TTCT - Số du học sinh đến Úc tăng kỷ lục đang bị cho là nguyên nhân khiến giá thuê nhà leo thang. Học sinh - sinh viên quốc tế có thật sự là "thủ phạm", hay đúng ra phải là "nạn nhân" trong chuyện này? Xếp hàng bên ngoài một căn hộ cho thuê đang mở cửa để khách đến xem ở Surry Hills (Úc). Ảnh: NCA NewsWire/Nicholas Eagar Úc vừa quyết định giới hạn số lượng du học sinh được phép đăng ký đến học ở mức 270.000 người trong năm 2025. Đây là bước đi nối tiếp hàng loạt động thái bắt đầu vào cuối năm 2023, từ hạn chế visa đến tăng phí visa, nhằm kết thúc giai đoạn ưu đãi chính sách cho sinh viên quốc tế và lao động nước ngoài đến Úc.Bộ trưởng Giáo dục Úc Jason Clare cho biết số lượng du học sinh tại các trường đại học đang nhiều hơn khoảng 10% so với thời điểm trước COVID-19. Tại các cơ sở dạy nghề tư nhân, số lượng du học sinh cũng tăng khoảng 50% so với trước đại dịch. Nhập cư ròng ở mức cao kỷ lục - trong vòng một năm tính tới tháng 9-2023 đã là 548.800 người, tăng 60% so với cùng kỳ.Thật ra, chính nước Úc đã chủ động gia tăng số lượng nhập cư hằng năm từ năm 2022 để giúp các trường đại học và doanh nghiệp bù đắp lượng thiếu hụt du học sinh và người lao động nước ngoài không thể đến Úc vì COVID-19 trong hai năm trước đó.Tuy nhiên, làn sóng di cư kỷ lục sau khi mở cửa, đặc biệt là số lượng du học sinh từ Ấn Độ, Trung Quốc và Philippines tăng vọt, giúp tăng nguồn cung lao động song cũng tạo áp lực lớn cho các vấn đề xã hội, nhất là làm trầm trọng thêm sự đắt đỏ của thị trường nhà ở, theo Reuters ngày 27-8.Nạn nhân chứ không phải thủ phạmTại Sydney, thành phố lớn nhất Úc, giá thuê nhà tăng 9% trong năm qua; mức tăng ở Perth là hơn 13%. Không chỉ giá thuê, giá bán nhà cũng tăng. Theo dự đoán hồi tháng 6 của trang web bất động sản Domain, giá nhà trung bình ở Sydney dự báo sẽ tăng tới 8% trong 12 tháng, lên cột mốc mới 1,76 triệu AUD.Nhưng có phải số lượng sinh viên quốc tế đã khiến giá thuê nhà leo thang ở Úc? Một nghiên cứu của nhóm chuyên gia tại Đại học Nam Úc vừa công bố đã phân tích trải nghiệm của hơn 1.300 sinh viên quốc tế đang học tại 27 cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng ở bang Nam Úc. Sinh viên trong khảo sát đến từ 142 quốc gia và khu vực, trong đó 38% từ châu Á, kế đến là châu Âu và châu Phi.Nhóm nghiên cứu nhận thấy khoảng 25,5% sinh viên đang sống ở khu trung tâm thành phố Adelaide - thủ phủ bang Nam Úc, còn lại sống ở vùng ven thành phố hoặc những khu vực lân cận. Nhà ở sinh viên (student accommodation) là loại hình lưu trú phổ biến nhất với sinh viên trong khảo sát, chiếm 20,7%. Loại hình nhà ở sinh viên cũng gần giống với các ký túc xá đại học, nhưng tiện nghi hơn và giá thuê cao hơn.Phổ biến tiếp theo là loại hình sống trong nhà chung với nhiều người khác nhưng có phòng ngủ riêng, chiếm 19,6%. Loại hình ngủ chung phòng được ưa chuộng thứ ba với 13,2% sinh viên quốc tế đang lựa chọn. Chưa tới 1% du học sinh được hỏi đang sống một mình. Và cũng chỉ có 2,5% sinh viên đang sống ở nhà thuộc sở hữu của mình hoặc các thành viên gia đình.Một phòng cho sinh viên thuê ở Úc. Ảnh: ABC NewsViết trên The Conversation, hai tiến sĩ Hannah Soong và Guanglun Michael Mu (Đại học Nam Úc) - hai tác giả chính của nghiên cứu nói trên - lập luận các hình thức nhà ở sinh viên, ở chung nhà hay ở chung phòng chắc chắn không phải lựa chọn thuê nhà ưu tiên của người dân địa phương. Nói cách khác, chỉ có sinh viên là nhóm ưa chuộng các loại hình nhà ở này. Vì thế, khó mà nói rằng sinh viên đang tác động đến thị trường nhà ở đô thị nói chung ra sao.Trong khảo sát, các sinh viên nói tìm được chỗ ở phù hợp là một trong ba thách thức lớn nhất của họ khi đến học tại bang Nam Úc vì thiếu lịch sử thuê nhà, thiếu nguồn thu nhập ổn định. Ví dụ, một sinh viên ngành công tác xã hội từ Trung Quốc đang tìm chỗ ở mới cảm thấy vô vọng sau khi đã gửi đến 40 đơn đăng ký nhưng không nhận được phản hồi nào."Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sinh viên quốc tế ở Nam Úc đang gặp khó khăn, tốn kém và căng thẳng trong việc đảm bảo một nơi ở trong thời gian học tập. Điều này cho thấy họ đang gặp phải vấn đề khủng hoảng nhà ở tại Úc. Nhưng không có nghĩa họ là người gây ra vấn đề" - Soong và Mu viết.Cần thêm hỗ trợ thay vì "vu oan"Không chỉ có nhóm nghiên cứu từ Đại học Nam Úc "bênh vực" sinh viên quốc tế. Hội đồng chỗ ở sinh viên thuộc Hội đồng bất động sản (Úc) cho rằng du học sinh "bị đổ lỗi một cách không công bằng" cho cuộc khủng hoảng tiền thuê nhà ở Úc. Theo bà Torie Brown - giám đốc điều hành hội đồng, việc đổ lỗi cho du học sinh "ít nhất cũng là không công bằng và gây tổn hại nặng nề nhất đến danh tiếng thân thiện của đất nước chúng ta".Báo cáo tháng 4-2024 của hội đồng chỉ ra sự gia tăng số lượng hộ gia đình nhỏ và người độc thân, làn sóng di cư trong tiểu bang và việc biến phòng ngủ thứ hai thành văn phòng tại gia đã ảnh hưởng đến nguồn cung và khả năng chi trả tiền thuê nhà ở Úc. Bên cạnh đó, giá mua bán nhà tăng mạnh khiến số lượng người sở hữu nhà ít hơn, đồng nghĩa người thuê nhà gia tăng, cũng thúc đẩy giá tiền thuê nhà leo thang.Ở chiều ngược lại, nguồn cung nhà cho thuê ở Úc lại đang ít đi do chi phí xây dựng ngày càng tăng và thiếu hụt nhân công, hạn chế về quy hoạch, cơ sở hạ tầng đô thị không đầy đủ… Các quy trình phê duyệt nhập nhằng của chính quyền cũng góp phần kéo dài thời gian phát triển bất động sản cho thuê, dẫn đến việc hoàn thành bị chậm trễ.Theo trang tin giáo dục The Pie News, báo cáo của Hội đồng bất động sản nhằm phá vỡ "những quan niệm sai lầm" rằng sinh viên quốc tế khiến nhu cầu và chi phí thuê nhà tăng cao. Một phân tích sắc bén trong báo cáo chỉ ra giá thuê nhà tại Úc bắt đầu tăng vào năm 2020 khi không có du học sinh với tiền thuê nhà trung bình hằng tuần tăng 30% trong giai đoạn 2019-2023. Trong cùng thời gian, số thị thực sinh viên đến Úc cũng giảm thêm 13%.Theo ABC News, một số sinh viên quốc tế đã phải ở tạm trong những chiếc lều trong phòng khách thế này với giá 300 đôla Úc/tuần vì không kham nổi giá thuê đắt đỏ.Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy chỉ có 13 trong số 556 khu vực chính quyền địa phương (LGA) tại Úc có tỉ lệ sinh viên quốc tế thuê nhà vượt quá 10% tổng số người thuê nhà. 73% LGA có tỉ lệ sinh viên quốc tế dưới 1%. Xét tổng thể, sinh viên quốc tế chỉ chiếm 4% thị trường cho thuê nhà ở Úc.Do đó, sinh viên quốc tế không đáng bị đổ lỗi, ngược lại, đang cần hỗ trợ - để tìm nhà cho thuê phù hợp. Bà Brown ước tính mạng lưới nhà ở sinh viên cả nước sẽ cần bổ sung đến 66.000 giường vào năm 2026 để duy trì được tỉ lệ hợp lý số sinh viên sống trong mạng lưới nhà ở sinh viên và thị trường tư nhân. Tuy nhiên trên thực tế, đến năm 2026, Úc chỉ có thêm được 7.700 giường mới.Theo The Pie News, bằng cách tăng nguồn cung nhà ở sinh viên, Úc sẽ có thể duy trì cân bằng được cả hai mục tiêu hưởng lợi từ số lượng sinh viên ngày càng tăng và giảm áp lực lên nhu cầu thuê nhà. Vì suy cho cùng dù có tranh luận về chuyện này đến đâu cũng không thể phủ nhận những gì sinh viên quốc tế mang lại cho Úc. Đến nay, giáo dục quốc tế vẫn là một trong những ngành xuất khẩu lớn nhất của Úc và mang lại giá trị 36,4 tỉ AUD cho nền kinh tế trong năm tài chính 2022-2023.Trong khi đó, với nghiên cứu của mình, Hannah Soong và Guanglun Michael Mu cho rằng không nên quên Úc đang thiếu lao động trong lĩnh vực xây dựng và kỹ sư dân dụng cần thiết để phát triển thị trường bất động sản. Sinh viên quốc tế có thể cung cấp nguồn lực lao động giải quyết vấn đề này. "Vì vậy, sinh viên quốc tế có thể là một phần của giải pháp cho tình trạng thiếu nhà ở thay vì bị đổ lỗi nhầm là nguyên nhân" - nhóm nghiên cứu viết. Đình Khang - cựu sinh viên Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - sẽ bắt đầu năm học mới này tại Đại học La Trobe (Úc), ngành kỹ thuật. Khang ưu tiên ở ký túc xá hoặc các cơ sở nhà ở sinh viên có liên kết với trường, giúp dễ làm quen với môi trường mới sau đó sẽ tính đến chuyện ra riêng.Trang web của các trường đại học của Úc thường có đủ thông tin về chỗ ở cho sinh viên. Chẳng hạn trên trang của Đại học La Trobe, Khang và các sinh viên sẽ thấy được chỗ ở theo vị trí của từng cơ sở (campus). Ở mỗi cơ sở, sinh viên được giới thiệu chỗ ở của trường, từ phòng trong ký túc xá, nhà đất đến cả nhà ở dạng biệt thự cho nhóm sinh viên. Trường cũng giới thiệu thêm những nhà ở sinh viên uy tín mà trường có liên kết.Sinh viên có thể đăng ký và hoàn tất thủ tục ngay trên website. Khang đã chọn phòng trong ký túc xá với giá 240 AUD/tuần, khoảng 4 triệu đồng Việt Nam. Mức giá này tương đối phải chăng. Các ký túc xá tư nhân, homestay hay nhà riêng có thể lấy giá trên 500 AUD/tuần đến 700 AUD/tuần."Cá nhân mình thấy việc thuê chỗ ở khi du học Úc rất nhanh gọn. Cũng giống như ở TP.HCM, nếu có nhiều tiền thì có thể ở nơi tốt hơn, tiện nghi hơn, gần trường hơn. Nhưng thuê nhà ở bất cứ đâu cũng phải tìm hiểu kỹ về pháp lý hợp đồng, các loại phí tăng thêm ngoài phí thuê nhà để tránh trường hợp bị mất tiền oan" - Khang nói. Tags: Giáo dục úcSinh viên quốc tếGiá thuê nhàDu học sinhThị trường nhà ở
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Ai đứng sau Công ty nghệ sĩ Quyền Linh? BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Công ty TNHH nghệ sĩ Quyền Linh do bà Nguyễn Thị Vân Anh sinh năm 1986, thường trú tại quận 7, TP.HCM làm chủ sở hữu.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.
Lần đầu lộ diện, con gái tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 600 tỉ mua cổ phiếu Masan BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Đăng ký mua 10 triệu cổ phần, song bà Nguyễn Yến Linh - con gái chủ tịch Tập đoàn Masan - chỉ mua được gần 8,5 triệu do "không đạt được thỏa thuận".