Đường sang Tây vực

BINH NGUYÊN 16/11/2007 20:11 GMT+7

TTCT - Một chuyến đi đến vùng đất xa xăm giữa hai sa mạc lớn nhất châu Á là Talakmakan và Gobi thuộc vùng bồn địa Tarim phía tây bắc tỉnh Cam Túc và khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc), nơi mà dấu chân Đường Tăng in dấu với tác phẩm Đại đường Tây vực ký, là nơi mà những lữ khách đi qua chinh phục “con đường tơ lụa” ngàn năm trước, nơi giao hòa giữa những nền văn minh Á - Âu...

Phóng to
Ảnh 1 Ảnh 2

Phóng to
Ảnh 3 Ảnh 4

Phóng to
Ảnh 5 Ảnh 6

Đó cũng chính là điểm cuối cùng của hệ Thống Vạn lý trường thành phía cực tây với ải Gia Dụ quan (Jiayuguan) hùng vĩ cô độc của Ám bích trường thành, nơi được mệnh danh “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” (ảnh 1). Vượt gần 200km giữa sa mạc mênh mông, chúng tôi tìm đến Ngọc Môn quan (ảnh 2), cửa ải cô độc của Tây vực nổi tiếng với bài thơ Xuất tái của Vương Chí Hoan:

Hoàng hà viễn thướng bạch vân gian

Nhất phiến cô thành vạn nhận san

Khương địch hà tu oán dương liễu

Xuân phong bất độ Ngọc Môn quan

(Xa xa, sông Hoàng Hà leo lên tận khoảnh mây trắng

Một vuông thành cô quạnh, muôn trượng núi cao

Tiếng sáo người Khương cần chi thổi bài chiết liễu

Vì gió xuân nào có qua cửa ải Ngọc Môn đâu!)

Nằm cách Gia Dụ quan không xa là thành cổ Đôn Hoàng (Dun Huang) không chỉ nổi tiếng với hệ thống chùa hang Mạc Cao lưu giữ 45.000m2 các bức họa trên tường - kho báu nghệ thuật Phật giáo có lịch sử lâu đời và lớn nhất thế giới, mà còn có sa mạc Minh Sa tuyệt đẹp với những đồi cát mênh mông cùng đoàn lạc đà - phương tiện chuyên chở lữ khách đi qua những ốc đảo (ảnh 3).

Vượt qua ranh giới tỉnh Cam Túc đến Tô Lô Phan (Turfan) thuộc khu tự trị Tân Cương, đã thấy sắc màu đặc thù của vùng Trung Á với những cô gái dân tộc Uy Ngô Nhĩ phảng phất dáng vẻ lai Âu (dân tộc chiếm đa số khu tự trị với 45,21%) (ảnh 4). Tô Lô Phan còn lưu giữ cổ thành Cao Xương - một trong hàng chục tiểu quốc phồn thịnh ngày xưa ở Tây vực nằm giữa sa mạc (ảnh 5) và đi trên những chuyến xe la do những chú bé dân tộc Uygur điều khiển để chiêm bái ngôi cổ thành, nơi mà Đường Tam Tạng từng đặt dấu chân thuyết pháp, nơi được sánh ngang với thành Trường An xưa (ảnh 6).

Đến Tây vực còn có một thú vui ghé thăm những ngôi nhà lều của những du mục Kazakhstan (dân tộc đứng hàng thứ ba, chiếm 6,74% dân số Tân Cương) nằm dưới chân núi tuyết Thiên Sơn để được uống trà sữa dê và vui đùa với những đứa trẻ du mục... (ảnh 7).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận