôm 18-9 sau một cuộc đọ súng với cảnh sát và bị truy tố với năm tội danh.

Mức tiền bảo lãnh cho Rahimi là 5,2 triệu đôla Mỹ. Cảnh sát cũng cho biết vợ Rahimi đã rời nước Mỹ vài ngày trước vụ đánh bom. Rahimi đã nhiều lần sang Afghanistan và Pakistan trong năm năm qua và kết hôn tháng 7-2011 với một phụ nữ người Pakistan.

Giai đoạn ở Pakistan dài nhất của Rahimi là từ tháng 4-2013 tới tháng 3-2014. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận