EU: Trong mê cung của chủ nghĩa đa văn hóa…

TƯỜNG ANH 09/12/2021 06:00 GMT+7

TTCT - Một trong những di sản không mong muốn của cựu thủ tướng Đức Angela Merkel chính là cuộc khủng hoảng di cư đe dọa châu Âu vài năm qua và vẫn đang tiếp diễn.

Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng cột mốc mới của cuộc khủng hoảng được đánh dấu vào năm 2015 bởi Đức - một quốc gia vốn được coi là có đầu óc thực tế cao độ. Động cơ của nhà chức trách Đức rất rõ ràng: do dân số già và tỉ lệ sinh thấp, nền kinh tế thiếu nhân công. 

Các doanh nhân kêu gọi chính quyền hành động, bởi toan tính của chủ thuê lao động là giá lao động nhập cư rẻ hơn nhiều so với lao động bản địa.

Trong số những người di cư ở biên giới Ba Lan - Belarus hiện giờ có rất nhiều trẻ em. Ảnh: AFP

 

Di sản của Merkel 

Trong khi đó, một số quốc gia Trung Đông và Bắc Phi đang lâm vào khủng hoảng chính trị, kinh tế và xã hội. Xung đột vũ trang, thất nghiệp, đói kém, bệnh tật, bạo lực đã đẩy hàng triệu người ra đi. 

Các phương tiện truyền thông truyền bá bức tranh về sự thịnh vượng của châu Âu trên khắp thế giới cũng gánh một phần trách nhiệm. Trong vài thập niên, hàng triệu người bên ngoài EU nhìn châu Âu như một thiên đường. Chỉ cần vào được biên giới của nó là mọi vấn đề của họ sẽ được giải quyết.

Trong cao điểm của cuộc khủng hoảng, Thủ tướng Merkel năm 2015 đã dang tay chúc phúc. “Đức là một đất nước mạnh. Chúng tôi xoay xở được” - bà tuyên bố quyết định mở cửa biên giới cho người tị nạn. 

Có vẻ như bà đã không đánh giá được hết mức độ nguy hiểm của những ảo tưởng thịnh hành ở châu Âu khi đó về khả năng hội nhập của hàng triệu người với các thói quen, tôn giáo, văn hóa rất khác.

Kể từ 2015, hai triệu người tị nạn đã đến Đức từ Bắc Phi và Trung Đông. Ngày nay, 1/4 người sống ở Đức có nguồn gốc nước ngoài. Người Đức (cả vì lý do nhân đạo và mặc cảm về thảm họa mà họ đã gây ra trong Thế chiến II) nhận tới 40% tổng số người tị nạn hiện nay.

Vượt tầm kiểm soát

Cùng lúc có một thực tế là trên đường đến miền đất hứa, hàng triệu người đã định cư ở các nước EU khác - những nơi họ hoàn toàn không được chào đón và chấp nhận. 

Từ đầu cuộc khủng hoảng, số người tị nạn đến EU đã tăng gấp 10. Một vấn đề riêng, nhức nhối của cuộc khủng hoảng này là trẻ em và thanh thiếu niên mà người di cư mang theo, do trông cậy vào chủ nghĩa nhân văn của EU. 

Khi gặp khó khăn, những đứa trẻ này bị phó mặc cho số phận, với hy vọng các tổ chức nhân đạo EU sẽ quan tâm. Theo ông Vyacheslav Kostikov, giám đốc Trung tâm Lập kế hoạch chiến lược của tờ Luận chứng và sự kiện, trong những năm gần đây, gần 20.000 trẻ em đã “biến mất” ở EU.

Mở cửa nước Đức cho người di cư, bà Merkel bắt đầu từ nhận thức của người Đức rằng người nhập cư sẽ làm việc và đóng góp cho sự phát triển của đất nước tiếp nhận mình. 

Thực tế là ở Đức, nơi có việc làm và cần lao động, chỉ một nửa số người mới đến đi làm và bắt đầu đóng thuế. Nửa còn lại không tìm việc, vui vẻ nhận trợ cấp xã hội. (Trợ cấp xã hội hàng tháng cho người nhập cư ở Đức cao gấp 4-5 lần so với tiền họ kiếm được ở nước mình).

