Freelancer: Từ bóc lạc đến nền kinh tế số

TRUNG TRẦN 28/11/2022 08:07 GMT+7

TTCT - Lao động thời vụ, làm việc theo dự án, freelancer, lao động tự do… Nhiều từ ngữ khác nhau có thể được sử dụng để chỉ cùng một dạng lao động đang ngày càng phổ biến trên một thị trường thay đổi nhanh chóng.

Freelancer: Từ bóc lạc đến nền kinh tế số - Ảnh 1.

Ảnh: irrp.org

Khi nhìn vào CV của một ứng viên, nếu tuổi tác của người nộp đơn đáp ứng đủ yêu cầu thì nhà tuyển dụng sẽ chú trọng điều gì nhất? Không phải bằng cấp, trường tốt nghiệp, cũng chưa chắc công ty hay vị trí mà ứng viên từng trải qua. Tiêu chí quan trọng nhất là thời gian làm việc tại mỗi công ty ứng viên ấy từng làm.

Không có ý nghĩa mấy khi ứng viên từng làm ở top 10 công ty lớn nhất Việt Nam mà mỗi công ty chỉ xấp xỉ dưới hai năm, bởi vì lịch sử công việc như vậy chủ yếu chỉ ra ứng viên là người giỏi… trả lời phỏng vấn. 

Trong một môi trường làm việc truyền thống, một vị trí được gọi là thạo việc chí ít cũng phải 2 năm, còn chuyện nhân sự thấp và trung cấp chỉ trong vòng sáu tháng một năm thay đổi được cả một phòng ban hay công ty thường chỉ là… truyền thông.

Thay đổi chỗ làm ít nhất một vài lần là điều nên có trong 20 - 30 năm làm việc của đời người, nhưng nếu vì những lý do khác nhau mà số công ty bạn trải qua trong vòng 10 năm lớn hơn số ngón một bàn tay thì một công việc ổn định không phù hợp với tính khí, bản chất của bạn, hoặc bản thân xã hội đang có vấn đề, và bạn nhiều khả năng đang là một "freelancer".

Freelancer cổ điển…

… thật ra chỉ là "nhận hàng về gia công", bắt nguồn từ những hình ảnh thời đói khổ mà lãng mạn thi thoảng còn được kể lại trên Facebook, về thời kỳ nhận len, bông của xí nghiệp quốc doanh về đan áo, may khăn những năm 1970 - 1980. 

Một công việc thời vụ tận dụng sức lao động nhàn rỗi điển hình phổ biến thời kỳ 1980 - 1990 là phong trào bóc lạc nhân cho ngành ngoại thương, một tạ lạc vỏ được 70kg nhân, đủ thì nhận tiền công, thiếu thì trừ theo đơn giá. 

Dân gian gọi phong trào này là "Toàn dân nghiên cứu hạt nhân!". Hình thức khoán công này có nhược điểm là chỉ đảm bảo số lượng chứ không kiểm soát được chất lượng. 

Bên nhận gia công, vì chạy theo số ký, có khi để lạc đã bóc trên bể nước đến hôm sau mới đóng bao đi nộp, 10kg có thể tăng lên thành 11 - 12kg, bất chấp hạt thành phẩm đó có còn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu hay không.

Đến thời kỳ mở cửa làm ăn với nước ngoài, hình thức freelancer cổ điển này vẫn tồn tại và có đất phát triển trong các ngành nghề như thủ công mỹ nghệ, gia công phụ kiện. 

Như ở Đồng Nai, có thời nhà nhà lãnh sợi mây, cói về đan giỏ cho các cơ sở xuất khẩu với tiền công một ngày thời điểm cuối 1990 đầu 2000 vào khoảng 10.000 - 25.000 đồng tùy năng suất. 

Các bậc trung niên ở quê vào Nam giữ cháu cho con cái làm công nhân có thêm việc để cải thiện thu nhập, cũng là giúp đất nước có thêm ngoại tệ. 

Với thế hệ sinh viên thời đấy, việc hè và Tết ở lại Sài Gòn đi bưng bê, phụ làm block lịch, đóng gói quà Tết… là một trong những hình thức kiếm tiền vừa lương thiện vừa… vui.

Khái niệm lao động thời vụ rõ ràng nhất là đến mùa thu hoạch cà phê, tiêu, điều ở Tây Nguyên. Khi vào vụ thì hàng ngàn người kéo đến làm cấp tập một vài tháng rồi sau đấy lại kéo đi kiếm việc khác, đợi đến sang năm. 

Có năm tiêu xuống giá, tiền thuê người hái còn đắt hơn tiền bán tiêu, nhà vườn bỏ luôn, freelancer đói, chuyển sang "đi Bình Dương" - cách của người miền Tây gọi việc đi làm trong các nhà máy công nghiệp.

Freelancer: Từ bóc lạc đến nền kinh tế số - Ảnh 2.

Ảnh: Inc Magazine

Một thị trường chính thức

Cùng với sự ra đời của các khu công nghiệp đầu tiên ở Đông Nam Bộ từ giữa những năm 1990, các cơ sở cung cấp lao động tạm thời cũng ra đời đáp ứng nhu cầu đột biến hoặc những công việc ngắn hạn (đóng gói, bốc dỡ, sắp xếp giản đơn…). 

Với sự ra đời của hàng chục ngàn công ty nhỏ và siêu nhỏ sau đó, các công việc như chấm công, tính lương, báo cáo thuế... được chuyên môn hóa thành công việc mà một người có thể đảm nhiệm cho nhiều công ty.

Thêm đó, tính cơ động và sản phẩm chuyên biệt làm thị trường freelancer cao cấp hơn: IT, kiến trúc, dịch vụ sáng tạo nội dung, nghệ sĩ ngành tạp kỹ, giải trí, marketing, nhập liệu… lần lượt xuất hiện, đặc biệt dành cho những người trẻ chán cảnh 8 tiếng/ngày ở công ty, chấm công hoặc chưa xin được việc. 

Các công ty cung ứng nhân lực chuyên nghiệp bắt đầu phổ biến từ khoảng giữa những năm 2000, và nay quy mô có thể lên tới 50.000 - 70.000 nhân sự. Một con số tham khảo nữa: mạng Vlance.vn của cộng đồng freelancer hiện có số thành viên lên đến 500.000. 

Đó là chưa kể số chuyên viên kinh doanh online, trên Facebook chẳng hạn, vốn không ai dám chắc là bao nhiêu. Tất cả tạo nên một thị trường lao động hoàn toàn mới, với nhiều điều nằm ngoài dự tính của cả người thuê lẫn người làm thuê.

Xét mặt tiêu cực, lao động hợp đồng ngắn hạn hay làm theo dự án không gắn với thu nhập ổn định trong thời gian đủ dài, không có tương lai chắc chắn cho công việc tiếp theo, và rất ít người được đảm bảo các quyền lợi bảo hiểm xã hội hay y tế. Nó cũng chưa chắc đem lại sự thoải mái về mặt thời gian như nhiều người ảo tưởng.

Một điểm tiêu cực nữa người làm freelancer cần nhìn thẳng là nếu chán làm freelancer, thì khi đi phỏng vấn, CV của họ sẽ nhận được điểm thấp khi lịch sử công việc không thể hiện được tính dài lâu và liên tục. 

Một điểm trừ nữa là tiền công của freelancer dù có cao đến đâu thì nhân viên tín dụng ngân hàng cũng không lấy đó làm căn cứ để phê duyệt hạn mức thấu chi, nói cách khác là việc vay mượn ngân hàng với người không có hợp đồng lao động dài hạn luôn khó khăn. Mà thời buổi này, không vay mượn được thì khó mà được gọi là thành đạt!

Freelancer: Từ bóc lạc đến nền kinh tế số - Ảnh 3.

Ảnh: Dropbox Blog

Thực tế và tương lai

Dù có nhìn dưới con mắt bi quan như thế thì thực tế số người làm trong thị trường lao động tự do vẫn ngày càng tăng, nhất là trong và sau đại dịch, bởi nhiều lý do: xu hướng tự do của người làm công, sự khắc nghiệt của thị trường lao động và tính thực dụng của người sử dụng lao động.

Lao động trẻ sẽ ngày càng ít trung thành với công ty - ngay cả với người trẻ ở Nhật, quan niệm làm việc suốt đời ở một công ty, vốn từng rất phổ biến, nay chỉ còn là huyền thoại. 

Một phần lý do là giáo dục, nhất là giáo dục đại học, cũng đã thay đổi, trong khi xã hội và thị trường lao động đầy những nhân vật truyền cảm hứng kiểu mới. 

Bất chấp thực tế trong mắt nhà tuyển dụng, hầu hết nhân viên mới đều phải được đào tạo lại bởi khoảng cách giữa đào tạo và thực nghề là câu chuyện vĩnh cửu ở Việt Nam. 

Với giới trẻ, nền kinh tế số, kinh tế sáng tạo, những kiểu công việc không cần phải đến sở làm, vẫn là tương lai của họ, và do đó, freelancer vẫn là xu hướng tất yếu.

Song song đó, nền kinh tế toàn cầu đứng trước viễn cảnh suy thoái ít nhất vài năm nữa, buộc doanh nghiệp phải ưu tiên cho tiết giảm chi phí, cắt giảm nhân sự và không tuyển dụng thay thế nếu không quá cần thiết. 

Nhìn vào con số sa thải của Meta hay Amazon, những đế chế số, hay hàng loạt thông báo cắt giảm nhân sự của các công ty bất động sản hàng đầu Việt Nam, có thể thấy muốn có một công việc dài hạn lúc này cũng không dễ.

Với ngành càng thời thượng thì khả năng chấm dứt hợp đồng sớm càng cao, trong bối cảnh không những bất động sản mà cả mỹ từ 4.0 cũng đang là bong bóng. 

Với những freelancer, kể cả đấy là lựa chọn của họ, muốn nhận được công việc đều đặn, họ không có cách nào ngoài phải làm tốt hơn người khác, gồm cả những người đang có công việc lâu dài. Nếu không, cái mà họ tự khai là freelancer trong CV sẽ phải chú thích thêm là "bắt buộc" thay vì lựa chọn tự thân.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận