TTCT - Tuổi Trẻ Cuối Tuần trò chuyện với George Black về những suy tư của ông với công cuộc hàn gắn hậu quả cuộc chiến. Nhà văn, nhà báo George Black. Ảnh: yale.eduTừ khi nào ông đã theo đuổi đề tài về những nỗ lực hàn gắn hậu chiến, nhất là ở VN? Điều gì khiến ông tò mò với đề tài này?- Tôi đã quan tâm tới VN từ thời chiến tranh, khi còn học cấp III ở London và tham gia biểu tình phản chiến. Lần đầu tiên tôi viết về những vấn đề liên quan tới chiến tranh là đầu những năm 1980 ở Trung Mỹ, mà nhiều người chúng tôi gọi là một "VN khác". Không thể viết về Trung Mỹ lúc bấy giờ mà không tả lại những tội ác tàn khốc nhắm vào thường dân, rồi khi những cuộc chiến qua đi, tôi đã luôn theo dõi hậu quả dài hạn cho tới ngày nay. Thực ra chiến tranh có bao giờ kết thúc đâu, và luôn có những người cần được hàn gắn vì những bất công mà họ đã phải trải qua.Một thế hệ các chính trị gia lớn của Mỹ từng trải qua chiến tranh VN chú ý nhiều hơn tới những vấn đề hậu chiến, những người như các thượng nghị sĩ John McCain, John Kerry và Patrick Leahy. Nhưng họ đang dần rút lui khỏi chính trường. Liệu điều đó có ảnh hưởng gì tới công cuộc hòa giải và hàn gắn?- Đây là một câu hỏi lớn mà nhiều người đều nghĩ tới khi thượng nghị sĩ Leahy giờ đã nghỉ hưu, ông không tham gia cuộc chiến, nhưng thuộc một thế hệ đã nỗ lực hơn ai hết để hàn gắn vết thương chiến tranh.Một điều quan trọng cần hiểu về quá trình hòa giải của Mỹ với VN là cần cả hai đảng chính trị lớn tham gia. Tổng thống [Bill] Clinton là người đã kết thúc cấm vận và khôi phục quan hệ ngoại giao, nhưng ông hẳn không thể làm vậy nếu không có thượng nghị sĩ McCain. Uy tín cựu chiến binh của ông McCain (trong mắt nhiều người Mỹ, ông là một người hùng) là rất cần thiết để bảo vệ về mặt chính trị cho Clinton trước các nghị sĩ Cộng hòa và cả Dân chủ bảo thủ vẫn muốn cô lập và trừng phạt VN lúc bấy giờ.Dù khác biệt về ý thức hệ, thượng nghị sĩ Leahy đã luôn có mối quan hệ bằng hữu gần gũi với một số nghị sĩ Cộng hòa bảo thủ, và luôn mời người cả hai đảng tham gia các đoàn tới VN cùng ông. Có một số thượng nghị sĩ Dân chủ trẻ muốn tiếp bước ông, nhưng hiện tình hình là ngày một khó tìm được những người Cộng hòa chịu hợp tác với bên Dân chủ, dù trong bất cứ chuyện gì.Ông có thể chia sẻ phần nào những cảm xúc cá nhân đầy xúc động, đã được ông nhắc tới rất nhiều trong bài báo của mình, khi ông ở VN theo dõi những nỗ lực hàn gắn chiến tranh?- Được gặp gỡ những người VN bình thường đối mặt với hệ quả trực tiếp của cuộc chiến luôn là cảm xúc đặc biệt trong mọi chuyến đi của tôi tới VN. Tôi khâm phục nghị lực, lòng độ lượng và xả thân của họ, họ sẵn lòng mời một người xa lạ vào nhà, chia sẻ những trải nghiệm gần gũi và thường rất đau đớn, mà không giận dữ hay tỏ ra cay đắng.Trong chuyến đi mới nhất, tôi đã được gặp những gia đình mất người thân yêu trong cuộc chiến và suốt nhiều năm qua vẫn tìm kiếm di hài của họ. Trong những chuyến đi khác là các gia đình ở VN, và cả ở Lào, đã phải gánh chịu hậu quả của chất độc da cam và nuôi dưỡng những người con khuyết tật. Những cuộc gặp gỡ đó luôn đầy cảm hứng với tôi, luôn dạy tôi nhiều điều về sức mạnh tiềm ẩn trong xã hội VN, nơi có lòng kính thương gia đình, tổ tiên hay cộng đồng, những điều rất giá trị với người Mỹ, nơi gia đình và cộng đồng thường bất hạnh và rã rời.Chủ đề cứu chuộc và nhìn lại có vẻ là mạch truyện chính cho cuốn sách của ông. Ông có thể giải thích thêm về điều đó? Liệu có thể có một cách tư duy và thảo luận "đúng đắn" về cuộc chiến không, khi vẫn còn quá nhiều quan điểm xung đột và chia rẽ?- Ở Mỹ, tôi nghĩ hầu hết mọi người ngày nay nhìn nhận chiến tranh VN là một sai lầm, dù chưa chắc họ nhất trí được về lý do. Vấn đề một phần bởi người Mỹ nổi tiếng muốn quên đi quá khứ và không quan tâm tới lịch sử. Nếu Mỹ hiểu biết chút gì về lịch sử VN, họ đã không bao giờ phát động cuộc chiến. Điều đó cũng có nghĩa người Mỹ thường không học được từ những sai lầm của họ - và vì thế họ lặp lại sai lầm ở những nơi như Iraq và Afghanistan.Điều khiến một người nước ngoài như tôi thấy khó hiểu nhất là người VN dễ hòa giải với Mỹ, dù cuộc chiến đã khiến hàng triệu người chết và vô số tội ác chiến tranh đã xảy ra - nhưng lại không tìm được cách hòa giải hoàn toàn trong nội bộ. Nhiều người ở miền Nam không phải là "ngụy quân" hay "phản bội". Họ cũng là người VN, chủ yếu là những người trẻ bị ép buộc đi lính, giống như lính Mỹ, và hầu hết có lẽ không hề hiểu họ đang chiến đấu cho điều gì.Khi tôi thấy những bức ảnh thi thể lính Mỹ, miền Bắc, hay miền Nam, tôi chủ yếu chỉ nhìn thấy sự giống nhau giữa họ. Tất cả đều là đứa con trai yêu dấu của một bà mẹ nào đấy. Nhiều chuyên gia người Việt và Mỹ mà tôi được trao đổi tin rằng các Việt kiều sẽ có vai trò quan trọng trong tiến trình hòa giải tương lai, khi ngày càng nhiều người trở về để tận mắt nhìn thấy VN, còn thế hệ già vốn nhiều định kiến đang dần khuất bóng. Nhưng tôi nghĩ sẽ khó mà nhanh được. ■ Cuốn sách mới của tôi, The Long Reckoning: A Story of War, Peace and Redemption in Vietnam (Cuộc phán xét dài lâu: Câu chuyện về chiến tranh, hòa bình và chuộc lỗi ở Việt Nam) sẽ được xuất bản ở Hoa Kỳ vào tháng 3.Tựa sách lấy cảm hứng từ một lá thư của Thomas Jefferson, tổng thống thứ ba của nước Mỹ. "Những hậu quả xấu xa của chiến tranh sẽ kéo dài rất lâu", Jefferson viết vào năm 1808, "và cuộc phán xét sẽ còn dài lâu suốt nhiều thời đại nữa". Đó là lời cảnh báo nước Mỹ đừng can dự vào những cuộc chiến tranh không cần thiết.Những lời đó thật ý nghĩa khi nói tới trường hợp VN. Gần nửa thế kỷ sau khi cuộc chiến kết thúc, chúng ta vẫn còn phải tính sổ những thiệt hại. Với nhiều người Mỹ, đó là hàng chục nghìn sinh mạng đã mất và nhiều cuộc đời khác bị hủy hoại vì "rối loạn hậu sang chấn" và những tác động của chất độc da cam. Với những người Mỹ khác, đó là bài học không thể nào quên về những gì tồi tệ sẽ xảy đến khi giới lãnh đạo dối trá người dân. Với người VN, tổn thất cuộc chiến gây ra tồi tệ hơn gấp vạn lần, hàng triệu sinh mạng mất đi và mức độ tàn phá là điều hầu hết người Mỹ vẫn không hiểu nổi.Bìa cuốn sách sắp in của George Black. Ảnh: AmazonTừ "phán xét" trong tựa sách thực ra có hai nghĩa. Thứ nhất, nó nói tới những đau khổ đã kéo dài nhiều năm. Nhưng nó cũng có nghĩa là những hành động đã được thực hiện để làm dịu đi những đau khổ đó, để gây dựng hòa bình và hòa giải giữa hai kẻ thù cũ. Tiến trình kiểm toán đạo đức này với cuộc chiến là chủ đề trọng tâm cho cuốn sách của tôi.Sách chia làm ba phần, bắt đầu với phần kể lại cuộc xung đột ở một khu vực rất nhỏ - các tỉnh miền Trung: Quảng Trị và Thừa Thiên Huế và vùng giáp biên giới với Lào. Tôi cố gắng giải thích lý do (về địa lý, chính trị và quân sự) dẫn tới những tàn phá ghê gớm nhất cuộc chiến gây ra ở đấy: những vụ ném bom ồ ạt, số thương vong lớn ở cả hai phía, những đợt sử dụng chất độc da cam diện rộng nhất.Hai phần kia của sách tập trung vào một nhóm người nhỏ, người Mỹ, VN và Canada, những người đã nỗ lực cùng nhau buộc Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm về những tàn phá mà họ gây ra nhưng suốt nhiều năm đã phớt lờ. Phần lớn công việc của họ cũng tập trung ở hai tỉnh nhỏ kia, nhưng tác động đã lan ra khắp VN. Hai nhân vật trung tâm của tôi là các cựu binh Mỹ trở lại chiến trường xưa. Những nhân vật khác là các phụ nữ Mỹ mà công việc của họ bắt nguồn từ một truyền thống nhân đạo thời chiến, và những nhà khoa học người Canada đã nỗ lực để hiểu được bí ẩn của chất độc da cam. Nhưng cuốn sách không phải là câu chuyện của những người nước ngoài tới ra lệnh cho người VN phải làm gì. Lịch sử VN đã quá dày những vết sẹo do các cường quốc ngoại bang gây ra vì lối hành xử như thế.Thay vì vậy, những người đó tới VN với hai câu hỏi: Các bạn cần gì, chúng tôi có thể giúp được gì, và hành động của họ luôn được dẫn đường bởi câu trả lời của các đồng sự VN, những người đã dọn sạch các vùng bom mìn chưa nổ, hay thực hiện những nghiên cứu quan trọng nhất về chất độc da cam, hoặc tiếp tục chăm sóc không biết bao nhiêu người khuyết tật vì chiến tranh hay những hệ quả của chất độc hóa học.Nếu tôi đợi một năm nữa mới viết cho xong sách thì hẳn nó đã có thêm vài chương, vì cuộc phán xét dài đấy vẫn tiếp tục, và vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Sau quá nhiều năm trì hoãn, cuối cùng Hoa Kỳ cũng đã hỗ trợ VN trong công tác lớn lao tìm kiếm những người vẫn còn mất tích trong cuộc chiến. Bản thân VN cũng phải tự nhìn nhận lại về cuộc chiến, và tôi thấy khó hiểu khi cuộc hòa giải với Mỹ đã luôn dễ dàng hơn là chữa lành vết thương và sự chia rẽ giữa chính người VN.Nhưng ngay cả khi những chương khác rồi sẽ được viết tiếp, tháng 3-2023 có vẻ vẫn là thời điểm hoàn hảo để xuất bản cuốn sách. Nó đánh dấu 50 năm ngày quân Mỹ rút hết khỏi VN, và tôi hy vọng nó sẽ giúp chúng tôi có cơ hội suy ngẫm lại sâu sắc về những hệ quả của cuộc chiến và tôn vinh những người đã nỗ lực hết mình để biến kẻ thù trở thành bằng hữu.GEORGE BLACK (C.VĂN dịch) Tags: Thời chiến tranhChiến tranh VNHàn gắn vết thươngVết thương chiến tranhCựu chiến binhGeorge BlackThượng nghị sĩChữa lành vết thương
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (THỰC HIỆN) 11/12/2024 2207 từ
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Phở đến với Làng Nủ: Ăn tô phở, bà con thấy ấm áp HỒNG QUANG 12/12/2024 'Ăn tô phở, bà con thấy ấm áp lắm. Ấm cả hương vị và cả tấm lòng vì được sẻ chia', bà Trần Hoài Thu - trưởng khu dân cư thôn Làng Nủ - nói.
Khán giả xếp hàng từ đêm mua vé xem đội tuyển Việt Nam đấu Indonesia HOÀNG TÙNG 12/12/2024 Sáng 12-12, hàng trăm khán giả đã sớm có mặt trước cổng sân Việt Trì, Phú Thọ chờ mua vé xem đội tuyển Việt Nam gặp Indonesia và Myanmar.
Bộ Quốc phòng phản hồi kiến nghị xử lý việc lợi dụng xăm hình trốn nghĩa vụ quân sự THÀNH CHUNG 12/12/2024 Bộ Quốc phòng đã có trả lời kiến nghị của cử tri TP.HCM về biện pháp xử lý nghiêm việc lợi dụng xăm hình để trốn nghĩa vụ quân sự.
Điều ông Trump muốn khi áp thuế cao NGHI VŨ 12/12/2024 Chính sách thuế quan của ông Donald Trump đang cho thấy hiệu quả trong việc nâng cao vị thế đàm phán của Mỹ, dù gây tranh cãi.