Không giống người châu Âu, vốn hạn chế lập gia đình hoặc sinh rất ít con trong những thập niên gần đây, người di cư vốn không mang gánh nặng công việc và bằng lòng với trợ cấp đã ồ ạt sinh con, nhắm vào tiền trợ cấp cho trẻ em. 

Kết quả là theo ước tính của các nhà nhân khẩu học, trong vài thập niên nữa, tỉ lệ người di cư ở châu Âu có thể tương đương dân số bản địa. (Theo dữ liệu hiện giờ, có 350.000 người Kurd, 4 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ và những người nhập cư khác từ Trung Đông đang sống ở Đức).

Trong cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus - EU đang diễn ra, ông Nikolai Patrushev, thư ký Hội đồng An ninh Nga tiết lộ điều tra từ phía Nga về làn sóng người di cư từ Iraq, Syria và Afghanistan đổ vào Belarus: chính những người Kurd tới được châu Âu đã thành lập các nhóm tổ chức và đảm bảo việc vận chuyển người di cư đến châu Âu. 

Lợi dụng chế độ miễn thị thực ở Belarus, họ đã biến việc vận chuyển này thành một ngành kinh doanh béo bở.

Chia rẽ trong EU

Trong nhiều năm, các nước EU đã không thể thống nhất về hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn. Cộng hòa Czech, Hungary, Ba Lan, Slovakia, Romania yêu cầu tạm hoãn tiếp nhận người di cư.

 Trong số các nguyên nhân, ngoài sự bất mãn của dân bản xứ và gánh nặng ngân sách, còn có vấn đề an ninh: Trong cả triệu người tị nạn, không thể loại trừ có thành viên của các tổ chức cực đoan. 

Giai đoạn 2015 - 2020, 120 cuộc tấn công của lực lượng Hồi giáo đã được thực hiện ở châu Âu. 

Việc Hungary xây hàng rào cách ngăn với Serbia, rồi Romania để tránh dòng người tị nạn đổ vào nước mình, hay Áo xây hàng rào điện tử với Slovenia, và mới đây Ba Lan quyết liệt không cho người nhập cư Iraq “quá giang” để vào Đức, cho thấy không phải tất cả các nước EU đều chia sẻ cái nhìn của bà Merkel.

Vấn đề nhập cư còn gây tranh cãi trong nội bộ từng nước. Tại Pháp, dân chúng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ các tổ chức Hồi giáo hoạt động trong nước và nguồn tài trợ của họ. 

Thủ phạm vụ khủng bố ngày 13-11-2015 khiến 130 người thiệt mạng là những kẻ khủng bố trà trộn vào Pháp theo dòng người di cư bất hợp pháp.

Sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan dẫn tới làn sóng người tị nạn chính trị mới, Chính phủ Pháp thuyết phục người dân rằng lực lượng phản gián luôn theo dõi và kiểm soát tất cả người Afghanistan nhập cảnh và họ không quá đông: 1.200 người đã đến, 2.000 người khác đang chờ sơ tán.

Tuy nhiên, không phải người Pháp nào cũng sẵn sàng tin tưởng chính phủ. 

“Tôi không hiểu tại sao Pháp lại gây nguy hiểm cho sự an toàn của đồng bào mình. Afghanistan có phải là thuộc địa cũ của Pháp không? Không. Chúng tôi đã đổ máu cho tự do của người Afghanistan; chúng tôi đã trả tiền, trong nhiều năm chúng tôi đã tiếp đón người Afghanistan. Nhưng những người nhập cư này không chia sẻ những giá trị, lối sống và những nguyên tắc của nền cộng hòa chúng tôi” - Julien Odoul, chính trị gia của Đảng cực hữu National Rally, bày tỏ.

Trong khi đó, những người như Didier Lesch, lãnh đạo tổ chức nhân đạo OFFI chuyên giúp đỡ người tị nạn, lại tin rằng Pháp chưa làm đủ để giúp người Afghanistan: 

“Nhiều người trong số này đã làm việc tại Đại sứ quán Pháp. Bây giờ họ phải đối mặt với cái chết vì hợp tác với chúng ta. Đó là những nghệ sĩ, nhà báo, cựu quan chức của chính quyền Afghanistan, những người sẽ không sống được dưới dưới chế độ mới. Chúng ta phải cứu họ”.

Trong góc nhìn đó, những người di cư cũng chỉ là nạn nhân. 

Đơn cử như ở biên giới giữa Belarus với EU hiện nay, các thống kê chính thức nói có 2.500 - 3.000 người, trong khi sâu hơn trong lãnh thổ Belarus còn 5.000 di dân khác. Trong số họ có cả phụ nữ mang thai và đến 750 trẻ em tuổi mẫu giáo. 

Hiện Belarus đảm nhận gánh nặng chăm sóc chính: cho ăn, sưởi ấm, giải quyết các vấn đề với chỗ ở tạm thời và hỗ trợ y tế.

Trong cuộc điện đàm với bà Merkel hôm 18-11, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đề xuất lập hành lang nhân đạo cho 2.000 người tị nạn đang ở trong trại. 

Minsk cũng quyết định sẽ giúp đỡ 5.000 người tị nạn không trở về quê hương, nhưng khẳng định sẽ không xua đuổi họ bằng vũ lực. Cùng lúc, tờ AiF (Nga) hôm 19-11 dẫn lời đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao Iraq, Ahmed al-Sahaf, cho biết 374 người tị nạn Iraq đầu tiên sẽ trở về nhà từ Belarus. 

Chính phủ Iraq chi tiền cho chuyến bay này. Về phần mình, EU thông báo sẽ chi 700.000 euro giúp đỡ người tị nạn, trong đó 200.000 sẽ được chuyển cho chi nhánh Hội Chữ thập đỏ ở Belarus.

Dễ hiểu vì sao cuộc điện đàm với ông Lukashenko của bà Merkel không làm hài lòng một số thành viên EU. 

Chỉ trích cuộc điện đàm của bà Merkel chẳng khác nào “hợp pháp hóa nhà độc tài Belarus” (trên lý thuyết, đến nay EU vẫn không công nhận kết quả bầu cử 2020 giúp ông Lukashenko tái đắc cử tổng thống), Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nhận định bà Merkel “đã thất bại trong chính sách tị nạn”. 

Ông Morawiecki nhấn mạnh: “Điều này gây nguy hiểm cho chủ quyền của nhiều quốc gia châu Âu, tạo ra chủ nghĩa đa văn hóa giả tạo”. Litva và Estonia cũng có những tuyên bố tương tự.

Người tị nạn đến châu Âu qua ngả Belarus là từ Iraq, nơi tình hình trở nên tồi tệ sau cuộc xâm lược quân sự của Hoa Kỳ. Họ chạy khỏi Libya, nơi phương Tây đã làm đất nước này sụp đổ. 

Ở Afghanistan, trong 20 năm phương Tây áp đặt sự cai trị bất thành, kết quả là chế độ thân Mỹ sụp đổ chỉ trong vài tuần lễ, khi người Mỹ còn chưa kịp rút hết. Ở Syria, nội chiến nổ ra do phương Tây tìm cách lật đổ ông Bashar Al-Assad…

Thế nên, muốn chấm dứt làn sóng di cư bất hợp pháp, có lẽ phải giải quyết tận gốc rễ vấn đề bằng chủ nghĩa nhân đạo đích thực: chấm dứt chiến tranh và can thiệp quân sự, thay vì thứ chủ nghĩa đa văn hóa mà chính một số nước EU cũng cho là “giả tạo”. 

Theo văn bản thỏa thuận liên minh trình bày ngày 24-11, chính phủ mới của Đức dự định cởi mở hơn với người nhập cư. 

Theo đó, thời gian cư trú bắt buộc trên lãnh thổ Đức, vốn cần để nộp đơn xin nhập quốc tịch, có thể giảm từ 8 xuống 5 năm, và trong một số trường hợp còn ba năm. 

Những người Đức nhập tịch trong tương lai sẽ có quyền song tịch. Ngoài ra, chính phủ mới cũng dự định dỡ bỏ lệnh cấm làm việc với người di cư bất hợp pháp hiện cư trú tại Đức. 

Các yêu cầu về tiếng Đức với người xin nhập quốc tịch và quy định về việc đoàn tụ gia đình cũng sẽ được sửa đổi. Các dự định này đang gặp phản ứng không ít từ dân Đức.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận