Giá trị của đồng tiền?

BẢO LINH 17/03/2016 22:03 GMT+7

TTCT - “Trong một xứ sở nghèo đói như của chúng ta, giữa đám người yếu hèn thất bại, vô học, để có một cuộc đời mà con xứng đáng có, để không bị đè bẹp gí, để có thể ngẩng cao đầu, con phải giàu có”.Orhan Pamuk (Istanbul)

Minh họa: Diệu Bình
Minh họa: Diệu Bình

 

Năm 18 tuổi, trong lúc bè bạn đồng trang lứa phân vân chọn trường, chọn ngành, tôi đã hiểu rất rõ mình muốn gì.

Thế nào là đam mê?

Cha tôi khi ấy là một ông giáo già mỗi tháng đều phải trăn trở với đồng lương công chức, đã nhẹ nhàng khuyên nhủ, đại ý nếu con muốn có một cuộc đời rõ ràng và nhiều cơ hội khá giả, con nên theo học ngoại thương hoặc ngân hàng, nói chung là chuyên ngành kinh tế.

Ngày đó, trong một giai đoạn nhiệt huyết kiểu 17-18 tuổi, tôi mạnh dạn quyết định trong thâm tâm rằng sống mà không đam mê thì tiền bạc cũng chẳng còn ý nghĩa.

Tôi, bấy giờ, coi nhẹ những ngành học có tính thời thượng, thường là những ngành dính líu đến tiền bạc (ấy là tôi nghĩ vậy). Mặc định thế, tôi âm thầm giấu cha, chỉ nộp bộ hồ sơ đại học duy nhất vào một chuyên ngành khoa học nhân văn.

Thời đó, tôi mạnh mẽ tin tưởng rằng nếu mình học bằng đam mê, bằng tất cả khả năng thì mình sẽ có cơ hội trở thành người giỏi nhất trong số những sinh viên cùng lĩnh vực. Nếu đã là người giỏi, hẳn không thể nghèo được (mà nói chung, ai lại đem đam mê ra so sánh với tiền bạc!).

Ngày biết tôi xong xuôi hồ sơ, chuyện đã rồi, cha thở dài. Tôi nhớ hoài lời cha lần đó: “Con nên nhớ, người theo đuổi đam mê lúc nào cũng phải mạnh mẽ hơn bình thường. Huống hồ đam mê trở thành chuyên gia trong khoa học thì lúc nào còn theo đuổi, lúc đó con còn trăn trở.

Vả lại, nó sẽ rất xa cách với đời sống thực tế, nhất là trong xã hội hiện nay. Đến khi con lớn lên, con sẽ hiểu cha hơn và hiểu tầm quan trọng của tiền bạc. Cha chỉ lo lúc ấy con hiểu vấn đề rồi, con sẽ rất cô đơn”.

Đam mê song hành cùng tiền bạc?

Kết thúc bốn năm đại học, nối nghiệp cha, tôi trở thành nhà giáo, một người làm công tác nghiên cứu với đồng lương công chức chạm mức cơ bản. Lúc này, khi ước mơ mấy năm về trước được hiện thực hóa thì cũng là lúc tôi dần thấm thía lời cha.

Nghe có vẻ trớ trêu, nhưng đứng trước những đòi hỏi của đời sống, khi bắt đầu sắm vai một người trưởng thành với tất cả nghĩa vụ, trách nhiệm, mong muốn và các quan hệ xã hội thì vấn đề tài chính trở nên phức tạp hẳn.

Chỉ việc không phải xin hỗ trợ tiền bạc từ gia đình đã là một nỗ lực mỗi tháng của tôi và nhiều anh chị đồng nghiệp, huống gì phụ giúp ngược lại gia đình. Với mức thu nhập cơ bản trong đời sống thành thị khi hàng loạt thứ cần chi dùng nảy sinh hằng ngày thì việc duy trì cuộc sống đó và duy trì cái gọi là đam mê, là tri thức bỗng trở thành một hành trình mòn mỏi.

Mỗi khi thấy bạn bè đồng trang lứa làm việc trong những lĩnh vực kinh tế - xã hội giàu tính ứng dụng hơn, người đã mua nhà, mua căn hộ, người giúp đỡ cha mẹ, gia đình; đơn giản hơn, người đã chi dùng ở tầng bậc cao cấp với điều kiện sống tốt hơn chứ chưa nói đến xa xỉ, cảm giác mệt mỏi thực tại đến chạnh lòng.

Tiền bạc không thể so sánh với các giá trị tinh thần, nhưng rõ ràng nó có cách để giải phóng một số ràng buộc rất lớn đe dọa sự bí bách của đời sống và cũng là sự bí bách của tinh thần.

Dĩ nhiên tôi biết không ngành nào mà không phải vất vả trong việc tạo ra thu nhập và bất cứ công việc nào cũng đòi hỏi một mức độ hi sinh, một mức độ cố gắng nào đó để trở thành chuyên gia, để đạt được thu nhập tốt. Nhưng tôi cũng biết là trong xã hội hiện nay có những lĩnh vực và những loại công việc mà hạn mức thu nhập của nó đang rất thấp, hoặc người ta phải đánh đổi nhiều hơn bình thường: thời gian, công sức hay một số kỹ xảo.

Tôi có hai lựa chọn: hoặc học bổ túc thêm những văn bằng, chứng chỉ thực tế hơn như thương mại, thư ký, truyền thông, ngoại ngữ... bên cạnh mớ kiến thức khoa học của mình và chuyển hẳn sang các công ty, các tổ chức kinh doanh sinh lời hoặc có khả năng trả lương tốt như đa số bạn bè đại học. Còn không, với ngành giáo dục hiện tại, tôi nên tìm kiếm những cơ hội dạy thêm, dạy kèm, luyện thi, ôn thi..., nói chung là “tích cực cày” bên ngoài, cũng để gia tăng thu nhập.

Tôi vẫn còn lựa chọn thứ ba như một số đồng nghiệp: không chuyển ngành, không dạy thêm dạy bớt mà chuyên tâm công tác nghiên cứu, giảng dạy chính quy và lặng lẽ với mức lương căn bản. Con đường khoa học chông gai đã đành, cô đơn đã đành, nhưng giá mà đừng chạnh lòng đến thế.

Nhiều người nói tôi vẫn còn lựa chọn thứ tư: chủ trương kết hôn với một người có thu nhập khá, đủ khả năng nuôi đam mê của tôi và cả gia đình. Đó lại là một vấn đề khác.

Tuy nhiên dù lựa chọn một, hai, ba hay cả tư, nó cũng phải góp phần sáng tỏ một vấn đề cốt lõi: bất cứ người trưởng thành nào trong xã hội hôm nay cũng phải đối diện với các vấn đề về tài chính. Các vấn đề ấy quyết định hàng đầu đến chất lượng sống, khả năng lao động, đời sống tinh thần, đời sống thể chất của một cá nhân và cả những người xung quanh họ. Còn ngoài ra, chuyện đời sống công chức hay đồng lương ngành giáo dục ở mức đáng chạnh lòng hẳn xã hội đã bàn nhiều và bàn đến mòn mỏi.

Sự chi phối của đồng tiền

Ngày nay, làm giàu trở thành một loại đạo đức, giàu có trở thành một loại phẩm chất và tư duy làm giàu trở thành một kỹ năng sống vô cùng quan trọng. Sự chuyển dịch hệ giá trị đã kéo theo những mâu thuẫn trong tư duy xã hội. Quá lâu rồi ta ngại nhắc tới tiền bạc, nay được nhắc, tức thì nó lan tràn khắp chốn khắp nơi.

Chúng ta cần tiền như một phương tiện trao đổi vật chất, kể cả vật chất trừu tượng như giáo dục, dịch vụ, y tế, văn hóa... đến vật chất thực tế như thực phẩm, đồ tiêu dùng...

Các loại vật chất đó thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu của con người nhằm duy trì đời sống, nâng cao tinh thần lẫn thể chất. Bởi thế trong đời sống kinh tế thị trường như hiện nay, khi giá trị các loại vật chất có sự phân cấp rõ rệt bằng mệnh giá tiền mà chúng đại diện, tất yếu chúng sẽ tạo ra khoảng cách xã hội và các ý niệm về chất lượng, lối sống, đẳng cấp.

Như vậy nếu không đủ tiền để chi dùng, chúng ta có thể phải chọn lấy những sản phẩm thứ cấp, những loại dịch vụ kém hiệu quả hơn, thời gian chờ đợi kéo dài, hao tổn công sức hơn.

Trong xã hội Việt Nam hiện nay, hàng hóa kém chất lượng, không nguồn gốc xuất xứ kiểm định vẫn tràn lan khắp nơi và tất cả loại hình dịch vụ từ y tế, giáo dục, du lịch, văn hóa... đều gia tăng liên tục về giá cả để nâng cao chất lượng. Chúng ta sẽ đứng trước bao nhiêu nguy cơ và thiệt thòi về sức khỏe, tư duy, tinh thần nếu chúng ta yếu thế về tiền bạc?

Đó mới là vấn đề về nhu cầu và chất lượng sống, các phương diện căn bản của tính người. Ngoài ra, khi các phương tiện truyền thông phát triển kéo theo những kênh quảng cáo và các hình thức xây dựng hình tượng đa dạng, bóng bẩy và phức tạp, chúng ta càng không thể thoát khỏi sự định hình của vật chất.

Đi xe này thì sang trọng, tới chỗ nọ là đẳng cấp, dùng điện thoại kia mới tinh tế, mua món đồ đó thì thẩm mỹ, chất lượng vượt trội... Các hình thức tiếp thị bán hàng với mức độ phủ sóng và khả năng tuyên truyền mạnh mẽ đã xây dựng cái gọi là chuẩn giá trị vật chất của con người.

Các ngành thương mại, dịch vụ sẽ không ngừng thúc đẩy chuẩn giá trị đó tăng cao khi sáng tạo nên những sản phẩm vật chất mới, khai phá nhu cầu vô biên của con người và không ngừng gia tăng lợi nhuận. Con người ít nhiều đều cuộn xoáy trong hệ thống thông tin vật chất ngồn ngộn ấy và người trẻ là trường hợp tất yếu hơn nữa, khi vốn là đối tượng giàu tham vọng và ưa chuộng cái mới.

Cho nên việc chúng ta ngày càng bị ảnh hưởng trong trường vật chất là hiện tượng hiển nhiên. Ngày trước, trong xã hội châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, ý niệm về đồng tiền thường bị xem nhẹ. Hình tượng người quân tử hay con người vô sản coi trọng đạo nghĩa, khí chất, lao động sẽ tách biệt với của cải, tư hữu hay sâu xa hơn là sự giàu có, khá giả.

Hiện nay, với sự du nhập của làn sóng văn hóa phương Tây và cả những ảnh hưởng vô hình, hữu hình của đời sống kinh tế thị trường, các khái niệm như: làm giàu, kinh doanh, tư duy khởi nghiệp, đẳng cấp, chất lượng... mới bắt đầu xuất hiện. Sự chênh lệch giữa hai tầng ý thức hệ đã gây nên những mâu thuẫn, giằng xé nhất định trong tư tưởng xã hội.

Một mặt, ta âu lo về hiện tượng tôn sùng vật chất trong người Việt. Mặt khác, ta khao khát một cuộc sống khá giả, sung túc; ta áp lực với những thúc bách thường ngày của vật chất, của hàng hóa, của tiền bạc, dù thừa nhận hay không thừa nhận.

Trong khi ngoài kia những khóa học về năng lực kinh doanh, phương pháp đổi đời, những cuốn sách self-help dạy ta tư duy làm giàu, kỹ năng bán hàng, những người trẻ luôn ưu tư về cơ hội xin việc, tiềm năng tài chính, những bậc cha mẹ mong con thành tài thoát khổ, những món hàng đẳng cấp vẫn sôi sục liên tục, những mong mỏi về các loại “hôn nhân hỗ trợ kinh tế” vẫn là chiếc bình oxy bơm đầy hi vọng sống.

Tư duy về chân giá trị

Đam mê mà không sinh ra lợi nhuận thì đam mê có ích gì? Bạn tôi xót xa bảo thế. Nhưng rốt cuộc tôi nghĩ bất cứ đam mê nào nếu ta biết cách phát triển và tìm ra phương án thích hợp để thực hiện, hay để kinh doanh thì nó sẽ tạo ra thu nhập tốt. Dĩ nhiên vẫn có những vấn đề thuộc về cơ chế cần giải quyết và có những đam mê không cần sinh lời, chỉ cần cho đi (với điều kiện ta đã có một nguồn lực nào đó khác đảm bảo cuộc sống).

Vậy vấn đề là gì? Không hẳn là tiền bạc quan trọng như thế nào, không hẳn là đam mê sẽ nghèo túng, không hẳn con người ngày nay sẽ tha hóa vì tôn sùng vật chất.

Mà thật ra, bất cứ ai, từ người quản lý đến người tiêu dùng, từ người tạo ra cơ chế đến người thực hiện cơ chế, điều quan trọng nhất là một tư duy minh bạch về cách vận hành, về tầm quan trọng của tiền bạc, của giá trị vật chất và đời sống kinh tế thị trường; cũng như một sự hiểu biết thấu đáo, văn minh về tiền bạc: không tránh né, không e ngại và cũng không mù quáng.

Nhận thức tỉnh táo về tiền bạc trong đời sống thực tế sẽ đến thông qua các kênh giáo dục và cần được thực hiện hệ thống, lâu dài. Có như vậy những mâu thuẫn hay bất cập về cơ chế liên quan đến tiền bạc, đồng thời liên quan sâu sắc đến văn hóa, đời sống, tinh thần của con người, mới có thể phần nào giải tỏa. Cha mẹ Do Thái đã dạy con về giá trị đồng tiền từ thuở đứa trẻ mới chập chững, cha mẹ Việt Nam thì sao?■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận